Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Xá Vệ, rừng cây Kỳ Đà, trong vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Tôn giả Ma Ha Ca Diếp ở tại vườn phía Đông nước Xá Vệ, trong giảng đường Lộc Tử Mẫu, sau khi tọa Thiền xong, Tôn giả đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy Thế Tôn bảo Tôn giả Ma Ha Ca Diếp:
- Thầy nên thuyết Pháp giáo giới, giáo thọ cho các Tỳ-kheo. Vì sao? Vì Ta thường thuyết Pháp giáo giới, giáo thọ cho các Tỳ-kheo. Thầy cũng nên như thế.
Tôn giả Ma Ha Ca Diếp bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo nay khó giáo thọ, hoặc có Tỳ-kheo không chịu nghe nói.
Phật bảo Ma Ha Ca Diếp:
- Do nhân duyên gì Thầy nói như vậy?
Ca Diếp bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con thấy có hai Tỳ-kheo, một người tên Bàn Trù đệ tử của A Nan, người thứ hai tên A Phù Tì đệ tử của Đại Mục Kiền Liên. Hai người ấy tranh luận về đa văn, họ luận nghị tranh nhau, để coi ai hiểu biết nhiều, ai biết hơn.
Khi ấy Tôn giả A Nan đang cầm quạt đứng hầu sau Phật, lên tiếng nói với Tôn giả Ca Diếp:
- Thưa Tôn giả Ca Diếp! Hãy thôi, Tôn giả Ca Diếp! Hãy nhẫn, Tôn giả Ca Diếp! Lớp Tỳ-kheo trẻ này trí huệ của họ kém cỏi và không lành mạnh.
Tôn giả Ma Ha Ca Diếp nói với A Nan:
- A Nan nên im lặng, chớ để tôi đem việc Thầy ra hỏi giữa chúng Tăng.
Tôn giả A Nan liền im lặng.
Bây giờ đức Phật, sai một Tỳ-kheo đi đến chỗ Tỳ-kheo Bàn Trù và A Phù Tì nói rằng: "Đại Sư gọi hai Thầy!".
Tỳ-kheo ấy vâng lời Phật, đi đến chỗ hai Tỳ-kheo kia nói rằng:
- Đại Sư gọi hai Thầy!
Tỳ-kheo Bàn Trù và A Phù Tì đáp xin vâng giáo, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật rồi ngồi xuống.
Thế Tôn hỏi hai Tỳ-kheo ấy:
- Có thực hai Thầy đã tranh luận với nhau để xem ai hiểu biết nhiều, ai biết hơn không?
Hai Tỳ-kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thật có.
Phật bảo:
- Các Thầy đem những pháp của Ta dạy như Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Già-đà, Ưu-đà-na, Ni-đà-na, A-bà-đà-na, Y-đế-nhật-đa-già, Xà-đà-già, Tỳ-phú-la, A-phù-đà-đạt-ma, Ưu-ba-đề-xá... để tranh luận, để thử xem ai biết nhiều, ai hơn phải không?
Hai Tỳ-kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Không.
Phật bảo:
- Hai Thầy có đem khế kinh cho đến luận nghị của Ta để tự điều phục, tự dừng dứt và tự cầu Niết Bàn chăng?
Hai Tỳ-kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Có.
Phật bảo:
- Các Thầy có biết Ta nói khế kinh cho đến luận nghị để những người ngu si như các Thầy đem ra tranh luận ai hiểu biết nhiều, ai biết hơn phải không?
Hai Tỳ-kheo ấy liền đến lễ chân Phật, bạch rằng:
- Chúng con xin sám hối Thế Tôn! Xin sám hối Thiện Thệ! Chúng con ngu si không khéo biện biệt, lại tranh luận với nhau.
Phật bảo:
- Các Thầy đã thực biết lỗi, sám hối tội ngu si, không khéo biện biệt mà lại cùng tranh luận. Nay đã tự biết tội, tự thấy tội, biết sám hối, thì ở đời vị lai Giới luật nghi phát sanh. Nay Ta thương xót nhận cho các Thầy để cho các Thầy tăng trưởng thiện pháp trọn đời không thối chuyển. Vì sao? Vì nếu người nào tự biết tội, tự thấy tội, tự biết sám hối, thì ở đời vị lai Giới luật nghi phát sanh, trọn đời không thối chuyển.
Hai Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ làm lễ lui ra.
(Nguồn: ĐTKVN, Tạp A-hàm, tập 4, kinh số 1138, VNCPHVN ấn hành, 1995, tr.139)
Chú thích:
ĐTKVN: Đại tạng kinh Việt Nam.
VNCPHVN: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Bình luận (3)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Xuân Nguyễn Thị
PT Đào Thị lan
Mai Nguyễn