Bài kinh: Một Tỳ Kheo Sắp Đoạn Âm

Thuở xưa, đức Phật trú tại tịnh xá Kỳ Hoàn nước Xá-Vệ, vì tứ chúng trời người thuyết pháp. Lúc ấy, có một vị Tỳ-kheo tuổi trẻ, tính tình khờ dại chất trực, chưa hiểu được yếu nghĩa của đạo. Vị ấy vì tình ý mạnh mẽ tâm luôn nghĩ đến dục, không tự kiềm chế được, nên luôn bị lửa dục thiêu đốt, phiền não nhiễu loạn không thoát ra được.
Vị ấy liền ngồi suy nghĩ: “Lòng dâm dục của ta là do cái nam căn này. Vì nó làm nhiễu loạn sự tu tập của ta. Nếu ta chặt đứt nam căn này đi, thì mới có thể tu hành thanh tịnh đắc đạo được”. Nghĩ như vậy rồi, vị ấy liền đi đến nhà người đàn việt mượn một con dao rồi về phòng đóng cửa, cởi đồ, ngồi lên tấm ván quyết định chặt đứt nam căn. Ông cho rằng: “Chính cái này khiến ta đau khổ. Trải qua sinh tử biết bao số kiếp, trôi lăn trong tam đồ lục đạo đều do nữ sắc. Nếu không chặt nó đi làm sao đắc đạo?”
Đức Phật biết Tỳ-kheo này vì ngu si nên mới suy nghĩ và hành động như vậy. Lẽ thật, tu đạo là phải chế phục tâm, tâm là nguồn gốc.
Không biết quán chiếu sự vô thường mà tự hủy hoại thân thể như vậy chỉ gây thêm tội đọa, mãi chịu đau khổ!
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền bước vào phòng vị ấy, hỏi rằng:
- Ông định làm gì đấy?
Vị Tỳ-kheo liền buông dao, đứng dậy mặc y áo, cung kính rồi thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Con học đạo đã lâu mà chưa hiểu được pháp môn tu tập. Mỗi khi tọa thiền, tâm con sắp vào định, nam căn nó lại khởi dậy, khiến lửa lòng lừng lẫy, dục niệm ngăn che, tâm trí mê mờ, con không còn phân biệt gì được nữa. Con hết sức tự trách, nghĩ rằng việc này đều do nam căn đòi hỏi, nên mượn con dao định chặt đứt nó đi.
Đức Phật nghe xong liền bảo:
- Ông thật ngu si không hiểu đạo lý? Người muốn cầu đạo trước phải hiểu lý tu đạo rồi sau mới điều phục tâm. Tâm là nguồn gốc của thiện ác. Muốn dứt trừ tận gốc rễ ái dục phải chế phục tâm. Tâm an định, ý sáng suốt mới đắc đạo được.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:

Học đạo trước trừ gốc
Bắt vua, ly khai quan
Kẻ tùy tùng tan rã
Là đạo nhân bậc thượng.

Đức Phật lại nói:
- Trong mười hai nhân duyên, si mê đứng đầu. Si mê là nguồn của các tội, trí tuệ là gốc của các hạnh, vì vậy, trước phải dứt trừ si mê, sau đó tâm ý mới an định.
Nghe đức Phật dạy xong, vị Tỳ-kheo ấy hổ thẹn tự trách:
- Ta vì ngu si mê hoặc, trước giờ không hiểu rõ lời Phật dạy nên mới có suy nghĩ và hành động sai lầm như vậy. Nay được nghe đức Phật chỉ dạy, tâm ta đã sáng tỏ, thật là vi diệu lắm thay!
Nhờ đó, vị ấy thiền quán theo dõi hơi thở, kiểm soát nội tâm, hàng phục tình ý, dứt hết dục vọng, vào được chính định chứng quả A-la-hán ngay trước Phật.

(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Nhất, Phẩm Giáo Học Thứ 2, Thí dụ 8, tr.46-49, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)

-
aa
+



Xem nghi thức đầy đủ



Xem nghi thức đầy đủ


644 lượt xem
11/11/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.