Thuở xưa, có một nước tên là Đa-ma-la. Cách kinh thành bảy dặm có một ngôi tinh xá. Đây là nơi tu học hành đạo của năm trăm vị Sa-môn. Trong đó, có một vị trưởng lão Tỳ-kheo tên là Ma-ha-lư, tâm tính ám độn, được năm trăm vị Tỳ-kheo dạy bảo, vậy mà suốt mấy năm liền vẫn không nhớ được một bài kệ. Trong chúng ai cũng khinh khi, không thèm ở chung. Do vậy, vị trưởng lão Tỳ-kheo ấy chỉ coi giữ tinh xá, được sai bảo quét dọn trong ngoài.
Một hôm, nhà vua cung thỉnh các thầy Tỳ-kheo vào cung cúng dường. Tỳ-kheo Ma-ha-lư tự nghĩ rằng: "Ta sinh ra ngu độn, một bài kệ cũng không biết bị người khinh khi, vậy sống có ích gì?"
Nghĩ xong, ông mang dây ra gốc cây sau vườn định treo cổ tự tử. Đức Phật với đạo nhãn ở xa thấy việc như vậy, bèn hóa ra vị thần cây, hiện nửa thân người mà can ngăn:
- Này Tỳ-kheo kia, sao lại làm thế?
Ma-ha-lư liền trình bày nỗi khổ tâm của mình.
Thọ thần quở trách:
- Ông không nên làm như vậy, hãy nghe lời ta.
Thuở đức Phật Ca-diếp tại thế, ông là vị Tam tạng Pháp sư có năm trăm đệ tử. Song do vì ỷ mình thông minh, khinh chê kẻ khác, lại lẩn tiếc kinh nghĩa không chịu dạy bảo cho người, nên về sau đời đời sinh ra chỗ nào các căn cũng đều ám độn. Vì vậy, ông chỉ nên tự trách mình, mà không nên tự sát.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền hiện lại thân tướng quang minh, hào quang tỏa chiếu, rồi nói kệ rằng:
Người biết quí thân mình
Cẩn thận luôn giữ gìn
Mong giải trừ các dục
Học đạo chẳng mê tình.
Thân người tối tôn quí
Nên là bậc có trí
Thường gắng tự tiến tu
Và siêng hành pháp thí.
Tu trước phải sửa mình
Sau mới độ chúng sinh
Điều thân, thâm nhập tuệ
Vượt hơn kẻ phàm tình.
Mình còn chưa lợi ích
Đâu hay lợi ích người
Tâm thuần, hạnh ngay thẳng
Nguyện thành tựu mười mươi.
Nếu trước ta gây tạo
Sẽ chịu quả về sau
Làm ác biết tự cải
Như kim cương sáng ngời.
Tỳ-kheo Ma-ha-lư thấy hào quang của Phật, vui buồn lẫn lộn, xen lẫn sợ sệt vội cúi mình làm lễ dưới chân Phật. Ông tư duy nghĩa lý bài kệ này rồi thoạt nhiên nhập định, chứng quả A-la-hán ngay trước Phật. Ông liền biết được mọi việc trong vô số kiếp quá khứ của mình, ba tạng kinh điển nhớ lại nằm lòng.
Đức Phật lại bảo:
- Này Ma-ha-lư, ông hãy đắp y mang bát vào cung vua thọ trai, ngồi trên năm trăm vị Tỳ-kheo. Năm trăm vị này vốn là đệ tử ông đời trước. Sau đó, ông thuyết pháp cho họ được chứng đạo quả và khiến nhà vua tin hiểu được tội phước.
Ma-ha-lư liền vâng lời Phật dạy, đi thẳng vào cung, ngồi ở tòa trên. Mọi người ai cũng bực mình, lấy làm lạ trước việc như thế. Song vì họ chưa biết ý vua như thế nào, nên không dám khiển trách. Họ chỉ nghĩ ông này thật ngu tối bất thông, sao kham nổi việc thuyết pháp. Thọ trai xong, vua dọn dẹp thức ăn xuống, tự tay rót nước mời chư Tỳ-kheo.
Lúc ấy, Ma-ha-lư liền vì đại chúng thuyết pháp, thanh âm hùng dũng như sấm, lời lẽ thanh tao tuôn chảy như mưa. Các Tỳ-kheo nghe qua giật mình kinh sợ, hối hận vì đã nghĩ sai về ông. Các Tỳ-kheo nhân đó đều chứng quả A-la-hán. Nhà vua và bá quan được nghe giảng giải giáo pháp một cách rõ ràng, ai cũng chứng quả Tu-đà-hoàn.
(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Ba, Phẩm Ái Thân Thứ 22, Thí dụ 44, tr.200-204, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)
Bình luận (1)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Nguyễn Thị Mai