Kinh Phật Dạy Ông Trưởng Giả Đau Khổ

Thuở xưa, đức Phật trú tại tinh xá nước Xá-vệ, thuyết pháp cho hàng trời người long thần. Lúc ấy, trong nước có một vị đại trưởng giả giàu có vô số, sinh được một người con trai tuổi chừng mười hai, mười ba. Hai vợ chồng lần lượt qua đời, cậu con nhỏ bơ vơ, không biết làm ăn quản lý gia nghiệp. Cho nên, mới vài năm mà cậu ta đã hoang phí tiền của khiến tan gia bại sản đến đỗi phải đi ăn xin.
Cha cậu có một người bạn thân cũng là trưởng giả giàu có. Một hôm, ông trông thấy cậu ta mới hỏi nguyên do. Được biết hoàn cảnh cậu như vậy, ông xót thương đem cậu về bảo bọc, gả con gái cất nhà riêng cho ở và cho nô tỳ xe ngựa tiền của vô số để làm ăn. Song cậu ta tính lười biếng, không biết tính toán làm ăn, cứ ngồi không ăn xài phung phí, chẳng bao lâu lại lâm vào cảnh đói nghèo. Trưởng giả vì thương con gái, cho của cải làm vốn một lần nữa, song anh ta cũng lại như trước, rốt cuộc bị phá sản, nghèo khổ.
Thấy mấy lần giúp đỡ, mà anh ta vẫn ăn xài hoang phí, trưởng giả nghĩ rằng anh ta không thể làm ăn nên người được, chi bằng bắt con gái lại đem gả cho người khác. Ông đem chuyện này ra cùng thân tộc bàn bạc. Không ngờ người con gái nghe trộm được trở về mách với chồng rằng:
- Nhà tôi đông đảo, có thế lực nay muốn bắt tôi lại vì anh không biết làm ăn. Anh tính như thế nào đây?
Chồng nghe vợ nói vậy, hổ thẹn tự nghĩ:
- Đây chính là do ta bạc phước, sống không có người che chở đùm bọc, không học được cách làm ăn sinh sống. Nay ta sắp mất vợ rồi sẽ đi ăn xin như cũ. Tình ân ái sâu nặng, nay phải xa nhau làm sao chịu nổi. Nghĩ tới nghĩ lui mãi, cuối cùng anh khởi ác niệm: “Ta đưa vợ vào phòng rồi cả hai cùng chết một chỗ!”
Nghĩ xong, anh đưa vợ vào phòng đâm vợ chết rồi quay lại tự sát. Nô tỳ hay được hoảng kinh chạy đi báo trưởng giả. Ông và cả nhà vội chạy sang thì thấy việc đã như thế, chỉ còn biết thu lượm thi hài lo tẩm niệm chôn cất. Cả nhà đang lúc đau buồn nhớ con khôn nguôi, bỗng nghe nói có Phật đang tại thế thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, ai được gặp Ngài đều hoan hỉ, dứt hết sầu lo. Ông trưởng giả bèn dẫn cả nhà đến chỗ Phật, làm lễ rồi ngồi qua một bên. Đức Phật hỏi:
- Ông từ đâu đến? Có chuyện gì không vui mà sắc mặt ưu sầu?
Trưởng giả bạch rằng:
- Nhà con vô phước, trước đây gả một người con gái. Chẳng may gặp đứa ngu phu không biết làm ăn. Vì vậy, con định bắt con về, không ngờ nó lại giết vợ rồi tự sát. Con lo đám chôn cất cho chúng nó xong, trên đường về ghé thăm đức Thế Tôn.
Đức Phật bảo trưởng giả:
- Tham dục, sân hận là bệnh thường trên thế gian, ngu si vô trí là cửa của họa, hoạn. Năm đường trong ba cõi do đây mà đọa lạc, sinh tử triền miên trải vô lượng kiếp, chịu khổ biết bao. Người thường còn không biết ăn năn hối cải, huống chi là kẻ ngu làm sao biết được! Cái độc của tham dục giết mình, giết thân tộc, hại lây đến chúng sinh đâu phải chỉ có riêng vợ chồng.
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại nói kệ:

Ngu do tham trói buộc
Không cầu qua bờ giác
Hại mình hại luôn người
Do tham tài tạo tác.
Tâm ái dục như ruộng
Dâm nộ si là giống
Người xả bỏ giải thoát
Được phước thật vô lượng.
Giặc tham dục hại mạng
Như nhà buôn nhiều hàng
Giữa đường hiểm ít bạn
Nên người trí không tham.

Bấy giờ, trưởng giả nghe Phật nói kệ tâm sinh hoan hỉ, không còn đau buồn khổ não, ngay trước thân tộc và thính chúng, phá mười hai ức kiếp nghiệp ác, đắc quả Tu-đà-hoàn.

(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Tư, Phẩm Dụ Ái Dục Thứ 35, Thí dụ 64, tr.296-299, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)

-
aa
+
534 lượt xem
11/11/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.