Có nên cho tên Phật vào các đồ dùng không?

Câu hỏi:
Cháu chào Cô Yến ạ. Cháu muốn hỏi cô 1 câu hỏi ạ. Cháu có một người chị làm móc khóa có chữ "A Di Đà Phật". Cháu muốn thỉnh về cho mọi người dùng, gieo duyên Phật Pháp cho mọi người luôn. Số lượng móc khóa rất nhiều cô ạ! Vậy việc làm trên có lợi ích hay có điều nào không tốt không ạ? Cháu xin tri ân công đức của Cô ạ!

Không nên ghi tên hoặc in hình tượng của chư Phật lên đồ dùng

Cô Phạm Thị Yến trả lời:
Cô chào em!
Các đồ dùng chúng ta không thể lưu tâm bảo quản một cách trang nghiêm được, ví dụ như móc chìa khoá có thể đút túi quần, thậm chí cho lên kính xe ô tô rất không trang nghiêm, vì khi rửa xe thợ rửa xe có thể dùng những chiếc khăn rất bẩn, như vậy sẽ làm chính người thợ này, mất tâm chân quý danh hiệu Phật. Hoặc khi cho hình Ngài vào cốc chén, đến khi vỡ ra, hoặc là cho vào chậu nước rửa thì sao? Tất cả việc đó sẽ làm tâm ta giảm đi sự tôn kính với danh hiệu của các Ngài. Có chỗ còn cho hình Ngài trong chiếc đồng hồ, đến khi kim chỉ đến số 1 đúng vào diện mặt Ngài, rồi kim chạy qua,... khi nhìn thấy như vậy, Cô có cảm giác nhột trong lòng, vì đó là tôn hình của chư Phật. Cho nên, theo quan điểm riêng của Cô là không nên ghi tên hoặc in hình tượng của chư Phật lên các đồ vật dùng.
Chỉ có dòng chữ A Di Đà Phật thì có làm mọi người giác ngộ Phật Pháp hay không? Giác ngộ là hiểu được chân lý, biết rõ về Tứ Thánh Đế. Vậy nên muốn mọi người giác ngộ thì nên chuyển tải lời Phật dạy về nhân quả tội phúc để mọi người bỏ ác làm thiện, biết bố thí cúng dường và chúng ta cũng nên sách tấn mọi người về tu giới thì mọi người sẽ được giải thoát.

Danh hiệu chư Phật cao quý - nhưng phải biết cách quán niệm

Danh hiệu của chư Phật rất cao quý, nhưng phải biết cách quán niệm để điều phục tâm mới chuyển được nghiệp. Ví dụ: khi ta có sẵn tập tính ăn cắp nhưng nay biết tới Phật Pháp, khi bị nghiệp này chi phối, ta quán niệm rằng: "Phật dạy ta không được ăn cắp” hoặc “ăn cắp Phật không đón về Tây Phương",... Quán niệm danh hiệu Phật như vậy là quán niệm danh hiệu Phật đưa đến giải thoát nghiệp trộm cắp tâm được thanh tịnh. Trường hợp khác, ta nghĩ về công đức trí tuệ của Đức Phật mà sinh tâm kính ngưỡng, biết ơn rồi đảnh lễ. Việc làm này sẽ phát sinh phúc báu cho ta và sẽ giúp ta tinh tấn hành thiện theo lời Phật dạy (vì ta cung kính Phật nên làm theo lời Phật dạy).
Chúng ta cũng nên có các việc làm để xưng danh hiệu Phật cho nhiều người biết, nhưng việc này chỉ dừng lại ở công đức, cho người nghe biết đến là có Phật. Còn nếu họ kết duyên với Phật thì họ phải tán thán Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) hoặc cúng dường Tam Bảo thì khi đó họ mới chính thức là kết duyên với Phật Pháp.
(Trích lời của Cô Phạm Thị Yến trả lời trong nhóm Facebook Tâm Sự Cùng Cô Phạm Thị Yến - Tâm Chiếu Hoàn Quán)

Các bài nên xem:
“Vòng tay chỉ đỏ may mắn” có thật sự đem lại may mắn?
Nguyên nhân gì khiến mọi người có cảm giác khó chịu với mình?
Cúng cơm ngày tết như thế nào để được lợi ích nhất? - Tết Canh Tý 2020

-
aa
+
1,277 lượt xem
21/12/2019

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ