Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá Vệ, rừng cây Kỳ Đà, trong vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đang ở đại đường Lộc Mẫu, vườn phía Đông, nước Xá Vệ. Sau giờ tọa thiền buổi chiều, Tôn giả đi đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật, lui ngồi một bên và bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nhân gì, duyên gì, Thế Tôn trước kia vì các Thanh Văn ít chế định giới luật, các Tỳ-kheo lúc ấy phần nhiều đều ưa thích tập học, ngày nay Phật vì các Thanh Văn chế định nhiều giới luật, mà các Tỳ-kheo lại ít ưa thích tập học?
Phật bảo:
- Này Ca Diếp! Đúng như thế. Vì mệnh trược, phiền não trược, kiếp trược, chúng sinh trược, kiến trược, thiện pháp của chúng sinh giảm sút, nên Đại Sư vì các Thanh Văn chế định nhiều giới cấm, nhưng ít người ưa thích tập học.
Này Ca Diếp! Ví như lúc kiếp sắp hoại, vật báu thật chưa diệt, có các vật báu giả tợ như chân bảo thật xuất hiện ở thế gian, khi vật báu giả mạo đã xuất hiện rồi thì vật báu thật biến mất. Cũng thế, Ca Diếp, khi chính Pháp của Như Lai sắp diệt, tương tự tượng Pháp sinh, tương tự tượng Pháp đã xuất hiện ở thế gian, chính Pháp chắc chắn sẽ diệt.
Ví như trong biển lớn, thuyền chở nhiều trân bảo sẽ chóng bị chìm đắm. Chính Pháp của Như Lai không phải như thế, dần dần suy giảm. Chính Pháp của Như Lai không bị đất làm hư hoại, không bị lửa, gió, nước làm hoại;... Chúng sinh ác xuất hiện ở thế gian, ưa làm điều ác, muốn làm điều ác, thành tựu điều ác, phi pháp nói là Pháp, Pháp nói là phi pháp, phi luật nói là luật, luật nói phi luật, vì tương tự Pháp, cú vị hưng thịnh, thì chính Pháp của Như Lai đến lúc ấy ẩn mất.
Này Ca Diếp! Có năm nhân duyên có thể khiến cho chính Pháp của Như Lai chìm mất. Những gì là năm? Là Tỳ-kheo đối với Đại Sư chẳng kính, chẳng trọng, chẳng khiêm cung cúng dường, chẳng những đối với Đại Sư đã chẳng kính trọng, chẳng khiêm cung cúng dường mà còn nương ở; đối với Pháp, hoặc học giới, hoặc giáo tùy thuận, hoặc các Phạm hạnh của Đại Sư khen ngợi cũng chẳng kính, chẳng trọng, chẳng khiêm cung cúng dường mà vẫn nương ở. Này Ca Diếp, đây là năm nhân duyên khiến cho chính Pháp của Như Lai chìm mất.
Này Ca Diếp! Có năm nhân duyên khiến cho Pháp Luật của Như Lai không ẩn mất, không bị lãng quên, không tàn lụi. Những gì là năm? Là Tỳ-kheo đối với Đại Sư cung kính, tôn trọng, khiêm cung cúng dường, mà còn nương ở; đối với Pháp, hoặc học giới, hoặc giáo tùy thuận, hoặc các Phạm hạnh được Đại Sư khen ngợi cũng cung kính, tôn trọng, khiêm cung, cúng dường, nương ở. Đây là năm nhân duyên khiến cho Pháp Luật của Như Lai không diệt mất, không bị lãng quên và tàn lụi. Vì thế, Ca Diếp, nên học như vậy đối với Đại Sư nên tu cung kính, tôn trọng, khiêm cung cúng dường, nương ở; đối với Pháp, hoặc học giới, hoặc giáo tùy thuận, hoặc các phạm hạnh mà được Đại Sư khen ngợi, cùng cung kính, tôn trọng, khiêm cung cúng dường, nương ở.
Phật nói kinh này xong, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp vui mừng, tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi đi.
(Nguồn: ĐTKVN, Tạp A-hàm, tập 3, kinh số 906, VNCPHVN ấn hành, 1995, tr.267)
Chú thích:
ĐTKVN: Đại tạng kinh Việt Nam.
VNCPHVN: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.