Kinh Phật Hàng Phục Năm Trăm Con Voi Say

Thuở xưa, đức Phật trú trong núi Kỳ-xà-quật thành La-duyệt-kỳ. Lúc đó, Điều-đạt và vua A-xà-thế bàn với nhau tìm cách hại Phật và chúng Tăng. Vua ra lệnh cho dân chúng không được phụng thờ Phật. Chúng Tăng khất thực không được cúng dường. Lúc ấy, các vị trưởng lão như Xá-lợi-phất, Mục-kiều-liên, Ca-diếp, Tu-bồ-đề... và các vị trưởng lão Ni như Ba-hòa-đề... đều dẫn đệ tử đi đến nước khác, chỉ còn Phật và năm trăm vị A-la-hán trú tại núi Kỳ-xà-quật.

Ông Điều-đạt đến chỗ vua A-xà-thế bàn rằng:
- Các đệ tử của Phật nay đã tản đi cả, chỉ còn năm trăm vị gần kề. Xin vua ngày mai mời Phật vào thành. Tôi sẽ cho năm trăm thớt voi lớn uống rượu say, rồi thả ra để đạp chết Phật và đệ tử, dứt tuyệt mầm mống. Tôi sẽ lên làm Phật giáo hóa thế gian.

Vua A-xà-thế nghe nói vui mừng đồng ý, liền đến chỗ Phật cúi đầu làm lễ thưa:
- Ngày mai, tôi có sắp đặt buổi cúng dường đạm bạc, thỉnh Phật và chúng đệ tử hoan hỉ vào thọ thực trong cung.

Phật tuy biết rõ âm mưu vẫn đáp:
- Lành thay! Sáng mai ta sẽ đến.

Vua chào ra về, nói lại với Điều-đạt rằng Phật đã nhận lời mời, nên lo sắp đặt trước cho voi uống rượu say chờ cơ hội ra tay.

Hôm sau, vào giờ thọ thực đức Phật cùng năm trăm vị A-la-hán đi vào thành. Bỗng một bầy voi say năm trăm con gầm rống xông đến, tường vách bị húc đổ, cây cối gãy rạp, người đi đường hãi sợ, cả thành hỗn loạn kinh hoàng. Lúc ấy, năm trăm vị A-la-hán liền bay lên hư không, chỉ có A-nan đứng bên cạnh Phật. Bầy voi say xông đến chỗ Phật. Ngài liền giơ bàn tay lên, năm ngón tức thời hóa thành năm trăm sư tử chúa, đồng thanh rống lớn chấn động khắp đất trời. Đàn voi say chợt khựng lại, quỳ xuống sát đất không dám ngẩng đầu, cơn say dứt hẳn rơi lệ ăn năn.

Trước hiện trạng này, vua và thần dân vô cùng kinh ngạc, thán phục.

Đức Thế Tôn khoan thai bước vào cung điện, cùng các vị A-la-hán thọ trai. Thọ trai xong Phật vì vua mà ban lời chú nguyện.

Nhà vua lúc đó mới bạch với Phật:
- Con vì tâm tính u tối mới tin nghe theo lời sàm báng, gây tạo nghịch ác, mưu đồ bất chính. Xin Ngài hãy rủ lòng từ bi tha thứ cho sự ngu mê của con.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo với vua A-xà-thế và đại chúng:
- Trên đời, có tám việc gây ra phỉ báng. Xét ra, nó đều do ham danh dự và tham lợi dưỡng mà gây đại tội, muôn kiếp không dứt. Thế nào là tám? Đó là: Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Từ xưa đến nay ít ai không mê hoặc.

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:
Người ta nói xấu nhau
Chuyện xưa nay vẫn vậy
Nói nhiều bị người chê
Trì độn bị người chê
Vừa phải cũng bị chê
Đời không ai tránh khỏi.
Phàm phu ý tham dục
Không thể nào công minh
Chê đó rồi khen đó
Chỉ do danh lợi ra
Chỉ có bậc minh triết
Mới khen đúng hiền tài.
Người trí tuệ giữ giới
Không có chỗ gièm chê
Thanh tịnh như La-hán
Không ai vu báng được
Chư thiên đều tán thán
Phạm Thích thảy kính tôn.

Đức Phật nói kệ xong, lại kể với vua:
Thuở xưa, có một vị vua thích ăn thịt chim nhạn. Ông sai thợ săn mỗi ngày giăng lưới bắt nhạn, cung cấp một con cho vua ăn.

Một hôm, có con chim nhạn chúa dẫn theo năm trăm con khác bay xuống kiếm ăn. Nhạn chúa vướng lưới, cả đàn hoảng kinh bay vọt trở lên. Song trông thấy nhạn chúa bị bắt, cả đàn cứ bay lượn bên trên không chịu bỏ đi. Trong đó, có một con bay sát theo nhạn chúa, bất kể cung tên nguy hiểm, thốt ra tiếng kêu bi thương động lòng. Nó cứ bay theo như thế suốt cả ngày. Thấy tình nghĩa của chim nhạn như vậy, người thợ săn cảm động bèn thả nhạn chúa ra.

Thấy nhạn chúa được thả, cả đàn vô cùng mừng rỡ bay lượn quanh người thợ săn mấy vòng tỏ lòng biết ân rồi cùng bay đi.

Người thợ săn trở về cung, đem những điều mắt thấy tai nghe thuật lại với vua. Vua nghe xong rất cảm động, nên đã từ bỏ ý thích ăn thịt nhạn.

Đức Phật kể xong, bảo với A-xà-thế:
- Chim nhạn chúa thuở đó, chính là ta ngày nay. Con nhạn bay theo là A-nan. Còn đàn nhạn năm trăm con là năm trăm A-la-hán hiện giờ. Ông vua thích ăn thịt chim nhạn chính là vua, còn người thợ săn là Điều-đạt vậy. Ông ấy từ nhiều đời đến nay luôn tìm cách hại ta. Ta nhờ sức đại từ nên được an ổn. Ta không chấp kẻ oán, chẳng nhớ lỗi cũ nên được thành Phật.

Nghe Phật dạy xong, vua và quần thần ai cũng khai ngộ.

(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Ba, Phẩm Phẫn Nộ Thứ 27, Thí dụ 51, tr.230-235, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)

-
aa
+
939 lượt xem
20/06/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.