Có nên đối xử tốt với người đã từng ác với mình?

Như Nghiêm xin chào các bạn! Chào mừng các bạn quay trở lại với chương trình Radio Tâm Sự Cùng Cô Phạm Thị Yến được phát sóng số thứ ba.

Thưa các bạn! Cuộc sống này luôn luôn tồn tại những điều trái ngược nhau: Có niềm vui thì sẽ có nỗi khổ, có nụ cười thì cũng có nước mắt, có người yêu thương mình thì cũng có người ác hại mình, v.v. Chắc chắn rằng, đối với một người trưởng thành trong chúng ta, không ai là chưa từng trải qua khổ đau, nhưng điều quan trọng là mình tiếp nhận và giải quyết sự việc đó như thế nào để lợi ích nhất cho mình và cả những người xung quanh mình.

Hôm nay, chương trình Radio Tâm Sự Cùng Cô Phạm Thị Yến sẽ chia sẻ về hoàn cảnh của một người phụ nữ với cuộc đời đầy đau thương và nước mắt đã gửi câu hỏi tâm sự đến cho Cô Phạm Thị Yến.

Những ngày sống trong đau khổ của người con dâu

Câu hỏi của một bạn xin được giấu tên: 
Con chào Cô Yến. Con xin Cô Yến cho con một lời khuyên vì bây giờ con rất rối không biết phải làm sao ạ. 

Ngày xưa cách đây 23 năm, con bước chân vào làm dâu cho gia đình chồng con. Vì lúc đó cha chồng con đang bệnh hiểm nghèo, nhà chồng con thì lại rất nghèo nên ngày cưới ba mẹ con đã miễn tất cả các lễ vật, không lấy một thứ gì từ nhà chồng con, vì ba mẹ con cũng chỉ mong muốn con có được hạnh phúc thôi. Nhưng không ngờ khi con về làm dâu được nửa tháng thì ba chồng con mất. Trong nhà chồng con lúc này quá đông, anh chị em chồng con lên tới 12 người. Vì con thấy mẹ chồng con quá cực khổ mà xin mẹ cho hai vợ chồng con tự làm ăn riêng để nhẹ gánh cho mẹ, nhưng vẫn ở chung trong nhà. Thế nhưng, cả gia đình chồng con lại gây khó khăn cho vợ chồng con. Con cũng đành chấp nhận sống mà nhịn nhục tất cả. Nhưng mẹ chồng và anh chồng cứ kiểm đủ chuyện để nói xấu con với mọi người.

Ở nhà thì việc nhà con làm đủ hết, nhưng khi chồng con về thì cả nhà đều nói là vợ của anh chồng con làm, và nói đủ chuyện để chồng con đánh con thật nhiều thì mới chịu thôi. Cứ như thế, con không chịu nổi mới về nhà ba mẹ con ở thì mẹ và anh chồng con lại đến nhà con để chửi bới ba mẹ con và nói xấu đủ thứ, và không cho con ở lại nhà con, chồng con cũng bắt con trở về nhà chồng. Con bắt buộc phải quay về, thế nhưng khi về con không muốn ở nhà nội trợ để bị xem thường nên con mới đi buôn bán đủ thứ, nhưng mẹ chồng con không để con yên, lại cho rằng con ra ngoài với trai.

co-nen-doi-xu-tot-voi-nguoi-da-tung-ac-voi-minh
Ở nhà thì việc nhà con làm đủ hết, nhưng khi chồng con về thì cả nhà đều nói là vợ của anh chồng con làm, và nói đủ chuyện để chồng con đánh con thật nhiều thì mới chịu thôi (ảnh minh họa)

Thế rồi, mẹ con đi rêu rao khắp nơi để con không thể ngẩng mặt lên. Đến khi con mang thai đứa con đầu thì bà bắt con mang bình xịt thuốc trừ sâu. Con không chịu vì sợ ảnh hưởng đến thai thì bà lại cho là con hỗn láo cãi lời, rồi nói với chồng để chồng đánh con rất nhiều. Bà nói đứa con trong bụng của con không phải là cháu của bà, nên lúc nào cũng chửi rủa con, không cho con đẻ được. Khi đó, con và chị dâu cùng mang bầu nhưng cả nhà ai cũng chăm sóc cho chị dâu, còn con thì không ai để ý tới. Con đau khổ và khóc rất nhiều cô ạ.

Đến lúc con sinh thì phải sinh mổ, lúc đó con cũng bị chửi là đàn bà mà không biết đẻ. Rồi con trở về nhà mẹ con để nuôi con và lo cho con của con đến tròn 3 tháng thì mẹ chồng con bắt con phải về lại nhà chồng. Ở đó, con bị bắt phải đi làm, thức khuya dậy sớm để kiếm tiền nuôi con, chứ không được bắt chồng con phải nuôi. Còn chồng con thì bắt đầu ăn chơi, nhậu nhẹt cả ngày không lo cho gia đình. Còn mẹ chồng con thì vẫn đối xử rất cay nghiệt với con, mặc dù con của con rất giống bà nội nhưng bà vẫn không thừa nhận, mặc cho ai nói bà vẫn không nghe. Cứ như thế, bà bày cho con gái con đánh chửi con, anh chồng cũng đánh con, mà chồng con lại không quan tâm.

Từ bỏ gia đình để đi lập nghiệp - nhưng người mẹ chồng...

Con đau khổ quá nên từ bỏ tất cả, không lấy bất cứ thứ gì của nhà chồng mà ôm con vào Long An lập nghiệp. Lúc đầu, con rất cực khổ, nhưng con vẫn cố gắng vượt qua và làm đủ mọi việc để lo cho con. Một thời gian rất lâu sau, chồng con đến tìm con, hai vợ chồng làm hòa với nhau. Hai vợ chồng con cùng sống chung và làm việc rất chăm chỉ nên giờ con đã có mái ấm tương đối ổn định. Rồi mẹ chồng con lại vào nơi con sinh sống để thăm con. Lúc này, con đã không còn nhỏ nữa và không sống lệ thuộc vào ai nữa nên bề ngoài bà làm như rất quý con, muốn ở với con cho hết đời này.

co-nen-doi-xu-tot-voi-nguoi-da-tung-ac-voi-minh.2
 Từ bỏ gia đình để đi lập nghiệp (hình minh họa)

Cô ơi, con hận nhiều lắm nhưng con cũng suy nghĩ là con với mẹ chồng có oán kết nhiều đời nhiều kiếp, giờ gặp nhau để đòi nợ. Thế nhưng, đến bây giờ con vẫn không thể nào quên được lúc xưa con đã phải chịu biết bao đau khổ, giờ mẹ chồng đến đây và nói muốn con nuôi dưỡng mẹ thì chắc con không làm được cô ạ. Nếu con như vậy thì có mang tội bất hiếu không cô? Con mong cô cho con lời khuyên ạ!

Thưa các bạn! Trong xã hội thời phong kiến, số phận của người phụ nữ long đong, chìm nổi, vô định. Cho đến xã hội bây giờ, tuy đã hiện đại hóa, nhưng đâu đó trong cuộc đời này, vẫn có những người phụ nữ phải sống chung với sự thiệt thòi, đau khổ và nước mắt, như chính người phụ nữ gửi câu hỏi tâm sự đến cho chương trình.

Yêu và hận, tuy là hai thái cực trái ngược nhau, nhưng khiến cho con người ta trở nên đắn đo, nội tâm đầy mâu thuẫn khi đưa ra một quyết định nào đó về tình cảm và cách ứng xử. Liệu trong trường hợp này, có nên quên đi tất cả và tha thứ, yêu thương người mẹ chồng đã từng độc ác với mình; hay là tiếp tục khắc ghi từng chút, từng chút đau khổ mà mình đã gánh chịu?
Ngay bây giờ, Như Nghiêm sẽ đọc cho các bạn nghe lời khuyên của Cô Phạm Thị Yến dành cho bạn gửi câu hỏi đến cho chương trình.

Cô Phạm Thị Yến trả lời:
Cô chào em! Chúng ta có nên đối xử tốt với người đã từng ác với mình không?

Tư duy về nhân duyên quả để nhận biết nghiệp

Theo lý nhân duyên quả, thì tất cả những gì xảy đến với mình, đều nằm trong nhân quả của chính mình. Với những người gặp bất như ý, vì cơm áo gạo tiền, vì hạnh phúc thế gian, sức khoẻ,... đều là quả báo của các hành vi chưa được thiện lành từ quá khứ. Còn đối với những người tu hành, nếu bị các bệnh tật trên thân, hay sự ác hại khiến tổn hại đến cá nhân thì cũng do nghiệp quá khứ; còn những việc làm ảnh hưởng đến việc độ sinh của người tu, tức là người khác cản trở người tu làm lợi ích thế gian, thì những việc đó là do chúng sinh đang tiếp tục tạo ác nghiệp.

Vậy nên trường hợp em bị mọi người trong gia đình đối xử không tốt, là do em trước kia gây các nghiệp bất thiện đối với họ và một số chúng sinh.

co-nen-doi-xu-tot-voi-nguoi-da-tung-ac-voi-minh.3
Bị đối xử không tốt là do kiếp trước đã tạo quả báo ác (Hình minh họa)

Bây giờ em lại được cuộc sống tốt, là do em có làm việc thiện với một số chúng sinh khác. Cô ví dụ: Người chủ bóc lột sức lao động và chửi bới người làm công, có thể đánh đập khi người làm công mắc lỗi, nhưng họ lại làm những công việc khác như làm con cầu công cộng, họ đi xây chùa,... nên họ sẽ có thể bị như em, do quả báo đối xử không tốt với người làm công, khi trả xong quả báo thì lại được hưởng phước của việc xây cầu, cúng dường...

Chấm dứt sự hận thù bằng sự giác ngộ về khổ trong vòng luân hồi

Tư duy về duyên, để quán nghiệp tiếp theo:
Mẹ chồng em đối xử không tốt với em nên em sẽ sinh hận thù. Sau đó mẹ em lại lệ thuộc vào em, để em trả thù; kiếp sau em lại trả nợ mẹ; sau đó em lại trả thù mẹ,.... vòng luân hồi thù hận này sẽ không có hồi kết.

Từ bài kinh của Phật, nên ta có thể cho đây chính là vòng thù hận, xuất phát từ ác nghiệp có liên quan tới lời thề nguyền
Kệ ngôn pháp cú, Đức Phật dạy:
”Đời này hận rửa hận,
Muôn thuở chẳng sạch thù.
Từ bi rửa sạch hận,
Là định luật thiên thu".
Em hãy là người chấm dứt vòng hận thù tại đây bằng chính SỰ GIÁC NGỘ về KHỔ của vòng hận thù này và thay đổi nó thành vòng hạnh phúc, an lạc.

Em nên luôn nghĩ đến quả báo tốt lành sẽ đến với em, từ những hành xử tốt lành đối với mẹ. Em còn được quả báo nhiều đời là em sẽ được người khác tha thứ nếu em phạm lỗi lầm, em sẽ được quả báo là con em sẽ có hiếu với em,...

co-nen-doi-xu-tot-voi-nguoi-da-tung-ac-voi-minh.4
Tu tập Phật Pháp, bỏ ác làm lành, tin sâu nhân quả, khiến được phúc lành lớn.

Từ sự giác ngộ về nhân quả, em sẽ trở thành người tốt: Biết tha thứ yêu thương, biết hiếu thuận lễ nghĩa,... điều hạnh phúc hơn là em biết tu tập Phật Pháp, bỏ ác làm lành, tin sâu nhân quả, khiến em được phúc lành lớn. 

Chúc em an vui và tinh tấn thực hành lời Phật dạy!
Thưa các bạn! Như Nghiêm từng được nghe rằng: “Sự độc ác do tâm sinh ra sẽ quay lại tự hại bản thân mình, cũng như sắt tạo ra chất gỉ rồi chất han gỉ ấy sẽ tiêu hủy dần thân hình của sắt”. Nếu cuộc đời này, chúng ta sống biết yêu thương, tha thứ thì khổ đau sẽ không có mặt ở nơi tâm chúng ta. Và đó cũng chính là điều mà Cô Phạm Thị Yến muốn nhắn gửi tới tất cả chúng ta qua câu trả lời vừa rồi.
Như Nghiêm mong rằng, qua những lời khuyên vừa rồi của Cô, những ai đang rơi vào trường hợp tương tự như thế, cũng sẽ tìm ra cho mình một cách giải quyết hợp lý nhất, lợi ích nhất để cuộc sống được nhiều an vui, hạnh phúc.

Các bài nên xem:
Tư duy nhân quả để lợi mình, lợi người!
Tu thế nào để oan gia hóa giải oán kết?
Cách gieo duyên Phật Pháp cho người bệnh!

-
aa
+
1,101 lượt xem
23/11/2019

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ