Bậc Đạo sư kể chuyện này trong khi đang trú tại thành Vương-xá (Rājagaha).
Chín mươi hai kiếp về trước, có một kinh thành tên là Ka-si-pu-ri (Kāsipurī). Vua Jay-a-se-na (Jayasena) ngự trị nơi ấy có chánh hậu là Si-ri-ma (Sīrimā), vương tử Phất Sa (Phussa) chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, tức là đức Cổ Phật thứ mười tám sau đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṇkāra).
Bấy giờ, Đại Vương Jay-a-se-na sinh tâm ngã mạn, suy nghĩ: “Vì vương tử của ta sinh ra đời làm đức Phật, đã thành tựu đại sự xuất thế, chỉ riêng ta có Phật, chỉ riêng ta có Pháp, chỉ riêng ta có Tăng chúng”. Do đó nhà vua luôn luôn hầu cận bên đức Phật và không dành cơ hội cho kẻ khác.
Ba hoàng đệ của đức Thế Tôn ấy do bà mẹ khác sinh ra, bèn suy nghĩ: “Quả thật chư Phật ra đời vì lợi ích của quần sinh khắp thế gian này, chứ không phải vì riêng một ai. Nay phụ vương ta không dành cơ hội cho người khác. Làm thế nào ta có thể phụng sự đức Thế Tôn và Tăng chúng?
Nào chúng ta hãy thi hành một chiến thuật”.
Thế là chư vị gây rối tại vùng biên địa. Sau đó, khi nhà vua nghe tin về vụ rối loạn này, liền phái ba vương tử đi bình định biên thùy. Ba vị tuân lệnh và khi trở về, nhà vua hài lòng ban chư vị một điều ước, phán bảo:
- Hãy chọn thứ gì các vương nhi muốn.
Ba vị tâu:
- Chúng thần nhi ước mong hầu cận đức Thế Tôn.
Nhà vua từ chối, phán:
- Hãy chọn thứ khác.
Ba vị tâu:
- Chúng thần nhi không màng thứ gì khác cả.
Nhà vua lại phán:
- Thôi được, các vương nhi có quyền chọn theo ý muốn.
Ba vị đến gần đức Thế Tôn và thưa:
- Bạch Thế Tôn, chúng đệ tử ước mong phụng sự đức Thế Tôn ba tháng. Xin đức Thế Tôn hoan hỷ an cư ba tháng mưa với chúng đệ tử.
Đức Thế Tôn chấp thuận. Ba vị hoàng tử tự thân hành gửi một thông điệp đến cho người được chỉ định trông coi tỉnh nọ, bảo: “Trong suốt ba tháng này, chúng ta cần phục vụ đức Thế Tôn, bắt đầu bằng cách xây một tinh xá, và cung cấp đủ mọi thứ cần thiết”.
Sau đó, chư vị hết lòng cung kính phục vụ đức Thế Tôn cùng Tăng chúng. Khi các viên quan cai trị tỉnh này đã cúng dường tinh xá xong, các vị chấp hành việc an cư mùa mưa ấy. Một vị thủ kho hoàng gia, con trai một gia chủ, là người mộ đạo cùng với vợ đã tìm được niềm tin, vị ấy trân trọng cúng dường Tăng chúng với đức Phật làm thượng thủ. Người được chỉ định cai quản tỉnh này theo gương vị kia cùng với mười một ngàn dân đem các vật đến cúng dường với tất cả lòng thành kính.
Vào dịp ấy, có một số người bất mãn trong lòng, sau khi ngăn cản những vật đóng góp, chính họ lại ăn các phẩm vật và nổi lửa đốt trai đường.
Sau khi ba vương tử cùng đoàn tùy tùng đã cúng dường đức Thế Tôn và từ giã Ngài xong, ba vị đi thẳng đến phụ vương.
Khi trở về, đức Thế Tôn đắc Niết-bàn vô dư y, ba vương tử và người cai quản tỉnh ấy, vị thủ kho báu hoàng gia dần dần theo thời gian đều từ trần và cùng với quần chúng ở đó được tái sanh thiên giới, còn số người bất mãn trong tâm bị tái sanh địa ngục.
Chín mươi hai kiếp trôi qua như vậy, trong lúc hai hạng người trên cứ lần lượt tái sanh từ thiên giới này đến thiên giới khác và từ địa ngục này đến địa ngục khác. Rồi đến hiền kiếp này, vào thời đức Thế Tôn Ca Diếp (Kassapa), đám người bất mãn trong tâm tái sanh vào loài ngạ quỷ.
Vào thời ấy, loài người thường cúng dường vì lợi ích của đám quyến thuộc quá cố của họ và nêu rõ: “Lễ vật này xin dành cho quyến thuộc của chúng tôi”. Do đó, các vong linh được an lạc. Thế rồi, chính các vong linh ấy cũng nhận biết điều này, nên sau khi đến gần đức Phật Ca Diếp, các vị ấy hỏi:
- Bạch Thế Tôn, giờ đây làm thế nào chúng con có thể đạt được an lạc như vầy?
Đức Thế Tôn đáp:
- Hiện nay chư vị chưa có thể đạt được an lạc ấy, nhưng thời gian về sau, sẽ có một đức Phật ở thế gian tên gọi là Go-ta-ma. Vào thời của đức Thế Tôn ấy, sẽ có một vị vua tên là Bình-sa (Bimbisāra), trong chín mươi hai kiếp nữa kể từ đây sẽ là quyến thuộc của chư vị. Vua ấy sẽ dâng lễ cúng dường đức Phật và sẽ hồi hướng công đức ấy đến chư vị, sau đó, chư vị sẽ được an lạc.
Thời bấy giờ, khi điều này được phát biểu, thì cũng như thể ta nói với các vong linh ấy: “Ngày mai chư vị sẽ được an lạc”.
Về sau, khi thời kỳ có đức Phật này đã qua, đức Thế Tôn Go-ta-ma giáng sanh vào cõi đời, ba vương tử cùng với một ngàn người từ thiên giới tái sanh vào quốc độ Ma-kiệt-đà (Magadha) trong các gia đình Bà-la-môn.
Theo thời gian, sau khi từ giã đời thế tục, ba vị trở thành các nhà khổ hạnh bện tóc, trú tại đỉnh núi Ga-da (Gaya), người trước kia cai quản tỉnh thành ấy trở thành vua Bình-sa; người thủ khố hoàng gia, con của vị gia chủ, trở thành đại phú trưởng nghiệp đoàn có tên Tỳ Xá Khư (Visākhā); vợ vị ấy trở thành con gái của một vị đại phú trưởng nghiệp đoàn và được đặt tên Dam-ma-din-na (Dhammadinnā), còn đám quần chúng được tái sanh làm các vị cận thần của vua.
Bấy giờ, đức Thế Tôn Go-ta-ma giáng sanh cõi trần, sau bảy tuần Giác Ngộ, Ngài đến Ba-la-nại (Bārāṇasī) chuyển Pháp luân. Ngài giáo hóa ba vị đạo sĩ bện tóc, sau khi Ngài đã khởi đầu giáo hóa năm vị khổ hạnh và thâu nhận cả ngàn đệ tử. Sau đó Ngài đi đến Vương-xá và an trú vua Bình-sa vào Sơ quả Dự Lưu cùng với hơn một vạn Bà-la-môn và cư sĩ ở tại xứ Ương-già (Anga) và Ma-kiệt-đà.
Tuy nhiên các ngạ quỷ ở quanh cung vua suy nghĩ: “Giờ đây nhà vua sẽ làm lễ cúng tế cho chúng ta được hưởng phước”. Trong lúc nhà vua làm tế lễ, nhà vua suy nghĩ: “Ta không biết bây giờ đức Thế Tôn đang trú ở đâu?”. Do vậy, nhà vua không hồi hướng công đức đến ai cả. Vì các ngạ quỷ không nhận được thí vật nào cả, chúng rất thất vọng thốt tiếng kêu thảm thiết mỗi đêm ở hoàng cung.
Rạng ngày, nhà vua hoảng sợ trình đức Thế Tôn về chuyện đã xảy ra và hỏi:
- Bạch Thế Tôn, Ngài đã nghe tiếng nào như vậy chưa? Con băn khoăn không biết việc gì xảy ra với con.
Đức Thế Tôn đáp:
- Thưa Đại vương, xin đừng sợ, không có gì bất thường xảy ra với Đại vương đâu, mà thịnh vượng sẽ đến với Đại vương thôi. Giờ đây, quả thật là quyến thuộc của Đại vương đã tái sanh vào loài ngạ quỷ. Trong suốt một kiếp, chúng đã lang thang khắp nơi và chỉ mong ước điều này: “Nhà vua sẽ làm lễ cúng dường đức Phật và hồi hướng công đức ấy cho chúng ta”. Hôm qua, khi Đại vương dâng lễ, Đại vương đã không hồi hướng công đức. Do đó, chúng mất hết hy vọng và thốt tiếng kêu la.
Nhà vua hỏi:
- Bạch Thế Tôn, bây giờ làm sao chúng có thể nhận được thí vật?
Đức Phật đáp:
- Thưa Đại vương, quả thật chúng có thể nhận.
Nhà vua nói:
- Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn hãy nhận lời thỉnh cầu của con vào ngày mai, con sẽ hồi hướng công đức lễ vật ấy cho chúng.
Đức Thế Tôn nhận lời. Sau đó, nhà vua ra lệnh chuẩn bị lễ cúng dường hào phóng, và thông báo thời giờ lên đức Thế Tôn, Ngài liền đến Hoàng cung. Bầy ngạ quỷ cũng đến và suy nghĩ: “Hôm nay chúng ta sẽ hưởng được món gì đó”, rồi đứng bên ngoài các bức tường và hàng rào.
Sau đó, đức Thế Tôn làm cho mỗi ngạ quỷ đều hiện hình trước nhà vua. Trong khi vua dâng nước rửa, vua hồi hướng công đức ấy cho chúng với những lời này: “Mong công đức này dành cho quyến thuộc ta”. Lập tức xuất hiện các ao sen đầy sen súng cho bọn ngạ quỷ. Chúng tắm rửa và uống nước ở đó, được giảm nhẹ nỗi thống khổ của chúng vì bất hạnh, lao nhọc và khát nước, nên da chúng trở nên vàng ánh.
Nhà vua dâng lễ cúng dường cháo gạo và các thức ăn đủ loại cứng mềm rồi hồi hướng công đức lễ vật ấy cho chúng. Trong chốc lát liền xuất hiện cho chúng các thực phẩm khác, thậm chí cả thực phẩm thiên giới, khiến chúng hân hoan hưởng thọ.
Nhà vua lại cúng dường y phục và sàng tọa, tinh xá rồi hồi hướng công đức lễ vật ấy. Sau đó, liền xuất hiện cho chúng các thiên y, thiên cung, sàng tọa, khăn phủ và đồ trang sức. Đức Thế Tôn quyết định làm cho tất cả hạnh phúc tuyệt vời này của họ được hiển lộ trước vua; khi nhìn thấy vậy, vua vô cùng hoan hỷ.
Rồi đức Thế Tôn, sau khi thọ thực xong, và được thỉnh cầu, Ngài kể chuyện ngạ quỷ ngoài bức tường thay lời tùy hỷ công đức.
1. Bọn chúng đứng kia, ngoài bức tường,
Những nơi trống trải, ngã tư đường,
Chúng đang đứng ở ngoài song cửa,
Khi đã về nhà tại cố hương.
2. Dù tràn trề ẩm thực liên miên
Đủ loại cứng mềm được dọn lên,
Cũng chẳng có ai cần bọn chúng,
Bởi vì nghiệp chúng đã gây nên.
3. Những người lân mẫn, lắm tình thương
Đúng lúc đem cho đám họ hàng,
Các thức cao lương, đồ ẩm thực,
Với lời cầu nguyện: “Để dành phần,
Lễ này cho đám người thân thuộc,
Mong các họ hàng được phước ân”.
4. Và các đám này đã đến đây,
Các vong linh của họ hàng này,
Thảy đều tụ tập đồng vui hưởng,
Các thực phẩm đều phong phú thay.
5. Chúng cầu: “Trường thọ các người thân,
Nhờ các vị, ta được hưởng ân,
Lòng quý trọng ta đà biểu lộ,
Người cho chẳng thiếu quả dành phần”.
6. Chốn kia không có cấy cày đâu,
Cũng chẳng hề nuôi súc vật nào,
Buôn bán như đây đều chẳng có,
Cũng không đổi vật lấy vàng trao.
7. Bên kia thế giới các vong linh.
Nhờ vật cúng dường để dưỡng sinh,
Như nước đổ từ trên núi xuống,
Cúng dường nuôi ngạ quỷ thân tình.
8. Giống như tất cả các dòng sông,
Chảy xuống đổ đầy cả đại dương,
Cũng vậy, những gì người bố thí,
Từ đây nuôi sống các vong nhân.
9. Những thân bằng quyến thuộc trong nhà,
Trước đã cho ta, giúp đỡ ta,
Mong mọi người ban phần ngạ quỷ,
Nhớ công họ tạo thuở xưa xa.
10. Bởi vì kêu khóc hoặc sầu bi,
Thương tiếc, than van chẳng ích gì,
Không lợi gì cho người quá cố,
Khi thân nhân giữ thói lề kia.
11. Song lễ vật này được cúng dâng
Khéo đem an trú ở chư Tăng,
Quả này hiện tại và sau nữa,
Lợi lạc lâu dài với cổ nhân.
12. Đây là nghĩa vụ của thân nhân
Tôn trọng vong linh, đã cúng dâng,
Tăng chúng được thêm nhiều dõng lực,
Người làm công đức lớn vô ngần.
Khi pháp thoại chấm dứt, tám vạn bốn ngàn người đã đắc Pháp nhãn do tri kiến sanh khởi từ sự kiện tái sanh vào cảnh giới ngạ quỷ. Tâm họ đầy xúc động vì được tán thán và họ càng nỗ lực tinh cần. Ngày hôm sau đức Thế Tôn cũng dạy chư Thiên và loài Người bài kinh “Ngoài Bức Tường” ấy. Do vậy, suốt bảy ngày đều diễn ra sự đắc Pháp nhãn như trên.
(Nguồn: Kinh Tạng Nam Truyền, Tiểu bộ kinh - Tập 3, Ngạ Quỷ Sự, Phẩm Con Rắn, Chuyện Ngạ Quỷ Ngoại Bức Tường, tr.257-264, Việt dịch: Hòa thượng Thích Minh Châu)
Bình luận (13)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
nguyễn thị huyền
Hue Nguyen
nguyễn thị huyền
Nhuyễn thị hương
Lê Thị Thanh Minh