Ý nghĩa tu tại gia - tu chợ - tu chùa?

Kính thưa quý đạo hữu!

Để cản trở những người đi tu ở trên chùa, người ta thường hay dùng câu nói “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Hôm nay, Yến sẽ nói về nghĩa chính của câu nói này. Tu tại gia, tức là người này phải có tâm hiếu. Tu chợ, tức là người này phải giảm tham lam và giảm sự sân hận. Còn tu chùa là đoạn tận các tham, sân, si. Bởi vậy cho nên, bước đường tu tập của một con người đầu tiên là phải bồi dưỡng cho mình đức hiếu. Chúng ta nương tựa vào cha mẹ mà tu hiếu hạnh. Với một người đi tu, người ta phải kiểm lại tâm từ nhỏ đến lớn xem có bất hiếu không. Nếu bất hiếu thì phải sám hối với cha mẹ và rèn giũa đạo đức của mình về hiếu thuận. Khi đến chùa, đạo hiếu này được vun bồi với Thầy tổ. Nếu một con người mà bất hiếu thì sẽ bất kính. Vì bất hiếu, bất kính cho nên lên chùa sẽ không tiếp nhận được lời của Đức Phật dạy thông qua Thầy tổ, sẽ rất khó khăn trong việc tu tập. Vì vậy, ở nhà cũng tu hiếu, mà lên chùa cũng phải tu hiếu. Và Thầy tổ chính là người thay cha mẹ mình dạy dỗ, rèn giũa đạo đức cho mình bằng lời Phật dạy để mình sửa đổi tâm tính.

Thứ nữa là tu chợ, tức là mình tu với mọi người xung quanh không tham, không sân. Đi lên chùa cũng thế, với huynh đệ, với mọi người, mình cũng phải không tham lam, không sân giận. Tu hai đức này xong thì mới tu đến đoạn tận các ái chấp. Khi đến chùa tu, kết quả cuối cùng là đoạn trừ tất cả các lậu hoặc, có nghĩa là ái chấp và phiền não không còn, chứng đắc Thánh quả. Cho nên, tu ở chùa là chúng ta trọn vẹn được cả tu nhà và tu chợ.

Khi có một ai cản trở chúng ta rằng: “Thôi, thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Ở nhà hiếu dưỡng cha mẹ đi, bày vẽ đi lên chùa tu tập”. Khi đó, chúng ta sẽ giải thích rõ ràng rằng: “Chúng tôi về chùa tu tập, là những người Phật tử tại gia, mới biết cách hiếu thuận với cha mẹ theo nhân quả và tội phúc được”. Nếu như chỉ có hiếu rằng yêu quý cha mẹ, thì đến khi mình khó nhọc, chắc chắn mình sẽ khởi ý bất hiếu. Nhưng nếu hiếu này cùng với sự giác ngộ, hiểu biết về nhân, về quả thì sẽ khiến cho con người có trí giác, và sự hiếu thuận được tốt hơn. Từ hiếu thuận trong gia đình, họ sẽ hoàn thiện được đạo đức của mình hơn nếu được học ở chùa. Rồi một người buôn bán ở chợ, nếu không về chùa tu tập biết nhân, biết quả, hiểu về tham, về sân giận thì họ sẽ không tu ở chợ được; mà chỉ ra đến chợ vào một guồng máy, không có người dạy thì họ sẽ tham, sẽ sân.

Và ý nghĩa thật sự của câu nói này là: Thứ nhất tu tại gia là hiếu, thứ nhì tu chợ là giảm tham, sân, thứ ba tu chùa là đoạn trừ các ái chấp. Đây là người ta nói ví theo lộ trình của tâm, còn chúng ta tu chùa thì có đầy đủ các thứ mang đến hạnh phúc. Nếu hiểu đúng nghĩa như vậy thì chúng ta sẽ không nói câu này, không gây khẩu nghiệp với ai khi mà mình không hiểu. Vì mình không hiểu nên khi thấy người đi chùa, mình sẽ bảo: “Thôi, gớm! Ở nhà chưa ra gì mà còn đi chùa. Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Câu nói đó là thuộc về vô minh, mà vô minh thì sinh ác nghiệp, sẽ phải chịu quả báo. Cho nên đối với vấn đề này chúng ta phải tư duy, suy nghĩ và thực hành đúng Pháp. Chúng ta đi tu là để đập vỡ vô minh, tức là giác biết hết tất cả về nhân, về quả trong tư duy, lời nói và việc làm của mình theo Bát chính đạo thì chúng ta sẽ được giải thoát.

Xem thêm: Chọn chùa để tu

-
aa
+
4,011 lượt xem
23/02/2019

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.