Hoàng hậu Ma-ha Ma-da sinh Thái tử được bảy ngày thì lâm chung, sinh lên cung trời Đao-lợi, hưởng năm thứ vui thú. Thân tướng Thái tử đoan nghiêm khiến ai nhìn cũng sinh yêu kính, nếu như có người thợ vàng tài giỏi cũng không thể đúc được hình tượng tốt đẹp như hình tướng của Ngài. Thí như chư Thiên nơi cõi trời Bán-nỗ-ca-thạch có ánh sáng lớn chiếu rõ khắp chốn, ánh sáng trên thân thể Bồ-tát vắng lặng thanh tịnh cũng như vậy. Lại như hoa sen nở ra trên nước, tỏa hương thơm ngát, tất cả loài hữu tình trông thấy đều yêu thích, thân tướng của Bồ-tát người nhìn sinh lòng cung kính cũng như vậy. Đôi mắt của Bồ-tát trong trẻo, sáng láng nhìn xa thấy được khoảng một do-tuần những sắc trần rất nhỏ, hơn cả mắt của chư Thiên, ngày đêm đều không khác. Thanh âm trong giọng nói của Bồ-tát trong trẻo, êm tai lạ lùng như tiếng của chim Ca-lăng-tần-già, lại cũng như loài chim trên núi Tuyết ăn các loài hoa nước, ăn đến say rồi hót lên những âm thanh hòa nhã ra sao thì tiếng của Bồ-tát cũng như vậy.
Bấy giờ, Tiên nhân Nẵng-la-na thưa Sư phụ A-tư-đà là mình muốn đến thành Ca-tỳ-la để tham bái Bồ-tát. Thầy trò liền vận thần thông cùng đến thành Ca-tỳ-la. Khi đến gần thành, vì uy đức của Bồ-tát nên thần thông của Tiên nhân không còn hiệu nghiệm nữa, họ phải đi bộ đến cung vua Tịnh Phạn. Quan giữ cửa thành trông thấy liền tâu vua. Nhà vua vui mừng truyền lệnh đón vào cung, rồi mời ngồi lên tòa, cử nhạc, dọn tiệc thết đãi rất cung kính, rồi nhà vua hỏi Tiên nhân có điều gì mà thân hành đến đây. Tiên nhân A-tư-đà thưa:
- Nay tôi muốn gặp vị Nhất Thiết Nghĩa Thành Đại Mâu-ni sư.
Vua bảo Thái tử còn đang ngủ, xin chờ trong chốc lát. A-tư-đà chỉ xin vào giường để ngắm Thái tử. Lúc ấy Thái tử tuy ngủ nhưng đôi mắt vẫn mở, thấy thế Tiên nhân liền nói kệ:
Chư Thiên quan sát cảnh
Nhìn vật mắt không chớp
Bồ Tát trong giấc ngủ
Nhìn cảnh cũng như vậy.
Tiên nhân nói kệ xong thì cung nữ nhũ mẫu cũng bồng Thái tử đến trước mặt. A-tư-đà nhìn kỹ dung mạo phi thường của Thái tử, liền hỏi nhà vua đã có vị tướng sư nào đến xem cho Thái tử chưa. Vua bảo có vị thầy tướng người Bà-la-môn xem và đoán là Thái tử nếu không xuất gia chắc chắn sẽ là Chuyển luân vương, nếu xuất gia thì sẽ trở thành Bậc Chánh Giác. Nghe xong Tiên nhân liền nói kệ:
Xưa thân lỡ vướng vòng ngoại đạo
Nay gặp phước đức Chuyển luân vương
Năng dứt phiền não chứng Bồ-đề
Nói pháp nhiệm mầu sâu như biển
Tướng tốt nhưng vẫn lìa ngôi báu
Thành Đại Mâu-ni cứu quần sinh
Cho nên tôi nay cung kính lễ
Xin được gần gũi dứt trần lao.
Nói kệ xong, Tiên nhân tự xem thọ mạng mình còn được bao lâu có thể gặp lúc Thái tử thành Phật không? Quán chiếu xong, thấy rằng năm hai mươi chín tuổi Thái tử sẽ rời hoàng cung vào núi xuất gia, sáu năm tu khổ hạnh trong rừng và sau đó sẽ giác ngộ pháp cam lộ, diệt trừ phiền não thành đạo Vô thượng, rồi xem lại mình thì thấy không thể sống đến lúc Thái tử đắc đạo được, nên buồn tủi, bật khóc nức nở. Lúc ấy vua Tịnh Phạn thấy Tiên nhân khóc lóc như vậy vô cùng kinh hoảng liền nói kệ:
Nếu người có con cái
Lòng yêu thương không đủ
Phước tướng đẹp như vậy
Nhìn ngắm luôn vui thích.
Tiên nhân thấy Thái tử
Vì sao lại khóc than?
Con ta nếu sợ hãi
Sẽ chợt sinh bệnh tật
Chưa biết là ý gì
Mau vì ta nói rõ.
Lúc ấy tiên A-tư-đà nghe xong bài kệ liền nói với vua:
- Không lâu nữa Thái tử sẽ thành Bậc Chánh Giác, đâu có gì phải lo sợ! Giả sử từ hư không tuôn xuống đầy các hạt kim cương và ngọc báu cũng không làm tổn hại đến một sợi lông của Bồ-tát. Gió lớn, lửa dữ, thuốc độc, đao kiếm, cung tên đầy khắp trời đất cũng không thể xâm phạm Ngài được, cho tới loài rồng độc ác, các loài thú hung dữ cũng không làm hại được Ngài, bởi vì trong quá khứ Thái tử đã tu hạnh từ bi, không bao giờ rời xa chúng sinh khiến mọi loài hữu tình luôn được yên ổn. Vả lại, trong không trung luôn có các vị Đế Thích và Tứ Thiên vương ủng hộ, giữ gìn, nên Thái tử đâu có gì phải lo sợ. Nay tôi buồn khóc là vì thấy mình đã quá già, nay mai sẽ qua đời, không thể được dự nghe Đức Phật thuyết diệu pháp sau này. Chính vì không có phần lợi ích ấy nên tôi mới tủi thân than khóc. Xin vua đừng lo âu.
Lúc ấy Tiên nhân A-tư-đà lại nghĩ: “Ta vốn có thần thông, nhưng do uy lực của Bồ-tát chế phục, không thể hiện ra được nên đã đi bộ vào hoàng cung, nay nếu lại đi bộ ra khỏi thành, không khỏi khiến chúng hữu tình sinh tâm kiêu mạn cho rằng bậc đại tiên mà phải đi bộ mãi như thế.” Nghĩ thế rồi, Tiên nhân bèn tâu với vua Tịnh Phạn:
- Nay tôi giã từ nhà vua, xin nhà vua cho sửa sang đường sá từ trong thành dẫn ra ngoài thành.
Vua Tịnh Phạn liền sai quan quân tu sửa đường sá sạch sẽ, rưới nước bạch đàn hương lên đường, treo tràng phan, dây báu, đốt hương theo lối đi rồi nhà vua cùng các quan, các vị trưởng giả, cư sĩ cùng vây quanh cung kính tiễn đưa Tiên nhân ra thành. A-tư-đà được vua tiễn ra ngoài thành rồi liền đi thẳng về núi Chi-sắc-kế-đà, sau đấy nỗ lực tu tập thiền định, chẳng bao lâu phục hồi thần thông như trước, thân thể nếu có bệnh thì chỉ dùng thức ăn và ít hoa quả là hết bệnh.
Một hôm, người đệ tử thưa với thầy:
- Con xuất gia tu hành là vì muốn cầu pháp cam lộ giải thoát. Nay thầy đã chứng được, xin thầy truyền cho con.
Vị thầy nói:
- Ta tu hành đã lâu mà vẫn chưa nếm được vị cam lộ, làm thế nào truyền cho ngươi được? Thái tử Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn sẽ thành Bậc Chánh Giác có được pháp vị chân cam lộ, người nào xuất gia theo Ngài tịnh tu phạm hạnh, không phân biệt đẳng cấp, bỉ thử, ngã nhân, thì sẽ đắc đạo vô vi.
Lúc đó Tiên nhân A-tư-đà lại nói kệ:
Ta tu nơi núi này
Theo con đường phạm hạnh
Tuy có được thần thông
Nhưng chưa nếm cam lộ,
Tự biết thân vô thường
Luôn ở trong sinh diệt
Hòa hợp những tướng giả
Đó là pháp vô thường.
Tiên nhân nói kệ xong, Nẵng-la-na cảm động trước lời dạy của thầy, nên lễ bái và cúng dường thầy rồi xin đi sang nước Ba-la-nại để gặp năm trăm vị Ma-noa-phược-ca Bà-la-môn học Vi-đà kinh. Một thời gian sau, biết đấy không phải là đạo rốt ráo, không thể thân cận được nên Tiên nhân bèn đến chỗ Phật mong được nghe được yếu chỉ Phật pháp. Thuở ấy Nẵng-la-na có họ là Ca-đa, dùng họ làm tên, khi được Phật khai thị cho những yếu chỉ của Phật pháp thì đạt được niềm vui của sự tịch diệt nên lại có tên là Đại Ca-đa.
Lại nói về Thái tử đang nằm trong lòng nhũ mẫu, cầm bình vàng đựng thức ăn, ăn xong, nhũ mẫu liền thu dọn bình ấy, nhưng bình quá nặng nên không sao nhấc lên được. Nhũ mẫu liền báo việc này lên vua, vua sai nhiều cung nhân và cùng họ đến nhấc thì bình ấy càng nặng thêm, đến nỗi nhà vua cho một con voi thật lớn đến nhấc cũng không làm cho bình nhúc nhích được chút nào. Vì sao? Đó là do thần lực của Bồ-tát: Người đưa một ngón tay trái giữ lấy chiếc bình vàng kia, khiến con voi dù cố hết sức cũng không lay chuyển được chiếc bình. Lúc ấy vua Tịnh Phạn suy nghĩ: “Nếu Bồ-tát dùng hai ngón tay để giữ chiếc bình thì dẫu cả trăm con voi lớn cũng không sao nhấc lên được, bởi vì Bồ-tát có sức mạnh của ngàn thớt voi. Nếu có những đồng tử muốn đùa giỡn đấu sức với Bồ-tát thì thật chẳng khác gì đem sức của loài vịt trời sánh với lực của Ngỗng chúa.”
Khi Bồ-tát cùng năm trăm quyến thuộc nơi cung cấm bắt đầu đi học, đến trường đọc sách, vị thầy giáo đưa một cuốn sách cho Thái tử đọc. Thái tử nói:
- Sách này con đã biết rõ rồi!
Người thầy đưa một cuốn sách khác, Thái tử cũng bảo là đã thông suốt. Người thầy lại đưa cho Thái tử năm trăm loại sách khác, Thái tử cũng bảo là đã đọc hiểu hết cả, xin hãy cho đọc sách khác. Vị thầy nói:
- Trong thế gian này chỉ có năm trăm loại sách ấy thôi, ngoài ra tôi không biết còn có những loại sách nào nữa.
Khi đó Thái tử liền đặt bút tự viết một cuốn sách, rồi đưa cho vị thầy đọc, vị thầy thú nhận là xưa nay mình chưa từng thấy sách ấy, Thái tử bảo đó là sách của Phạm thiên. Bấy giờ Phạm thiên biết Bậc Luân vương kia muốn mình đọc tụng sách ấy, bèn dùng Phạm âm vi diệu để tụng đọc, rồi vị Đại Phạm thiên từ hư không lớn tiếng nói:
- Sách đó đúng là sách của Phạm thiên.
Vị thầy dạy nghe thế càng thêm tin tưởng lời của Thái tử. Thuở ấy, bên ngoại của Thái tử có hai vị danh sư giỏi nghề bắn cung, tên là Ta-nại-lê và Ta-hạ-nhĩ-phược có đến năm trăm người theo học. Hai danh sư ấy bàn luận với nhau:
- Đề-bà-đạt-đa tính tình thô bạo, hay ganh tị, nếu truyền nghề cho ông ta thì có thể gây nhiều tai hại. Thái tử Tất-đạt-đa thì từ bi, thông tuệ, hay thương xót chúng sinh vậy chúng ta nên truyền dạy cho Thái tử.
Nghề bắn cung có năm loại: Một là bắn xa, tức là đứng từ rất xa mà bắn. Hai là nghe tiếng mà bắn, tức là bắn theo tiếng kêu của con vật. Ba là theo ý mà bắn trúng mục tiêu. Bốn là bắn gần mục tiêu, tức những mũi tên cách xa nhau. Năm là bắn đứt vật, tức là vật bị bắn sẽ bị xuyên đứt. Thái tử đã làu thông năm cách bắn.
Bấy giờ, ở thành Tỳ-xá-ly có một con voi lớn, hình tướng đoan chánh, có sức mạnh vô cùng. Dân chúng thành ấy cùng nhau bàn luận: "Vua Tịnh Phạn ở thành Ca-tỳ-la có một vị Thái tử tên là Tất-đạt-đa, thầy tướng đoán là sẽ lên ngôi Chuyển luân vương, vậy chúng ta sẽ đem voi này hiến dâng cho Thái tử." Mọi người đều bằng lòng, bèn dùng những châu báu trang sức cho voi rồi đưa voi đến thành Ca-tỳ-la. Khi đến vương cung thì gặp Đề-bà-đạt-đa. Đề-bà vừa bước ra cửa thành thấy con voi liền hỏi:
- Voi này từ đâu đưa đến?
Quan gác cổng thưa:
- Voi này là của dân thành Tỳ-xá-ly vì biết Thái tử Tất-đạt-đa sẽ lên ngôi Chuyển luân vương nên đem đến dâng cho Thái tử.
Đề-bà-đạt-đa nghe xong, lòng ganh ghét nổi lên liền nói:
- Tất-đạt-đa sao được lên ngôi?
Nói rồi ông ta liền dùng gậy đánh chết voi. Khi ấy Nan-đà thấy xác voi và biết bị Đề-bà đánh chết, trong cơn phẫn nộ muốn thi thố sức mạnh của mình nên liền cầm đuôi xác voi ném ra ngoài bảy thước. Lúc ấy Thái tử Tất-đạt-đa đến nơi thấy xác voi không còn ở chỗ cũ biết là do Nan-đà muốn biểu diễn sức mạnh của mình, Thái tử bèn một tay cầm đuôi xác voi ném tung lên không, cao hơn bảy tầng thành, chẳng khác nào ném một hòn đất. Vị sứ giả của thành Tỳ-xá-ly đến hiến voi, trông thấy uy lực của Thái tử Tất-đạt-đa như thế bèn nói kệ:
Chúng tôi đem voi đến
Để hiến cho Luân vương
Gặp phải kẻ hung ác
Đã giết chết voi đi.
Nan-đà cầm đuôi voi
Ném xa ngoài bảy thước
Bồ-tát sức oai thần
Ném voi như ném đất.
Được chứng kiến trí tuệ dũng lực của Thái tử dân chúng hết sức khâm phục và tăng thêm lòng yêu kính đối với Thái tử.
(Trích soạn nguồn: Kinh Phật Thuyết Chúng Hứa-Ma-Đế Quyển 3 - Hán dịch: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp Sư Pháp Hiền. Xem: Đại Tập 13 - Bộ Bản Duyên IV Số 190 - 191)
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.