Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu và 3 sự linh ứng nhiệm màu

Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức (hay còn gọi là Bồ tát Thích Quảng Đức) tự thiêu trong thời kỳ 1954 – 1963 đã gây chấn động nhân loại và khiến thế giới kính cẩn nghiêng mình nể phục trước sự nhiệm màu của Phật Pháp.
Vậy 3 sự linh ứng nhiệm màu này là gì? Xin mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến – Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa dưới đây.

Bối cảnh xã hội diễn ra sự kiện Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu

Thời kỳ 1954 – 1963, miền Nam Việt Nam nằm dưới sự cai trị của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Phật giáo bị đàn áp dã man. Ngô Đình Diệm chủ trương tiêu diệt đạo Phật, những cuộc bắt bớ, đánh đập Tăng Ni liên tục xảy ra.

Ngô Đình Diệm chủ trương tiêu diệt đạo Phật, những cuộc bắt bớ, đánh đập Tăng Ni liên tục xảy ra
Ngô Đình Diệm chủ trương tiêu diệt đạo Phật, những cuộc bắt bớ, đánh đập Tăng Ni liên tục xảy ra

Trước bối cảnh rối ren, đau xót đó; ngày 27/05/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã viết một bức thư tâm quyết xin được tự thiêu để bảo vệ Phật Pháp. Đó là phát nguyện vĩ đại của một vị Bồ Tát, vì chúng sinh mà hy sinh thân mạng. Từ lời đại nguyện này, nhân dân Việt Nam cũng như thế giới đã được chứng kiến những sự linh ứng nhiệm màu mà Ngài thị hiện.

Hòa thượng Thích Quảng Đức viết thư quyết xin tự thiêu để bảo vệ Phật Pháp
Hòa thượng Thích Quảng Đức viết thư quyết xin tự thiêu để bảo vệ Phật Pháp

Trái tim bất tử của Hòa Thượng Thích Quảng Đức – Linh ứng nhiệm màu thứ nhất

Đêm hôm trước khi tự thiêu, Ngài nói với Đại đức Huệ Thời và Đại đức Đức Niệm ở chùa Ấn Quang: “Vì Đạo Pháp, tôi xin hiến thân già huyễn này để cho Pháp nạn được giải thoát”. Sau đó, Ngài đã để lại ba lời dặn dò cho hai vị Đại đức mà sau này, ba lời dặn dò đó đã linh ứng rất màu nhiệm.
Lời dặn dò thứ nhất, Ngài chia sẻ: “Một là, sau khi thân tôi biến thành tro bụi sẽ còn lưu lại một vật gì đó cho đời, thì đó là kết quả tốt đẹp về lời phát nguyện của tôi hiến dâng thân này cho Đạo Pháp và đó cũng là thành quả đời tu hành của tôi”.

Và quả thật, sự nhiệm màu đã xảy ra. Ngày 20 tháng 4 nhuận năm Quý Mão (tức 11/6/1963), tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Hòa thượng Thích Quảng Đức chân xếp kiết già, tay kiết ấn tĩnh tọa như một pho tượng đồng đen trong ngọn lửa rực cháy. Hình ảnh thiêng liêng ấy khiến Tăng Ni, nhân dân, Phật tử không thể cầm được nước mắt.

Ngày 20/6/1963, Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo tổ chức rước nhục thân của Hòa thượng đưa về An Dưỡng Địa cử hành lễ trà tỳ (hỏa thiêu). Tại đây, trước sự chứng kiến của 50 nhà báo quốc tế, khi nhục thân Hòa thượng cháy tan hết thì trái tim của Ngài vẫn đỏ hồng nguyên vẹn sau hai lần đốt trong lò thiêu. Sự kỳ diệu về trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức được lan truyền rất nhanh, tổng thống Ngô Đình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu cử ông trùm mật vụ thân tín là bác sĩ Trần Kim Tuyến đến khám nghiệm. Ông Trần Kim Tuyến mang theo một máy phát điện, đưa trái tim của Ngài vào lò đốt với nhiệt độ 4000 độ C. Trái tim Ngài vẫn đỏ rực không tan rã. Khi đó, ông trùm mật vụ này đã quỳ xuống lễ và viết một bản phúc trình công nhận đây là trái tim bất diệt.

Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn nguyên vẹn sau hỏa thiêu (Ảnh chưa phục chế)
Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn nguyên vẹn sau hỏa thiêu (Ảnh chưa phục chế)

Đây quả là sự linh ứng rất nhiệm màu. Đúng như lời nói của Ngài rằng, sau khi thân thiêu thành tro bụi, sẽ lưu lại một vật gì đó cho đời. Quả thực, vật đó đúng là trái tim của Ngài. Từ đây, có thể thấy trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức là kết tinh từ tâm nguyện, trí chứng định lực của Ngài; như kim cương bất hoại để lại cho đời – đã trở thành báu vật quốc gia sau này.

Bồ tát Thích Quảng Đức thọ ký về kết quả của cuộc đấu tranh – Linh ứng nhiệm màu thứ hai

Lời dặn dò thứ hai Ngài dặn hai vị Đại đức: “Hai là, khi tôi thiêu, nếu tôi chết trong tư thế nằm ngửa thì nguyện vọng Phật giáo sẽ thành công, các thầy cứ tiếp tục tranh đấu. Ngược lại, nếu tôi nằm sấp thì Quý thầy nên tìm cách đi ra nước Miên, Lào, Thái để mà tu. Nguyện vọng tranh đấu của Phật Giáo sẽ không thành”.

Chính lòng từ bi của Ngài đã nói trước cho chúng sinh biết: Nếu Ngài nằm sấp thì không đấu tranh nữa, bởi sẽ tổn hại đến chúng sinh; nếu Ngài nằm ngửa, khẳng định cuộc đấu tranh này sẽ thành tựu, cho nên các Thầy cứ đấu tranh. Đó là những lời mà các vị Bồ Tát biết trước. Các Ngài đã phát nguyện hóa thân vào cuộc đời này với mục đích của mình, cho nên không một việc gì là các Ngài không biết trước.

Những gì Ngài huyền ký lại về kết quả cuộc đấu tranh đã trở thành hiện thực. Sau khi lửa cháy hết, Ngài bật ngửa trên mặt đất trong tiếng niệm Phật vang dội của hàng trăm chư Tăng Ni đang ngồi vây quanh chắp tay thành kính. Tư thế viên tịch đúng như Ngài huyền ký lại, khiến Tăng Ni, tín đồ tin tưởng vào sự thành công, nguyện vọng, bình đẳng Tôn giáo mà quyết tâm dấn thân bảo vệ Phật Pháp. Cuối cùng, cuộc đấu tranh đã thắng lợi. Ngài đã để lại cho hàng Tăng Ni, Phật tử thời bấy giờ và cả mai sau một niềm tin kiên định vào chính Pháp.

Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu
Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu

Không chỉ vậy, sự hy sinh của Ngài cũng giúp cho Tăng Ni, Phật tử thời bấy giờ được thực hành Ba la mật. Bởi vì, mỗi người đấu tranh, không quản đến mạng sống của mình chính là đang thực hành Ba la mật vì lợi ích Phật Pháp, vì lợi ích giải thoát lâu dài cho chúng sinh.
Bồ Tát Thích Quảng Đức vì sự thành tựu Ba la mật cho chúng sinh, vì sự an trụ cho chúng sinh vào trong Phật Pháp mà thị hiện. Cho nên, các việc của Bồ Tát làm rất khó nghĩ bàn, bởi tâm của các Ngài quá lớn.

Dời ngày di quan sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu – Linh ứng nhiệm màu thứ ba

Lời dặn dò thứ ba, Ngài nói: “Ba là, ngày di quan của tôi, nếu các Thầy có thấy triệu chứng gì lạ lạ, có thể là ngủ mộng thấy, có thể là cảm giác hay triệu chứng gì thì nên đình chỉ ngay, dời việc di quan qua ngày khác”.

Việc này thể hiện rằng, tuy bỏ báo thân nhưng Hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn đồng hành với cuộc đấu tranh bảo vệ chính Pháp bằng năng lực của Bồ Tát. Khi bậc Bồ Tát bỏ thân, các Ngài sẽ còn những điều báo lại, do các Ngài biết trước nên có thể nói trước được hết. Nhưng vì chúng ta là phàm phu nên các Ngài phải dùng pháp phương tiện để chúng ta biết rằng: Tuy xả thân tứ đại nhưng các Ngài vẫn hiện hữu và hộ trì cho mọi người trên con đường đấu tranh này. Đó là một điểm tựa tâm linh khiến mọi người thấy rằng mình không bơ vơ. Bồ Tát Thích Quảng Đức vẫn đồng hành trên con đường đấu tranh khiến Phật giáo không bị đàn áp và diệt mất ở Việt Nam.

Ngày di quan, theo kế hoạch là nhục thân của Hòa thượng sẽ được đưa đến An Dưỡng Địa hỏa thiêu lúc 10 giờ sáng. Dân chúng kéo đến rất đông để tiễn đưa Ngài. Nhưng chờ đến 12 giờ trưa vẫn chưa thấy đoàn di quan mà lại nhận được thông báo dời ngày khác. Khoảng 2 giờ chiều ngày hôm ấy, người ta thấy năm, bảy người mặc sắc phục đen lặng lẽ từ bờ ruộng bước lên gỡ những quả mìn đã được chôn từ lúc nào trên quãng đường dẫn đến lò thiêu của An Dưỡng Địa.

Từ nơi hạnh nguyện và lòng từ bi của Hòa thượng, Ngài biết trước sự việc đó. Nếu Ngài không phương tiện “báo mộng” hay “báo những triệu chứng lạ” đến hai Đại đức Huệ Thời và Đại đức Đức Niệm thì đoàn tiễn đưa di quan của Ngài sẽ bị nổ mìn mà chết, dân chúng không tránh khỏi hệ lụy. Như vậy thì lòng tin đối với Phật Pháp của Tăng Ni, Phật tử, nhân dân sẽ suy giảm, nhụt chí đấu tranh.

Tượng Bồ tát Thích Quảng Đức ngày nay được dựng lên gần địa điểm Ngài tự thiêu
Tượng Bồ tát Thích Quảng Đức ngày nay được dựng lên gần địa điểm Ngài tự thiêu

Qua sự linh ứng nhiệm màu này, chúng ta có thể khẳng định rằng: Tâm trí gian ác, đàn áp, diệt Phật Giáo đã bị chiết phục, bị thay đổi bởi công đức của Bồ Tát Thích Quảng Đức vì tấm lòng của Ngài. Tấm lòng của Ngài là tấm lòng Bồ Đề đấy. Tâm Bồ Đề của Ngài vì lợi ích, vì hạnh phúc cho số đông bằng những việc làm cụ thể.

Bài học rút ra từ sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân

Trước sự kiện đặc biệt này, chúng ta có thể rút ra hai điều đáng tán thán rằng:
– Bậc Bồ Tát vì lợi ích cho số đông mà phát nguyện Bồ Đề. Lợi ích này không gì ngoài Phật Pháp.
– Bậc Bồ Tát phát nguyện vì lợi ích cho số đông là một phát nguyện chân thật, vì các Ngài đã biết trước mình sẽ phải chịu khổ và gian lao thế nào mới thành tựu được lời nguyện đó.

Chúng ta phải nên học các vị Bồ Tát mà phát nguyện để được lợi ích trên con đường cầu Vô thượng Bồ đề. Các bậc Bồ Tát phát nguyện chỉ vì lợi ích chúng sinh. Cho nên, chúng ta phải học hiểu Phật Pháp, để có được sự tinh tấn bằng hoặc hơn người khác, chúng ta phải thấy được lợi ích mà họ mang lại cho chúng sinh, thấy được hạnh phúc của chúng sinh và giá trị của Phật Pháp rồi mới phát nguyện tinh tấn vì lợi ích chúng hữu tình. Đó là cách phát nguyện của các bậc Bồ Tát.

Sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã để lại những bài học vô cùng giá trị và quý báu cho hàng hậu học. Chí nguyện của người xuất gia “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh” là đây, là cả một đời xuất gia nguyện đem thân phụng sự Phật Pháp, dùng thân này để cầu Vô thượng đạo.

Hy vọng những người Phật tử quán chiếu sâu về tấm gương sáng của Hòa thượng mà tiến dần trên con đường cầu Vô thượng Bồ đề, vì lợi ích chúng sinh mà chân thật phát nguyện.

Các bài nên xem:

-
aa
+
4,345 lượt xem
19/05/2022

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. V
    V

    Vũ thị hương

    15/04/2024
    Chúng con thật vô cùng cảm động và tán thán công đức của Ngài Bồ Tát Thích Quảng Đức đã vì đại nguyện Bồ đề bảo vệ Phật Pháp mà không tiếc thân mình. Chúng con xin tri ân công đức của Ngài ạ