Đối với người Việt, ban thờ là nơi tôn nghiêm, vô cùng linh thiêng. Chính vì vậy, việc phụng thờ và vị trí đặt ban thờ cũng được gia chủ đặc biệt chú trọng.
Hiện nay, nhiều gia đình mong muốn cải tạo phòng ngủ cũ để tận dụng làm nơi thờ cúng. Mặc dù được sơn sửa gọn gàng, sạch sẽ nhưng nhiều người vẫn đắn đo, lo sợ sẽ “phải tội”, bị quở trách mà ảnh hưởng đến vận mệnh, công danh sự nghiệp, con cái,...
Vậy có nên sửa phòng ngủ cũ làm phòng thờ không và nên thờ cúng như thế nào để tránh phạm tâm linh mà được phúc báu? Kính mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục [Hiển thị]
- Sử dụng phòng ngủ cũ làm phòng thờ: Nên hay không?
- Cách thờ cúng sinh phúc báu cho gia chủ
- Ba đức
- 1. Giữ ban thờ ngăn nắp, sạch sẽ, trang nghiêm
- 2. Thờ cúng tổ tiên với tâm thanh tịnh, hiếu nghĩa, biết ơn
- 3. Dâng cúng vật thực thanh tịnh; cầu nguyện hồi hướng phúc lành cho gia tiên, tiền tổ
- 3.1. Dâng cúng vật thực thanh tịnh, không sát sinh để cúng lễ
- 3.2. Tạo các công đức lành, tác phúc hồi hướng cho gia tiên sớm được siêu thoát
- Sáu vị
Sử dụng phòng ngủ cũ làm phòng thờ: Nên hay không?
Các gia đình có phòng ngủ đã qua sử dụng thì hoàn toàn có thể cải tạo để làm phòng thờ. Chỉ cần gia chủ chú ý dọn dẹp sạch sẽ, đảm bảo thanh tịnh là chuyển ban thờ vào được.
Chúng ta liên tưởng đến ví dụ về đôi tay: Dù có làm nhiều công việc, tiếp xúc với nhiều vật khác nhau như đi cấy ngoài ruộng, tắm rửa cho con, cầm đồ dơ,... nhưng khi rửa tay sạch sẽ, vẫn có thể cầm đồ ăn được bình thường. Cũng vậy, bàn thờ trước khi chuyển phòng khác, dù căn phòng đã từng sử dụng thì chỉ cần quét dọn gọn gàng, thanh tịnh là được.
Cách thờ cúng sinh phúc báu cho gia chủ
Để việc thờ phụng sinh phúc báu thì chúng ta cần có đủ các yếu tố: ba đức, sáu vị. Như vậy sẽ mang lại lợi ích cho cả gia tiên, tiền tổ và con cháu.
Ba đức
Ba đức gồm: Đức sạch sẽ, đức thanh tịnh và đức đúng Pháp.
1. Giữ ban thờ ngăn nắp, sạch sẽ, trang nghiêm
Đức thứ nhất là đức sạch sẽ. Tức là chúng ta giữ cho ban thờ luôn được sạch sẽ; đặt hướng quay của ban thờ cũng phải vào nơi sạch sẽ, thanh tịnh.
2. Thờ cúng tổ tiên với tâm thanh tịnh, hiếu nghĩa, biết ơn
Đức thứ hai là đức thanh tịnh. Nghĩa là khi thờ cúng, gia chủ phải biết nhớ đến ân đức của tổ tiên; phụng thờ với tâm hiếu nghĩa, biết ơn; chứ không phải với tâm thờ cúng thế nào để phát tài. Hơn nữa, phải đau đáu làm sao để tổ tiên thọ thực (ăn) được đồ chúng ta dâng cúng, làm sao để họ được siêu thoát về cảnh giới an lành,... Tất cả những tư duy, suy nghĩ đó thuộc về đức thanh tịnh cần có.
3. Dâng cúng vật thực thanh tịnh; cầu nguyện hồi hướng phúc lành cho gia tiên, tiền tổ
Đức thứ ba là đức đúng Pháp, tức là thờ cúng mang lại lợi ích cho người mất và cả người sống, bao gồm:
3.1. Dâng cúng vật thực thanh tịnh, không sát sinh để cúng lễ
- Trong Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tăng Chi Bộ I, Đức Phật dạy rằng: Các đàn lễ cúng thanh tịnh, không có máu thịt của chúng sinh bị giết hại làm đồ cúng thì sẽ được chư Phật, Bồ tát, Thánh Tăng tán thán, gia hộ.
“Này Bà-la-môn, tại những tế đàn nào, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loài sinh vật khác bị giết hại. Này Bà-la-môn, Ta tán thán loại tế đàn không có sát sinh như vậy, tức là làm bố thí, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Những loại tế đàn không có sát sinh như vậy, này Bà-la-môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán, có đi đến”.
(Trích kinh Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Bánh xe, phần Ujjaya)
- Trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện quyển Trung có viết về việc không nên sát sinh, cầu cúng tế lễ quỷ Thần để tránh làm hương linh mắc thêm tội nghiệp, khó siêu thoát:
“Nay con đối trước đức Phật Thế Tôn cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhơn v.v... mà có lời khuyên bảo những chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỷ, Thần, cầu cúng ma quái.
Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi.
Giả sử người chết đó hoặc là đời trước hay đời hiện tại vừa rồi, đã chứng đặng phần Thánh quả sẽ sanh vào cõi Trời, cõi người, nhưng vì lúc lâm chung bị hàng thân thuộc gây tạo những nghiệp nhơn không lành, cũng làm cho người chết đó mắc lấy ương lụy phải đối biện, chậm sanh vào chốn lành. Huống gì là người kia chết, lúc sanh tiền chưa từng làm được chút phước lành, đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải bị sa đọa vào ác đạo”.
(Trích kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện quyển Trung - Phẩm thứ bảy: Lợi ích cả kẻ còn người mất)
3.2. Tạo các công đức lành, tác phúc hồi hướng cho gia tiên sớm được siêu thoát
- Trong kinh Vu Lan Bồn, Đức Phật dạy: Muốn tổ tiên, cha mẹ đã khuất được siêu độ, sinh về cảnh giới an lành, người con cần phải tích tập phúc báu từ việc sắm sửa vật thực, thiết lễ dâng cúng Tam Bảo, chư Tăng tu hành phạm hạnh và hồi hướng phước báu đó cho tổ tiên, cha mẹ đã quá vãng.
“Người nào có sắm ra vật thực
Đặng cúng dường Tự tứ Tăng thời
Hiện tiền phụ mẫu của người
Bà con quyến thuộc thảy đều nhờ ơn
Tam đồ khổ chắc rằng ra khỏi
Cảnh thanh nhàn hưởng thọ tự nhiên
Như còn cha mẹ hiện tiền
Nhờ đó cũng đặng bách niên thọ trường
Như cha mẹ bảy đời quá vãng
Sẽ hóa sanh về cõi Thiên cung
Người thời tuấn tú hình dung
Hào quang chiếu sáng khắp cùng châu thân”
(Trích kinh Vu Lan Bồn)
- Trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện quyển Trung có viết về việc nên tu tạo phúc lành, hồi hướng cho hương linh gia tiên, tiền tổ thì cả kẻ còn và người mất đều được lợi ích, an lạc:
“Bạch đức Thế Tôn! Những chúng sanh quen theo thói ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng. Đến khi những chúng sanh quen theo thói chẳng lành ấy sắp sửa mạng chung, thời cha mẹ cùng thân quyến vì người đó mà tu tạo phước lành để giúp tiền đồ cho người đó.
Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc Tôn Kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng hình tượng của các vị Thánh, cho đến niệm danh hiệu của Phật và Bồ Tát cùng Bích Chi Phật, làm cho một danh một hiệu thấu vào lỗ tai của người sắp mạng chung, hoặc là nơi bổn thức nghe biết.
Cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, thời đáng lẽ người đó phải bị đọa vào ác đạo, song nhờ thân quyến vì người đó mà tu nhân duyên Thánh đạo, cho nên các điều tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch”.
(Trích kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện quyển Trung - Phẩm thứ bảy: Lợi ích cả kẻ còn người mất)
Sáu vị
Ngoài ba đức kể trên thì trong việc thờ cúng, yếu tố sáu vị rất quan trọng. Sáu vị này bao gồm: đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt.
Trong vật thực có sáu vị này thì đều dâng cúng được cho Đức Phật, chư Tăng và tất cả các chúng hữu tình khác (người, vật, hương linh, ngạ quỷ, chúng sinh cõi Trời).
Thực chất, trong bát cơm và cốc nước chè hoặc trong một lá rau cũng có đầy đủ sáu vị này. Cho nên, mâm cơm cúng gồm bát cơm, cốc nước chè, rau, đậu, lạc là đã đủ cúng cho các hương linh thọ thực được. Khi dâng cúng với đầy đủ ba đức, sáu vị như vậy thì chúng ta đều được công đức, phước báu.
Còn khi đặt hướng ban thờ, chúng ta cũng nên dọn sạch sẽ, quay hướng ban thờ vào nơi trang nghiêm, thờ cúng với tâm thanh tịnh và cúng dường đúng Pháp cho hương linh. Thực hành đầy đủ ba đức, sáu vị, chúng ta sẽ được phát sinh phúc báu, công việc làm ăn phát đạt. Bởi thờ cúng theo lý nhân quả như lời Đức Phật dạy sẽ đem đến hạnh phúc, an lành cho cả người mất và người còn sống.
------
Trên đây là những lưu ý khi sử dụng phòng ngủ cũ làm phòng thờ và cách thờ cúng sinh phước cho gia chủ được tổng hợp từ chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán).
Mong rằng, qua việc thực hành theo hướng dẫn trong bài viết, quý vị và gia đình sẽ được nhiều phúc lộc, an vui, hạnh phúc; công danh sự nghiệp thăng tiến; mọi việc thuận lợi.
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.