“Hoa cúc trong tâm của chính mình” - Biểu tượng của CLB Cúc Vàng Tập Tu Lục Hòa

Hình ảnh hoa cúc gắn liền với dân gian và Phật giáo Việt Nam bởi sự dân dã, gần gũi cùng biểu tượng thủy chung, keo sơn, gắn bó của nó. Đặc biệt trong mắt các thi sĩ, hoa cúc trở nên thi vị với những triết lý nhân sinh sâu sắc ở tình đoàn kết, yêu thương. Học theo những giá trị thanh cao của hoa cúc, vâng lời Đức Phật dạy và noi gương Phật tử thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Phật tử Câu lạc bộ Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa chùa Ba Vàng cũng đang tu tập sáu Pháp hòa kính, từ đó gắn bó yêu thương nhau và mang tình thương đó lan tỏa cho đời.

Hoa cúc - biểu tượng của CLB Cúc Vàng Tập Tu Lục Hòa

Từ khi thành lập, câu lạc bộ dành cho các Phật tử chùa Ba Vàng đã được lấy hình ảnh hoa cúc làm biểu tượng; với mong mỏi các Phật tử tu tập trong hòa hợp, yêu thương và giúp nhiều người nhận được lợi ích trong Phật Pháp. Để không phụ lòng Sư Phụ cùng chư Tăng và sự hướng dẫn tu tập sách tấn của Cô Chủ nhiệm Phạm Thị Yến, các Phật tử trong CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa đang nỗ lực thực hành giáo Pháp tối diệu của Đức Thế Tôn, trong đó có Pháp lục hòa.

Hoa cúc là loài hoa rất đặc biệt, biểu tượng cho các đức tính tốt đẹp của con người là trung, tín, hiếu, nghĩa. Từ khi sinh ra đến khi tàn, dù hoa có héo đi thì cánh hoa vẫn không rụng, lá vẫn không rời cành. Cũng như vậy, người tu cũng không được rời sáu Pháp hòa kính, đoàn kết với nhau như những cánh hoa cúc đan xen.

hoa-cuc-la-loai-hoa-rat-dac-biet
Hoa cúc là loài hoa rất đặc biệt, biểu tượng cho các đức tính tốt đẹp của con người là trung, tín, hiếu, nghĩa

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Khi Yến lấy bông hoa cúc vàng làm biểu tượng của CLB với ý nghĩa là tập tu lục hòa, Yến đã có suy nghĩ: Nếu mình biết tới người nào đi chăng nữa, mình cũng sẽ cố gắng hết sức mình để giúp cho người đó có thể đi vào con đường Phật Pháp; dù ai có bỏ mình thì bỏ, chứ mình nhất quyết không bỏ ai cả. Và hoạt động của các đạo tràng Phật tử thuộc CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa ngay từ đầu cũng theo tinh thần đó. Chúng ta sẽ giúp đỡ những ai cần đến Phật Pháp, cần đến chúng ta, dù người ta bỏ mình chứ mình không thể bỏ người ta được. Ở tại kiếp này, chúng ta gieo nhân lục hòa với nhau thì nhiều kiếp chúng ta sẽ không bao giờ mất nhau”.

co-pham-thi-yen-lay-hinh-anh-hoa-cuc-lam-bieu-tuong
Cô Phạm Thị Yến đã lấy hình ảnh bông hoa cúc vàng làm biểu tượng của CLB với ý nghĩa tập tu lục hòa
hoa-cuc-bieu-tuong-cho-clb-cuc-vang
Hoa cúc - biểu tượng của CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa
Lợi ích và ý nghĩa to lớn của Pháp Lục hòa kính
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh từng chia sẻ, với trí tuệ của Bậc Thế Gian Giải, Đức Phật thấu rõ sự lục đục, bất hòa ở các gia đình, cơ quan, tập thể. Điều đó gây ra biết bao đau khổ cho xã hội. Một tập thể bất hòa dẫn đến sản xuất kinh doanh không tốt, trở ngại trong mọi việc. Một quốc gia bất hòa, chia bè phái thì quốc gia ấy sẽ suy yếu.
Vì lòng từ bi thương xót chúng sinh, Đức Phật đã chỉ dạy pháp Lục hòa kính, giúp Tăng chúng, Phật tử sống hòa hợp, an vui; bao gồm:
 
1. Thân hòa đồng trụ
2. Khẩu hòa vô tranh
3. Ý hòa đồng duyệt
4. Kiến hòa đồng giải
5. Giới hòa đồng tu
6. Lợi hòa đồng quân
 
Về lợi ích của Pháp tu lục hòa, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh từng chỉ dạy: “Nếu biết sống lục hòa thì hạnh phúc vô cùng, đã lục hòa thì không có đấu tranh, không còn giành giật, không còn những chuyện này chuyện kia. Thời vật chất sung mãn thì sự giành giật tranh chấp, đấu tranh của chúng sinh rất nhiều. Người con Phật phải tiếp tục tu Pháp tu Lục Hòa, ứng dụng pháp tu Lục Hòa triệt để, đồng thời lan ra đến tất cả quần chúng nhân dân thực hiện thì hạnh phúc của chúng ta lớn lên bội phần”.
Từ lời chỉ dạy trên Sư Phụ, chúng ta thấy ý nghĩa to lớn của Pháp lục hòa: thứ nhất là sức mạnh căn bản để giữ gìn đạo Pháp; thứ hai, lục hòa là chất liệu để đời sống được hạnh phúc, an vui.
Đây là cách ứng xử trong đạo và đời mà người đệ tử Phật cần học tập, nghiêm túc thực hành.
clb-cuc-vang-thuc-hanh-theo-phap-tu-luc-hoa
CLB Cúc Vàng đang từng ngày tu tập, thực hành theo Pháp Tu Lục Hòa

Hoa cúc gắn liền với hình ảnh người con Phật

Hoa cúc với Ngài Tam Tổ Huyền Quang

Tam Tổ Huyền Quang là một vị Thiền Sư thời Trần, là Tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử. Ngài từ chức quan, và noi theo vua Trần Nhân Tông xuất gia thực hành hạnh đầu đà. Ngài còn là một thi sĩ, đã đưa hoa cúc vào thơ của mình, tôn vinh những tính chất cao quý như đoàn kết, thủy chung, yêu thương của hoa cúc và lấy hoa cúc làm biểu tượng cho cuộc sống tại gia.

Xuân lai hoàng bạch các phương phi
Ái diễm liên hương diệc tự thì
Biển giới phồn hoa toàn trụy địa
Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly

Dịch nghĩa:
Phương phi xuân sắc trắng hay vàng
Thời tiết tùy loài hợp sắc hương
Khi mọi loài hoa rơi chật đất
Dậu đông hoa cúc vẫn chưa tàn

Ngài Huyền Quang sống trong thế gian, tu tập và giải thoát ngay trong thế gian. Cũng như vậy, người con Phật cần noi gương các Ngài, học giá trị cao đẹp của hoa cúc để tiến bước trên con đường giải thoát.

Cô chủ nhiệm từng chia sẻ: “Hoa cúc trên tướng là bông hoa, còn chúng ta hằng ngày phải tô bồi bông hoa cúc trong tâm của chính mình. Đó là sự gắn kết, yêu thương, đoàn kết, nâng đỡ cho nhau để cùng phát triển tốt đẹp. Chúng ta hãy sống giống như màu hoa cúc vàng, đó là màu của sự yêu thương, giải thoát”.

hoa-cuuc-gan-lien-voi-ngai-huyen-quang
Hình ảnh hoa cúc được gắn liền với Tổ sư Huyền Quang – một trong Tam Tổ Trúc Lâm

Phật tử hòa hợp hộ trì chư Tăng tu hạnh đầu đà là hộ trì Tam Bảo

Vào thời Trần, nhân dân rất đoàn kết tu học Phật Pháp, vua dân đến chùa quy y, giữ giới, tụng kinh, thiền định. Vua Trần Nhân Tông đã lãnh đạo nhân dân bằng Phật Pháp, nhân dân tu học lục hòa. Cho nên nhân dân rất đoàn kết, thương yêu và hòa hợp với nhau; tích cực xây chùa, đúc chuông, tạc tượng để phụng thờ Tam Bảo, hộ trì chư Tăng tu tập.

Sau này, vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, một mình lên núi tu tập và sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, thực hành các hạnh đầu đà, trở thành Phật Hoàng Trần Nhân Tông của dân tộc Việt Nam. Dưới sự chỉ dạy của Ngài, nhân dân thời đó đã tu tập Pháp Lục hòa kính để hộ trì chư Tăng tu hành hạnh đầu đà - trước độ mình, sau là cứu cả muôn loài chúng sinh.

Chư Tăng chùa Ba Vàng tu hạnh đầu đà tiếp nối sự tu tập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

Chư Tăng chùa Ba Vàng tu hạnh đầu đà tiếp nối sự tu tập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, tại chùa Ba Vàng - ngôi cổ tự thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã kế thừa và giáo dưỡng cho 2 hàng đệ tử xuất gia và tại gia tu hành theo tinh thần của dòng thiền chư Tổ đã truyền trao. Đệ tử xuất gia thì tu hành miên mật hạnh độc cư như Sư Tổ ngày nào một mình lên nơi thâm sơn cùng cốc để tìm cầu chân lý. Còn hàng Phật tử tại gia thì “vui đạo tùy duyên” - học Pháp, vận dụng được tinh thần của Pháp vào cuộc sống, tu tập hòa hợp để hộ trì chư Tăng tu hạnh đầu đà; làm lợi ích cho bản thân và cho nhân loại.

Là người con Phật đang tu tập tại mái già lam Ba Vàng, là thành viên của CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa, tu theo sáu Pháp hòa kính, các Phật tử hãy rèn sửa tâm mình gắn kết, yêu thương người khác như ý nghĩa của những bông cúc kia và phát tâm hộ trì Tam Bảo để chư Tăng an ổn tu tập.

Trong bối cảnh miền Trung thân yêu đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt, vâng theo sự chỉ dạy trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, mỗi Phật tử hãy là những bông hoa tô thắm cho đời, cùng nhau chan rải yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ cho đồng bào miền Trung sớm vượt qua được khó khăn, ổn định cuộc sống.

Các bài nên xem:

-
aa
+
2,185 lượt xem
31/10/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ