Thuở xưa, đức Phật trú tại nước Xá-vệ. Trong nước có một Tỳ-kheo lớn tuổi tên là Bàn-đặc. Ông là người mới xuất gia, tính tình ám độn. Đức Phật sai năm trăm vị A-la-hán hằng ngày dạy ông, thế mà trong ba năm ông vẫn học không xong một bài kệ! Mọi người trong nước ai cũng biết ông ngu muội. Đức Phật thương xót, bèn gọi ông lại dạy cho một bài kệ:
Giữ miệng, thu nhiếp ý
Thân không phạm lỗi chi
Ai làm được như vậy
Sinh tử chẳng còn gì.
Bàn-đặc cảm Phật từ ân, tâm hoan hỉ khai sáng, tụng thuộc bài kệ này.
Đức Phật bảo:
- Ông tuổi đã lớn mới thuộc được một bài kệ thông thường ai cũng biết, đây chẳng có gì là kỳ đặc. Ta nay sẽ giảng giải cho ông nghe nghĩa lý của bài kệ này, hãy nhất tâm lắng nghe.
Bàn-đặc vâng lời nhất tâm nghe giảng. Đức Phật vì ông mà nói nguyên nhân mà ba nghiệp thân khẩu ý tạo tác, thân có ba, miệng có bốn, ý có ba. Và khuyên ông hãy quán chiếu những nghiệp này, sinh khởi như thế nào, chấm dứt ra sao, chúng sinh trôi lăn không ngừng trong ngũ thú tam giới, do nó mà sinh thiên, do nó mà đọa lạc, lại cũng nhờ nó mà đắc đạo quả, chứng Niết-bàn. Đức Phật vì Bàn-đặc giảng nói vô lượng diệu pháp.
Bàn-đặc nghe giảng hoát nhiên tâm trí khai ngộ, liền chứng quả A-la-hán.
Lúc ấy, có năm trăm vị Tỳ-kheo Ni ở tinh xá riêng. Đức Phật mỗi ngày cử một vị Tỳ-kheo đến đó giảng kinh thuyết pháp. Hôm sau là đến phiên Bàn-đặc sang bên Ni thuyết pháp. Ni chúng biết tin đều cười nhạo, khinh miệt nói với nhau:
- Ngày mai, hễ ông Bàn-đặc đến, chị em mình nói đón trước bài kệ đó cho ông ta nghe, khiến ông hổ thẹn ngậm miệng không nói được.
Hôm sau, Bàn-đặc đến chỗ các Tỳ-kheo Ni. Các cô lớn nhỏ đều ra làm lễ, rồi ngó nhau cười khúc khích. Các cô mời Bàn-đặc ngồi rồi dọn thức ăn ra cúng dường. Thọ trai rửa tay xong, các cô lại thỉnh ông thuyết pháp. Bàn-đặc lên tòa cao, hạ mình khiêm tốn nói:
- Tôi là kẻ đức bạc tài sơ, chưa xứng làm bậc Sa-môn. Tính tình lại vốn ám độn, không học hành chi nhiều, chỉ biết một bài kệ và hiểu sơ ý nghĩa của nó, nay sẽ vì các vị giải nói, xin hãy nhất tâm lắng nghe.
Các Tỳ-kheo Ni trẻ tuổi định nói đón trước bài kệ đó mà không sao mở miệng được. Tất cả đều kinh sợ tự trách, cúi đầu ăn năn.
Bàn-đặc liền như Phật đã dạy, giảng giải cặn kẽ từng chút về ba nghiệp thân khẩu ý gây tạo tội phước ra sao, những pháp sinh thiên, đắc đạo quả, ngưng thần, trừ vọng tưởng, nhập chính định.
Các Tỳ-kheo Ni nghe lời giảng dạy vô cùng kinh ngạc, hoan hỉ nhất tâm lắng nghe, chứng được quả A-la-hán.
Hôm sau, vua Ba-tư-nặc thỉnh đức Phật và chư Tăng vào cung cúng dường. Đức Phật muốn hiển bày oai thần của Bàn-đặc nên giao bình bát cho ông cầm đi sau hết. Người gác cổng biết mặt Bàn-đặc là người ngu tối nên chẳng cho vào, khinh thường bảo:
- Ông là Sa-môn mà một bài kệ còn học không xong, nhận lời thỉnh vào cung làm gì? Tôi là người đời còn thuộc kinh kệ, huống chi ông là Sa-môn lại không có trí tuệ. Cúng dường cho ông thật vô ích. Thôi ông không cần vào cửa!
Lúc đó, Bàn-đặc đứng bên ngoài cửa cung. Đức Phật ngồi trong cung, rửa chân tay xong, Bàn-đặc liền cầm bát duỗi tay dài ra, đưa vào tận trong cung cho đức Phật. Vua và quần thần, phu nhân, thái tử chúng hội thấy có cánh tay thật dài mà không thấy người đâu nên kinh ngạc hỏi Phật:
- Bạch đức Thế Tôn, đây là cánh tay của ai?
Đức Phật đáp:
- Đây là cánh tay của Tỳ-kheo Bàn-đặc, gần đây ông ấy đã đắc đạo. Ta lúc nãy giao cho ông ấy cầm bình bát, song người gác cửa cung lại chẳng cho vào, nên ông ấy phải duỗi tay dài ra trao bát cho Ta.
Vua nghe vậy, liền cho người mời Bàn-đặc vào. Lúc đó, Bàn-đặc uy nghi rạng rỡ, thần thái khác thường. Vua liền bạch với Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Con nghe đồn Tỳ-kheo Bàn-đặc tâm tính ngu ám, mới biết được một bài kệ, vậy do duyên gì mà đắc đạo?
Đức Phật nói với vua:
- Học không cần phải nhiều, chủ yếu là phải thực hành, những gì đã học. Bàn-đặc hiểu nghĩa một bài kệ, thâm nhập nghĩa lý, thân khẩu ý vắng lặng thanh tịnh như vàng ròng cõi trời. Người học nhiều mà lại không hiểu nghĩa, không thực hành, chỉ uổng tâm nhọc trí nào có ích gì?
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:
Tuy tụng nghìn câu kệ
Ý nghĩa không chân chính
Chẳng bằng một yếu nghĩa
Nghe rồi diệt được ác.
Tuy tụng được nghìn lời
Vô nghĩa có ích gì?
Chẳng bằng hiểu một nghĩa
Nghe thực hành được độ.
Tuy tụng kinh được nhiều
Không hiểu nghĩa ích gì
Hiểu được một Pháp Cú
Hành theo đắc được đạo.
Đức Phật nói kệ xong, ba trăm vị Tỳ-kheo đắc quả A-la-hán. Vua và quần thần, phu nhân, thái tử không ai là không hoan hỉ y giáo phụng hành.
(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Hai, Phẩm Thuật Thiên Thứ 18, Thí dụ 35, tr.159-164, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.