Nhiều người cho rằng xem bói đường chỉ tay sinh mệnh sẽ biết được thọ mạng của mình sẽ dài hay ngắn. Thế nhưng trong quan điểm của Phật giáo, liệu có việc mạng sống của chúng ta cũng phụ thuộc vào đường chỉ tay của mình không? Quý Phật tử hãy cùng tìm hiểu một số vấn đề về thọ mạng trên thân tứ đại sau đây để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích nhé.
Câu hỏi:
Con chào Cô Yến. Thưa Cô, con có một thắc mắc mong Cô giải đáp giúp con ạ. Con là người tin tưởng sâu sắc vào Phật cũng như tin sâu nhân quả. Cách đây khoảng 4 năm về trước, có 1 chị làm cùng công ty con bị ung thư mất. Chị ấy không chồng con, mất năm 33 tuổi. Trước khi mất, chị ấy nói với con rằng: “Nhìn đường chỉ tay mày ngắn thế này chắc sau này tuổi thọ đời mày cũng bằng chị thôi”. Và con cũng được 1 bà thầy bói nói đường chỉ tay của con ngắn thế này chắc đoản mệnh ạ.
Con vẫn thường nghe Sư Phụ nói muốn biết nhân đời này thì xem quả đời trước. Vậy Cô cho con hỏi liệu lời chị ấy nói và người thầy bói nói liệu có đúng không ạ? Con vẫn biết sống chết là vô thường, nhưng con đang chuẩn bị sinh thêm con thứ 3, lại là lao động chính trong gia đình. Con sợ con có bề gì thì các con của con sẽ ra sao? Con kính mong Cô giải đáp giúp con ạ. Con xin thành kính tri ân công đức của Cô!
Sự tồn tại của thân tứ đại trong Tam giới
Cô Phạm Thị Yến trả lời:
Cô chào em! Chúng ta cùng tìm hiểu để biết sự tồn tại của thân tứ đại trong tam giới của ba hàng: chư Phật, chư Bồ Tát và chúng sinh.
Chư Phật: Chư Phật khi chứng đạo sẽ có tứ thần túc. Các Ngài tự tại kéo dài thọ mạng nhưng phải cần duyên là có chúng sinh thỉnh. Khi Đức Phật chứng đạo liền có duyên chúng sinh đến thưa thỉnh Đức Phật thuyết pháp cứu độ chúng sinh nên Đức Phật sẽ tác ý kéo dài thọ mạng cho đến khi hoàn thành việc thuyết Pháp, cho đến khi kết quả có người chứng đạo độ sinh được và cho đến khi Đức Phật đã độ hết chúng sinh có hữu duyên với Đức Phật thì Đức Phật sẽ nhập Niết Bàn.
Khi Đức Phật đã độ hết chúng sinh chứng đạo truyền đạo và độ hết chúng sinh có hữu duyên với Đức Phật, nếu có chúng sinh thỉnh Đức Phật không nhập Niết Bàn tiếp tục độ sinh thì Đức Phật sẽ lại tác ý kéo dài thọ mạng. Nhưng nếu khi đã độ hết chúng sinh có hữu duyên rồi mà không có duyên chúng sinh nào đại diện để thỉnh Phật tiếp tục độ sinh nữa thì Phật sẽ nhập Niết Bàn. Ví như khi Ngài A Nan không tinh ý mà thay mặt chúng sinh thỉnh Phật trụ thế nên Đức Phật đã nhập Niết Bàn.
Chư Bồ Tát: Các Ngài do nguyện tu hành độ sinh và duyên nghiệp. Chư Bồ Tát trên con đường thực hành Bồ Tát đạo để thành tựu từ bi và trí tuệ nên có các công hạnh tương ưng phù hợp với nghiệp chung của chúng sinh để hoá độ chúng sinh. Vì phải "thân hòa đồng trụ" để giáo hóa chúng sinh nên có các nghiệp tạo tác. Ví dụ cần sinh vào gia đình đánh cá để phù hợp độ sinh nên có duyên sát sinh, nhưng do nguyện lực và công đức nên các Ngài không chịu quả báo sát sinh như các chúng sinh khác. Chỉ là trên thân sinh các bệnh đủ với sự nhẫn thọ, để chân thật cảm nhận sự đau đớn thống khổ của người bệnh, từ đó làm tăng trưởng tâm từ bi của Bồ Tát. Và đó cũng chính là duyên để Bồ Tát phát sinh các công hạnh tiếp theo trên con đường thành tựu quả vị Chính Đẳng Chính Giác. Cho nên, chư Bồ Tát muốn thọ mạng ngắn hay dài, là do các yếu tố: lòng ái mộ kính mến của chúng sinh và tự thân tiếp tục phát nguyện hành công hạnh cùng với tác động của Duyên Bệnh trên thân tứ đại.
Chúng sinh: Thọ mạng hoàn toàn do nghiệp lực thiện ác chi phối. Mạng sống của kiếp này của chúng sinh dài là do nghiệp sát sinh của các kiếp trước và kiếp này cộng lại ít. Ví như có người cả đời này sát sinh mà thọ mạng vẫn dài là do nghiệp sát sinh kiếp trước quá ít nên họ vẫn được hưởng phước về tuổi thọ của các kiếp trước; còn nghiệp sát sinh của kiếp này thì các kiếp sau họ mới chịu quả báo. Cũng có người nghiệp sát sinh của kiếp trước nhiều, nhưng nghiệp thiện tu hành của kiếp này lớn sẽ khiến họ chuyển hóa thành thọ mạng dài. Có một câu chuyện trong Phật giáo là: Có chú tiểu thọ mạng chỉ còn sống được ba ngày, nhưng nhờ duyên chú cứu đàn kiến và tu tập nên đã kéo dài tuổi thọ đến 80 tuổi.
Mạng sống kiếp này của chúng sinh ngắn là do nghiệp sát sinh của các kiếp trước và kiếp này cộng lại nhiều. Ví như có người vừa sinh ra, tuy kiếp này chưa sát sinh nhưng các kiếp trước nghiệp sát sinh còn lại quá nặng nên thọ mạng ngắn. Cũng có người kiếp trước còn quả báo của thọ mạng dài, nhưng kiếp này lại tạo nghiệp sát sinh lớn như giết hàng loạt người, hoặc đoạt mạng sống của người thiện lành,... thì phúc liền giảm sút, khiến mất mạng ngay sau khi làm việc đó.
Thọ mạng ngắn hay dài của chúng sinh là do nghiệp báo của việc sát sinh, vậy nên thọ mạng không có tính chất cố định. Chúng ta muốn tăng thọ mạng thì nên hạn chế sát sinh, mà nên phóng sinh và cúng dường nuôi dưỡng thọ mạng của các bậc thiện lành là những người tu hành thiểu dục.
Chúng ta không nên mặc định về tuổi thọ theo chỉ bàn tay mà nên tu tập, nghe học Phật Pháp, hiểu nhân quả, làm chuyển hoá tăng trưởng thiện tâm và cúng dường phụng sự Tam Bảo, chuyển tải rộng Phật Pháp cứu độ chúng sinh và hạn chế hoặc không sát sinh mà phóng sinh, thì thọ mạng của mình sẽ được kéo dài và đỡ bệnh, khiến cho đời này bớt khổ an vui, đời đời hạnh phúc an lạc.
Chúc các đạo hữu tinh tấn thực hành lời Đức Phật dạy, làm lợi ích cho mình và cho thế gian.
(Trích lời của Cô Phạm Thị Yến trả lời trong nhóm Tâm Sự Cùng Cô Phạm Thị Yến - Tâm Chiếu Hoàn Quán)
Các bài nên xem:
Nghiệp gì phải chết trẻ, sống không thọ? Nghe để biết về tuổi thọ của con người
Cách giải nghiệp chết trẻ
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.