“Chuyện con thỏ”: 3 bài học từ sự bố thí bất nghịch ý của tiền thân Đức Phật

Trong ba a tăng kỳ kiếp hành Bồ tát đạo, Đức Phật đã tái sinh vào các cõi giới với nhiều hình tướng khác nhau để có duyên độ chúng sinh. “Chuyện con thỏ” được ghi chép trong Đại Tạng Kinh Việt Nam (Kinh Tiểu Bộ Tập 6) kể về một kiếp làm thỏ của Đức Phật Thích Ca. Khi ấy, Ngài đã không sợ hãi cái chết mà nhảy vào lửa để bố thí thịt của chính mình cho vị hành khất.

Tại sao Ngài lại có thể bố thí một cách dũng mãnh như vậy? Và người Phật tử có thể học được gì từ sự bố thí này? Kính mời quý đạo hữu cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa chùa Ba Vàng.

Tiền thân của Đức Phật bố thí thân mình cho vị khất sĩ vào ngày trai giới

Trong một kiếp, tiền thân Đức Phật là một chú thỏ trong một khu rừng và có ba người bạn: khỉ, chó rừng, rái cá. Thỏ rất thông tuệ, dạy các bạn bố thí, tuân hành luật đạo đức và giữ gìn ngày trai giới.

Tiền thân của Đức Phật là một chú thỏ dạy cho ba người bạn về việc giữ gìn đạo đức và trai giới
Tiền thân của Đức Phật là một chú thỏ dạy cho ba người bạn về việc giữ gìn đạo đức và trai giới

Một hôm, thỏ quan sát bầu trời, nhìn mặt trăng và biết hôm sau là ngày trai giới nên dặn các bạn:
– “Ngày mai là trai nhật. Cả ba bạn hãy thực hành giới luật và giữ gìn ngày trai. Ai tỏ ra kiên định trong việc thực hiện đạo đức thì việc bố thí sẽ mang lại cho vị ấy kết quả xứng đáng. Thế thì hễ có kẻ nào đến xin bạn, bạn hãy cho họ ăn bằng chính thức ăn của bạn”.

Hôm sau, Thiên chủ Đế Thích hóa thân thành một vị Bà la môn đến thử lòng những con vật trên. Khỉ, chó rừng, rái cá làm đúng như lời thỏ dặn, sẵn sàng bố thí thức ăn của mình là xoài, thịt và cá cho người khất sĩ giữ trai giới (Đế Thích hóa thân).

Riêng thỏ rất đặc biệt, do thỏ ăn cỏ không có gì bố thí nên nguyện lấy thịt của chính mình trao tặng cho vị hành khất. Thỏ tự nguyện nhảy vào lửa để vị hành khất không phạm giới sát sinh. Trước khi nhảy vào lửa còn lắc người ba lần để côn trùng trong bộ lông của mình được rơi ra mà thoát chết.

Thỏ tự nguyện nhảy vào lửa, nguyện lấy thịt của chính mình bố thí cho vị hành khất
Thỏ tự nguyện nhảy vào lửa, nguyện lấy thịt của chính mình bố thí cho vị hành khất

Qua đây, chúng ta thấy được sự bố thí trong niệm từ bi, trí tuệ của bậc Bồ tát: Thành tựu cho mình được bố thí bất nghịch ý, không hại đến chúng sinh, dù là những loài côn trùng và không tổn hại đến giới thể của người khác. Trong một việc của Ngài, Ngài thành tựu được ba điều: thứ nhất là tâm bố thí cao thượng, thứ hai là thương xót chúng sinh, thứ ba là giữ phạm hạnh cho chúng sinh.

3 bài học từ sự bố thí của Bồ tát - hiện thân dưới thân thỏ

Bài học số 1: Học công hạnh bố thí bất nghịch ý của bậc Bồ Tát

Chúng ta thấy rằng cách tư duy của bậc Bồ tát (hiện thân là con thỏ) rất khác biệt so với khỉ, chó rừng và rái cá - thỏ nguyện hiến thân mạng mình. Đó là bố thí bất nghịch ý; đó là công hạnh của hàng Bồ tát, tức là sự bố thí của mình luôn luôn làm cho người nhận thí được như ý. Đó là phát nguyện của bậc Bồ tát.
Còn các Phật tử chúng ta bây giờ chưa xả thí được như vậy thì sẽ tập dần dần. Khi các công đức Ba la mật tăng trưởng, chúng sẽ cũng sẽ thực hành được sự bố thí bất nghịch ý.

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: Chúng ta nên bố thí từ những việc nhỏ nhất - những việc tuy nhỏ nhưng là lớn nhất trong tâm mình
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: Chúng ta nên bố thí từ những việc nhỏ nhất - những việc tuy nhỏ nhưng là lớn nhất trong tâm mình

Hiện tại, Phật tử chúng ta nên bố thí từ những việc nhỏ nhất - những việc tuy nhỏ nhưng là lớn nhất trong tâm mình. Chẳng hạn người này trước kia có trộm cắp nhưng giờ dừng trộm cắp mà bắt đầu bố thí. Chúng ta bắt đầu bố thí từ tâm (gọi là xả) thì sự bố thí sẽ tăng dần lên. Ví dụ trong việc bố thí tịnh tài: Đầu tiên là bố thí những đồng lẻ, rồi đến đồng chẵn, rồi đến việc bố thí phần.

Bố thí phần tức là: Người này phát nguyện mỗi tháng bố thí 1/20 tiền lương thì dù tiền lương ít hay nhiều, lúc lương còn thấp hay đã cao đều trích 1/20 ra bố thí. Như vậy cũng được là có kiên định trong tâm bố thí, không căn cứ là giàu hay nghèo.
Chúng ta cứ từng bước bố thí như vậy, và tu tập để đến một lúc nào đó cũng được như Bồ tát là tiền thân của Đức Phật, có được sự bố thí bất nghịch ý.

Bài học số 2: Phải thường nhớ nghĩ đến ngày tu Bát quan trai

Khi Bồ tát quan sát mặt trăng thì biết hôm sau là ngày trai giới. Phần này chúng ta cũng có thể học được Ngài: Chúng ta phải thường nhớ rõ ngày mùng 8 là ngày tu Bát quan trai giới của Phật tử chùa Ba Vàng, điều này sẽ được thức ghi nhận và chúng ta sẽ nhớ khoảng thời gian tu Bát quan trai hàng tháng.
Cho nên, trong kiếp này chúng ta phải tạo thói quen, huân tập tu Bát quan trai giới. Như vậy, đến kiếp sau hành Bồ tát đạo mà sinh vào kiếp súc sinh đi chăng nữa, chúng ta cũng áng chừng được khoảng thời gian đến ngày tu Bát quan trai.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thuần thục tu Bát quan giới, nhớ 8 giới và thuần thục nhớ việc khuyến tấn tu Bát quan trai thì chúng ta mới hành Bồ tát đạo được. Muốn khuyến hóa chúng sinh thực hành được gì thì mình phải thuần thục việc đó. Vậy chúng ta phải học Bồ tát, Ngài đã thuần thục tu tập trai giới trong nhiều kiếp mới có thể khuyến hóa người khác như vậy (khuyến hóa khỉ, chó rừng và rái cá).

Các Phật tử tu tập Bát quan trai giới tại nhà
Các Phật tử tu tập Bát quan trai giới tại nhà

Bài học số 3: Kiên định thực hành bố thí

Lời nói của Bồ tát rất chính ngữ, Ngài nói rằng: Nếu kiên định thực hành đạo đức trong ngày trai giới thì ai đến xin thức ăn sẽ cho. Chúng ta phải học sự kiên định này. Bởi chúng ta thường ngăn ngại, mình có chút thức ăn, nếu bố thí hết thì mình phải nhịn đói.

Tập thực hành kiên định trong việc bố thí thức ăn vào ngày bát quan trai giới
Tập thực hành kiên định trong việc bố thí thức ăn vào ngày bát quan trai giới

Vì vậy, để bố thí được, chúng ta cần kiên định thực hành đạo đức, đạo đức này được gọi là đạo đức bố thí. Người Phật tử cần phải học, hiểu sâu nhân quả; từ đó chúng ta biết, bố thí rồi sẽ có tài sản, không bố thí sẽ không có tài sản. Cho nên, chúng ta không ngăn ngại khi chúng ta không có tài sản, vật chất mà phải bố thí. Có rất nhiều cách bố thí cho chúng ta thực hành.

Phật tử CLB Cúc Vàng tu tập Bát quan trai và thực tập pháp lục hòa để bố thí noi gương Đức Phật

Bố thí là hạnh của Bồ Tát, hạnh của chư Phật; từ khi sơ tâm phát tâm đã thực hành bố thí; bố thí cho chúng sinh từ thấp cho tới cao, cho tới bố thí bất nghịch ý, cho đến bố thí đem lại sự giải thoát cho chúng sinh. Đó là hành Bồ tát cho tới ngày thành Phật. Nếu ai muốn tu tập trong Phật Pháp thì phải trú trong niệm bố thí bất thối chuyển, bởi thành Phật cũng chính là bố thí cho chúng sinh.

Các Phật tử CLB Cúc Vàng đang được thực hành bố thí trong từng việc: cúng dường cho chư Tăng tu hành phạm hạnh, làm từ thiện trong công việc an sinh xã hội, được Cô Chủ nhiệm hướng dẫn chuyển hóa từ tâm tới lời nói, hành động, bố thí Pháp để mọi người được an vui, hạnh phúc, không chỉ bố thí tài vật và còn bố thí bằng công sức,... Các Phật tử cũng đang cố gắng chuyên cần tu Bát quan trai giới hàng tháng dù còn nhiều gia duyên ràng buộc.

Các hoạt động an sinh xã hội cũng được đẩy mạnh
Các hoạt động an sinh xã hội cũng được đẩy mạnh

Qua câu chuyện “Chuyện con thỏ”, hy vọng quý đạo hữu thấy được sự bố thí đặc biệt của các bậc Bồ Tát. Từ đó đặt quyết tâm cho mình, ngày càng tinh tấn hơn nữa trong việc thực hành pháp, tu Bát quan trai, thực hành bố thí. Để đến một kiếp nào đó, chúng ta có thể bố thí không ngăn ngại như tiền thân của Đức Phật và thành tựu được đạo quả Vô thượng Bồ đề về sau. Chúc quý đạo hữu tinh tấn!

Các bài nên xem:

-
aa
+
2,235 lượt xem
14/01/2022

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ