Vì sao giới trẻ lại mắc phải căn bệnh “ảo tưởng sức mạnh”?

Ảo tưởng sức mạnh là xu hướng tự phóng đại khả năng của bản thân về một lĩnh vực nào đó; khi đó họ lầm tưởng rằng khả năng của mình siêu việt hơn mức thực tế.
Một câu chuyện được đăng trên báo như sau: Năm 1995, ông Wheeler cướp 2 nhà băng tại Pittsburgh giữa ban ngày, không hề cải trang. Bởi Wheeler cho rằng bôi nước chanh lên mặt có thể giúp mình tàng hình trước camera. Đó là ảo tưởng tai hại của ông ta. Vậy theo quan điểm Phật giáo, nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh “Ảo tưởng sức mạnh” và làm sao để chuyển hóa?
Kính mời quý độc giả đón đọc bài viết dưới đây qua chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán.

Câu hỏi về bệnh ảo tưởng sức mạnh

Với mong muốn thoát khỏi tình trạng ảo tưởng sức mạnh, một bạn đã gửi câu hỏi mong được Cô Phạm Thị Yến giải đáp như sau: “Con chào Cô Yến, thưa Cô, con rất hay ảo tưởng mình là người quan trọng, mình đẹp trai, mình có sức hút. Tuy không thể hiện ra ngoài, nhưng trong tâm con lúc nào cũng xuất hiện những suy nghĩ đó. Nhiều lúc, con muốn dừng lại mà không được. Có khi, nếu con ảo tưởng rằng một việc chắc chắn theo ý mình, thì y như rằng việc đó sẽ đi ngược lại với tâm con đã nghĩ. Con thưa Cô, đây có phải là bệnh ảo tưởng không ạ? Con mong Cô có thể giúp con thoát ra khỏi tâm ảo tưởng này ạ”.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ảo tưởng sức mạnh

Trong buổi chia sẻ, Cô Phạm Thị Yến lý giải nguyên nhân của căn bệnh ảo tưởng dưới góc nhìn Phật Pháp như sau: “Trạng thái tâm này được xuất phát từ tâm ngã mạn và coi thường người khác. Ví dụ: Khi mình làm được một việc gì đó thì mình ngã mạn, tự coi mình là giỏi. Sau đó, không coi người dạy mình ra gì, không tôn trọng người đã dạy mình nữa và không lắng nghe những lời đóng góp ý kiến từ bất kỳ ai. Sự ngã mạn này đi đôi với việc khinh khi người khác. Cho nên, ngã mạn có tội rất lớn”.
Cô Chủ nhiệm chia sẻ thêm: “Thêm vào đó, ngã mạn thường sinh ra tâm đố kỵ. Vì coi mình là giỏi nên không muốn ai hơn mình, tìm mọi cách để đi nói xấu người khác, thậm chí, có hành động ác hại để người ta không có danh tiếng như mình”.
Qua chia sẻ của Cô, chúng ta hiểu rằng, nguyên nhân gây ra căn bệnh ảo tưởng sức mạnh là từ tâm ngã mạn và coi thường người khác.

ao-tuong-suc-manh-o-nguoi-tre
Xuất phát từ tâm ngã mạn, người ảo tưởng sức mạnh luôn nghĩ bản thân mình
có giá trị nhất

Hậu quả của bệnh “ảo tưởng sức mạnh”

Thứ nhất, ảo tưởng về khả năng của bản thân có thể khiến chúng ta hành động không đúng mực như Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Những người có ảo tưởng thường rất viển vông. Đôi khi, họ không biết đó là ảo tưởng nên có những hành động khiến người khác thấy buồn cười, có khi trở nên lố bịch. Đó chính là tác hại của bệnh ảo tưởng”.
Thứ hai, ảo tưởng sức mạnh khiến chúng ta không đánh giá chính xác giá trị bản thân cho nên coi thường và chê bai người khác.
Để đại chúng hiểu được vấn đề này, Cô Chủ nhiệm chia sẻ: “Ví dụ: Lúc nào cũng tự ảo tưởng mình đẹp trai (nhưng thực tế, mình không đẹp trai), nên coi thường người khác, chê bai người này, người kia, hoặc một sự việc cụ thể”.
Cô cũng chia sẻ thêm: “Họ thường tôn mình về hai mặt là dung sắc và tài năng. Điều đó khiến họ có những suy nghĩ xa vời, không sát với thực tế. Vì ảo tưởng về sức mạnh, khả năng của mình nên nghĩ rằng mình sẽ làm được cái này, làm được cái kia và nó sẽ phải hoàn thành theo ý mình”.
Thứ ba, Cô nhấn mạnh về hậu quả của người bị bệnh ảo tưởng đó là bị người khác coi thường: “Bởi vậy, họ thiếu đi sự lắng nghe, khiêm nhường và nhận lại kết quả không như mong đợi. Dần dần, mọi người xung quanh trở nên coi thường họ. Tai hại của bệnh ảo tưởng là như vậy”.
Từ chia sẻ của Cô, chúng ta hiểu được rằng căn bệnh ảo tưởng sẽ khiến chúng ta rơi vào trạng thái viển vông, xa rời thực tế; không nhận thức đúng về giá trị thật của bản thân và sẽ khiến người khác coi thường mình.

ha-qua-cua-ao-tuong
Bệnh ảo tưởng sức mạnh sẽ khiến chúng ta có những suy nghĩ xa rời thực tế và đánh giá sai về khả năng của bản thân

Cách tu tập chuyển hoá bệnh ảo tưởng sức mạnh

Từ những lời chia sẻ, phân tích của Cô, chúng ta đã nhận diện được nguyên nhân cũng như hậu quả do việc ảo tưởng về khả năng của bản thân. Vậy muốn chuyển hóa căn bệnh này, chúng ta nên làm gì? Dưới đây, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ các cách sau mà chúng ta có thể áp dụng.

#1 Luôn khiêm tốn và lắng nghe ý kiến của người khác

Lắng nghe và học hỏi là yếu tố quan trọng của một người thành công, Cô Chủ nhiệm chia sẻ: “Điều đó giúp chúng ta chuyển hóa tư duy, suy nghĩ ảo tưởng và khiến chúng ta có được thành công. Bởi vì, khi nhìn nhận chân thật vào bản thân, chúng ta sẽ thấy những điểm còn khuyết để tu tập, học hỏi thêm”.
Chúng ta có thể học hỏi từ những người xung quanh để ngày càng hoàn thiện bản thân, Cô Chủ nhiệm chia sẻ bài học từ Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh: “Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh từng dạy rằng: “Chúng ta hãy nghe dù người đó có là trẻ con, có điều gì tốt chúng ta cũng nên học hỏi”. Chúng ta thực hành theo lời dạy đó sẽ giúp mình luôn hòa nhập với mọi người và học hỏi được tất cả điều tốt của những người xung quanh mình. Và chúng ta luôn cống hiến cho mọi người bằng đúng khả năng chân thật của mình. Đó cũng là tôn trọng người khác”.
Qua lời chia sẻ của Cô, chúng ta nên thực hành theo lời dạy của Sư Phụ, học hỏi những điều tốt đẹp để được sống trong bình đẳng và được cống hiến bằng khả năng chân chính của mình.

co-pham-thi-yen-chia-se-ve-viec-cung-ram-thang-bay-1
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ cách thoát khỏi căn bệnh ảo tưởng sức mạnh là luôn khiêm tốn và lắng nghe ý kiến của mọi người

#2 Đánh giá mình một cách chân thực và tán thán việc làm tốt của người khác

Bệnh ảo tưởng khiến chúng ta không nhận thức đúng về giá trị, khả năng của bản thân. Để chuyển hoá được bệnh này, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Vậy nên, chúng ta muốn loại bỏ được bệnh ảo tưởng này thì chúng ta phải nhận xét đúng về mình và tin vào mình bằng khả năng chân thật của chính bản thân. Nếu khả năng còn yếu kém, chúng ta nên tán thán những việc làm tốt của người, học theo những việc làm tốt của người, rút kinh nghiệm những việc làm chưa tốt và nhìn nhận bản thân mình đúng với sự thật”.

tan-than-ngnuoi-khac-se-khong-ao-tuong
Tán thán việc làm tốt của người khác cũng là cách giúp bạn không bị ảo tưởng
về bản thân

Qua những lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách chuyển hoá bệnh ảo tưởng. Hy vọng ai ai cũng luôn khiêm tốn, biết học hỏi, lắng nghe để hoàn thiện bản thân và gặt hái được thành công như ý muốn.

Hạnh An
Các bài nên xem:

-
aa
+
3,206 lượt xem
03/11/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.