Bài kinh: Phật Độ Bảy Mươi Bà La Môn

Thuở xưa, sau núi Kỳ-xà-quật có hơn bảy mươi gia đình Bà-la-môn đủ phước duyên đáng độ. Đức Phật đến làng đó hiển bày thần thông để giáo hóa. Dân làng trông thấy hào quang rực rỡ của Phật ai cũng sinh lòng kính phục. Đức Phật ngồi dưới một cội cây, hỏi các Phạm Chí:
- Các ông ở trong núi này được bao nhiêu đời rồi? Làm nghề nghiệp gì để sống?
Họ đáp rằng:
- Chúng tôi ở đây đã hơn ba mươi đời, lấy việc canh tác, chăn nuôi làm nghề sinh sống.
Phật lại hỏi:
- Các ông tu hạnh gì để cầu thoát ly sinh tử?
Họ đáp rằng:
- Chúng tôi thờ mặt trời, mặt trăng, lửa, nước, tùy thời tế tự. Nếu có người chết thì người trong làng lớn nhỏ tụ họp lại cầu nguyện cho thần hồn được sinh lên cõi trời Phạm Thiên, thoát ly sinh tử.
Đức Phật nói với các Bà-la-môn:
- Làm ruộng, chăn nuôi, tế tự mặt trời, mặt trăng, lửa, nước, cầu nguyện sinh thiên không phải là pháp trường tồn xa lìa sinh tử. Phước lớn nhất không nơi nào hơn cõi Trời thứ hai mươi tám mà nếu không có trí tuệ tu đạo vẫn bị đọa vào ba ác đạo. Chỉ có xuất gia tu phạm hạnh thanh tịnh, thân đạt tịch diệt mới được Niết-bàn.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Chân thật cho tà ngụy
Tà ngụy nghĩ là chân
Đó chính là tà kiến
Không được lợi chân thật.
Chân thật biết là chân
Tà ngụy rõ là ngụy
Đây gọi là chính kiến
Quyết được lợi chân thật.
Thế gian ai cũng chết
Ba cõi vốn không an
Chư thiên tuy vui sướng
Phước hết, mạng không còn.
Hãy quán sát thế gian
Đã sinh thì phải tử
Muốn thoát ly sinh tử
Nên thực hành đạo chân.

Bảy mươi vị Bà-la-môn nghe Phật giảng xong, hoan hỉ tỏ ngộ, xin xuất gia làm Sa-môn.
Đức Phật bảo:
- Lành thay! Hãy lại đây các Tỳ-kheo.
Các vị ấy râu tóc liền tự rụng, thành tướng Tỳ-kheo, Phật cùng với các vị ấy trở về tinh xá. Đi được nửa đường, các vị tân Tỳ-kheo bỗng nhớ vợ con, muốn trở về nhà. Lại nữa, lúc đó trời trở cơn mưa, càng thêm buồn thảm. Đức Phật biết ý, liền hóa ra vài mươi căn nhà bên đường, rồi cùng chúng Tỳ-kheo vào trú mưa. Lúc ấy, mái nhà bị dột, nước mưa theo đó chảy vào. Nhân đây, đức Phật nói kệ:

Như mái nhà vụng lợp
Nước mưa rơi lọt vào
Ý lơi lỏng không tu
Tham dục liền xen khởi.
Như mái nhà khéo lợp
Nước mưa không lọt vào
Ý miên mật siêng tu
Tham dục không xen khởi.

Bảy mươi vị Tỳ-kheo nghe Phật nói kệ xong, cố gắng, tự sách tấn, nhưng lòng vẫn còn âm thầm lưu luyến. Mưa dứt, mọi người lại lên đường. Đi một đoạn, đức Phật gặp một tờ giấy cũ bèn bảo các Tỳ-kheo lượm lên, rồi hỏi:
- Đây là giấy gì?
Các Tỳ-kheo đáp:
- Thưa đức Thế Tôn! Đó là giấy gói hương, nay tuy đã quăng bỏ song mùi thơm vẫn còn..
Đi thêm một đoạn nữa, gặp một sợi dây, Phật cũng bảo các Tỳ-kheo nhặt lấy. Phật lại hỏi rằng:
- Đây là dây gì?
Các Tỳ-kheo đáp:
- Bạch đức Thế Tôn! Sợi dây này tanh hôi, chính là dây xâu cá.
Đức Phật bèn dạy:
- Mọi vật bản chất vốn thanh tịnh, song do nhân duyên mà có tội phước khác nhau. Thân cận người hiền minh thì đạo đức cao cả, kết giao với kẻ ngu ám thì tội ác đến bên. Ví như tờ giấy và sợi dây kia, gần hương thì thơm, gần cá thì tanh, gần gũi dần dần huân tập trở thành bản tính mà không tự biết.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:

Kẻ xấu ô nhiễm người
Như gần vật hôi dơ
Mê dần, quen nết xấu
Thành ác mà chẳng hay.
Hiền nhân ảnh hưởng người
Như gần vật xông hương
Trí tăng, quen tính thiện
Thành hạnh lành sạch thơm.

Bảy mươi vị Tỳ-kheo một lần nữa được nghe Phật nói kệ khai thị, biết rõ dục là rừng nhơ bẩn, vợ con nào khác gông xiềng, đều phát khởi lòng tin kiên cố. Về đến tinh xá, mọi người nhiếp ý tu hành, chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán.

-
aa
+
649 lượt xem
11/11/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ