Tu không đúng giờ có mất công đức không?

Câu hỏi:
Con thưa Cô!
Con đang tu tập theo bài tu tập hồi hướng hóa giải nạn dịch Covid và nạn hạn hán, đồng thời con cũng tu thêm Bát Quan trai tại nhà. Buổi sáng, có hôm con dậy 4h30, có lúc lại 5h, có lúc lại 6h để thời khóa sáng. Buổi tối, con thường tụng vào lúc 19h kém (vì nhà con thường ăn cơm lúc 19h30). Hôm nào tu Bát Quan trai thì con tu thêm thời khóa buổi chiều lúc 14h hoặc 14h30.
Vậy Cô cho con hỏi: Nếu không tu đúng thời gian quy định như Cô hướng dẫn trong chương trình thì con có được công đức không ạ? Dì của con cũng muốn hỏi nếu không tu được lúc 4h30 mà tu vào 7h sáng thì có được không ạ? Con xin thành kính tri ân công đức của Cô ạ!

Cô Phạm Thị Yến trả lời:
Kính chào các đạo hữu!

#1 Thực hành thời khóa tu tập có công đức gì?
Tu có công đức khi việc tu đó có giác ngộ và sửa tâm.
- Giác ngộ: nhân - quả; tội - phúc; khổ - lạc; luân hồi - niết bàn (Tây phương).
- Sửa tâm: bất thiện thành thiện; tăng trưởng tâm thiện: sám hối, cung kính, vâng lời thiện Pháp, hiếu nghĩa, biết ơn, thương tưởng,...
Trong các khóa lễ tu tập Phật Pháp bao gồm:
- Lễ Phật: Tăng trưởng tâm cung kính đối với bậc Giác Ngộ, đối với bậc Đại Trí Tuệ.
- Tán Pháp: Tán thán phương pháp đưa đến cho chúng ta sự giác ngộ, phương pháp hướng dẫn cho chúng ta đến chỗ hạnh phúc an vui. Sự tán thán này làm tăng trưởng tâm biết ơn của chúng ta.
- Sám hối: nhắc nhở chúng ta nên biết bỏ ác làm thiện.
- Tụng kinh: giúp cho chúng ta sáng tỏ chân lý, giúp cho chúng ta giác ngộ.
- Phát nguyện: làm cho chúng ta tinh tấn.
- Quy y: Nhắc nhở chúng ta là đệ tử Phật cần nỗ lực tinh tấn giác ngộ, tinh tấn thực hành Pháp giải thoát, tinh tấn thanh tịnh thân tâm bằng chính Pháp của Phật, bằng giới luật Phật, giới luật đạo đức.
Chúng ta hiểu như vậy và thực hành các khóa lễ tu tập đều sinh ra các công đức đó cho chúng ta.

#2 Tu tập thời khoá đúng thời gian có công đức gì?
- Đối với trường hợp không vướng bận các công việc bắt buộc, mà không thực hành thời khoá đúng giờ quy định thì sẽ sinh ra nghiệp giải đãi, lười biếng và sinh ra các hiện tượng trì hoãn các sự các việc khác trong cuộc sống; và đối với việc tu đạo sửa tâm sẽ không tinh tấn, dễ thối lui, trở về tham dục, làm việc bất thiện. Nhưng nếu trong trường hợp này mà tinh tấn đúng giờ, thì ngoài các công đức ở phần nêu trên, sẽ sinh ra sự tinh tấn diệt trừ được lười biếng, giải đãi, trì hoãn,... nhiệt tâm trong các thiện Pháp, và quan trọng là thành tựu được quyết định tâm trong các thiện Pháp, lợi ích cho sự tiến đạo.
(Công việc bắt buộc không phải là: sinh nhật, hẹn bạn,... Đó vẫn là giải đãi)
- Đối với trường hợp có các công việc bắt buộc như việc làm, việc hiếu, chăm sóc người bệnh, làm phận sự,... nên bạch rõ chân thật thì không mất đi các công đức như đã nêu ở phần trên.

#3 Không tụng kinh theo đúng giờ quy định khi có khuyến phát để hồi hướng cho nạn dịch bệnh và thiên tai, hạn hán mất đi công đức gì?
Chúng ta đọc trong kinh “Vesali thiên tai, dịch họa”, chúng ta biết nhờ năng lực tâm của 500 vị Tỳ-kheo khi tán dương công đức Tam Bảo, mà đã điều chuyển được tâm của ác dạ-xoa, chuyển được tâm của các nhà thương gia, triệu phú, hoàng thân, tướng lĩnh,... thay tâm đổi tính dốc lòng chung tay,... khiến cho dịch bệnh hạn hán được đẩy lùi. Đây là lợi ích của việc tụng kinh tán dương công đức Tam Bảo đúng giờ để phát sinh các nhân duyên hóa giải nạn dịch bệnh và thiên tai.
Tuy nhiên, tụng kinh, tu các công đức theo ngày phát động vẫn tạo ra rất nhiều công đức để hồi hướng hoá giải nạn dịch bệnh. Nhưng nếu tụng cùng một giờ sẽ tạo ra năng lực mạnh hơn.
Chúc mong các đạo hữu cùng tinh tấn để nạn dịch bệnh và hạn hán sớm được hóa giải.
(Trích lời Cô Phạm Thị Yến trả lời trong nhóm Tâm Sự Cùng Cô Phạm Thị Yến - Tâm Chiếu Hoàn Quán)

Các bài nên xem: 

-
aa
+
2,304 lượt xem
13/04/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ