Câu hỏi:
Thưa Cô chủ nhiệm! Sau khi nghe bài trạch giảng của Cô chủ nhiệm về việc “Cầu siêu cho gia tiên nhiều lần có thừa hay không?”, em nhận được câu hỏi của đạo hữu trong đạo tràng và bản thân em cũng chưa rõ vấn đề này. Em xin thỉnh Cô chủ nhiệm chỉ dạy để chúng em được rõ ạ!
Theo văn kinh, các chúng sinh trong cảnh giới ngạ quỷ mới nhận được phúc báu từ sự cúng dường của người thân, còn các chúng sinh trong cõi địa ngục, súc sinh không nhận được. Tuy nhiên, chúng em chưa hiểu:
1. Trong kinh Vu Lan, mẹ Ngài Mục Kiều Liên ở trong địa ngục vẫn nhận được phúc báu cúng dường do chư Tăng hồi hướng. Tương tự, trong kinh Địa Tạng, mẹ Ngài Thánh Nữ Bà-la-môn và Quang Mục trong địa ngục đều nhận được phước báu cúng dường ạ?
2. Nếu chúng sinh trong cõi súc sinh không thể nhận được phước báu cúng dường thì chúng ta phải làm gì để hồi hướng cho gia tiên nếu họ sinh vào cảnh giới này? Chính em có được nghe quý Thầy chùa Ba Vàng giảng rằng, giả sử gia tiên nhà mình thác sinh làm con trâu thì khi người thân cúng dường Tam Bảo hồi hướng phúc báu thì con trâu đó nhận được cành cỏ non, tức là nhận được phúc báu cúng dường tại cảnh giới đó. Như vậy, điều này có mâu thuẫn với văn kinh không? Hoặc khi phóng sinh, quý Thầy chú nguyện hồi hướng cho các chúng sinh đó thì họ có nhận được không ạ? Khi gia đình em cũng bạch cúng dường hồi hướng cho các chúng sinh chuột cắn phá tại nhà, họ có nhận được phúc báu hồi hướng đó không ạ?
Em mong Cô chỉ dạy để chúng em được rõ ạ! Em xin tri ân công đức của Cô.
Cô Phạm Thị Yến trả lời:
Chào các đạo hữu!
Mục lục [Hiển thị]
Hiểu lời Phật dạy về hiến cúng vật thực
Đức Phật dạy trong bài kinh “Cúng Linh” rằng, nếu người nào sau khi chết mà sinh về cõi ngạ quỷ (hương linh) thì một số loài ngạ quỷ sẽ được nuôi sống bằng thức ăn trong các đàn lễ hiến cúng vật thực của người thân, của cõi người; nếu người nào sau khi chết mà sinh về các cõi trời, người, súc sinh, địa ngục thì sẽ không nhận được phần vật thực trong các đàn lễ hiến cúng vật thực của người thân, của cõi người.
Theo lời dạy của Đức Phật, chúng ngạ quỷ nhận được vật thực hiến cúng trong các đàn lễ cúng của cõi người, còn các cõi khác không nhận được vật thực hiến cúng trong các đàn lễ hiến cúng của cõi người. Trong bài kinh “Cúng Linh”, Đức Phật không đề cập đến việc hồi hướng phước cúng dường của con người đến cho các cõi.
Tại sao mẹ Ngài Mục Kiều Liên và mẹ Ngài Thánh Nữ nhận được phước hồi hướng?
Mẹ ngài Mục Kiều Liên là bà Thanh Đề, sau khi chết bà sinh về cảnh giới ngạ quỷ giáp địa ngục nên có thể gọi bà là chúng sinh của cả hai cảnh giới. Vì vậy, Ngài Mục Kiều Liên mới dâng cơm cúng cho mẹ. Nhưng do hành nghiệp của bà quá nặng mà bà không thọ nhận được phần thức ăn mà Ngài dâng cúng.
Ngài Mục Kiều Liên đã khuyến tấn dòng họ bán ngôi nhà cũ của bà Thanh Đề để cúng dường trai tăng hồi hướng phước cho bà. Sau đó, họ hàng còn hùn thêm cả tài vật để dâng phẩm vật, cúng dường tứ sự trai tăng đến cho Đức Phật cùng Tăng đoàn để hồi hướng phúc đến cho bà Thanh Đề. Nhờ phúc đó quá lớn nên bà Thanh Đề đã siêu thoát khỏi cảnh khổ và được sinh về cõi trời.
Ngài Thánh Nữ với tâm Bồ Đề xả thí, bán nhà cửa ruộng vườn làm lễ cúng dường trai tăng và đúc tượng Đức Phật để hồi hướng phước báu cho mẹ. Cho nên, mẹ Ngài đã siêu thoát khỏi cảnh giới địa ngục, sinh về cõi trời.
Cúng dường Tam Bảo, tạo ra phần phúc, sau đó hồi hướng phần phúc đó cho người chết thì dù người chết có sinh về cảnh giới nào thì họ cũng nhận được nếu tâm người hồi hướng và người nhận còn hướng về nhau.
Vì vậy, chúng ta nên thường nhớ tới tổ tiên kiếp này và nhiều kiếp về trước, hướng tới họ để tạo phúc báu hồi hướng cho họ thì dù sinh ở cõi nào họ cũng nhận được phước. Việc này còn giúp chúng ta ngay trong hiện tại, nếu tổ tiên kiếp trước, kiếp này của chúng ta có người sinh lên cõi trời thì nhờ duyên này, họ sẽ trợ giúp cho chúng ta. Ví như câu chuyện ông trời Đế Thích giúp vợ cũ trong cõi súc sinh và cõi người (bài kinh: Chuyện tổ chim con)
Con chuột cắn phá nhà mình có nhận được phần phúc khi mình hồi hướng không?
Con chuột khi nó cắn phá nhà mình là nó cũng có duyên oán kết với mình, tức là nó có hội tụ chung một dòng tâm nghiệp với mình. Cho nên, khi mình hồi hướng phúc cho nó, nó sẽ nhận được. Chúng sinh do tâm nghiệp ân oán mà hội tụ, do ân oán mà kết thành cộng nghiệp, nên chúng sinh làm phước hồi hướng cho chúng sinh kia thì chúng sinh kia sẽ nhận được, chỉ trừ khi chúng sinh kia phát nguyện không nhận phúc hồi hướng từ chúng sinh này thì mới không nhận được. Còn nếu chưa phát nguyện không nhận thì vẫn nhận được, vì đó là dòng nghiệp lực nhân quả của tâm thức.
Các Phật tử cần phân biệt giữa việc hiến cúng vật thực cho người sau khi chết và hồi hướng phước cho người sau khi chết.
Thỉnh các đạo hữu đọc tham khảo tại bài kinh sau:
Bài kinh: Chuyện Tổ Chim Con (Tiền thân Kulàvaka)
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo uống nước không lọc. Theo truyền thuyết, hai bạn trẻ Tỷ-kheo từ Xá-vệ đi về tỉnh, trú tại một địa điểm thoải mái cho đến thỏa thích, rồi từ đó ra đi, hướng về Kỳ Viên để yết kiến bậc Chánh Ðẳng Giác.
Một Tỷ-kheo có trong tay một lọc nước và người kia không có. Hai người thường lọc nước chung để uống. Một hôm, họ cãi lộn nhau. Người chủ cái lọc nước không cho người kia dùng lọc nước, tự mình lọc riêng rồi uống nước. Người kia không có đồ lọc nước, và không thể nhịn khát, nên uống nước không lọc. Hai người ấy tuần tự đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư, và ngồi xuống.
Sau khi chào đón thân tình, bậc Ðạo Sư liền hỏi:
– Các ông từ đâu đến?
– Bạch Thế Tôn, chúng con ở quốc độ Kossala, sống trong một làng, từ đấy ra đi để yết kiến Ngài.
– Nhưng các ông đi đường có hoà thuận không?
Người không có lọc nước nói:
– Bạch Thế Tôn, người này giữa đường cãi lộn với con, không cho con lọc nước.
Người kia nói:
– Bạch Thế Tôn, người này không lọc nước, tuy biết, vẫn uống nước có loài hữu tình.
– Này Tỷ-kheo có thật chăng, ông tuy biết, vẫn uống nước loài hữu tình?
– Thưa có vậy, bạch Thế Tôn, con uống nước không lọc.
Bậc Ðạo Sư:
– Này Tỷ-kheo, trong thời quá khứ, các bậc Hiền trí trị vì thành phố chư Thiên, trong khi thua trận, chạy trốn trên mặt biển, quyết không vì vương quyền giết hại các hữu tình, nên đã từ bỏ danh vọng lớn để cứu mạng sống cho các loài chim con loài Kim-sí-điểu, và họ đã cho xe quay lui.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
* Thuở xưa, trong nước Ma-kiệt-đà, tại thành Vương Xá, có một vị vua Ma-kiệt-đà trị vì. Cũng như nay, Ðế Thích (Thiên chủ Sakka) trong một đời sống trước đã sanh ra trong làng Macala ở nước Ma-kiệt-đà. Thời đó, Bồ-tát được sanh làm con trai một đại gia đình quý tộc cùng ở trong làng Macala ấy. Vào ngày đặt tên, Bồ-tát được đặt tên là hoàng tử Magha; khi lớn lên có tên là Maghamanava (thanh niên Magha).
Cha mẹ, cưới cho Bồ-tát một người vợ từ một gia đình có môn đăng hộ đối. Bồ-tát cùng với con trai, con gái lớn lên, thường hay bố thí, và giữ gìn Năm giới, trong làng ấy có ba mươi gia đình. Và những người trong ba mươi gia đình ấy, một hôm, đứng ở giữa làng bạn bạc giải quyết những vấn đề ở trong làng. Bồ-tát, tại chỗ mình đứng, dùng chân quét sạch bụi làm chỗ ấy trở thành tốt đẹp và đứng đó. Rồi một người khác đến, đứng thế chỗ ấy. Bồ-tát lại làm một chỗ khác, một chỗ khác, cho đến khi chỗ đứng cho tất cả mọi người trở thành tốt đẹp.
Trong một thời khác, Bồ-tát dựng một cái lều, sau đó dẹp lều, rồi dựng một phòng lớn, trong ấy có đặt ghế giường và ghè nước.
Trong một thời khác, ba mươi người ấy do Bồ-tát hướng dẫn trở thành dân tốt như mình. Bồ-tát thường cùng đi với họ làm các công đức như: sáng sớm thức dậy, với rìu nhỏ, búa, chùy cầm tay, đến ngã tư đường, họ đập với cái chùy, làm bật lên những hòn đá, đẩy đá qua một bên, dọn dẹp những cây va chạm vào trục xe, san bằng con đường gồ ghề, xây cầu, đào ao hồ, dựng phòng ốc, bố thí và giữ giới. Như vậy, phần lớn toàn dân trú trong làng vâng theo lời khuyên dạy của Bồ-tát, giữ gìn các giới.
Người thôn trưởng suy nghĩ về họ: “Trước đây, khi những người này uống rượu, sát sanh v.v…, ta lấy được nhiều tiền, nào tiền rượu, tiền phạt, tiền cúng. Nay thanh niên Magha khiến họ giữ giới, nên họ không còn sát sanh nữa, v.v… Nay ta sẽ làm cho họ từ bỏ Năm giới”.
Kẻ ấy phẫn nộ đi đến hầu vua và thưa:
– Tâu Thiên tử, có một đoàn ăn cướp, đang phá xóm làng và làm nhiều tội ác!
Vua nghe kẻ ấy nói như vậy, liền bảo:
– Hãy đi và dẫn chúng đến!
Người thôn trưởng bắt họ trói lại, dẫn họ đến và báo với vua:
– Thưa Thiên tử, những người ăn cướp đã được dẫn đến.
Không điều tra việc làm của họ, vua nói:
– Hãy đem chúng cho voi chà!
Vua bắt tất cả những người ấy nằm xuống trên sân vua và đem voi lại.
Bồ-tát khuyên bảo họ:
– Các bạn hãy hành trì giới. Hãy khởi lòng từ đối với kẻ vu cáo, đối với vua, đối với con voi, đối với tự thân đều giống nhau.
Họ làm như lời khuyên ấy.
Các người của vua đem voi đến để chà họ chết. Con voi được dắt đến nhưng không lại gần, chỉ rống to rồi bỏ chạy. Họ lại đem con voi khác nữa. Tất cả đều bỏ chạy như vậy. Vua nghĩ: “Chắc trong tay họ có thuốc trường sanh!” và vua ra lệnh soát. Sau khi soát không thấy gì, họ thưa lên với vua:
– Vậy chắc họ có đọc bùa chú.
– Hãy hỏi họ.
Những người của vua hỏi, Bồ-tát trả lời:
– Có.
Họ thưa lại với vua.. Vua cho gọi tất cả bọn họ đến và bảo:
– Hãy đọc bài chú của các người.
Bồ-tát trả lời:
– Thưa Thiên tử, chúng tôi không biết bùa chú gì khác. Nhưng ba mươi người chúng tôi không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không nói láo, không uống rượu. Chúng tôi khởi lòng từ, chúng tôi bố thí, chúng tôi san bằng đường sá, chúng tôi đào ao hồ, chúng tôi xây phòng ốc. Ðấy là bùa chú của chúng tôi, là sức mạnh của chúng tôi.
Vua rất bằng lòng với họ, liền cho họ tất cả gia sản của người vu cáo, bắt người vu cáo làm nô lệ cho họ, rồi cho họ cả đàn voi và ngôi làng. Từ đấy trở đi, họ làm các công đức theo sở thích của họ, họ gọi thợ mộc để xây dựng một phòng họp lớn tại ngã tư đường. Vì không còn ham muốn đối với nữ nhân, họ không cho nữ nhân tham gia vào công đức làm phòng họp ấy.
Lúc bấy giờ, tại nhà Bồ-tát có bốn nữ nhân tên là Thiện Pháp, Tư Duy, Hoan Hỷ, Thiện Sanh. Một trong bốn nữ nhân là Thiện Pháp tự mình đi tìm người thợ mộc, hối lộ cho người ấy và nói:
– Này anh, hãy cho tôi đóng góp phần chính trong việc làm phòng họp này.
Người thợ mộc chấp nhận lời yêu cầu, trước tiên cho phơi khô gỗ làm tháp nhọn, chặt đẽo, đục lỗ, làm xong cái tháp nhọn, rồi lấy vải cuốn lại và cất đi. Khi người thợ mộc làm xong phòng họp, đến thời đặt tháp nhọn, anh ta lại kêu than:
– Ôi, thưa các Tôn giả, có một vật chúng ta chưa làm.
– Cái gì vậy?
– Cần phải có một cái tháp nhọn.
– Ðược, chúng tôi sẽ đem đến.
– Nay không thể làm với cây mới chặt được. Chúng ta cần phải có một cái tháp nhọn với cây đã chặt trước phơi khô một thời gian, rồi cắt đẽo, và đục lỗ để dành.
– Vậy nay phải làm gì?
– Hãy tìm xem trong nhà của ai có cất một cái tháp nhọn đã làm xong và để bán.
Họ tìm kiếm, và thấy trong nhà của Thiện Pháp có cái tháp ấy, nhưng không mua được.
– Nếu các ông cho tôi dự phần công đức làm phòng họp, thì tôi sẽ biếu cái tháp nhọn.
– Không được, chúng tôi không cho nữ nhân dự phần công đức.
Người thợ mộc nói với họ:
– Sao các Tôn giả lại nói vậy? Chỉ trừ Phạm thiên giới, không một chỗ nào khác loại trừ nữ nhân! Hãy lấy tháp nhọn. Có như vậy công việc của chúng ta mới hoàn thành.
Họ bằng lòng lấy tháp nhọn, và làm xong phòng họp. Sau đó, họ cho sắp những ghế dài bằng gỗ, đặt những ghè đựng nước, cung cấp cháo và cơm. Họ xây một bức tường xung quanh phòng họp, gắn cửa ra vào, rải cát giữa những bức thành và ngoài bức thành trồng một dãy cây cọ dừa.
Còn nàng Tư Duy xây dựng một công viên tại chỗ ấy. Tại đó, không có một cây hoa nào, cây trái nào mà không có tên nàng. Nàng Hoan Hỷ đào một hồ nước đẹp đẽ, tràn đầy hoa sen năm sắc. Còn nàng Thiện Sanh không làm gì cả.
Bồ-tát làm đầy đủ bảy điều thệ nguyện: Hầu mẹ, hầu hạ cha, kính trọng anh cả, nói lời chân thật, không noí lời ác, không nói lời vu váo, nhiếp phục xan tham và tóm tắt trong bài kệ:
Người nuôi dưỡng mẹ cha,
Kính bậc trưởng gia đình,
Nói từ hòa, ái ngữ,
Từ bỏ lời vu cáo,
Nhiếp xan tham nói thật,
Phẫn nộ được chế ngự,
Chư Thiên Ba mươi ba
Gọi là bậc Chân nhân.
Bồ-tát đạt trạng thái đáng được tán thán nhu vậy, và khi mạng chung, được sanh làm Ðế Thích Thiên Chủ ở cõi Trời ba mươi ba. Những người bạn của Bồ tát cũng sanh lên đó. Trong thời ấy, tại cõi trở Ba mươi ba, các Thần Asura (A-tu-la) cũng sống chung. Thiên Chủ Ðế Thích nói:
– Tốt gì cho chúng ta khi một vương quốc phải ở chung với kẻ khác?
Rồi ngài cho các A-tu-la uống nước chư Thiên, khi chúng say, Thiên Chủ Ðế Thích cầm chân chúng ném xuống vực núi Sineru (Tu-di). Chúng rơi vào lâu đài ở cảnh giới A-tu-la. Lâu đài của A-tu-la nằm ở tầng thấp nhất của núi Tu-di, rộng bằng cõi Trời ba mươi ba.
Tại đấy có mọc một cây giống như cây San hô của chư Thiên sống suốt một kiếp và được gọi là Cây bông kèn. Cây bông kèn nở hoa, cho chúng biết đây không phải là cõi trời của chúng vì cõi trời có nở hoa San hô. Chúng nói:
– Ông già Ðế thích cho chúng ta uống say, rồi quăng chúng ta trên mặt biển lớn và chiếm thành chư Thiên của chúng ta. Chúng ta hãy tiến đánh lão ấy và lấy lại thành chư Thiên của chúng ta!
Rồi chúng leo lên sườn núi Tu-di như những con kiến leo lên cột. Ðế Thích nghe các Thần A-tu-la đã leo lên, liền xông ra mặt biển giao tranh, bị chúng đánh bại, liền chạy trốn trên chiếc xe Vejeyanta dài một trăm năm mươi dặm, chạy trên những đầu ngọn sóng biển phía nam. Chiếc xe của Ðế Thích chạy lướt trên mặt biển, đi đến ngôi rừng cây bông lụa. Trên đường đi của chiếc xe, rừng cây bông lụa bị chặt đứt như những cây cọ dừa và rơi trên mặt biển. Các con chim Kim-sí-điểu (Garula, thim thần cánh vàng) bay quanh trên mặt biển, kêu gào lớn tiếng. Ðế Thích hỏi thần lái xe Màtali:
– Này bạn Màtali, tiếng kêu gì vậy? Nó kêu thật bi thương?
– Thưa Thiên đế, vì rừng cây bông lụa rơi xuống, do tốc độ cỗ xe ngài nghiền nát, các con chim Kim-sí-điểu sợ chết đồng thanh kêu gào như vậy.
Bậc Ðạo Sĩ nói:
– Này bạn Màtali, chớ làm chúng mệt mỏi, vì chúng ta. Chúng ta không vì chủ quyền thiên giới mà sát sanh. Vì lợi ích của chúng, ta sẽ từ bỏ mạng sống và nộp mình cho loài A-tu-la! Hãy quay xe lại đi!
Nói vậy xong, Ðế Thích đọc bài kệ:
Hãy để tổ chim con,
Hỡi này Mà-ta-li!
Trong rừng Sim-ba-li
Tránh miệng ác chủ tể,
Ta sẵn sàng nộp mạng
Cho các A-tu-la,
Chớ để các chim này
Bị xé nát khỏi tổ.
Thần đánh xe Màtali nghe lời Ðế Thích, quay xe lại, đi về hướng thiên giới bằng con đường khác. Các thần A-tu-la thấy Ðế Thích quay xe lại, tự nghĩ: “Chắc chắn các Ðế Thích từ những thế giới khác đến, được sức mạnh tiếp viện, nên mới quay xe lại”. Bị dao động vì sợ chết, chúng liền chạy trốn vào lâu đài A-tu-la.
Còn Ðế Thích đi vào thành chư Thiên, đứng ở giữa thành, với Thiên chúng của hai thiên giới vây quanh. Trong thời khắc ấy, đất nứt ra, và lâu đài Vejayanta (Tối thắng) trồi lên cao một ngàn dặm. Vì nó trồi lên khi thắng trận, nên được gọi là lâu đài Vejayanta. Ðể ngăn chận các A-tu-la trở lại, Ðế Thích ra lệnh cho bảo vệ năm chỗ, liên hệ vấn đề này, Ðế Thích nói lên bài kệ:
Giữa hai thành bất thắng,
Ðặt năm chỗ bảo vệ,
Bảo vệ bởi Rắn thần,
Bởi chim Kim-sí-điểu,
Kum-bhan-da, Dạ-xoa,
Và bởi bốn thiên vương.
Ðược năm chỗ bảo vệ này, Thiên chủ Ðế Thích thọ hưởng những vinh quang thiên giới. Nàng Thiện Pháp, sau khi mạng chung, được sanh làm vương hậu một lần nữa. Do kết quả cúng dường cái tháp nhọn, đã khởi lên cho nàng một lâu đài tên là Thiện Pháp đình với thiên báu, cao đến năm trăm dặm. Tại đấy, dưới một chiếc lọng trắng của chư Thiên, Thiên chủ Ðế Thích ngồi trên một tấm nệm bằng vàng rộng một dặm và làm những công việc cần phải làm cho chư Thiên và loài người. còn Tư Duy, sau khi mạng chung, cũng sanh làm vương hậu của Ðế Thích; do kết quả xây dựng một công viên, đã khởi lên cho nàng một công viên tên là Cittalatavana (Tư Duy Viên). Hoan Hỷ, khi mạng chung, cũng sanh làm vương hậu của Ðế Thích, do kết quả cúng dường cái hồ, đã khởi lên cho nàng một cái hồ tên là Nanda (Hoan hỷ). Còn Thiện Sanh, do không làm thiện nghiệp gì, được sanh làm con chim hạc ở một hang động trong rừng.
Không thấy bóng dáng Thiện Sanh ở đâu, muốn biết nàng tái sanh chỗ nào, Ðế Thích hướng tâm xem xét và thấy nàng, liền đi đến chỗ ấy thăm nàng rồi đưa nàng lên thiên giới, chỉ cho thấy thành phố chư Thiên đẹp đẽ, lâu đài chư Thiên của Thiện Pháp, rừng cây leo của Tư Duy, cái hồ của Hoan Hỷ, Ðế Thích nói:
– Những nàng này, vì có làm việc thiện nên được sanh làm vương hậu của ta. Còn nàng, không làm việc lành, phải sanh làm chim hạc. Bắt đầu từ nay, hãy giữ giới!
Sau khi khuyến giáo nàng và trao cho nàng Năm giới, Ðế Thích đưa nàng về lại chỗ cũ và thả nàng ra. Từ đấy trở đi, nàng giữ giới. Sau một thời gian, muốn tìm hiểu nàng có giữ giới nữa không, Ðế Thích đi đến hiện hình làm con cá nằm trước mặt nàng. Nghĩ rằng cá đã chết, hạc ngậm lấy đầu cá. Cá vẫy đuôi, hạc liền thả cá ra, và nói:
– Ôi nó còn sống!
Ðế Thích nói:
– Lành thay, nàng có thể giữ giới được!
Rồi ngài ra đi. Con hạc, sau khi mạng chung, được sanh vào một gia đình làm đồ gốm ở Ba-la-nại. Ðế Thích không biết nàng tái sanh ở đâu. Khi biết chỗ tái sanh của nàng, Ðế Thích liền chở đầy một xe dưa chuột bằng vàng, giả dạng một ông già, ngồi giữa làng và la lớn:
– Hãy đến lấy dưa chuột! Hãy đến lấy dưa chuột!
Nhiều người tự lại nói:
– Này ông bạn thân, hãy cho chúng tôi!
– Ta chỉ cho những người nào giữ giới! Các chú có giữ giới không?
– Chúng tôi không biết giới. Chúng tôi sẽ trả tiền.
– Ta không cần tiền! Ta sẽ cho những ai giữ giới!
Các người ấy nói:
– Cụ già này thật lẩn thẩn.
Rồi họ bỏ đi.
Thiện Sanh nghe thấy, nghĩ rằng những trái dưa chuột này được mang đến cho nàng, liền đi đến và nói:
– Này ông bạn thân, hãy cho tôi!
– Nàng có giữ giới không?
– Thưa, tôi có giữ giới!
– Những trái dưa chuột này chính ta mang đến cho nàng!
Rồi Ðế Thích để xe dưa chuột trước của nhà nàng và ra đi. Còn nàng giữ giới cho đến trọn đời. Từ đấy mạng chung, nàng sanh làm con gái của chúa thần A-tu-la là Vepacittiva, nhờ giữ giới nên nàng rất đẹp.
Ðến tuổi trưởng thành, cha nàng cho họp các thần A-tu-la lại để cô con gái tự do chọn lựa chồng theo sở thích của nàng.
Lúc ấy, Ðế Thích đang tìm xem Thiện sanh ở đâu, và biết được chỗ nàng tái sanh, tự nghĩ: “Nàng đang tìm chồng theo sở thích, chắc chắn nàng sẽ lấy ta!”. Ðế Thích liền hóa hiện ra một thần A-tu-la, và đi đến chỗ ấy. Nàng được trang sức và được đưa đến chỗ tụ họp để lựa chọn chồng theo ý muốn. Nàng nhìn Ðế Thích, với tình yêu thưở trước, liền chọn ngay Ðế Thích:
– Ðây là chồng của tôi!
Ðế Thích đưa nàng về thành chư Thiên, đặt nàng lên địa vị nữ vương cầm đầu hai mươi triệu vũ nữ. Nàng sống như vậy cho đến mạng chung rồi đi theo nghiệp mình.
* Sau khi kể câu chuyện, bậc Ðạo Sư đã khiển trách vị Tỷ-kheo ấy và nói:
– Như vậy, này các Tỷ-kheo, thuở trước trong khi các bậc Hiền trí trị vì thiên quốc, dầu từ bỏ thân mạng của mình, cũng không sát sanh. Còn ông xuất gia trong Giáo pháp giải thoát như vậy, lại uống nước không lọc, có các loại hữu tình.
Sau khi khiển trách Tỷ-kheo ấy và kết hợp hai câu chuyện, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, thần đánh xe Matali là Ànanda, còn Ðế Thích là Ta vậy.
Các bài nên xem:
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.