(ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÂU LẠC BỘ CÚC VÀNG TẬP TU - LỤC HOÀ)
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng Tập Tu Lục Hoà (“CLB”) xin thông báo tới quý Phật tử trong CLB về quy ước chung liên quan đến việc về chùa tham gia tu học tại Chùa Ba Vàng.
Các quy ước chung này được xây dựng dựa trên các quy ước chung của Chùa Ba Vàng, để đảm bảo việc đăng ký, tham gia tu học của các thành phần CLB được hiệu quả, an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho Phật tử khi về chùa tham gia tu học.
Mục lục [Hiển thị]
- I. Đối tượng và điều kiện tham gia đăng ký tu học
- 1. Đối tượng tham gia
- 2. Điều kiện tham gia
- II. Quy ước chung về giấy tờ tuỳ thân và đăng ký lưu trú
- 1. Giấy tờ tùy thân.
- 2. Trường hợp phải đăng ký lưu trú
- 3. Trường hợp không phải đăng ký lưu trú.
- III. Quy ước chung về tài sản
- IV. Quy ước chung về trang phục
- 1. Quy ước chung về quần áo
- 2. Quy ước chung về giày dép
- V. Quy ước chung về vật thực - vật dụng
- 1. Quy ước chung về vật thực
- 2. Quy ước chung về vật dụng
- VI. Địa điểm sinh hoạt, tu tập và thời khoá
- 1. Địa điểm sinh hoạt, tu tập
- 2. Thời khoá tu tập
- VII. Oai nghi
- 1. Oai nghi xếp hàng
- 2. Oai nghi về giới của người nữ đối với Chư Tăng khi có duyên phận sự/tu học…
- 3. Oai nghi về giới, trang nghiêm cảnh Chùa
- 4. Oai nghi giao tiếp
- 5. Oai nghi trong thời khoá
- 6. Oai nghi khi khất thực, thọ trai
- 7. Oai nghi khi ngủ, nghỉ
- 8. Quy ước chung về sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử
- 9. Quy ước chung về tắm giặt, phơi đồ
- VIII. Quy ước chung lao tác tại Chùa ngày tu học, lễ
- 1. Tiêu chí và đăng ký làm phận sự
- 2. Quy ước chung lao tác
- IX. An ninh và cảnh giác
- 1. Cảnh giác mất trộm, mất cắp
- 2. Cảnh giác với các đối tượng bắt cóc trẻ em
- 3. Cảnh giác khi được hỏi về các vấn đề của Chùa/CLB/ĐT
I. Đối tượng và điều kiện tham gia đăng ký tu học
1. Đối tượng tham gia
- Tất cả Phật tử trong CLB (tất cả các thành phần).
- Nhân dân, Phật tử ngoài CLB xin được về Chùa tu học cùng đạo tràng.
2. Điều kiện tham gia
a) Tuân thủ chỉ dẫn của Ban chuyên môn/Ban tổ chức: phải phối hợp, tuân theo sự chỉ dẫn, hướng dẫn của các Ban chuyên môn (là các Ban giúp việc của nhà Chùa trong các Khóa tu) theo thông báo của CLB/Ban tổ chức.
b) Điều kiện về sức khỏe
- Người tham gia tu học phải đảm bảo có đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động tu học tại Chùa, tự phục vụ, chăm sóc được bản thân mình và người đi cùng.
- Các trường hợp không tự phục vụ, chăm sóc bản thân thì phải có người hỗ trợ.
- Người bị bệnh thần trí: Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, trong các ngày tu học đông người các đạo tràng không nhận đưa người thần trí về Chùa (trừ ngày 14, 30 âm).
II. Quy ước chung về giấy tờ tuỳ thân và đăng ký lưu trú
Các trường hợp lưu trú/xin ngủ qua đêm tại Chùa: đăng ký lưu trú theo quy ước chung và xuất trình giấy tờ tuỳ thân hợp lệ theo pháp luật.
1. Giấy tờ tùy thân.
- Cần mang theo một trong các giấy tờ sau: thẻ căn cước, CCCD, CMND hoặc qua ứng dụng VNeID điện tử (tài khoản đã định danh cấp 2).
- Cá nhân tự quản lý giấy tờ của mình.
- Sẵn sàng xuất trình giấy tờ tùy thân khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
2. Trường hợp phải đăng ký lưu trú
- THỜI GIAN CÓ MẶT TẠI CHÙA TỪ 23H00 TRỞ ĐI, bao gồm cả đến chùa và rời chùa về.
a) Đăng ký lưu trú
- Bắt buộc phải đăng ký lưu trú qua danh sách cho TSCLB_Bộ phận hỗ trợ hoặc qua ứng dụng VNeID (bao gồm cả trường hợp xe rời chùa về sau 23h00, 24h00 hoặc 1, 2,… giờ sáng/ngày hôm sau)
- 23 giờ mà đạo tràng đang xếp hàng chờ xe về thì không phải đăng ký.
b) Lưu ý
- Trong các ngày tu học tại chùa, cơ quan chức năng có thể kiểm tra từ 23h00 đến 6h00 sáng.
- Cá nhân chưa đăng ký có thể bị phạt hành chính từ 500.000đ đến 1.000.000đ.
- Đề nghị các đạo tràng nhắc nhở và kiểm tra nghiêm túc để đảm bảo tuân thủ quy ước chung.
c) Vi phạm quy ước chung không đăng ký lưu trú
- Cá nhân nào không thực hiện theo quy ước chung thì sẽ tự chịu trách nhiệm và chịu xử phạt hành chính của cơ quan Nhà nước.
3. Trường hợp không phải đăng ký lưu trú.
- Thời gian đến chùa: sau 04 giờ sáng
- Thời gian rời chùa: trước 23 giờ.
III. Quy ước chung về tài sản
- Người tham gia tu học tự bảo quản tài sản. Chùa, CLB không nhận trông coi, quản lý tài sản cho Phật tử, nhân dân.
- Chỉ mang các vật dụng cần thiết: quần áo, sách bút… các vật dụng liên quan đến tu học, sinh hoạt, tham gia văn nghệ… theo quy ước chung của chùa, phù hợp với pháp luật.
- Các đồ giá trị luôn mang theo người.
- Ai mang các vật chất không đúng về chùa, thì tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu phát hiện chất cấm, vật nguy hiểm, hoặc tài sản trái quy ước chung, Ban Tổ chức sẽ báo cơ quan chức năng và thực hiện biện pháp cần thiết.
IV. Quy ước chung về trang phục
1. Quy ước chung về quần áo
Tùy duyên sử dụng trang phục CLB hoặc trang phục Phật tử thông thường. Trường hợp không có thì mặc quần áo đời kín đáo giản dị, gọn gàng; đối với người nữ, mặc quần áo loại rộng, không mặc quần chật/áo bó sát người.
a) Trang phục CLB
- Trang phục CLB gồm: quần áo CLB, áo dài CLB (nữ), áo khoác CLB.
- Quần phải đúng màu/mẫu của trang phục CLB (quần màu đen).
- Quần đen CLB: có thể mặc thay thế bằng quần màu đen khác, nhưng không mặc thay thế bằng các loại quần lửng, quần bó sát, quần bò.
- Quy ước chung khi vào khóa lễ.
+ Mùa hè: quần áo CLB, áo dài CLB (không mặc áo tràng bên ngoài).
+ Mùa đông: mặc áo khoác CLB bên ngoài, bên trong tùy mặc áo thường CLB, áo dài CLB/các loại áo ấm. Mặc áo khoác đời, phù hợp với thời tiết nếu rét và tùy duyên có/không mặc áo dài CLB hoặc áo tràng ở trong áo khoác.
b) Trang phục Phật tử
- Quần áo Phật tử màu lam, áo tràng màu lam.
- Áo Phật tử: phải kín ngang xương cổ, nếu không có áo kín cổ phải mặc kèm áo trong cổ cao ngang xương cổ cho kín đáo. Không mặc áo bó sát người.
- Quy ước chung khi vào khóa lễ
+ Mùa hè: quần áo Phật tử và mặc áo tràng.
+ Mùa đông: tùy duyên mặc áo khoác CLB hoặc áo khoác đời bên ngoài.
c) Các trường hợp khác
* Các trường hợp tuỳ duyên mặc quần áo đời
- Phật tử gieo duyên (D) chưa thuận, Phật tử bị cản tu, trường hợp khó khăn.
- Tín chủ mới (E), nhân dân.
* Các trường hợp không mặc trang phục CLB hoặc trang phục Phật tử
- Không mặc trang phục CLB: Tín chủ mới (E), người thân hoặc nhân dân được đạo tràng gieo duyên về Chùa.
- Không mặc trang phục CLB và trang phục Phật tử: Người bị thần trí, trầm cảm nặng, tăng động, hoặc hành vi không bình thường, để tránh việc BTC nhắc nhở thực hiện đúng quy ước chung tu học.
* Đối với các cư sĩ ở tại Chùa
- Thực hiện theo quy ước chung về trang phục của chùa.
2. Quy ước chung về giày dép
a) Loại dép
- Loại dép sử dụng: dép tổ ong màu đen hoặc tím than: áp dụng cho Phật tử công quả ở Chùa và nhân dân, Phật tử về Chùa tu học (không áp dụng đối với các chương trình, sự kiện yêu cầu mặc trang phục đẹp).
- Các trường hợp tuỳ duyên đi giày, loại dép khác: Nhân dân, tín chủ mới (E), Phật tử gieo duyên (D) chưa thuận, Phật tử bị cản tu. Đạo tràng khuyến khích nên sử dụng dép tổ ong, không đi dép đẹp để tránh thất lạc.
- Quy ước riêng: Các bộ phận phụ trách các việc mang tính chất đặc thù, đã được sự cho phép.
b) Cách xếp dép và một số tình huống.
- Sắp xếp dép: Để dép đúng nơi quy ước chung, xếp dép lồng vào nhau và đặt lên giá hoặc trong thùng, sọt đựng dép.
- Một số tình huống:
+ Không khởi tâm đổi dép cũ lấy dép mới: để tránh phạm giới trộm cắp.
+ Phật tử có thể lấy bất kỳ đôi dép tổ ong nào có sẵn mà không cần tìm đúng dép của mình.
+ Nếu không đeo dép tổ ong, mà thất lạc dép: Đến các điểm cố định trong chùa có biển “Thỉnh dép” để thỉnh dép đi về.
V. Quy ước chung về vật thực - vật dụng
1. Quy ước chung về vật thực
a) Thuốc chữa bệnh: được mang thuốc chữa bệnh.
b) Nước uống
- Tùy duyên mang 1 chai nước uống. Khi hết nước, có thể lấy thêm tại cây nước trong chùa để đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng bệnh.
- Nước uống thừa được phép mang về nhà, nhưng không cố ý lấy nước chùa đem về nhà.
- Không mang các loại đồ uống khác về chùa, trừ nước sâm và các loại nước uống có tính chất chữa bệnh đối với người bệnh.
- Trẻ nhỏ: Được mang theo sữa dành riêng cho các cháu.
c) Đồ ăn
- Không mang đồ ăn về chùa, ngoại trừ: người bệnh cần đồ ăn riêng, trẻ em cần ăn thêm.
- Ngày tu BQT: nếu còn dư đồ ăn sáng (đồ chay tịnh) thì cá nhân/đạo tràng được ăn vào bữa trưa. Trường hợp có tham gia cúng cơm: sau khi cúng cơm xong, mới đưa vào bát để ăn.
- Đồ ăn từ dây khất thực trong chùa: chỉ được ăn tại Chùa, không mang về nhà.
2. Quy ước chung về vật dụng
a) Ba lô, túi đựng đồ cá nhân
- Phật tử về Chùa nếu không ngủ qua đêm thì chỉ mang túi nhỏ để đựng sổ học pháp, áo tràng, chai nước. Các đồ không cần thiết thì để trên xe ô tô hoặc không mang về.
- Hạn chế mang ba lô hoặc túi xách to, cồng kềnh (kích thước không lớn hơn ba lô CLB) vào các khu tu tập chính (ĐGĐ tầng 2).
- Tùy duyên mang ba lô CLB khi về Chùa tu học.
- Viết thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, tên đạo tràng) vào giấy và để trong ba lô để thuận tiện tìm hoặc nhận lại khi bị thất lạc.
MẪU TEM ĐỂ TRONG BA LÔ
ĐẠO TRÀNG.......................................................... Họ và tên:............................................................... Số điện thoại:......................................................... |
b) Màn thiền (lều)
- Tùy duyên được mang về Chùa.
- Thời gian sử dụng: chỉ sử dụng từ 20h00 - 5h00 sáng, ngoài khung giờ này, phải tháo màn thiền (lều).
- Vị trí sử dụng:
+ Nam: Sân cụ Phật đản sinh, hướng chánh điện.
+ Nữ: Sân cụ Phật đản sinh, hướng nội viện ni.
+ Trường hợp mưa: hành lang đại giảng đường tầng 1 (nam hướng chánh điện, nữ hướng nội viện ni).
VI. Địa điểm sinh hoạt, tu tập và thời khoá
1. Địa điểm sinh hoạt, tu tập
a) Địa điểm sinh hoạt
Xem tại link: https://phamthiyen.com/dia-diem-sinh-hoat-ngay-tu-bat-quan-trai-ngay-14-30-am-lich-tai-chua-ba-vang-c5793.html
b) Địa điểm tham gia tu tập (phân bố theo trang phục - đối tượng)
Quy ước chung này chỉ áp dụng với các ngày tu học BQT, lễ lớn có phân nhiều khu tu tập. Không áp dụng với các ngày 14, 30 âm lịch.
* Quy ước chung:
- Áo dài CLB, áo tràng: ĐGĐ tầng 2 (áo tràng: nếu ĐGĐ tầng 2 hết chỗ thì sang chánh điện tầng 2).
- Quần áo CLB, áo khoác CLB: Nam - ĐGĐ tầng 2, Nữ - chánh điện tầng 2, nếu hết chỗ thì xếp ĐGĐ tầng 1.
- Quần áo đời: ĐGĐ tầng 1, ĐGĐ tầng 2.
- Trang phục theo sự kiện (lễ Phật đản, vu lan,...): Theo thông báo của Ban tổ chức.
- Trang phục còn lại: ĐGĐ tầng 1, ngoài hành lang các khu tu tập.
* Trường hợp đặc biệt
- Người bị bệnh đau lưng, đau chân, người già nếu cần ngồi dựa tường: ngồi ở khu riêng ở phía cuối ĐGĐ tầng 1, 2 phía nội viện ni hoặc hành lang bên ngoài khu tu tập.
- Trẻ nhỏ: Học sinh cấp 1 trở xuống thì tập trung ở khu vực dành riêng cho trẻ em tại khu vực đền thờ AHLS, nhà thờ tổ và cần có người thân đi cùng để trông coi.
c) Địa điểm tập trung chờ xe về (áp dụng cho các ngày có điều tiết giao thông)
* Xe con, xe 16 và 29 chỗ
- Tập trung tại: Sân Chánh Điện, cổng Tam Quan Nội, dốc nội viện Tăng.
- Lộ trình di chuyển: Di chuyển về hướng thiền đường và xuống bãi 6 để xe đón theo hướng dẫn của Ban Tổ chức.
* Xe 35 và 45 chỗ
- Tập trung tại: sân cụ Phật Đản sinh.
- Lộ trình di chuyển: đi men theo khu vực nhà trắng, xuống ngã 7 và xuống bãi xe số 4, 5, hoặc 1 (tại vị trí xe đỗ) theo hướng dẫn của Ban Tổ chức.
2. Thời khoá tu tập
Xem tại link: https://phamthiyen.com/thoi-khoa-tu-tap-ngay-tu-bat-quan-trai-ngay-14-30-am-lich-va-ngay-le-tai-chua-ba-vang-c5794.html
VII. Oai nghi
1. Oai nghi xếp hàng
- Các trường hợp cần xếp hàng
+ Khi đến chùa: từ vị trí đỗ xe di chuyển lên Chùa. Các đạo tràng xếp riêng thành từng bộ phận (lao tác, phận sự theo các ban/BPHT, tu học,...) phân người phụ trách rồi bắt đầu di chuyển về các địa điểm.
+ Khi ra về: xếp hàng di chuyển xuống địa điểm đón xe về.
+ Xếp hàng khất thực.
+ Khi đi vệ sinh: nếu nhà vệ sinh đông, không đủ chỗ thì cần xếp hàng đi vệ sinh lần lượt.
- Oai nghi khi xếp hàng: Hàng lối ngay thẳng; biết nhường cho những người lớn tuổi, cần gấp hơn; không chen lấn, nói chuyện ồn ào.
2. Oai nghi về giới của người nữ đối với Chư Tăng khi có duyên phận sự/tu học…
Kính thưa quý đạo hữu, để giữ được đúng oai nghi, không làm tổn phúc báu và tạo duyên cho các kiếp xuất gia được thanh tịnh nên CLB hướng dẫn các quy ước chung khi giao tiếp với Chư Tăng như sau:
- Người nữ không tự ý đến hỏi/bạch chuyện khi chưa được phân công.
- Người nữ khi có chuyện/phận sự bạch Chư Tăng mắt phải nhìn xuống, không nhìn vào mặt/mắt Chư Tăng.
- Không được cười nói hớn hở khi nói/bạch chuyện/khi đi cùng phận sự với Chư Tăng.
- Không cười rộng miệng, hở rộng răng khi có việc tiếp duyên với Chư Tăng.
- Giữ nét mặt thể hiện sự hoan hỷ, nhưng trang nghiêm trong phạm vi đạo đức cung kính.
- Luôn kiểm tâm về các tâm niệm cấu uế, thích tiếp duyên... với Chư Tăng.
- Các trường hợp khác:
+ Trường hợp biết trước có Chư Tăng sẽ đi qua: không có phận sự thì nên rời đi; nếu có phận sự gần: cúi đầu nhìn xuống xá chào từ xa nhất có thể và tiếp tục làm; nếu Chư Tăng có phận sự liên tục ở đó thì chỉ xá chào 1 lần.
+ Trường hợp không biết trước chư Tăng đi qua...: khi thấy Chư Tăng mắt nhìn xuống, cúi đầu xá chào và tiếp tục công việc.
+ Trường hợp đặt bát cúng dường: không nhìn vào mặt riêng Chư Tăng
+ Các đạo tràng hạn chế phân công Phật tử nữ trẻ (dưới 40 tuổi) làm các phận sự liên quan đến chư Tăng (bao gồm cả LĐĐT_Bộ phận hỗ trợ), trừ các trường hợp không có Phật tử nam và Phật tử nữ lớn tuổi.
Các đạo hữu tư duy để được chánh niệm trong oai nghi, giữ giới làm lợi ích cho riêng mình và bảo hộ cho sự trường tồn của Tam Bảo.
Chúc các đạo hữu tinh tấn trong chánh niệm!
3. Oai nghi về giới, trang nghiêm cảnh Chùa
- Nam nữ: Xếp hàng, ngồi, ngủ, vệ sinh… theo quy ước chung của chùa. Không tự ý vào nơi trái quy ước chung dành cho nam, nữ. Không có các hành vi không phù hợp với nơi tôn nghiêm.
- Nam nữ giữ khoảng cách, tránh đụng chạm.
- Không hút thuốc, uống bia rượu tại Chùa.
- Không tự ý lấy hoặc dùng đồ người khác khi chưa được phép.
- Không mua bán, thanh toán trong Chùa; chỉ gửi/nhận hàng ở bãi xe số 1.
- Hạn chế kiểm đếm tiền trong khuôn viên Chùa, giữ không gian thanh tịnh của ngày tu.
4. Oai nghi giao tiếp
- Nói nhẹ nhàng, vừa đủ nghe; tránh gọi với, nói to; không cãi lộn, không gây ồn ào, không nói chuyện tán tỉnh.
- Không được nói lời lẽ thô tục, hành động trái thuần phong mỹ tục;
- Không mang chuyện của đạo tràng về Chùa nói và ngược lại.
- Không nói chuyện tại trai đường, nơi ngủ nghỉ của đại chúng.
5. Oai nghi trong thời khoá
- Tuân thủ các điều phối hướng dẫn của Ban tổ chức trong các thời khóa.
- Có mặt đúng thời gian quy ước chung của các hoạt động/chương trình tu học để Ban tổ chức sắp xếp vị trí.
- Hàng lối ngay thẳng, ngồi trang nghiêm, trang phục chỉnh tề, đầu tóc gọn gàng.
- Giữ im lặng, không làm việc riêng.
- Không tranh giành, giữ chỗ, ghế, thảm.
- Không nằm ở hành lang hoặc ở vị trí tu tập trong các thời khóa tu tập.
- Không đội mũ hoặc trùm khăn lên đầu trong các thời khóa (trừ người bệnh hoặc khi thời tiết lạnh).
- Hạn chế đeo khẩu trang trong thời khóa (trừ người bệnh, hoặc khi có dịch bệnh, các trường hợp đặc biệt).
6. Oai nghi khi khất thực, thọ trai
- Giữ im lặng: giữ im lặng trong suốt thời gian xếp hàng, lấy thức ăn, thọ thực, cho đến sau khi kiết trai rửa, cất và rời khỏi khu vực.
- Xếp hàng khất thực: Tuân thủ sự điều phối của Ban tổ chức, không chen lấn, xô đẩy.
- Lấy cơm và thức ăn: Chỉ lấy lượng đủ dùng, tránh lãng phí.
- Cúng cơm: Tại các vị trí có cúng cơm (buổi trưa ngày tu Bát quan trai tại tầng 1 và tầng 2 Đại Giảng Đường; tầng 2 Chánh điện). Các thành phần đợi chư Tăng cúng cơm xong mới thọ thực; thọ thực xong thì đợi chư Tăng tụng kinh kiết trai.
- Thọ thực tại các vị trí khác: tùy duyên ăn sau khi khất thực và ổn định chỗ ngồi.
- Ăn trong chánh niệm: Giữ im lặng, không đi lại gây ảnh hưởng đến đại chúng.
- Giữ vệ sinh: Không để rơi vãi thức ăn; nếu có rơi vãi, cần dọn dẹp ngay.
- Thu dọn sau khi ăn: Bát đĩa, rác phải được dọn và rửa theo hướng dẫn của Ban tổ chức.
- Tuyệt đối không ăn trong khu vực ngủ vào giờ nghỉ.
7. Oai nghi khi ngủ, nghỉ
- Ngủ đúng vị trí và thời gian theo hướng dẫn, quy ước chung của Ban tổ chức.
- Không tranh chỗ, giữ thảm, chăn, gối; giữ yên lặng, không bật đèn hay điện tùy tiện.
- Không mặc quần áo hở hang hoặc thay đồ tại khu vực ngủ.
- Khi ngủ dậy thì chăn, gối, thảm,... cần được gấp gọn, để đúng nơi quy ước chung theo hướng dẫn của Ban tổ chức.
- Ngủ theo hàng lối và tuân thủ theo sự hướng dẫn của Ban tổ chức (nằm ngủ quay đầu và chân, hướng như hình):
8. Quy ước chung về sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử
- Được sử dụng điện thoại, được cắm sạc tại các vị trí có ổ cắm trống, không tự ý sử dụng dây sạc của người khác.
- Để điện thoại ở chế độ rung, tắt chuông hoặc im lặng trong thời gian ở Chùa.
- Phật tử phụ trách các công việc phận sự: được để chuông nhưng chỉ để mức đủ nghe, không làm ảnh hưởng đến đại chúng.
- Gọi/nghe điện thoại:
+ Trong thời khoá: Không được gọi/nghe.
+ Ngoài thời khoá: khi nghe/gọi thì tìm vị trí không ảnh hưởng đến người khác, âm lượng nhỏ đủ nghe; không mở loa ngoài. Không gọi/nghe tại trai đường khi khất thực, tại nơi ngủ nghỉ của đại chúng.
+ Trong ngày tu Bát quan trai: nên tắt điện thoại trong suốt thời gian ở Chùa (trừ trường hợp/thời gian phận sự tại Chùa) để có kết quả tốt khi tham gia thời khóa.
9. Quy ước chung về tắm giặt, phơi đồ
- Trong các ngày tu học thường kỳ BQT và ngày 14, 30 âm lịch: Phật tử và nhân dân về Chùa tu học, làm phận sự không tắm, giặt, phơi đồ ở Chùa (kể cả các trường hợp về trước 1 ngày để làm phận sự), trừ trường hợp đặc biệt hoặc bị nạn bất thường cần tắm giặt.
VIII. Quy ước chung lao tác tại Chùa ngày tu học, lễ
1. Tiêu chí và đăng ký làm phận sự
a) Tiêu chí đăng ký làm phận sự
* Về sức khỏe: Không nhận các trường hợp sức khỏe yếu, thần trí, không tự phục vụ sinh hoạt và lao tác được, phụ nữ có thai.
* Về thành phần:
+ Bộ phận bếp, ẩm thực: thành phần A, B.
+ Các công việc khác: thành phần A, B, C do đạo tràng đăng ký trong bài tu học.
+ Ngoại lệ: đối với các công việc đơn giản hoặc khi thiếu nhân sự (ví dụ: ngày 14, 30 âm lịch ít người), TSCLB_Bộ phận hỗ trợ có thể mở rộng thêm thành phần D.
b) Quy trình đăng ký
* Phận sự Ban/BPHT cố định
- Thành viên ở trong các ban/BPHT cố định khi về Chùa làm phận sự thì đăng ký trực tiếp lên ban/BPHT và làm theo sự phân công của ban/BPHT.
- Khi về chùa ngày tu học sự kiện, PT vẫn báo số lượng người về cho ĐT để ĐT đăng ký lên CLB tính suất ăn.
* Phận sự phân công từ TSCLB_Bộ phận hỗ trợ
- PT đăng ký tại đạo tràng.
- Đạo tràng đăng ký về TSCLB_Bộ phận hỗ trợ đúng thời gian quy ước chung.
- TSCLB_Bộ phận hỗ trợ phân công phận sự cho ĐT, ĐT thông báo cho PT.
2. Quy ước chung lao tác
a) Thời gian lao tác
- Sáng: 7h00 - 11h00
- Chiều: 13h30 - 17h00
- Tối: tùy theo từng phận sự.
b) Quy ước chung trong ngày tu học, lễ
* Về trang phục, dụng cụ lao tác
- Các PT về chùa không mặc trang phục đúng quy ước chung sẽ không được nhận làm phận sự, hoặc đang làm khi phát hiện ra sẽ bị đình chỉ phận sự.
- PT nhận phận sự lao tác thì mang găng tay về.
* Về công việc
- Đối với đạo tràng, Phật tử:
+ Thực hiện đúng sự phân công của CLB, không tự ý làm nếu chưa được phân công.
+ Tuyệt đối không cho phép Phật tử không đủ điều kiện sức khỏe hoặc không đúng thành phần tham gia lao tác. Nếu xảy ra sự cố về sức khỏe hoặc an toàn, người vi phạm chịu hoàn toàn trách nhiệm.
+ Khi đã nhận phận sự lao tác thì không đưa người thân hay con cháu, các đối tượng không đúng thành phần đi theo. Nếu đưa theo xuống khu vực làm phận sự thì sẽ bị dừng phận sự.
+ Cần có mặt đúng thời gian, địa điểm quy ước chung, mang mặc đúng trang phục, dụng cụ theo hướng dẫn.
+ Đạo tràng cần cử người làm đầu mối liên hệ của ĐT khi tham gia phận sự ở từng ban/BPHT. Đầu mối liên hệ phải là người đồng hành công việc phận sự, tức là đăng ký làm ở ban/BPHT nào, thì cần có 1 người đầu mối liên hệ ở ban/BPHT đó. VD: ĐT làm 5 ban/BPHT thì 5 đầu mối liên hệ để trưởng ban/bộ phận lao tác của CLB/Chùa nắm bắt được.
+ Làm đúng hướng dẫn của ban/BPHT chuyên môn, chưa rõ cần hỏi lại người phụ trách, không tự ý làm khi chưa được hướng dẫn, không tự ý hướng dẫn người khác làm, bảo đảm tuyệt đối an toàn; đi đâu cần xin phép báo cáo, không tự ý bỏ vị trí, khi nào có thông báo nghỉ mới nghỉ.
+ Nhiệt tình, trách nhiệm trong phận sự, có ý thức giữ gìn tài sản của Tam Bảo, không gây lãng phí, thất thoát tài sản Tam Bảo.
- Đối với ban/BPHT phụ trách
+ Cần phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, yêu cầu của công việc, ai là người phụ trách đầu việc để các ĐT, PT nắm được thực hiện.
+ Các việc bất thường xảy ra cần báo cáo ngay lên trên để xin hướng dẫn.
* Về ứng xử, giao tiếp khi lao tác
- Thực hành lục hòa, thứ lớp khi làm phận sự, không được ồn ào, to tiếng, cãi lộn.
- Khi có việc cần đóng góp ý kiến thì báo với người phụ trách.
- Với ban/BPHT làm phận sự: lắng nghe/quan sát hướng dẫn, tuyệt đối không được dùng cách giao tiếp hỏi vặn lại, truy tìm lỗi người để dạy bảo, chỉ trích phê phán mọi người.
- Khi Phật tử vi phạm quy ước chung mà đang làm việc trong 1 ban/BPHT nào đó: các ban/BPHT khác phát hiện ra vi phạm không được nhắc trực tiếp Phật tử mà phải nhắc thông qua ban/BPHT đang trực tiếp phân công phận sự cho PT đó và ban/BPHT đó sẽ nhắc PT.
- Khi các Phật tử làm cùng nhau trong một việc thì được nhắc nhau trong các trường hợp làm sai hướng dẫn từ ban/BPHT/tổ phụ trách.
IX. An ninh và cảnh giác
1. Cảnh giác mất trộm, mất cắp
Ngày tu tại chùa có rất nhiều thành phần trộm cắp, mặc quần áo CLB/Phật tử/du khách và đã có rất nhiều trường hợp bị mất tiền, điện thoại, tài sản nên các PT cần cảnh giác, có ý thức bảo vệ tài sản của mình.
a) Phật tử lưu ý và cảnh giác với các thành phần trộm cắp có dấu hiệu như sau:
- Mặc quần áo CLB/Phật tử như Phật tử bình thường.
- Hay có áo tràng vắt ở tay che bàn tay đi, mục đích khi áp sát đối tượng định móc túi thì sẽ che được tay không lộ. Đối tượng này sẽ để ý --> áp sát --> kéo khóa --> lấy đồ.
- Thường hoạt động theo nhóm, sau khi móc đồ xong sẽ tuồn luôn đồ móc túi cho đồng bọn để nếu bị bắt thì không bị phát hiện ra tang vật.
- Trong đám đông thì đối tượng trộm cắp lợi dụng đám đông giả vờ bị xô ngã để áp sát móc đồ.
b) Túi của Phật tử cần đeo để ra đằng trước, không được đeo túi rồi để ra sau hông dễ bị móc đồ.
c) Một trong những lý do chính mà PT hay bị móc túi là do chủ quan, lơ là dẫn đến tạo cơ hội cho trộm cắp lấy đồ, một số tình huống đã bị móc TÀI SẢN như sau:
- Để túi ngay bên cạnh người rồi sau đó lễ lạy hoặc bạch lễ quá lâu, đến lúc xong thì phát hiện đã mất tiền, điện thoại.
- Chen lấn xô đẩy khi sớt bát, khất thực, thỉnh đồ, nơi có đám đông, sau đó kiểm tra đã thấy mất điện thoại.
- Túi đồ có giá trị không mang theo bên mình mà chủ quan để lung tung, để sạc hoặc để điện thoại trong túi ở bên ngoài rồi đi vệ sinh lúc sau ra đã mất đồ.
- Cắm sạc và ngủ không để ý sau đó bị mất điện thoại.
- Túi của Phật tử đeo chéo sau hông, không để ra trước mặt.
2. Cảnh giác với các đối tượng bắt cóc trẻ em
- Các đối tượng bắt cóc trẻ em có dấu hiệu về Chùa vào ngày đông. Các Phật tử đưa con về Chùa phải nhắc các cháu không tiếp xúc/trả lời người lạ dù người đó có/không mặc quần áo Phật tử/CLB.
3. Cảnh giác khi được hỏi về các vấn đề của Chùa/CLB/ĐT
- Ngày tu học đông, có thể có các đối tượng lợi dụng khai thác thông tin, ghi âm, ghi hình rồi cắt ghép để xuyên tạc, vu khống. Vì vậy, các Phật tử cần cảnh giác với các đối tượng lạ dò hỏi thông tin, nếu không phải trong phận sự được phân công thì không nên trả lời mà bảo họ lên Ban tri khách Chùa để được hướng dẫn. Nếu tự trả lời người lạ việc gì thì tự chịu trách nhiệm trước nội dung có thể bị cắt ghép trên mạng hoặc trước cơ quan chức năng.
Bình luận (4)
Quản trị trang
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Quản trị trang và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Vũ Thị Nhàn
Vũ Thị Lâm
Hồ Thị Lan
Nguyễn Đình Tiến