"Xích cổ" con rể - "kề cổ" con dâu

Trong cuộc sống hôn nhân gia đình ngày nay, vấn đề giữa bố mẹ chồng và con dâu hay bố mẹ vợ và con rể luôn là chuyện đáng được quan tâm. Hôn nhân có hạnh phúc hay không khi dâu – rể xảy ra xích mích mà có sự can gián của hai bên gia đình. Vậy phải làm thế nào, có quá khó để biến con dâu trở thành con gái và con rể trở thành con trai của những ông bố bà mẹ được hay không?
Câu hỏi từ nick Thảo Nguyên
“Cháu lấy chồng được hai năm rồi nhưng thời gian gần đây, vợ chồng cháu rất hay xô xát. Cháu rất quan tâm việc của nhà chồng. Nhưng trong khi đó, chồng cháu rất là hờ hững. Anh ấy chỉ sang chơi rồi qua loa, nhiều lần làm mẹ vợ phiền lòng. Còn bên bố mẹ anh ấy thì anh ấy rất săn đón. Chồng cháu luôn nghe theo bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng nói gì cũng hùa theo, làm cháu rất tủi thân.”
Cô Yến trả lời:
Chỗ này thì những người làm bố mẹ vợ phải học nhé. Bạn này có chồng nhưng mà chồng thì chỉ nghe bố mẹ mình thôi và không đối xử ra gì đối với bố mẹ vợ; sang chơi chỉ là hững hờ, không quan tâm gì đến việc của nhà bố mẹ vợ. Nhưng mà xét cho cùng thì bạn này là người có quan tâm đến cha mẹ. Đúng không?
Xét ra việc thực tế là bạn ấy có quan tâm đến cha mẹ, chứ có phải bạn ấy không quan tâm đâu. Lỗi này mình phải xét lại cha mẹ vợ một chút. Các bạn thấy có đúng không?
Thứ nhất là anh con rể sang bên nhà bố mẹ vợ chơi không thấy được thoải mái như ở nhà mình, không thấy mình được đối xử thân thiết như con trong nhà. Đúng không? Đầu tiên, bố mẹ vợ đừng có sự ngăn cách đối với con rể nữa. Có việc thì thường gọi con rể đến để bàn bạc. Con rể có năng đến không? Có quý không? Đây lại cơm sẵn ra rồi, xong gọi ăn thì không được.
Đầu tiên, bố mẹ vợ phải gọi con rể: “Con ơi! Hôm nào mà rảnh thì con gọi điện đi rồi bố con ta ăn cơm". Nó phải vui như thế, tức là phải hòa vào trong một gia đình. Bố mẹ vợ phải cho con rể là con trai mình: “Hôm nay, bố mẹ có việc này, con sang con cho ý kiến,” thì tự nhiên người ta có thấy người ta có trách nhiệm không? Được đóng góp ý kiến thì con người ta sẽ cống hiến và có trách nhiệm. Con rể tự nhiên biến thành con trai. Đúng không? Tại vì bố mẹ vợ coi con rể là khách. Cho nên, nó cứ khách thôi, sang đến giờ thì ăn, ăn xong thì đi về, thế thì chán lắm chứ. Đúng không? Nhưng sang mà có chuyện gì đấy. Bố mẹ có chuyện này, chuyện kia “Ngày kia, ngày kìa là dỗ cụ ở quê đấy. Con xem thế nào, bố trí thế nào? Mày có đi được không?" “Hay mày lai bố đi với.” Tự nhiên như thế có phải vui không? “Con không được nghỉ đâu” “Không được nghỉ thì sắp xếp trước đi, bây giờ đèo bố đi.” Có phải vui không? Đại chúng?
Cho nên hãy coi con rể là con trai mình. Đừng coi con rể là khách. Hãy cho con rể bước chân vào gia đình nhà mình thành một thành viên chính thức. Đúng không? “Việc bố mẹ xây nhà đấy xem thế nào, thế nào mày lo cho bố đội thợ đi.” Đúng không? “Đi tìm cho bố đội thợ” Anh này tìm đội thợ thì đương nhiên anh ấy phải có trách nhiệm rồi. Thế là quàng vào cổ anh ấy rồi. Thế là anh ấy phải lo. Anh ấy phải chạy sang suốt ngày, xem thợ như thế nào chứ. Đúng không? Vừa đỡ việc mà lại vừa được tấm lòng. Kia thì cứ xây nhà xong mời nó sang ở thôi, thì nó mãi mãi là khách. Đúng không? Bấy giờ, nhà xây xong rồi thì bảo: “Công lao của anh chăm sóc đấy. Bây giờ, anh xây nên cái nhà là anh phải biết bảo tồn.” Đúng không? Đằng nào chẳng cho chúng nó ở mà. “Bây giờ, anh xây nên nhà rồi anh phải tự bảo dưỡng nó đấy. Nhà này là anh xây đấy chứ, có phải là tôi xây hết đâu.” Đúng không?
Tức là mình phải khéo léo, làm sao đó cho con trai mình và con rể mình được như nhau. Công kia việc nọ trong gia đình, con rể được bàn bạc. Cái gì cũng gọi sang bàn, bảo là: “Hôm nay sang đây bố bàn chút việc. Hôm nay, con bận rồi. Thế thì cố đấy nhé. Chỉ việc mấy ngày nữa rồi mai sang.” Tự nhiên con rể sẽ có trách nhiệm là nó phải thu xếp công việc để nó sang bàn việc với mình. Đại chúng có thấy đúng không? Con rể sẽ sang chơi mà nó chả hững hờ. Mà nó còn năng nổ hơn đấy chứ. Đấy là cách mà bố mẹ vợ phải biết học, phải biết cách ứng xử để biến con rể thành con trai.
Và bố mẹ chồng cũng phải biến con dâu thành con gái. Đúng không? Biến con dâu thành con gái. Yến có chị này. Chị ấy thấy cô con dâu này mới về mà cả nấu ăn cũng không biết, đi chợ, mua đồ thắp hương cũng không biết. Chị ấy rất bực mình và rất hay chửi. Chửi mắng như thế thì đứa con lại ngại tiếp xúc. Đương nhiên, nó phải về nó nói với chồng nó. Nó nói với chồng nó, thế là tạo ra mâu thuẫn. Một bên là vợ, một bên là mẹ. Có phải khổ con trai mình không? Rất là khổ con trai mình, không biết đối xử thế nào. Về sau, Yến cũng chơi với chị ấy. Yến cũng khuyên chị ấy nhiều. Chị ấy cũng chuyển hóa được rất nhiều. Về sau, con dâu chị ấy như con gái. Bảo: Bây giờ chị phải làm, chị phải bảo là: “Con ơi, sắp đến ngày giỗ rồi. Bây giờ, nhà mình cần việc này, việc này... Mẹ lên kế hoạch cho con lần này. Lần sau, con lên mẹ thông báo. Đấy lịch ngày giỗ đấy. Việc này là con lo, con tự sắp xếp việc trước.” Có phải tự nhiên nó thay vị trí của mình không? Tức là con dâu sẽ thay vị trí của mẹ chồng, lo cho gia đình nhà chồng, tổ tiên của nhà chồng. Đúng không? Tại vì mình cứ sai nó như con rối thì nó không sắp xếp được công việc. Cho nên, nó bị thụ động. Mà bị thụ động thì người ta làm không được vuông tròn. Đúng không? “Mày đi ra, mày mua cho tao năm quả cam” thì nó chạy lật đật ra mua năm quả cam. Tí về lại: "Mày đi ra, mày mua cho tao..." một cái gì đó thì nó lại chạy lật đật ra. Thế là khó. Nhưng mà khi con dâu mình như con gái thì mình phải biết sắp xếp công việc. “Con ơi, nhà mình nửa tháng nữa là có giỗ vào ngày đấy đấy. Bây giờ, ngày giỗ đấy thì mẹ dạy con. Con ở nhà ngoại chưa biết. Về đây, mẹ dạy con theo phong tục nhà mình. Giỗ là nhà mình cúng chay; bày hoa quả, nhà mình thường bày trước một hôm. Hoa quả thì mẹ thường mua những quả thế này. Lần này con đi chợ, con sắp hoa quả đi. Nấu cơm thì gồm những món này.” Có phải hai mẹ con rủ rỉ với nhau không? Chả phải chửi mà lại rất thân. Đúng không?
Thế nên phải học cách biến con dâu thành con gái mình, biến con rể thành con trai mình. Vì bây giờ mình rất là ít con. Đại chúng thấy đúng không? Ít con lắm. Hồi xưa, các cụ như chị em tầm tuổi Yến, nhà ít cũng được bốn, năm chị em. Nhưng bây giờ, nhà chỉ có hai đứa con thôi. Mà hai đứa con chỉ có được bốn người. Mà bốn người này mà lại không biết bảo nhau thì làm sao mà vui? Đúng không? Phải làm sao đó, phải biến được con dâu thành con gái, con rể thành con trai thì gia đình mới đầm ấm được. Yến chia sẻ với tất cả những người mà sắp sửa làm cha mẹ chồng, cha mẹ vợ hoặc đã làm rồi. Chúng ta chia sẻ với nhau, chúng ta có thể học hỏi và chia sẻ với nhau nhé. Mình có thể chuyển hóa con mình.
Câu hỏi Nick Nguyên Thảo:
“Cháu muốn hỏi cô một chút ạ! Chồng cháu là một người chính kiến không rõ ràng. Nhiều khi chồng ở giữa mà cư xử không khéo giữa vợ và bố mẹ chồng, khiến bố mẹ chồng luôn cho rằng cháu là người ích kỷ. Vậy cháu muốn hỏi cô cách cư xử của chồng nên thế nào để không mất lòng bố mẹ chồng dành cho vợ và vợ cũng không cảm thấy khó chịu khi chồng lúc nào cũng về phe bố mẹ chồng, dù nhiều việc bố mẹ chồng không đúng. Chỉ vì như thế mà vợ chồng cháu rất hay xích mích.”
Cô Yến trả lời:
Đầu tiên, bạn phải bỏ ý định là bố mẹ chồng một phe, mình một phe đi. Nếu cứ có ý định bố mẹ chồng một phe, mình một phe thì đương nhiên là phải lúc nào cũng sẵn sàng ra chiến tuyến. Đúng không? Con dâu mà lại cứ nghĩ rằng: Bố mẹ chồng mình một phe, mình một phe thì cô con dâu này tất nhiên là không thể xử sự tốt đẹp được. Tại vì đã suy nghĩ như thế ngay từ trong đầu rồi. Đừng nghĩ nó là hai chiến tuyến thì mới được.
Yến chia sẻ bằng một kinh nghiệm thực tế của Yến. Khi trước, Yến lấy chồng. Yến trẻ hơn chồng quá nhiều. Cho nên đương nhiên chồng phải quý mình. Nhưng mà Yến ở trong đầu có suy nghĩ và Yến cũng nói với chồng Yến luôn: “Bố mẹ phải đúng ra bố mẹ. Anh chị em thì bố mẹ không đẻ được thêm nữa. Cho nên là vợ có thể bỏ, anh chị em không thể bỏ.” Yêu và lấy chồng, Yến đã có suy nghĩ như thế ngay từ đầu là: “Bố mẹ anh không thể sinh thêm một người anh em nào nữa. Cho nên dù thế nào phải nhường nhịn để cho anh em được hòa hợp với nhau, chứ không được bỏ anh em.” Đầu tiên quy định, Yến đã quy định như thế rồi. Và cái thứ hai là vợ anh có thể bỏ. Vì đấy là thực tế. Anh em thì không thể bỏ được đâu ạ. Đại chúng thấy đúng không? Anh em là không bao giờ người ta bỏ được nhau. Nhưng vợ thì bỏ được đấy. Tại vì sống nhiều quá vợ nó cũ rồi, nó chán rồi phải muốn bỏ. Bên kia, anh em kích vào, thế là bỏ dễ thôi.
Cho nên, Yến biết cái này ngay từ đầu nên Yến rất tỉnh táo là anh em không thể bỏ được. Cho nên khi Yến về làm dâu thì ngay lúc đầu tiên khi Yến về nhà người yêu ra mắt đã bị ác cảm của các cụ ở quê rồi. Bởi vì, các cụ nói ngay rằng: "Nó là người thành phố." Hồi đấy thì còn trẻ đẹp mà. “Như thế này là không làm ăn được gì đâu. Đã bảo lấy vợ ở quê rồi, đi ra đấy là không làm ăn được cái gì đâu,” bị ác cảm ngay từ quê rồi. Chính vì thế cho nên bao nhiêu những việc mà có thể anh em ruột ở bên nhà chồng có thể nói vào. Nhưng về đến chỗ mình thì nó cũng đều được giải tỏa hết. Là bởi mình nghĩ rằng: Khi mỗi sự việc mình phân tích phải trái, thế này là đúng, thế này là sai. Nhưng cái này chúng ta không được chấp, cái này chúng ta không được nói, ém nhẹm đi thì tự mình sống như thế thì chồng mình tự sẽ cảm cái Đức của mình. Và nghĩ rằng trên đời, không ai có thể như mình được để mà thay. Đại chúng thấy đúng không? Đối xử như thế thì không ai có thể thay vị trí của mình được. Cho nên, chồng mình không thể đi với ai được và không ai có thể thay chỗ của mình được. Bởi vì, mình ứng xử là mình biết cho đi và đừng đòi hỏi với anh chị em cũng nên cho đi. Không cần phải tranh giành và đòi nhận lại thì mình sẽ được hạnh phúc.
Bởi vì một là của cải thì phải đau cái đầu, hai là cho đi thì được thoải mái cái đầu. Đúng không? Còn mình làm mình ăn. Mình đừng nghĩ rằng phải tranh giành thì mình không đau khổ. Mình làm được, mình ăn được. Nhưng còn sự đau khổ trong tâm này, nó sẽ hạn chế tất cả việc làm ăn. Đại chúng thấy đúng không? Vì hai vợ chồng đã xích mích, xích mích cả với bố mẹ, rồi tâm hồn chẳng nghĩ ra được cái gì nó thoáng hơn. Chẳng thể nào làm ăn được, nó băng bó chỗ nọ, nó băng bó chỗ kia. Rất là khổ. Đúng không?
Ở chỗ này, cháu phải nên xem lại mình trước. Đối với các cụ đã già, mình không nên phân biệt cho các cụ đâu là đúng, đâu là sai. Mà đối xử với bố mẹ chồng là việc nào nên làm và việc nào mình không nên làm. Chứ không được cân đo với bố mẹ là “Đấy bố nói cái đấy là sai, mẹ nói cái kia là sai” thì chúng ta không phải là con rồi. Đại chúng thấy đúng không? Tại vì bố mẹ nào cũng mang tài sản của mình, mang của cải của mình cống hiến cho con. Nếu gặp phải bố mẹ mà chỉ biết xin của con thì mình cứ chân thành: “Cái này bố mẹ xin con thì con hứa là con có được là con cho ngay.” Nhưng mà mình phải cho một ít đã. Tại vì, mình khó thì mình cho một ít. Từ đó, chồng mình cũng thấy điều kiện kinh tế như thế mà.
Yến nói rộng ra để cho bạn này áp dụng. Hai vợ chồng lương chỉ được 10 triệu thôi thì hôm nay đi mua thức ăn về chẳng hạn. Nếu mà bố mẹ chồng xin thì về bảo chồng: “Thôi, hôm nay chúng ta ăn kém kém đi một chút để chỗ tiền này còn cho bố mẹ.” Thì chồng có yêu thương không? Các bạn nam? Có yêu thương vợ ngay. Đúng không? Bởi vì bố mẹ là cần. Nhà nội nhà mình sắp có giỗ rồi. “Tháng này vợ chồng mình tiêu tằn tiện đi một chút, ăn uống kém đi một chút, mặc kém đi một chút, chơi kém đi một chút. Bởi vì, nhà nội sắp có giỗ”. Thế thì chồng nào mà chả yêu vợ. Đại chúng thấy đúng không? Nhưng mà vợ cứ đòi hỏi đúng sai với bố mẹ chồng, xong lại không phục vụ mình, bố mẹ chồng không cho rồi lại không trông con thì làm sao mà chẳng thành áp lực. Đòi hỏi nhiều quá, không chịu cho đi thì không có hạnh phúc được. Cho nên, bạn phải xem lại mình. Những điều gì bố mẹ mình nói không đúng thì mình phải về bảo với chồng là “Thôi, các cụ nói thì mình phải biết nghe. Không đúng có sao đâu. Mình là con mà.” Đây là Yến làm những sự việc có thật đấy.
Mẹ chồng Yến thì ở quê ra chơi. Bà ngồi nói chuyện với Yến. Hai mẹ con ngồi nói chuyện, còn chồng thì ngồi ở ngoài. Bà nói chuyện từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia thì chồng mình lại bảo chứ: “Bà đang nói chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia thì ai biết mà tiếp chuyện với bà mãi.” Lúc mới lấy về bao giờ người chồng cũng có những thái độ bênh vợ. Sau đấy, Yến chẳng nói gì. Nhưng về sau Yến cũng nói: “Anh hay thật! Người già đang nói chuyện gà phải sang chuyện vịt. Đấy là chuyện của người già. Bà mà đang nói chuyện gà em sẽ trả lời chuyện gà, nói sang chuyện vịt em lại trả lời chuyện vịt. Miễn là tiếp chuyện cho bà là được rồi.” Đại chúng thấy thế có đúng không?
Bây giờ, mình là con dâu. Mình lại kể: “Bà bị lẫn rồi, bà lẩn thẩn rồi” Tự nhiên chồng cũng đau đầu. Mà nói chuyện với mẹ mình lại bị ức chế. Đúng không? Kia thì mình vẫn vui vẻ với mẹ. Có phải mình được bao nhiêu niềm vui không? Cho nên với bố mẹ thì mình không nên chấp đúng, sai. Mà mình nên: "Làm gì cho bố mẹ mình được vui?" Bố mẹ chồng cũng thế, bố mẹ vợ cũng thế, Làm gì cho họ được vui? Là cái duy nhất mà chúng ta có thể làm được. Và chúng ta có như thế thì sau này dâu rể của mình mới như vậy đối với mình được. Đại chúng thấy đúng không? Cho nên, các cụ mới có câu “Giọt nước trước đổ đâu thì giọt nước sau đổ đấy.” Mình cứ làm cho bố mẹ chồng, bố mẹ mình đi, không có thiệt đâu, rồi đâu mình cũng sẽ được an vui.
---
Phật tử Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa chia sẻ với các Phật tử trong CLB.
Các bài nên xem: 
Tại sao nói cha mẹ là hai vị "Phật sống" ở trong nhà?
5 điều cần biết cho cuộc sống gia đình hạnh phúc
Con cái và cha mẹ - Không duyên nợ làm sao gặp gỡ
Chồng ham chơi, tiêu hoang, lười làm phải làm sao?

-
aa
+
595 lượt xem
25/01/2018

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ