Kinh Phật Dạy Vui Tột Ở Thế Gian Chẳng Bằng Vui Niết Bàn

Thuở xưa, đức Phật trú tại tinh xá nước Xá-vệ. Lúc ấy, có bốn vị tân học Tỳ-kheo đưa nhau đến dưới một gốc cây nại để tọa thiền hành đạo. Cây nại đang mùa hoa nở, sắc hoa tươi đẹp, hương hoa nồng nàn. Nhân xúc cảnh sinh tình bốn vị Tỳ-kheo mới bàn nhau:
- Vạn vật trên đời, điều gì khả ái, hoan lạc hơn cả.
Một người nói:
- Vào tháng trọng xuân, cỏ cây xanh tốt, hoa tươi khoe sắc, nếu được dạo chơi đây đó thật là điều vui nhất.
Người thứ hai nói:
- Bà con hội họp, chén tác chén thù, tai được nghe âm nhạc, mắt thưởng thức múa ca, đó mới là vui nhất.
Người thứ ba nói:
- Tiền của có thật nhiều, cần gì có nấy. Xe ngựa quần áo, đồ trang sức thật lộng lẫy hơn hẳn mọi người. Ra vào sang trọng khiến mọi người phải trố mắt nhìn. Đó mới thật là vui nhất.
Người thứ tư nói:
- Vợ đẹp hầu non với lụa là gấm vóc, son phấn ngát hương khiến ta có thể mặc tình vui chơi. Đây mới là vui nhất.
Đức Phật biết bốn vị Tỳ-kheo này có thể độ được, chẳng qua do thất niệm để tâm ý giong ruổi theo lục dục mà không xét đến lẽ vô thường. Ngài bèn gọi bốn vị đó lại hỏi:
- Các ông ngồi dưới cội cây đang luận bàn chuyện gì?
Bốn vị ấy thành thật kể lại hết những điều đã bàn luận về thú vui.
Đức Phật bảo:
- Những điều các ông bàn luận toàn là con đường đưa đến lo sợ, oán thù, bại vong, không phải là pháp mãi mãi an ổn, tuyệt đối an vui. Các ông phải nên xét vạn vật xuân thì tươi tốt, sang thu đông lại tàn tạ. Bà con sum vầy vui vẻ rồi phải chịu cảnh chia ly. Tài sản xe ngựa là của chung năm nhà. Thê thiếp xinh đẹp là đầu mối yêu ghét. Kẻ phàm phu ở đời cứ luôn chuốc lấy tai họa nguy thân diệt tộc, nên lo sợ dẫy đầy. Ba đường tám nạn, muôn mối khổ đau đều do đây mà ra. Vì vậy, bậc Tỳ-kheo xả tục cầu đạo chí hướng vô vi không ham danh lợi sẽ tự nhiên đạt đến Niết-bàn. Đây mới chính là chỗ tuyệt đối, là an vui.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:

Tham vui sinh ra lo
Tham vui sinh ra sợ
Nếu không có tham vui
Đâu còn lo và sợ.
Tham hưởng lạc sinh lo
Tham hưởng lạc sinh sợ
Nếu không tham hưởng lạc
Đâu còn lo và sợ.
Tham dục sinh ra lo
Tham dục sinh ra sợ
Giải thoát không tham dục
Đâu còn lo và sợ.
Người ngăn được không tham
Chí thành biết tàm quý
Tu hành gần với đạo
Được mọi người kính yêu.
Tham dục không phát khởi
Nghĩ đúng rồi mới nói
Tâm không còn tham ái
Vượt thoát vòng sinh tử

Đức Phật bảo bốn vị Tỳ-kheo:
- Thuở xưa, có một vị vua tên là Phổ An. Ông kết bạn với bốn ông vua lân cận. Một hôm, ông mời bốn ông vua bạn sang dự yến tiệc suốt một tháng, với đủ các món ăn uống ngon lạ, các trò giải trí vui vẻ không gì bằng. Đến ngày chia tay, vua Phổ An mới hỏi bốn ông vua bạn:
- Người ta sống trên đời cái gì là vui nhất?
Một ông đáp:
- Dạo chơi là vui nhất.
Ông thứ hai nói:
- Thân thuộc hội họp, đàn ca xướng hát là vui nhất.
Ông thứ ba nói:
- Của cải thật nhiều, muốn gì thỏa nấy là vui nhất.
Ông cuối cùng nói:
- Ái dục được mặc tình thỏa mãn là điều vui nhất.
Vua Phổ An bảo:
- Những điều các ông nói là gốc của khổ não, là nguồn của lo sợ, trước vui sau khổ. Sầu bi muôn mối đều do đây mà ra. Chi bằng tịch tĩnh, vô cầu vô dục, đạm bạc thủ đạo là an vui nhất.
Bốn ông vua nghe xong vui mừng tin hiểu hết lời tán thán.
Đức Phật bảo bốn vị Tỳ-kheo:
- Vua Phổ An thuở đó chính là ta ngày nay, còn bốn vị vua bạn là bốn người các ông. Thuở xưa, ta đã vì các ông giảng rõ mà nay vẫn chưa thông hiểu. Sinh tử mênh mang biết ngày nào mới chấm dứt?
Bốn vị Tỳ-kheo một lần nữa được nghe pháp nghĩa này, hổ thẹn ăn năn, tâm chợt khai ngộ, vọng tưởng chấm dứt, tham dục không còn chứng quả A-la-hán.

(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Ba, Phẩm Hiếu Hỉ Thứ 26, Thí dụ 50, tr.224-229, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)

-
aa
+
427 lượt xem
11/11/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.