Trang web phamthiyen.com là nơi đăng tải những bài viết, video hướng dẫn cách áp dụng Phật Pháp: giáo lý nhân quả và tâm linh vào cuộc sống bằng phương pháp tâm linh của đạo Phật.
“Những ai đi tu 10 năm, 20 năm; đọc một quyển kinh cho đến vạn vạn quyển kinh, mà chữ hiếu chưa tròn thì coi như chưa phải người tu. Đã không tu được chữ hiếu thì tuyệt nhiên không tu được cái gì nữa. Cho nên, người đệ tử Phật muốn mở ra cánh cửa tu hành cho mình, chúng ta phải tu chữ hiếu đầu tiên”.
Đó là lời sách tấn của Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa về tâm hiếu hạnh. Cô không chỉ sách tấn bằng lời nói, mà Cô cũng là một tấm gương hiếu hạnh sáng ngời để mọi người noi theo. Sau đây là một số câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng những bài học rất sâu sắc từ tâm hiếu của Cô - một tâm hiếu rất đặc biệt từ người con Phật đã phát tâm Bồ đề, có hạnh nguyện độ sinh cao cả. Kính mời quý đạo hữu cùng theo dõi!
Câu chuyện 1: Bát cơm ăn dở và bài học về sự oán trách cha mẹ
Thuở nhỏ khi còn chưa đi học, Cô hay được cùng bố đi ăn cơm hội nghị. Hôm đó, Cô đang ăn dở bát cơm, bố Cô có hỏi: “Con ăn nữa không?” thì Cô trả lời: “Con không ăn nữa”. Nghe vậy, ông mang bát cơm ăn dở cất đi. Thực chất khi ấy, ý trả lời của Cô với bố là Cô sẽ ăn hết bát cơm này và không ăn thức ăn trên bàn nữa. Nhưng ông đã hiểu lầm.
Nếu là đứa trẻ khác, có thể chúng sẽ khóc, trách móc hoặc đòi lại bát cơm. Nhưng Cô không khởi lên sự oán trách mà ngay lập tức tự tư duy cách trả lời để nếu lần sau rơi vào tình huống đó, bố không hiểu lầm: “Con chỉ ăn nốt bát này thôi. Con không ăn thức ăn bên ngoài nữa”. Cách ứng xử của Cô ngay từ khi còn rất nhỏ đã thể hiện tâm hiếu lớn. Cô không có lời nói, thái độ oán trách khiến bố của Cô phải bận tâm, bị ngăn ngại trong các việc làm tiếp theo đối với Cô, mà chính Cô đã tự tư duy và rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
Bài học rút ra: Chúng ta nên tu sửa tâm hiếu từ những việc nhỏ nhất: Khi bố mẹ làm việc gì trái với ý của mình, chúng ta không nên có sự oán trách bố mẹ mà phải luôn tư duy để tự rút kinh nghiệm. Chúng ta nên làm những việc khiến bố mẹ được vui, có ý thức tu sửa tâm mình được thiện lành và có nếp sống tốt đẹp.
Câu chuyện 2: Lời giao hẹn với chồng mang tâm hiếu hạnh
Từ khi bắt đầu có tình cảm với người chồng của mình sau này, Cô đã giao hẹn: “Với bố mẹ em, anh không bao giờ được động tới. Và em đối với bố mẹ bên anh cũng vậy. Anh chỉ cần xúc phạm bố mẹ em một câu thôi thì chúng ta chia tay. Trong tất cả các việc, riêng việc đó em không chấp nhận sự xin lỗi”. Không chỉ vậy, Cô cũng giao hẹn với chồng là đối với bố mẹ hai bên, hai vợ chồng chỉ có cho mà không có nhận; phải tự để dành tiền đám cưới; phải có khoản cố định hàng tuần biếu bố mẹ dù gia đình khó khăn đến đâu; tất cả các đám giỗ, lễ Tết đều biếu cha mẹ đầy đủ để lo đám giỗ, lễ đó, không cần biết anh chị em khác biếu bố mẹ thế nào;...
Tất cả những giao hẹn trên của Cô là để bố mẹ được an tâm, không phải bận lòng vì con cái cũng như không phải lo lắng, thiếu thốn trong cuộc sống. Cô luôn tâm niệm làm sao để bố mẹ hai bên được vui, mong muốn lấy đi tất cả nỗi lo của bố mẹ.
Bài học rút ra: Qua tấm gương của Cô trong cách ứng xử với bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng, chúng ta cũng nhìn lại mình, cố gắng làm sao để bố mẹ không phải buồn vì chúng ta. Chúng ta đã trưởng thành thì phải tự lo được cho bản thân và đem niềm vui đến cho bố mẹ. Chúng ta nên đặt ra những quy chuẩn đạo đức, đề ra những quy định trong việc đối xử với bố mẹ. Từ đó hướng tâm thực hành, lấy đó làm kim chỉ nam trong mọi hành động của mình.
Câu chuyện 3: Trở thành con người chính hạnh nhờ tâm hiếu
Khi Cô đã lập gia đình, nhiều bạn bè xung quanh Cô có xu hướng ngoại tình. Cô chơi với bạn bè thì không tránh khỏi những trường hợp bạn bè có biểu hiện quý mến mình hơn bình thường. Nhưng Cô chưa bao giờ có ý nghĩ ngoại tình bởi tâm niệm: “Mình làm được mình ăn cơ mà, mình ngoại tình sẽ mang lại nhục nhã cho bố mẹ. Cho nên mình không bao giờ làm như vậy”. Tâm hiếu của Cô đã mang lại lợi ích rất lớn, giúp Cô giữ gìn hạnh phúc gia đình và trở thành con người chính hạnh. Bài học rút ra: Nếu biết hướng tâm đến bố mẹ, chúng ta sẽ chỉ làm những điều thiện. Bởi trong tâm đền ơn bố mẹ, chúng ta sẽ phụng sự, sẽ làm những việc thiện khiến bố mẹ an ổn, hạnh phúc mà tránh xa những việc khiến bố mẹ bất ổn, không vui. Khi làm điều thiện, phước báo khởi sinh cho chúng ta. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định bố mẹ là ruộng phước của mình.
Câu chuyện 4: Chăm sóc mẹ mắc trọng bệnh - Lời đại nguyện và sự linh ứng màu nhiệm
Cô Phạm Thị Yến sinh trưởng trong gia đình có năm chị em. Cô là con thứ ba, trên có hai chị, dưới có hai em. Bố đẻ là Phạm Văn Thưởng (sinh năm 1931), mẹ cả là Hoàng Thị Tiến (sinh năm 1929), mẹ đẻ là Tạ Thị Vinh (sinh năm 1938). Bố Cô có hai vợ. Vợ cả không có con nên ông cưới thêm vợ hai là mẹ đẻ của Cô. Cô luôn yêu thương cả ba bố mẹ, không phân biệt giữa mẹ cả với mẹ đẻ.
Trong những năm cuối đời, mẹ cả của Cô mắc bệnh rất trầm trọng, khiến trên người bà xuất hiện mụn mủ sưng từ đầu đến chân, không có nơi nào trên cơ thể không có mụn. Bà không thể mặc được quần áo mà phải quấn miếng vải xô. Mụn mọc lên đến đâu là chảy mủ đến đó, mủ được nặn ra đến đâu thì những nơi khác trên cơ thể lại tiếp tục mưng mủ. Máu mủ khiến trong nhà thường trực mùi hôi, hàng xóm không dám đến thăm. Khi ấy, Cô đã đứng ra nhận trách nhiệm được chăm sóc mẹ cả của mình. Bởi Cô luôn tâm niệm: Khi bố và hai mẹ ốm, Cô sẽ là người chăm lo. Trước bệnh tình thảm khốc của mẹ, Cô không để ai khác chăm sóc vì không muốn tâm hiếu của chị em bị giảm đi. Trong những ngày chăm mẹ, Cô vẫn ngày ăn một bữa, một ngày chỉ ngả lưng khoảng hai tiếng đồng hồ, chăm sóc mọi việc như tắm rửa, bón cho mẹ ăn, vệ sinh đại tiểu tiện,... Chăm sóc ròng rã khoảng hơn hai chục ngày mà Cô vẫn vui vẻ, kiên nhẫn và hoàn toàn không đeo khẩu trang.
Điều khiến Cô làm được như vậy, đó là do Cô thường cảm niệm công đức của bố mẹ, nhớ nghĩ những công lao của bố mẹ đối với mình từ khi còn nhỏ cho đến lúc lớn. Dù mẹ cả không phải mẹ ruột sinh ra Cô, nhưng tình cảm bà dành cho Cô cũng rất sâu đậm. Cô ở với mẹ cả từ nhỏ cho đến năm tuổi, những lúc bà yêu thương bênh vực Cô, những tình cảm bà dành cho Cô,... được khắc sâu trong tâm trí. Vì vậy Cô có thể chăm sóc bà mà không cần phải tị nạnh với các chị em khác. Và Cô thấy được niềm vui, sự yên tâm khi tự tay mình chăm sóc mẹ. Trong khi chăm mẹ cả, có một sự việc khiến Cô ăn năn, day dứt cho đến hiện tại. Một hôm, khi Cô đã rất mệt, Cô ngả lưng định nghỉ một chút. Vừa đặt lưng xuống, mẹ cả gọi Cô và Cô đã nói: “U để cho con nghỉ một tí chứ!”. Cô nhận ra trong giọng nói, thái độ của mình có một chút không hài lòng, không phải do giận mẹ, mà vì quá mệt. Điều này khiến Cô ăn năn vô cùng, từ đó mà phát đại nguyện: “Trong các kiếp vị lai này, nếu như con được duyên hành Bồ Tát đạo, thì nguyện trong tất cả những chúng sinh hữu duyên với con, chúng sinh nào bị nghiệp nặng nhất, bệnh nhiều nhất, khổ nhất, thì cho con xin sinh về làm con của họ để cho con tu cho tròn chữ hiếu”.
Trong những ngày mẹ cả mắc trọng bệnh như vậy, có một sự linh ứng đã xảy ra. Bệnh của bà không có thuốc nào trên thế gian có thể chữa được dù đã chạy chữa nhiều nơi. Một hôm, Cô nằm mơ thấy mình được dẫn đến một khu nhà, trong nhà văng vẳng có tiếng nói: Hãy lấy cây dâu ở đầu nhà, băm ra lấy nước tắm cho mẹ thì mẹ sẽ khỏi. Quả nhiên, sau khi sử dụng bài thuốc đó một thời gian, những mụn mủ của bà đỡ dần rồi biến mất. Đây là sự linh ứng rất màu nhiệm xuất phát từ tâm hiếu của Cô, cảm ứng đến các vị chư Thiên khiến xuất hiện giấc mơ tìm được thuốc chữa bệnh cho mẹ. Trong kinh Mi Tiên vấn đáp có đoạn Đại Đức Na Tiên nói với vua Mi Lan Đà về nguyên nhân xảy ra giấc mơ: “Tâu Đại Vương! Tất cả các loại chiêm bao ấy đều do từ những lý do sau đây: Thứ nhất, do chất gió (phong đại) trong cơ thể dấy động. Thứ hai, do mật tác động. Thứ ba, do đàm tác động. Thứ tư, do bệnh, nóng (sốt) hay lạnh (hàn) tác động. Thứ năm là do chư Thiên, quỷ hay ma tác động...” Như vậy, trong kinh đã khẳng định, việc chư Thiên, quỷ Thần tác động vào giấc mơ của con người là có thật.
Bài học rút ra:
1. Ngay từ bây giờ, chúng ta thường nên nhớ nghĩ, cảm niệm ân đức cha mẹ đối với mình: tình yêu thương, những nỗi vất vả sớm khuya, sự chăm sóc của cha mẹ khi chúng ta ốm đau,... Khi cảm niệm được những điều đó hàng ngày, tâm hiếu của chúng ta sẽ tăng trưởng; khi cha mẹ ốm đau, chúng ta sẽ hoan hỷ chăm sóc dù có vất vả tới đâu.
2. Từ một giọng nói, thái độ chưa đúng với mẹ, so với người khác có thể là nhỏ nhưng Cô đã phát một đại nguyện vì muốn chuộc lại lỗi lầm, muốn thành tựu tâm hiếu của mình cũng như vì lợi ích cho chúng sinh. Chúng ta nên học tập điều đó, thứ nhất là biết nhận ra lỗi lầm của mình với cha mẹ dù đó chỉ là một lỗi nhỏ; thứ hai là biết sửa đổi lỗi lầm, đặc biệt là để thành tựu tâm hiếu trên con đường đạo của mình. Như Cô đã dũng mãnh phát nguyện xin được làm con của người nghiệp nặng nhất, bệnh nặng nhất để tu tròn chữ Hiếu; chúng ta cũng học tập Cô, hãy can đảm và dũng mãnh trên con đường độ sinh - nghiệp tuy nhỏ nhưng vì muốn thành tựu cho mình và lợi ích chúng sinh mà phát nguyện thực hành các công đức Ba la mật dù cho có vất vả.
3. Đối với Phật tử, chúng ta biết được rằng, nếu chúng ta làm những điều thiện lành một cách chân thật thì sẽ có được sự gia hộ của chư Thiên, thiện Thần. Với tâm hiếu chân thật của mình, Cô Phạm Thị Yến cũng có được sự gia hộ vi diệu để cứu khổ cho mẹ mình. Chúng ta từ đó mà có đầy đủ lòng tin, cũng cố gắng tu sửa thân tâm, hành các điều thiện để được sự gia hộ của các cõi tâm linh.
Câu chuyện 5: Sự kính mến Tam Bảo của bố mẹ Cô trước khi bỏ báo thân
Khoảng thời gian Cô mới bắt đầu tu tập, bố mẹ của Cô rất phản đối, không ưa muốn việc Cô đi tu. Nhưng sau một thời gian thực hành theo lời Phật dạy, Cô biết rằng, sự thực hành Pháp của mình đã cảm ứng đến tâm của bố mẹ. Từ trong sâu thẳm bố mẹ rất mến Cô và mến sự tu tập. Có một lần Cô về nhà khi nhà có giỗ, khi thấy Cô tụng kinh Vu Lan và qua tất cả việc làm, ứng xử của Cô, bố đã theo Cô từ Hưng Yên lên chùa Ba Vàng để quy y Tam Bảo. Tuy bố không nói, nhưng Cô biết rằng, bố mình cảm phục đức của người Thầy dạy con mình và yên tâm rằng con mình có một người Thầy dạy dỗ nó nên người. Sau đó, bố cùng với mẹ cả của Cô đã xin một tấm hình của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh mang về nhà và treo lên cao, trông rất trang trọng. Cô cũng không biết điều đó, cho đến một lần về nhà nhìn thấy tấm hình ấy.
Còn mẹ đẻ của Cô, sau một thời gian Cô tu tập và báo hiếu mẹ, mẹ cũng lên chùa tu tập cùng Cô; nhưng chưa bao giờ mẹ đề đạt với Cô cho mẹ chụp ảnh cùng với Sư Phụ. Thế nhưng, có một hôm, sau buổi lễ “Cầu thỉnh bậc Thánh giáng trần hộ trì và tuyên dương chính Pháp” (tức một tháng trước khi mất), mẹ Cô ngồi trên chiếc xe lăn (mẹ Cô bị tai biến) và chỉ vào hình ảnh Sư Phụ trên màn hình led, nói rằng: “Cho mẹ ra kia chụp ảnh với Thầy”. Cô đẩy xe mẹ ra trước màn hình chiếu và chụp ảnh, sau đó bà hỏi: “Ảnh của Thầy có vào được với mẹ không?”. Khi các em Ban Thông tin trả lời là “Có vào được”, bà đã rất vui. Không phải bỗng dưng bố mẹ của Cô lại mến Phật Pháp như vậy. Đó chính là do Cô thực hành lời Phật dạy, tu hành hạnh hiếu nên cảm đức của bố mẹ, khiến bố mẹ Cô hướng tâm cung kính Tam Bảo, kính trọng và thầm biết ơn Sư Phụ đã dạy cho con của bố mẹ tốt lên và trở thành người con có hiếu. Cả ba bố mẹ của Cô trước khi bỏ báo thân đều quy y Tam Bảo, xả thí, phát nguyện Bồ đề, và có nguyện vọng sau khi chết sẽ nương tựa vào Cô. Như vậy, ông bà đã được kết duyên lành với Tam Bảo trong đời này và những đời sau.
Bài học rút ra: Khi chúng ta sống có hiếu, bố mẹ sẽ nương tựa vào chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta hãy sống hiếu hạnh, tinh tấn tu tập Phật Pháp; đặc biệt nếu đủ duyên thì xuất gia để đưa bố mẹ vào chính đạo vì bố mẹ sẽ nương tựa con cái. Chúng ta nên áp dụng lời Phật dạy để giúp bố mẹ có lòng tin, quy y Tam Bảo, thọ năm giới và giúp bố mẹ quán chiếu nhân quả để buông bỏ phiền não, biết thực hành cúng dường, làm những điều thiện,... từ đó có quả báo tốt đẹp trong các đời sau; như vậy mới là báo ân và đền ân đầy đủ cho bố mẹ. Qua những câu chuyện giữa Cô Phạm Thị Yến với bố mẹ của mình, chúng ta thấy Cô đã là một người con hiếu thuận trong nhiều đời nhiều kiếp cho nên đến kiếp này, Cô không có hình tướng của sự bất hiếu. Chúng ta từ đó hãy rút ra những bài học cho mình, thường kính quý bố mẹ, mong bố mẹ được hạnh phúc an vui mà không nghĩ cho riêng mình. Có như vậy, chúng ta mới gặt được nhân quả tốt đẹp, mới giúp bố mẹ thoát khổ và đạt thành tựu trên con đường cầu Vô thượng Bồ đề.
Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.