Thuở xưa, nước Xá-vệ có một thầy Bà-la-môn tên Phú-lan Ca-diếp. Ông đi đâu cũng có năm trăm đệ tử theo sau, được vua chúa nhân dân thờ kính.
Lúc đó, Phật mới thành đạo, cùng các đệ tử từ thành La-duyệt-kỳ đến Xá-vệ. Đức Phật tướng hảo quang minh, việc hoằng pháp được rộng rãi tốt đẹp, vua và nhân dân ai cũng thờ kính.
Phú-lan Ca-diếp thấy vậy sinh lòng tật đố, muốn hủy báng đức Thế Tôn để một mình hưởng sự cung kính. Ông bèn dẫn đệ tử đến ra mắt vua Ba-tư-nặc rồi thưa rằng:
- Hàng trưởng lão chúng tôi đã tu học với những bậc thầy trước đây ở nước này. Còn Sa-môn Cù-đàm chỉ là kẻ ra đời cầu đạo sau, ông ta thật sự không có thần thông thánh đức, chỉ tự xưng là Phật mà thôi. Thế mà vua bỏ chúng tôi thờ phụng ông ta. Nay tôi muốn cùng Phật so thử đạo hạnh xem ai hơn. Người nào hơn, vua hãy trọn đời kính thờ.
Vua nói:
- Tốt lắm.
Vua liền cho xa giá đến chỗ Phật, làm lễ xong bạch rằng:
- Phú-lan Ca-diếp muốn cùng đức Thế Tôn thi đua đạo lực, thần thông biến hóa. Không biết tôn ý như thế nào?
Phật đáp:
- Được, vua hãy hẹn với ông ta bảy ngày sau sẽ so thần túc.
Vua bèn cho dựng lên hai tòa cao bốn mươi trượng, thất bảo trang nghiêm, treo đầy tràng phan, sắp xếp chỗ ngồi chỉnh tề nơi khoảng đất rộng bằng phẳng phía đông kinh thành. Khoảng giữa hai tòa cách nhau hai dặm, chúng đệ tử hai bên đều ngồi dưới tòa bên mình.
Ngày ấy, vua và quần thần nhân dân vân tập đầy đủ để xem cuộc thi thần thông này.
Bấy giờ, Phú-lan Ca-diếp và các đệ tử đến trước. Ông bước lên thang để đăng tòa. Có một vị vua quỷ thần tên là Bàn Sư thấy bọn ông này hư vọng tật đố, bèn nổi gió lớn thổi vào tòa cao. Tọa cụ văng xa, tràng phan đứt tung. Cát bay đá chạy không sao mở mắt ra nổi. Còn bên tòa ngồi của đức Thế Tôn vẫn lặng yên bất động. Đức Phật cùng đại chúng ung dung theo thứ tự đến. Mọi người thấy mới đó mà Phật đã ở trên tòa cao. Chúng Tăng lặng lẽ ngồi vào chỗ. Vua và quần thần càng thêm kính ngưỡng, đỉnh lễ bạch Phật rằng:
- Xin đức Thế Tôn hãy hiện thần thông, hàng phục tà kiến khiến nhân dân được sáng suốt tín ngưỡng chính đạo.
Đức Thế Tôn đang trên tòa bỗng nhiên biến mất, hiện trên hư không phóng ánh sáng lớn, ẩn bên đông lại hiện bên tây, bốn phương đều như vậy, trên thân phun ra nước, dưới thân phun ra lửa, rồi lại thay đổi. Thế Tôn nằm ngồi trên không, trổ mười hai phép biến hóa rồi bỗng nhiên biến mất, trở lại tòa ngồi. Thiên long quỷ thần rải hoa, đốt hương cúng dường, tiếng tán thán vang động khắp đất trời. Phú-lan Ca-diếp tự biết mình không có đạo hạnh, cúi đầu hổ thẹn không dám ngó ai.
Bấy giờ, Kim Cang lực sĩ giơ chày Kim Cang lên, đầu chày phóng ra lửa để nhắc ông, sao không hiện thần thông đi.
Phú-lan Ca-diếp kinh sợ vội leo xuống tòa bỏ đi. Năm trăm đệ tử cũng tản mác đi hết.
Đức Thế Tôn vẫn an nhiên bình thản trở về tinh xá Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên. Vua, quần thần và đại chúng đều hoan hỉ giã từ ra về.
Nói đến Phú-lan Ca-diếp và các đệ tử mang nhục ra đi, giữa đường họ gặp một cụ bà Ưu-bà-di tên Ma-ni. Bà này lại mắng cho họ một trận:
- Các ông ngu si không biết tự xét lại muốn tranh hơn đạo hạnh với Phật. Thật là một bọn giả dối không biết hổ thẹn, còn mặt mũi nào sống trên đời nhìn ai?
Phú-lan Ca-diếp vì thẹn với các đệ tử nên khi đến bờ sông bảo với chúng rằng:
- Ta nay nhảy xuống đây ắt sẽ sinh lên cõi Phạm Thiên. Nếu không thấy ta trở lên, thì biết ta đã hưởng cảnh vui nơi đó.
Nói xong, ông liền nhảy xuống sông. Các đệ tử đợi mãi vẫn không thấy lên, nên bàn với nhau:
- Thầy ta đã sinh thiên rồi, chúng ta còn chờ gì nữa.
Rồi họ từng người một nhảy xuống sông mong được theo thầy. Không ngờ tất cả đều do tội nghiệp phải bị đọa xuống địa ngục.
Hôm sau, vua nghe việc tự sát, hết sức kinh ngạc vội lên chỗ Phật, bạch rằng:
- Thầy trò Phú-lan Ca-diếp ngu mê, không biết do duyên gì mà lại tự sát như thế?
Đức Phật nói với vua:
- Thầy trò Phú-lan Ca-diếp có hai trọng tội: Một là ba độc tham sân si lừng lẫy, tự xưng đắc đạo. Hai là hủy báng Như Lai mong được cung kính. Do hai tội trên nên họ phải đọa vào địa ngục. Vì tội nghiệp thúc đẩy khiến họ nhảy xuống sông. Khi chết, thần thức ra đi chịu khổ vô lượng. Cho nên, người trí thu nhiếp tâm mình, trong không khởi ác, ngoài không tạo tội. Ví như tòa thành ngoài biên ải sát bên kẻ địch, nếu phòng bị chắc chắn sẽ không sợ hãi. Dân bên trong an ổn thì giặc ngoài không cách gì vào được. Người trí tự phòng hộ cũng giống như vậy.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:
Vọng chứng thánh cầu lợi
Hạnh bất chính dối đời
Ganh gièm kẻ hơn mình
Bịp đời lừa chúng sinh
Tội dẫn hạng người này
Rơi hố dữ bỏ mình.
Như giữ thành biên ải
Kiên cố trong lẫn ngoài
Giữ tâm mình thanh tịnh
Phi pháp chẳng để sinh
Nếu giới hạnh kém thiếu
Địa ngục thọ khổ hình.
Đức Phật nói kệ xong, lại kể với vua:
Thuở quá khứ, có hai con khỉ chúa, mỗi con có bảy đàn năm trăm con. Một con khỉ chúa vì ghen ghét có ý muốn giết con kia để mình cai trị tất cả, cho nên nó gây chuyện đánh nhau. Đã đánh nhau nhiều lần mà vẫn không thắng, nó hổ thẹn rút lui đến một eo biển. Nơi đây, bọt nước được gió thổi tích tụ cao mấy trăm trượng. Khỉ chúa này ngu si cho là núi tuyết, bèn nói với bầy khỉ rằng:
- Từ lâu, nghe nói trong biển có núi tuyết, nơi đó vui vẻ, quả ngọt rất nhiều mặc tình hái ăn, ngày nay ta mới trông thấy. Vậy để ta qua đó trước xem sao. Nếu ta thấy quả thật vui sướng sẽ ở đó luôn, còn không sẽ trở lại bảo với các ngươi.
Nói xong, nó leo lên một cây cao, dùng hết sức nhảy sang. Kết quả, nó rơi vào đống bọt nước rồi chết chìm dưới biển.
Những con còn lại chờ mãi không thấy khỉ chúa quay về, tưởng là chỗ đó vui lắm nên lần lượt nhảy sang, chết chìm cả lũ.
Kể xong, đức Phật bảo với vua:
- Con khỉ chúa tật đố thuở đó nay chính là Phú- lan Ca-diếp. Bầy đàn của nó là năm trăm đệ tử của ông ấy ngày nay. Còn khỉ chúa còn lại chính là thân ta. Phú-lan Ca-diếp đời trước đã ôm lòng tật đố, bị tội nghiệp lôi kéo đã nhảy vào đám bọt nước khiến chết cả bầy. Ngày nay, ông ấy lại phỉ báng đức Như Lai, rốt cuộc cả bọn lại nhảy xuống sông chết chìm. Nghiệp tội xui khiến như thế, nhiều kiếp mà vẫn chưa hết.
Nhà vua nghe xong, tin hiểu rồi làm lễ ra về.
(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Ba, Phẩm Địa Ngục Thứ 32, Thí dụ 56, tr.258-264, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.