7 ngày đoàn hoằng Pháp có mặt trên nước Hàn, là 7 ngày Phật tử xa xứ tại Hàn Quốc được gần gũi với một người phụ nữ giản dị và trí tuệ - mà trước đây có thể mọi người đã gặp rất nhiều, nhưng chỉ là trên màn hình máy tính, điện thoại. Đó là Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa chùa Ba Vàng.
Gần Cô, mọi người đã học được rất nhiều điều. Dù cho đó là những hành động, cử chỉ nhỏ thôi của Cô, nhưng lại mang đến những những cảm xúc rất đặc biệt cho mọi người xung quanh. Khi được gần Cô, nhiều người mới hiểu, tại sao có hàng vạn Phật tử ở Việt Nam và nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ trên thế giới lại quý kính Cô đến thế.
Mục lục [Hiển thị]
Câu chuyện thứ nhất: Cô là một người hộ trì Tam Bảo đúng nghĩa
(Chia sẻ của Phật tử Nguyễn Khánh Linh, ở tại Seongnam-si, Gyeonggi-do, Hàn Quốc)
Trong suốt hành trình được tháp tùng đoàn, Cô luôn đi sau Sư Phụ và chư Tăng; luôn tinh tế để ý, quan sát và kịp thời điều chỉnh sao cho quá trình hoằng Pháp của Sư Phụ diễn ra được suôn sẻ. Trong từng hành động nhỏ đối với Tăng đoàn, lúc nào tôi cũng thấy tâm cung kính hiển hiện ở Cô.
Với tâm hộ trì chư Tăng, Cô luôn chú ý đến bữa ăn của các Thầy mỗi ngày. Vì Sư Phụ và chư Tăng chỉ ăn ngày một bữa, nên Cô thường hướng dẫn chúng tôi ưu tiên lựa chọn những món hợp khẩu vị với người Việt, dễ ăn, đảm bảo sức khỏe để cúng dường Sư Phụ và chư Tăng.
Cô luôn tinh tế, để ý để kịp thời điều chỉnh thực đơn, kết hợp các món ăn kèm sao cho phù hợp và bữa ăn được đầy đặn. Tôi nhớ có một lần, do không có nhiều trải nghiệm về các món ăn tại Hàn Quốc, tôi đã chọn một món chưa phù hợp với thể tạng của người Việt. Nhưng lúc ấy, Cô đã ân cần chỉ cho tôi cách chọn món khiến đoàn ăn được vừa miệng hơn, điều chỉnh lượng ăn cho phù hợp.
Dần dần, nhờ những hướng dẫn tận tình của Cô, tôi đã tìm ra được những món ăn kèm, đồ ăn kết hợp để bữa ăn của các Thầy cùng đoàn được đảm bảo hơn. Giờ nghĩ lại, tôi mới thấy thật may mắn, vì lúc ấy được Cô hướng dẫn, khiến những bữa ăn sau đó được tốt hơn nhiều.
Tôi thấy được rằng, nếu không phải là một người học trò đã thuần thục tâm cung kính, biết ơn với người Thầy của mình thì chắc chắn sẽ không thể làm được như Cô - chu đáo, tỉ mỉ trong mọi việc để hộ trì chư Tăng.
Mặc dù cũng là học trò của Sư Phụ, nhưng khi được tiếp xúc trực tiếp với Cô, được Cô hướng dẫn, tôi tự thấy xấu hổ về bản thân vì tâm cung kính của mình còn kém. Càng xấu hổ bao nhiêu thì tôi càng nể phục hạnh vâng lời, cung kính Sư trưởng của Cô bấy nhiêu. Tôi tự hứa sẽ học hỏi từ Cô để rèn luyện tâm cung kính được tròn đầy.
Câu chuyện thứ hai: Cô luôn quan tâm, lo lắng đến Phật tử
Theo chân đoàn suốt hành trình tại Hàn Quốc, tôi mới thấy sự quan tâm mà Sư Phụ và Cô dành cho các Phật tử lớn đến nhường nào. Khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam của xứ sở kim chi, nơi nào đoàn đi qua, Phật tử cũng muốn được thấy Sư Phụ, chư Tăng và Cô thật lâu. Vì đối với các Phật tử xa xứ, được gặp Sư Phụ, chư Tăng, được gặp Cô là rất hiếm, nên dù trời lạnh và đoàn đã lên xe nhưng ai cũng bịn rịn không rời, cố nán lại, đứng ở phía dưới đường để tiễn đoàn.
Tuy vậy, nhiều lần sau khi chào tạm biệt các Phật tử, Sư Phụ và Cô lại nhắc lái xe đóng cửa lại và đi sớm. Lúc ấy, tôi cũng băn khoăn, liệu có phải đoàn vội di chuyển đến địa điểm tiếp theo cho kịp lịch trình? Nhưng không phải. Mãi sau đó, tôi mới biết, Sư Phụ và Cô lo cho sức khỏe của mọi người, không muốn Phật tử phải đứng lâu dưới trời lạnh.
Không ít lần trước mỗi buổi giảng Pháp, tôi cũng thấy Cô trăn trở, lo rằng Phật tử đến sớm quá thì sẽ phải đợi đoàn lâu mà dễ bị cảm lạnh.
Câu chuyện thứ ba: Không ngừng học hỏi
(Chia sẻ của Phật tử Dương Thị Mến - Jeongwang-dong, Siheung-si, Hàn Quốc)
Trong một lần đến thăm chùa Thông Độ (tỉnh Gyeongsangnam-do, Hàn Quốc), thấy chùa có dàn điều ước được viết trên lá bồ đề rất bắt mắt, Cô đã nhắc các Phật tử nghiên cứu để áp dụng, trang trí cho cảnh chùa Ba Vàng.
Không chỉ vậy, những lúc đi tham quan các địa điểm tại Hàn Quốc, đến nơi nào có cảnh trí mỹ lệ, trong khi chúng tôi mải mê ngắm cảnh, check - in thì Cô lại khác. Thấy cảnh nào đẹp, cách trang trí nào hay, Cô đều nhắc các Phật tử chùa Ba Vàng theo đoàn quay chụp lại, làm tư liệu cho ban Trang trí, sau này tham khảo trong việc trang trí chùa và lễ hội tại chùa được đẹp đẽ, đặc sắc.
Cô quan sát mọi thứ xung quanh để học hỏi. Dù đi đâu, Cô cũng luôn hướng về chùa Ba Vàng, về quê hương. Nhờ có Cô mà tôi học được rằng, dù đi chơi hay đi bất cứ đâu, tôi cũng cần phải quan sát để học hỏi được những điều tốt đẹp và áp dụng cho bản thân.
Câu chuyện thứ tư: Luôn cung kính Pháp, tinh tấn học Pháp
(Chia sẻ của Phật tử Nguyễn Ngọc Nam, ở tại thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc)
Mỗi lần Sư Phụ giảng Pháp, tôi quan sát thấy rằng, dù ở nơi nào, thời lượng dài hay ngắn, chủ đề của bài Pháp có thể Cô đã từng nghe trước đây rồi, nhưng Cô vẫn luôn chăm chú lắng nghe.
Tôi nhớ Sư Phụ từng chỉ dạy rằng, những điều mà chúng ta từng học rồi, khi ôn lại sẽ phát sinh ra những điều mới mẻ. Chính bản thân Sư Phụ khi có thời gian rảnh, Sư Phụ vẫn nghe lại những bài giảng của mình từng giảng cho đại chúng. Vì khi nghe lại, mình sẽ phát sinh ra ý mới, sự hiểu, sự thâm nhập Pháp sâu sắc hơn.
Quả thật, ở Cô, tôi thấy được sự vâng lời và nghiêm túc thực hành lời Sư Phụ dạy, cũng như tâm cung kính của Cô đối với Pháp. Có lẽ vì vậy mà Cô có được trí tuệ.
Trong khi bản thân tôi thì còn giải đãi nhiều, chưa có thói quen ôn lại bài mà thường thích nghe chủ đề mới. Vì thế nên khi nghe lại chủ đề cũ, tôi thường không được chăm chú, tập trung như lần đầu, dẫn đến việc tiếp thu chưa được tốt, thậm chí bỏ sót kiến thức. Nhờ Cô mà tôi thấy mình cần phải tích cực trong việc học và thực hành Pháp nhiều hơn.
Câu chuyện thứ năm: Tận tụy, hết mình trong công việc
(Chia sẻ của Phật tử Bùi Thị Nhung, ở tại Paju, Gyeonggi - do, Hàn Quốc)
Hiếm khi nào, tôi thấy Cô không làm việc hay hướng dẫn các Phật tử. Khi có cơ hội, Cô đều tận dụng thời gian để chia sẻ, sách tấn cho chúng tôi. Tôi nhớ buổi tối hôm thứ 6 của chuyến đi, tại chùa Tam Quang, khi chúng tôi đang loay hoay chuẩn bị các công việc cho ngày hôm sau, tôi chợt nghe thấy giọng nói ấm áp vang lên từ phía cửa. Khi ngoảnh lại, tôi thấy Cô. Dù phải di chuyển cùng đoàn để về nghỉ, chuẩn bị cho chương trình hôm sau nhưng Cô vẫn tranh thủ dừng lại để động viên chúng tôi. Từ những lời chia sẻ của Cô, chúng tôi được thêm hăng say hơn để làm tròn nhiệm vụ của mình.
Một buổi sáng nọ, khi cả đoàn chuẩn bị lên xe để di chuyển ra sân bay, chúng tôi thấy Cô cũng tranh thủ trả lời câu hỏi, các vấn đề, đề xuất của các ban, câu lạc bộ qua mạng để công việc được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Mỗi khi có thời gian, Cô đều ưu tiên cho công việc trước tiên.
Nhiều lần đi cùng đoàn, tôi mới thực sự cảm nhận được tâm huyết với việc truyền tải Phật Pháp của Cô. Thời điểm đoàn sang Hàn Quốc cũng là mùa cây thay lá, nên khắp nơi ngập tràn lá vàng, lá phong đỏ. Ở bất cứ đâu thấy cảnh đẹp, Cô liền bạch thỉnh Sư Phụ chụp ảnh tại đó và sau này sẽ thiết kế thêm lời giảng, câu nói hay của Sư Phụ vào để truyền thông. Tôi thiết nghĩ, chắc chắn nhiều người khi xem được những hình ảnh đẹp, mới mẻ, sẽ dễ khởi tâm hoan hỷ, tín tâm với Sư Phụ mà được kết duyên với Phật Pháp.
---------
7 ngày tuy ngắn ngủi, nhưng sẽ là những ngày đáng nhớ của Phật tử xa xứ Hàn Quốc. Nhờ có chuyến hoằng Pháp, được gặp Sư Phụ, được Cô hướng dẫn trực tiếp, các Phật tử đã được tiếp thêm động lực để tinh tấn tu tập, làm tròn nhiệm vụ là một hoằng Pháp viên xa xứ - góp phần lan tỏa Phật Pháp đến thật nhiều người như tâm nguyện Sư Phụ hằng mong mỏi.
Hy vọng trong thời gian tới, đoàn hoằng Pháp chùa Ba Vàng sẽ đến thật nhiều nơi trên thế giới, để thỏa lòng mong ước của Phật tử xa xứ khắp 5 châu.
Các bài nên xem:
Bình luận (87)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
An Nghiêm
Nga
Nga
thuy
Nguyễn Thị Hải