Trước khi thiền định dưới cội Bồ đề, Đức Phật đã phát đại nguyện: Dù máu huyết khô cạn, dù chỉ còn gân, xương và da; ta quyết không rời nệm cỏ này nếu ta chưa đắc thành quả Phật. Và sau 49 ngày đêm thiền định, Ngài đã chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trở thành vị Phật đầu tiên trong kiếp trái đất này với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật.
Sự xuất hiện của Đức Phật như ánh mặt trời sáng rỡ của buổi sớm mai, xua tan bóng đêm đen dày đặc của vô minh và ái dục. Chân lý Ngài chứng đạt đã chỉ ra con đường đi đến hạnh phúc tối thượng giúp những ai thực hành lời dạy của Ngài để tiến tới con đường chấm dứt khổ đau.
Vì vậy, kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo đối với mỗi người Phật tử là dấu ấn vô cùng quan trọng, đem lại lợi ích thù thắng. Mời quý đạo hữu cùng đọc bài viết dưới đây để biết về lợi ích đó và cách hướng tâm để nhận công đức lớn trong lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán)!
Mục lục [Hiển thị]
- Lợi ích lễ kỷ niệm Đức Phật thành đạo mang lại
- Đối với người đệ tử Phật
- 1. Thoát khỏi những mông lung và tinh tấn thực hành lời Phật dạy
- 2. Phát sinh thêm duyên tu tinh tấn
- Đối với người chưa phải đệ tử Phật
- Để có công đức và phước báu lớn trong ngày Phật thành đạo, Phật tử nên làm gì?
- 1. Tổ chức lễ kỷ niệm trong tâm ý Bồ đề
- 2. Rèn sửa tâm theo sáu Pháp hòa kính
Lợi ích lễ kỷ niệm Đức Phật thành đạo mang lại
Trong bài trạch giảng “Công đức của ngày Đức Phật thành đạo”, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Đối với người đệ tử Phật thì những ngày Đức Phật đản sinh, Đức Phật đi xuất gia, Đức Phật thành đạo, Đức Phật nhập Niết Bàn là những ngày mà người đệ tử Phật thường nhớ tới và chính sự nhớ tới bốn ngày này của Đức Phật thì khiến cho tâm mình tinh tấn hơn”. Vậy sự kiện Đức Phật thành đạo mang lợi ích thù thắng thế nào?
Đối với người đệ tử Phật
Có 4 sự kiện quan trọng: ngày Đức Phật đản sinh, Đức Phật đi xuất gia, Đức Phật thành đạo, Đức Phật nhập Niết Bàn là những ngày mà người đệ tử Phật thường nhớ tới và chính sự nhớ tới này sẽ khiến cho tâm chúng ta tinh tấn hơn. Sau đây là những phân tích cụ thể giúp quý đạo hữu hiểu hơn về sự tinh tấn phát sinh trong ngày Phật thành đạo.
1. Thoát khỏi những mông lung và tinh tấn thực hành lời Phật dạy
Trong ngày này, chúng ta sẽ phấn chấn, tinh tấn hơn. Vì biết Đức Phật đã thành Phật rồi, chúng ta cũng sẽ thành Phật nếu chúng ta tinh tấn thực hành lời Phật dạy, đoạn trừ tham, sân, si, có chí nguyện thành Phật là sẽ thành Phật. Bởi vậy, ngày kỷ niệm Đức Phật thành đạo sẽ mang sức tinh tấn tới cho người đệ tử Phật.
2. Phát sinh thêm duyên tu tinh tấn
Tham gia tu tập trong ngày kỷ niệm Đức Phật thành đạo phát sinh thêm duyên tu tinh tấn cho người đệ tử. Như việc chúng ta bước trên bậc thang, lên bậc này rồi thì sẽ có cơ hội để bước lên bậc tiếp theo. Trong tu tập cũng vậy, duyên tu của chúng ta do công đức ngày hôm nay sẽ phát sinh ra duyên, phát sinh ra những suy nghĩ và hiểu biết của ngày hôm sau.
Vì vậy, chúng ta phải liên tục tạo duyên để sách tấn mình; nếu thiếu duyên sách tấn, chúng ta sẽ bị thụt lùi. Và tham gia lễ kỷ niệm Đức Phật thành đạo chính là một duyên để sách tấn mình.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ mất đi tinh tấn, giảm duyên tu bởi: Xuất phát điểm của tâm con người là tâm phàm như tham lam, sân hận, ganh ghét, đố kỵ,... Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà chỉ là tâm người với tâm người thì sẽ làm cho chúng ta quên đi ý định, quên đi lý tưởng ban đầu và không thể phát sinh cho chúng ta năng lực tinh tấn. Lúc bấy giờ, chúng ta có thể vì chán tu mà chạy theo danh vọng, tiền tài, hưởng thụ ngũ dục,....
Hoặc đôi khi, chúng ta có những lời nguyện hoặc lời hứa nhưng vì giải đãi nên không thực hành. Giải đãi kéo dài, nếu không được sách tấn thì sẽ trở thành thói quen, rồi thất hứa và từ đó sẽ mang lại quả báo không lành, khiến chúng ta gặp thêm các chướng ngại để thực hành những lời hứa tiếp theo, hại đến tâm nguyện của chúng ta.
Chính vì vậy, ngày Đức Phật thành đạo như một cú hích tinh thần để những người đệ tử Phật tinh tấn tu tập hơn. Chúng ta nghĩ rằng: “Ngài thành đạo được, tại sao mình lại không thể?”. Ngài đã chỉ cho chúng ta con đường thực hành Pháp từ thấp đến cao để thành tựu. Tư duy như vậy, chúng ta sẽ tự quyết tâm nhìn lại mình và tinh tấn hơn.
Đối với người chưa phải đệ tử Phật
Đối với những người không tu theo đạo Phật thì dịp tổ chức ngày lễ Phật thành đạo khác với thông thường như tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm thì sẽ rất thu hút, hấp dẫn họ.
Bởi bản tính con người là luôn tò mò, họ sẽ đặt câu hỏi như: Đức Phật là ai? Tại sao lại tổ chức lễ lớn như vậy? Thành đạo là thành đạo gì? Với người đặt câu hỏi về ngày này, thức của họ sẽ ghi nhận lại và nhiều kiếp sau, chính họ là người phải đi giải câu hỏi đó. Từ đó, họ sẽ có duyên để vào trong biển Phật Pháp - một nhân duyên rất xa nhưng cũng có thể có những người phát khởi đến gần.
Hoặc từ những thắc mắc đặt ra, nhiều người sẽ đi tìm hiểu, họ sẽ biết đến “tứ diệu đế”, “bát chính đạo”,... Cứ như vậy, họ sẽ tư duy và chiêm nghiệm được về nhân quả ngay ở hiện tại. Đây chính là duyên thù thắng đưa nhiều người kết duyên với Phật Pháp.
Để có công đức và phước báu lớn trong ngày Phật thành đạo, Phật tử nên làm gì?
1. Tổ chức lễ kỷ niệm trong tâm ý Bồ đề
Việc làm công đức, phận sự trong ngày lễ kỷ niệm Phật thành đạo với tâm ý mong mỏi chúng sinh kết duyên lành với Phật Pháp, dẫn dắt chúng sinh vào chân lý giải thoát, mong mỏi cho họ giác ngộ về khổ, nguyên nhân của khổ, cách thoát khổ, thoát khỏi mê lầm,... cũng nằm trong tâm ý Bồ đề và sẽ làm lợi ích cho chúng sinh. Đó là công đức rất lớn, công đức mong mỏi cho người khác điệt dược tham, sân, si.
Chính vì vậy, mong sao các chùa sẽ tùy duyên của chúng sinh mà tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo. Ví dụ: thấy nơi đó mọi người ưa thích lễ hội thì tổ chức theo cách lễ hội; nơi đó thích cúng khấn thì mình lại nương vào pháp cúng khấn để tổ chức. Miễn làm sao có duyên để chúng ta lan tỏa rộng cho mọi người biết Đức Phật là ai, Đức Phật thành tựu được gì và điều đó mang lại lợi ích gì, chúng sinh có nên thực hành theo không, thực hành thế nào,... Như vậy là sẽ có duyên để gieo duyên Phật Pháp đến chúng sinh.
Ngoài ra, nơi nào có nhiều người tu tập, chúng ta sẽ tổ chức các chương trình tu tập. Như vậy, cả người tổ chức, người tham gia, nhân dân chưa biết đến đạo Phật, người ngoại đạo đều được lợi ích. Việc này cũng nằm trong hạnh nguyện Bồ đề: “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”, gieo duyên cho chúng sinh biết đến chân lý.
2. Rèn sửa tâm theo sáu Pháp hòa kính
Trong lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo, chúng ta nên rèn sửa tâm mình theo sáu Pháp hòa kính khi làm phận sự để tâm chúng ta được thanh tịnh, bớt tham - sân - si để hồi hướng công đức này thành tựu quả vị Phật. Đó là công đức phúc báo rất lớn mà những người con Phật chúng ta có thể tạo ra trong các ngày lễ kỷ niệm Đức Phật thành đạo.
Như vậy, công đức của lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo có hai phần chính: Một là sẽ gieo duyên Phật Pháp cho chúng sinh; hai là công đức phước báu rất lớn cho người tổ chức, người làm phận sự trong buổi lễ nếu điều chỉnh tâm mình đúng hướng.
Với tinh thần nhiệt huyết, hân hoan đón mừng ngày Đức Phật thành đạo của người Phật tử, chắc chắn
Phật Pháp sẽ được nhân rộng, lan tỏa rộng khắp mọi nơi để tất cả chúng sinh đều biết quay về nương tựa Đức Phật - bậc Thầy cao quý của Trời, người.
Chúc quý Phật tử một mùa Phật thành đạo đầy hoan hỷ, an lạc và tinh tấn!
Các bài nên xem:
- Chương trình tu tập kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo
- Hướng dẫn cách quán chiếu và thực hành để kiên cố Bồ đề tâm nguyện
- Hoài niệm Đêm thiền mừng Phật thành đạo tại chùa Ba Vàng PL.2563 – DL.2020
- 4 sự kiện Đức Phật thành đạo
- Những kiến thức cần biết về lục hòa trong CLB Cúc Vàng
- Vì sao Ma Ba Tuần đến phá Phật trong đêm Phật thành đạo?
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.