Thuở xưa, đức Phật trú tại tịnh xá Mỹ Âm nước Câu-siểm-ni vì tứ chúng đệ tử giảng nói chính pháp. Lúc ấy, có một vị Phạm Chí thông minh học rộng, hiểu biết rất nhiều kinh sách không việc gì mà không thông. Ông ta nhân đó cống cao ngã mạn cho là thiên hạ không ai bằng mình. Ông đi khắp nơi tìm người tranh luận, nhưng không ai dám tranh luận với ông.
Một hôm, giữa ban ngày ông cầm đuốc đi vào trong thành. Mọi người lấy làm lạ hỏi:
- Ông vì sao ban ngày cầm đuốc đi đường?
Phạm Chí đáp:
- Trên đời đều là người ngu tối, mắt không trông thấy gì cả, cho nên tôi cầm đuốc để soi sáng cho họ. Tôi đã đi tìm khắp nơi mà chẳng thấy có ai dám cùng tôi biện luận.
Đức Phật biết Phạm Chí có phước duyên đời trước, có thể độ được. Song nếu ông ta cống cao ngã mạn, tâm cầu danh lợi, không nghĩ đến vô thường, cậy mình khinh người như vậy sẽ đọa vào địa ngục vô số kiếp khó mong ra khỏi. Ngài liền hóa ra một nhà hiền triết ngồi giữa chợ, gọi vị Phạm Chí lại hỏi:
- Vì sao ông lại làm như vậy?
Vị Phạm Chí đáp:
- Vì mọi người ngu tối, ngày đêm không thấy ánh sáng nên tôi cầm đuốc soi sáng cho họ.
Nhà hiền triết lại nói:
- Trong kinh có nói đến bốn pháp sáng suốt, ông đã nghe qua chưa?
Đáp rằng:
- Tôi chưa nghe qua.
Nhà hiền triết nói:
- Bốn pháp đó như sau:
Một là: Hiểu thông thiên văn địa lý và sự điều hòa bốn mùa.
Hai là: Hiểu thông tinh tú và chuyển vận ngũ hành.
Ba là: Nắm vững cách trị nước an dân.
Bốn là: Nắm vững việc cầm quân giữ nước.
Ông là Phạm Chí có thông thạo bốn pháp này không?
Phạm Chí nghe nói trong lòng rất hổ thẹn, ném đuốc bỏ đi, rồi chắp tay cung kính, thầm biết rằng mình còn kém cỏi. Đức Phật biết tâm ông đã thuần liền hiện lại thân Phật, hào quang rực rỡ tỏa khắp đất trời, rồi nói kệ:
Nếu hiểu biết chút ít
Tự cao, khinh khi người
Như đuốc, kẻ mù cầm
Người sáng, mình tối tăm.
Đức Phật nói kệ xong, bảo với Phạm Chí rằng:
- Không có ai ngu tối như ông, ban ngày lại cầm đuốc đi vào nước lớn. Sự hiểu biết của ông thật nhỏ nhoi, như hạt cát trong sa mạc.
Phạm Chí nghe xong tỏ vẻ hổ thẹn, cúi đầu đỉnh lễ xin làm đệ tử. Đức Phật nhận lời cho ông làm Sa- môn. Nhờ tâm trí khai sáng, vọng tưởng dứt hết, tâm an định nên ông liền chứng quả A-la-hán.
(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Nhất, Phẩm Đa Văn Thứ 4, Thí dụ 12, tr.61-63, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.