Kinh: Đức Phật dạy về mười niệm đưa đến giác ngộ giải thoát tại các bộ kinh: Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Kinh Tương Ưng Bộ:
“Có một pháp này, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật…niệm Pháp… niệm Tăng… niệm Giới… niệm Thí… niệm Thiên… niệm Hơi thở ra, Hơi thở vô… niệm Chết… niệm Thân… niệm An tịnh.
Chính một pháp này, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.”
Thế nào là Niệm Phật?
“Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm ở trước, không có một ý tưởng nào khác, một lòng niệm Phật, quán hình tướng Như Lai chưa từng rời mắt, đã chẳng rời mắt, liền niệm công đức của Như Lai.
Thể của Như Lai vượt kim cương, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, giữa chúng dũng kiện. Dung mạo Như Lai đoan chính vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu vượt kim cương không thể phá hủy, thanh tịnh không tỳ vết vượt lưu ly. Tam muội của Như Lai chưa hề sút giảm, dừng lặng vĩnh viễn không có niệm khác; các tình cảm kiêu mạn, quật cường, các tâm ý dục, tưởng sân, ngu hoặc, do dự, buộc kết đều trừ sạch cả.
Huệ thân của Như Lai, trí không bờ mé, không bị chướng ngại. Thân của Như Lai do giải thoát thành tựu, không còn sanh lại để phải nói rằng: “Ta sẽ đọa vào sanh tử nữa”. Thân Như Lai là độ tri kiến thành tựu, biết căn tánh người khác nên độ hay không nên độ, biết họ chết đây sanh kia, qua lại xoay vần bên bờ sanh tử, người có giải thoát, người không giải thoát đều biết hết cả.
Ðó là tu hành niệm Phật, sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn”
Lại nữa, thế nào là Niệm Pháp?
“Ở đây, này Tỳ-xá-khư, Thánh đệ tử niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”. Do vị ấy niệm Pháp, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận”
Lại nữa, thế nào là Niệm Tăng?
“Ở đây, này Tỳ-xá-khư, Thánh đệ tử niệm Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”. Do vị ấy niệm Tăng, tâm vị ấy tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận.”
Lại nữa, thế nào là Niệm Giới?
“Ở đây, này Tỳ-xá-khư, Thánh đệ tử niệm Giới: “Không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định”. Vị ấy nhờ niệm Giới, tâm được tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm được đoạn tận.”
Lại nữa, thế nào là Niệm Thí?
“Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm ở trước mặt, không có niệm khác, chuyên cần niệm Thí: “Tôi nay bố thí, nơi vật bố thí trọn không có tâm hối tiếc, không nghĩ sẽ được đền đáp, không thích được lợi. Nếu người chửi tôi, tôi trọn không trả thù. Dù người hại tôi, dùng tay đấm, thêm dao gậy đập, ngói gạch ném vào mình, tôi sẽ khởi lòng từ, không nổi sân giận. Ý bố thí của tôi không đoạn dứt”. Thế nên, Tỳ-kheo, gọi là đại Thí, sẽ thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn.”
Lại nữa, thế nào là Niệm Thiên
“Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Thiên”.
Lại nữa, thế nào là Niệm Hơi Thở?
“Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên nhất niệm Hơi thở ra vào. Hơi thở ra vào nghĩa là nếu lúc hơi thở dài, cũng nên quán biết “Tôi đang thở dài”; nếu lại hơi thở ngắn, cũng nên quán biết “Tôi đang thở ngắn”; nếu hơi thở cực lạnh, cũng nên quán biết, “Tôi đang thở lạnh”; nếu hơi thở lại nóng, cũng nên quán biết, “Tôi đang thở nóng”. Quán khắp thân thể từ đầu đến chân, đều nên quán biết. Nếu hơi thở lại có dài ngắn, cũng nên quán hơi thở có dài có ngắn. Dụng tâm giữ thân, biết hơi thở dài ngắn gì cũng đều biết cả, hơi thở ra vào phân biệt rõ ràng, nếu tâm giữ thân, biết hơi thở dài ngắn cũng lại biết hết. Ðếm hơi thở dài ngắn phân biệt hiểu rõ. Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là niệm Hơi thở ra vào, sẽ được danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn.”
Lại nữa, thế nào là Niệm Chết?
“Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Chết.
Niệm Chết nghĩa là chết chỗ này, sanh chỗ khác, qua lại các đường, mạng chết chẳng dừng. Các căn tan hoại, như cây hư mục, mạng căn cắt đứt, tông tộc phân ly, không hình không tiếng cũng không tướng mạo. Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là niệm Chết, sẽ được danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn.”
Lại nữa, thế nào là Niệm Thân?
“Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Thân. Niệm Thân nghĩa là: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, mật, gan, phổi, tim, tỳ, thận, ruột non, ruột già, bạch mô, bàng quang, phẩn tiểu, lá lách, thương đãng, dịch vị, nước mắt, đờm dãi, mỡ máu, mỡ lá, nước miếng, đầu lâu, não. Cái nào là thân? Là đất chăng? Là nước chăng? Là lửa chăng? Là gió chăng? Là do cha mẹ tạo ra chăng? Từ chỗ nào đến? Do ai làm ra? Mắt, tai, mũi, miệng, thân, tâm, nơi đây chết rồi sẽ sanh chỗ nào? Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là niệm Thân, sẽ được danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn.”
Lại nữa, thế nào là Niệm Dừng Nghỉ, An Tịnh, Niết Bàn?
“Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Dừng nghỉ. Dừng nghỉ nghĩa là dứt tâm ý tưởng, chí tánh rõ ràng, cũng không tháo động, hằng chuyên một lòng, ý thích nhàn cư. Thường tìm phương tiện nhập định tam-muội, thường nhớ không ham hơn thua, dành địa vị trên trước. Như thế, này các Tỳ-kheo, gọi là niệm Dừng nghỉ, sẽ được danh dự, sẽ thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn.”
Tu mười niệm được danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn, đệ tử chúng con nguyện tinh tấn phụng hành.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
(Trích soạn từ ý của nhiều bài kinh)
Bình luận (1)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Nguyễn Thị Mai Lan