Bài kinh: Các dấu hiệu của người được gọi là “trọng pháp” khi thực hành lục hòa

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật cùng đông đủ chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị đều ngự trong rừng cây của Kỳ-đà, vườn ông Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Ta sẽ vì các Ông nói pháp vi diệu, lời nói đầu, giữa và sau thảy đầy đủ chân chính, ý nghĩa thanh tịnh, phạm hạnh đầy đủ, đó là pháp tăng nhất. Vậy các Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ kỹ, về vấn đề này, ta sẽ nói cho. 

Khi đó các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy và lắng nghe. Phật bảo các Tỳ-kheo:

Có sáu pháp có nhiều thành quả, sáu pháp cần phải tu, sáu pháp cần phải biết, sáu pháp cần phải chứng ngộ.

Thế nào là sáu pháp có nhiều thành quả? Đó là sáu trọng pháp. Nếu Tỳ-kheo tu sáu trọng pháp này thì đáng kính, đáng trọng, hòa hợp với chúng, không tranh tụng, tu một hạnh không xen tạp. Thế nào là sáu? 

Ở đây vị Tỳ-kheo thân thường thực hành hạnh từ và tu phạm hạnh, đồng thời có tâm nhân ái, vị Tỳ-kheo đó gọi là trọng pháp, đáng kính, đáng trọng, hòa hợp với chúng không tranh tụng, tu một hạnh duy nhất không xen tạp. 

Vị Tỳ-kheo khẩu thường thực hành hạnh từ và tu phạm hạnh, đồng thời có tâm nhân ái, vị Tỳ-kheo đó gọi là trọng pháp, đáng kính, đáng trọng, hòa hợp với chúng không tranh tụng, tu một hạnh duy nhất không xen tạp. 

Vị Tỳ-kheo ý thường thực hành hạnh từ và tu phạm hạnh, đồng thời có tâm nhân ái, vị Tỳ-kheo đó gọi là trọng pháp, đáng kính, đáng trọng, hòa hợp với chúng không tranh tụng, tu một hạnh duy nhất không xen tạp. 

Vị Tỳ-kheo trên lại lấy vật được cúng dường của mình và đồ vật khác trong bát đem phân phối đồng đều cho chúng Tăng, không có tâm phân biệt bỉ, thử. 

Vị Tỳ-kheo đó đối với giới luật mà bậc Thánh hành trì không hề hủy phạm, không nhiễm ô, được người trí khen ngợi, khéo léo giữ gìn đầy đủ giới và thành tựu sự giải thoát bình đẳng của Hiền Thánh, hoàn toàn hết khổ. 

Vị Tỳ-kheo ấy, có chánh kiến và có các phạm hạnh; vị đó được gọi là trọng pháp, đáng kính đáng trọng, hòa hợp với chúng, không tranh tụng, tu một hạnh duy nhất không xen tạp. 

Này các Tỳ-kheo, đây gọi là pháp tăng nhất, nay Ta đã nói pháp này cho các Ông, Ta là đức Như Lai vì các đệ tử, những gì cần làm, Ta đã làm đầy đủ, từ mẫn, ân cần dạy dỗ các Ông. Vậy đối với pháp trên, các ông phải siêng năng phụng hành. 

Này các Tỳ-kheo! Phải ở chỗ thanh vắng, hoặc dưới gốc cây hay nơi trống trải, siêng năng tọa thiền, chớ tự buông lung. Nếu nay không nỗ lực cố gắng, về sau có ăn năn cũng đã muộn.

Đây là lời dạy của Ta, các Ông phải siêng năng thọ trì. 

Khi các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, liền hoan hỷ phụng hành.

(Trích soạn từ: Kinh Tăng Nhất, Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Việt dịch. Xem: Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trường A-Hàm – Tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr. 452-462)

-
aa
+
3,029 lượt xem
03/05/2022

Bình luận (7)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Đ
    Đ

    Đoàn Thị Lan

    14/02/2024
    Con xin thành kính tri ân Tam Bảo, tri ân công đức trên Sư Phụ cùng đại Tăng Ni Chùa Ba Vàng và Cô Chủ Nhiệm đã dẫn dắt cho chúng con tu tập được nhiều lợi ích ạ. Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
  2. M
    M

    Mai Nguyen Thi

    14/02/2024
    Con thành kính tri ân ân đức Tam Bảo, trên Sư Phụ và Đại Tăng cùng Cô chủ nhiệm CLB tạo duyên cho chúng con tu tập thoát khổ ạ.
  3. Đ
    Đ

    Đinh thị juee

    04/02/2024
    Con xin tri ân Tam Bảo
  4. D
    D

    Diệu Hương

    14/12/2023
    Con thành kính tri ân công đức trên Sư Phụ, Đại Tăng Cô chủ nhiệm ạ
  5. Đ
    Đ

    Đoàn Thị Lan

    14/12/2023
    Con xin thành kính tri ân Tam Bảo, tri ân công đức trên Sư Phụ cùng Đại Tăng và Cô Chủ Nhiệm ạ. Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.