Bài kinh: Phật Độ Chú Bé Kiêu Căng Và Ngu Si

Thuở xưa, có một người là con một, không anh em. Từ nhỏ, anh được mẹ cưng chiều hết lòng lo cho ăn học, mong mỏi sau này anh được nên người. Cha mẹ đưa anh đến các bậc thầy giỏi bạn tốt và khuyên anh gắng học. Song thuở ấy, anh lại nghênh ngang ham chơi, không chịu để tâm học hỏi. Anh sáng theo học, chiều đã bỏ, không ngó ngàng gì đến sách vở, nên đã bao năm rồi mà dốt vẫn hoàn dốt. Thấy vậy, cha mẹ gọi anh về giao việc trông coi nhà cửa, làm ăn buôn bán.
Song quen thói ăn chơi lêu lổng, không chịu siêng năng làm việc, anh đã bỏ phế mọi việc, chẳng bao lâu nhà cửa suy sụp. Riêng anh cứ mặc tình tiêu xài, bán hết lúa thóc, rồi lại bán luôn vật dụng trong nhà để thỏa mãn ý thích của mình. Sống đời nghèo khổ, bê tha như vậy, anh suốt ngày đầu tóc rối bù, áo quần nhơ bẩn, chân không mang dép la cà khắp nơi. Tính tình anh lại xan tham, thô lỗ, ngu si không biết sĩ diện. Cho nên, ai cũng khinh ghét, gọi anh là tên hung ác, không thèm nói chuyện. Trước tình trạng đó, anh đã không biết lỗi còn trở lại trách cứ mọi người. Trước hết, anh oán cha mẹ, kế lại trách thầy bạn. Anh nghĩ tổ tiên, thần linh không chịu giúp đỡ khiến anh ra nông nỗi này, có lẽ đến chỗ Phật nhờ giúp sẽ hưởng được phước.
Nghĩ xong, anh bèn đến chỗ Phật làm lễ, rồi ra trước bạch rằng:
- Đạo của Phật bao la, dung chứa tất cả. Nay con xin làm đệ tử, mong Phật chấp nhận cho.
Đức Phật bảo:
- Phàm người muốn cầu đạo, phải tu hạnh thanh tịnh. Nay ông mang những cấu nhiễm trần tục vào trong đạo chỉ nhọc công nào có lợi ích gì! Chi bằng ông hãy trở về lo hiếu kính phụng thờ cha mẹ, hết lòng học hỏi thầy bạn, gắng sức gây dựng gia nghiệp trở nên giàu có yên vui lấy lễ nghĩa để sửa mình, không làm những điều bất chính. Ông hãy tắm gội ăn mặc sạch sẽ, cẩn thận lời nói hành động, giữ lòng chuyên nhất lo làm ăn, siêng năng tu sửa thì sẽ được mọi người yêu mến. Ông làm được những việc như thế mới có thể học đạo.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:

Không tụng đọc: Lời dơ
Không siêng năng: Nhà dơ
Không trang nghiêm: Sắc dơ
Còn phóng dật: Việc dơ.
Keo bẩn dơ huệ thí
Bất thiện dơ thiện hạnh
Ác pháp là vết dơ
Đời này và đời sau.
Dơ trong các thứ dơ
Ngu si là hơn cả
Tu học dứt ngu si
Thành Tỳ-kheo vô cấu.

Người đó nghe kệ, tự biết mình trước đây kiêu mạn ngu si, giờ vâng theo lời Phật dạy hoan hỉ trở về nhà. Anh từ đó luôn tư duy, quán xét ý nghĩa của bài kệ để cải đổi lỗi lầm, làm lại cuộc đời. Anh trở nên biết hiếu thảo cha mẹ, tôn kính sư trưởng, siêng đọc kinh sách, gắng lo gia nghiệp, khép mình giữ giới không làm điều trái đạo. Do vậy, bà con làng xóm đều ngợi khen, tiếng lành đồn xa cả nước đều xem anh là người hiền. Ba năm sau, anh trở lại chỗ Phật, cúi mình đỉnh lễ, thành khẩn bạch rằng:
- Kính bạch đức Thế Tôn, bậc thầy tôn kính, chí chân đã độ con nên người, bỏ ác làm lành, trên dưới đều được an vui. Xin Ngài hãy rủ lòng từ bi tiếp độ cho con được xuất gia học đạo.
Đức Phật đáp:
- Lành thay!
Râu tóc người đó liền tự rụng thành tướng Sa-môn. Nhờ tư duy thiền quán lý tứ đế, ngày càng nỗ lực tinh tấn, chẳng bao lâu vị ấy đã chứng được quả A-la-hán.

-
aa
+
474 lượt xem
11/11/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ