Khắp năm châu từ xứ sở chuột túi, quốc đảo sư tử, đất nước mặt trời mọc, xứ sở lá phong, xứ sở sương mù,… tinh thần tổ chức lễ Phật đản của những người con xa xứ chùa Ba Vàng đã được lan tỏa rộng rãi. Dẫu có khoảng cách về địa lý nhưng không thể ngăn cách được niềm hân hoan, hạnh phúc chào đón ngày Đức Phật đản sinh của những người con Phật nơi đây.
Kính mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu không khí chào đón khánh đản qua bài viết dưới đây.
Mục lục [Hiển thị]
Phật tử khắp 5 châu đón Tết Phật đản và những kỷ niệm khó quên
1. Lễ Phật đản ở Úc
Ở “xứ sở chuột túi” – đất nước Úc xinh đẹp, các Phật tử xa xứ đã tập trung cùng nhau tổ chức lễ Phật đản tại thủ đô Canberra. Từ đây, câu chuyện về 7 tiếng đồng hồ lái xe xuyên đêm, xuyên tiểu bang để được tụ họp và đón mừng khánh đản đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng mỗi người.
Phật tử Nguyễn Thúy Hằng – thành viên đạo tràng Phật tử xa xứ Á – Úc chia sẻ: “Chúng tôi đón một đạo hữu bay từ thành phố Perth đến Melbourne. Sau đó cả nhóm tới Canberra – địa điểm tổ chức lễ Phật đản. Ban đầu ai cũng băn khoăn không biết có thể lái được không vì trước đó, chúng tôi cũng chưa từng lái xe trên quãng đường xa như vậy. Thế mà suốt 7 tiếng đồng hồ, 4 cô cháu thay nhau lái xe xuyên các tiểu bang, rồi đến nơi lúc nào chẳng hay. Cảm giác hân hoan y như trên đường trở về với gia đình của mình vậy”.
Vượt quãng đường hơn 600km, ước ao được cùng nhau đón mừng ngày Phật đản sinh của các Phật tử đã thành hiện thực với những cảm xúc đặc biệt. Phật tử Thúy Hằng xúc động kể lại: “Mặc dù mỗi người có một phòng riêng và thời tiết đang là 0 độ C, mọi người vẫn rải chiếu ra sàn để nằm cùng nhau. Chẳng ai chịu ngủ mà tranh thủ cơ hội tâm sự, trò chuyện đến khuya. Thời tiết thì có lạnh thật nhưng trái lại, ai cũng cảm thấy rất ấm, sức ấm từ trái tim.
Ngày tổ chức Phật đản, mọi người đều tạm gác công việc cá nhân sang một bên để dành trọn thời gian cho nhau. Có bàn ghế nhưng dọn hết đi để ngồi xuống sàn cho gần gũi hơn. Mặc dù không được về chùa nhưng chúng tôi đã cùng nhau đón một cái Tết Phật đản rất đầm ấm như vậy đấy!”
2. Lễ Phật đản ở Đức
Đây là lần đầu tiên Phật tử Phạm Thu Hương – thành viên Phật tử xa xứ ở München, Đức đón Tết Phật đản cùng các đạo hữu trong đạo tràng. Do các đạo hữu bận bịu và ở xa nhau nên Phật tử Hương đã phát tâm hỗ trợ các đạo hữu làm bánh và hoa đăng để mọi người có thời gian sắp xếp công việc.
“Tôi đi mua máy và nguyên liệu về để tự làm bánh. Sau khi nướng bánh xong thì phải làm kem luôn nên cũng mất khá nhiều thời gian. Cũng do tôi muốn chăm chút cho chiếc bánh được ngon và đẹp mắt nên mãi tới 3 rưỡi đêm mới hoàn thành để kịp sáng ra tổ chức lễ Phật đản với mọi người.
Mặc dù vừa đi làm về là bắt tay vào làm một mạch tới sáng nhưng do vừa làm, vừa nghe video Cô chủ nhiệm trạch Pháp nên tôi cũng không hề cảm thấy mệt” – Phật tử Thu Hương vui vẻ kể lại.
Ngoài ra, các Phật tử khác trong đạo tràng cũng tổ chức Phật Đản tại nhóm và tại nhà riêng ở Köln, München, Berlin, Würzburg, Stuttgart và Esslingen.
3. Lễ phật đản ở Singapore
Với tâm thành kính, tri ân tới sự đản sinh của Đức Phật, các Phật tử trong đạo tràng Phật tử xa xứ tại Singapore đã cùng nhau tổ chức chương trình kỷ niệm ngày Phật đản.
Phật tử Nguyễn Thị Trà Linh – thành viên đạo tràng chia sẻ: “Tôi cảm nhận được không khí buổi lễ ngày hôm đó còn vui và náo nức hơn cả Tết. Đây là dịp rất đặc biệt, có cái gì đó rất thiêng liêng mà khó diễn tả thành lời. Chúng tôi đã cùng thức để cắt hoa đăng đến hơn 3 rưỡi sáng rồi sáng ra cũng dậy sớm để chuẩn bị cho buổi lễ. Không ai bảo ai, mỗi người phụ trách một việc nhưng lại rất gắn kết với nhau”.
Trong thời gian ngắn, Phật tử Nguyễn Thị Trà Linh cũng đã xuất sắc nấu được 9 món ăn ngon dâng lên cúng Phật. “Bình thường ở nhà tôi vẫn nấu ăn và cắm hoa. Nhưng hôm đó, tôi nấu với tâm mong muốn làm sao nấu được thật nhiều món ngon và bày trí thật đẹp để dâng lên cúng Phật. Tôi như bị cuốn vào căn bếp, mải mê nấu mãi đến khi có đạo hữu thông báo đã được 9 món rồi tôi mới giật mình ngạc nhiên” – Phật tử Trà Linh chia sẻ.
4. Lễ Phật đản ở Canada
Các Phật tử trong đạo tràng Phật tử xa xứ tại Vancouver, Canada và gia đình đã cùng tổ chức lễ Phật đản trong không khí đầm ấm, vui tươi. Không chỉ vậy, các Phật tử còn gieo duyên Phật Pháp cho người thân bằng cách gửi những món quà, tấm thiệp chúc mừng Phật đản như Cô Chủ nhiệm sách tấn.
Trong đó, Phật tử Nguyễn Thị Thu Trang – thành viên đạo tràng đã tự tay viết những lời chúc Tết Phật đản để gửi tặng người thân trong gia đình. “Dựa trên những lời chúc Phật đản của Cô Chủ nhiệm, tôi đã viết tay những lời chúc nho nhỏ vào các tấm thiệp sặc sỡ để gửi tặng cho người thân trong gia đình. Đối với tôi, Tết Phật đản là dịp để tôi dần gieo duyên, in sâu vào tâm thức mọi người về sự kiện đặc biệt này.
Mong sao, mọi người nhận được lời chúc sẽ được kết duyên với Phật Pháp. Bởi tôi nghĩ rằng, dù chỉ là một duyên rất nhỏ thôi; có thể có người khen tấm thiệp đẹp, có người khen lời chúc ý nghĩa,… cũng đã là nhân duyên được biết đến Pháp Phật không ở kiếp này thì cũng ở kiếp sau” – Phật tử chia sẻ.
5. Lễ Phật đản ở Nhật Bản
Các Phật tử trong đạo tràng Phật tử xa xứ Nhật Bản tại Tokyo cũng đã vượt quãng đường vô cùng xa xôi từ các nơi về để tập trung cùng tổ chức Phật đản. Động lực to lớn là được gặp gỡ, chia sẻ và đón mừng khánh đản cùng các đạo hữu của mình.
Phật tử Phạm Thị Nga – thành viên đạo tràng chia sẻ: “Chúng tôi cũng chẳng quản ngại gì đường xá xa xôi vì được cùng nhau đón Tết Phật đản là chính. Lần đầu được cùng nhau tổ chức chương trình, tụng kinh, nấu nướng, trang trí nhà cửa, xem chương trình trực tuyến của chùa,… cảm giác như có một nguồn năng lượng rất đặc biệt lan tỏa khắp không gian vậy”.
6. Lễ Phật đản ở Anh
Đối với Phật tử Nguyễn Thị Lan Ngọc – thành viên đạo tràng Phật tử xa xứ Âu – Mỹ, được tổ chức lễ Phật đản cùng các đạo hữu là một kỷ niệm vô cùng hạnh phúc và đặc biệt.
Phật tử hoan hỷ chia sẻ: “Các đạo hữu cũng vượt quãng đường xa để tới nhà tôi cùng tổ chức. Người thì từ xứ Wales, người thì lái xe từ tận miền Nam thành phố London tới. Chúng tôi cùng nhau đi mua đồ trang trí, sắm sửa quần áo Ấn Độ thật đẹp cho ngày Phật đản và để truyền thông cho đạo tràng.
Mặc dù cũng loay hoay vài tiếng đồng hồ để quay video do chưa thành thạo công nghệ, nhưng chúng tôi vẫn rất vui vẻ và kiên trì, cố gắng hết sức. Bởi ngày Đức Phật đản sinh cũng là ngày Tết vô cùng thiêng liêng, chúng tôi và các đạo hữu – những người con Phật, rất hạnh phúc khi được góp phần thực hiện tâm nguyện của Sư Phụ. Đó là giữ lửa Phật Pháp, lan tỏa tinh thần Phật đản ra khắp năm châu”.
7. Phật đản ở Đài Loan
Mặc dù kết thúc ngày làm việc dài đã là lúc đêm muộn, các Phật tử đạo tràng Phật tử xa xứ tại Đài Loan vẫn di chuyển từ các nơi xa xôi đến để tập trung đi mua đồ chuẩn bị cho chương trình và thậm chí thức đến hơn 1 giờ sáng để cùng nhau làm hoa trang trí.
Phật tử Phạm Hải Yến – thành viên đạo tràng vui vẻ chia sẻ: “Mọi người ở rất xa nhau, có những đạo hữu ở tận Đài Nam và trong tận miền Trung nữa. Quãng đường di chuyển xa và vừa đi làm về nhưng không ai thấy mệt mà tinh thần vô cùng phấn chấn. Chúng tôi vào siêu thị mua đồ, ra ga tàu tranh thủ quay thật nhiều video để làm kỷ niệm vì không phải mấy khi được gặp nhau thế này.
Biết là mọi người đi làm vất vả nên chúng tôi cũng tích cực làm trò, tạo tiếng cười để bầu không khí tích cực được lan tỏa và giúp mọi người giải tỏa căng thẳng sau ngày dài làm việc. Kỳ lạ là mặc dù gặp nhau lần đầu ở ngoài đời, nhưng chẳng ai thấy ngại ngùng điều gì mà tay bắt mặt mừng, chia sẻ với nhau mọi thứ như một gia đình vậy”.
Đối với các Phật tử xa xứ, sự xuất hiện của đạo tràng Phật tử xa xứ là do được sinh ra từ tâm nguyện độ sinh rộng lớn của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh. Để có được một hội chúng hòa hợp, gắn bó khăng khít như ruột thịt và cùng nhau đón Tết Phật đản vô cùng ấm áp, hạnh phúc nơi xa, tất cả đều nhờ sự giáo dưỡng của Sư Phụ và đại Tăng chùa Ba Vàng cùng sự đồng hành, sách tấn của Cô Chủ nhiệm Phạm Thị Yến.
Phật tử Nguyễn Thúy Hằng – thành viên đạo tràng Phật tử xa xứ Á – Úc bày tỏ lòng tri ân sâu sắc: “Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới Sư Phụ và đại Tăng đã cho chúng tôi một mái nhà thực sự, nơi mọi người đều dành cho nhau những tình cảm chân thật, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Xin tri ân Cô Chủ nhiệm đã hướng dẫn, sách tấn chúng tôi thực hành lục hòa. Dẫu ở cách xa Việt Nam đến hàng ngàn km nhưng chúng tôi luôn cảm nhận được sợi dây gắn kết vô hình với chùa. Tôi mong rằng đạo tràng Phật tử xa xứ sẽ ngày càng lớn mạnh để thực hiện tâm nguyện của Sư Phụ – lan tỏa Phật Pháp rộng khắp muôn nơi”.
Phật tử Nguyễn Thị Lan Ngọc – thành viên đạo tràng Phật tử u – Mỹ tại Anh xúc động chia sẻ: “Qua nhân duyên được cùng nhau tổ chức ngày lễ Phật đản, tôi cảm thấy tri ân Đức Phật vô cùng. Mặc dù Ngài đã đi xa nhưng giáo Pháp của Ngài thì còn mãi. Tôi cũng xin thành kính tri ân Sư Phụ và đại Tăng đã rời bỏ ngôi nhà thế tục để xuất gia tìm cầu chân lý, nối tiếp hạnh nguyện cao đẹp của Như Lai để dẫn dắt chúng tôi trên con đường tu tập, thoát khổ. Mong rằng dù sinh ra ở kiếp nào cũng sẽ đều được gặp bậc minh sư là Sư Phụ và gần gũi với bậc thiện tri thức là Cô Chủ nhiệm”.
————
Hy vọng, ở nơi phương xa, các Phật tử sẽ giữ vững được niềm tin nơi Tam Bảo, tinh tấn tu tập và góp phần mang ánh sáng Phật Pháp phổ rộng khắp muôn nơi. Mong rằng, tinh thần Phật đản sẽ tiếp tục được lan tỏa khắp 5 châu địa cầu, giúp nhiều người được kết duyên với Phật Pháp.
Link đăng ký tham gia đạo tràng Phật tử xa xứ chùa Ba Vàng: https://forms.gle/yx9YNKVr8jcgMGoa7
Các bài nên xem:
- Giới thiệu đạo tràng Phật tử xa xứ chùa Ba Vàng
- Kim Sopheap – Một người con Campuchia “bay” ngàn cây số về chùa Ba Vàng dự lễ Phật đản
- Đón Tết Phật đản ở phương trời xa – Phật tử xa xứ đã chuẩn bị những gì?
- Những chuyện chưa kể: Đạo tràng Phật tử xa xứ chùa Ba Vàng – từ những người xa lạ trở thành anh em trên khắp 5 châu
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.