Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một nhà nghèo. Khi lớn lên ngài tìm kế sinh nhai bằng cách làm công cho một nhà giàu. Một hôm ngài mua bốn phần cháo ở cửa tiệm và suy nghĩ: "Cái này vừa đủ để ta ăn sáng". Rồi ngài ra làm việc ngoài đồng. Khi thấy bốn vị Ðộc Giác Phật đang vào Ba-la-nại khất thực, ngài suy nghĩ: "Ta có bốn phần cháo này, giả sử ta đem cúng dường các vị đang đến Ba-la-nại khất thực?". Vì thế ngài đi đến đảnh lễ các vị và nói:
- Thưa các tôn giả, con hiện đang cầm bốn phần cháo, con xin cúng dường các vị, mong các vị nhận lấy để cho con được phước đức đem lại an lạc lâu dài về sau.
Thấy các vị nhận lời, ngài liền rải cát và sắp đặt bốn chỗ ngồi, đặt các cành khô lên đó và mời chư vị Ðộc Giác Phật ngồi theo thứ tự. Ngài lấy rổ lá đem nước đến, rót nước cúng dường, và đặt bốn phần cháo vào bốn bình bát vừa đảnh lễ cung kính vừa thưa:
- Thưa các tôn giả, ước mong nhờ phước báo này con sẽ không sinh vào nhà nghèo nữa, ước mong đây sẽ làm nhân duyên cho con đắc quả vị Chánh Giác.
Các vị Ðộc Giác Phật dùng cháo xong, nói lời tùy hỷ công đức và trở về động Nandamùla. Khi kính chào các vị, Bồ-tát cảm thấy niềm hoan hỷ được tiếp xúc các Ðộc Giác Phật, và sau khi các vị đã khuất dạng, ngài đã đi làm công việc, ngài vẫn nhớ các vị mãi cho đến lúc mạng chung. Nhờ phước báo này, ngài tái sinh vào mẫu thai của chánh hậu thành Ba-la-nại. Ngài được đặt tên Vương tử Brahmadatta.
Từ lúc mới biết đi chập chững, nhờ năng lực nhớ lại những việc làm trong đời trước, ngài thấy rõ như thể soi bóng mình vào tấm gương sáng, rằng ngài tái sinh vào hoàn cảnh này do ngài đã cúng dường bốn phần cháo lên các vị Ðộc Giác Phật khi ngài còn là một tôi tớ đi làm thuê tại chính kinh thành này. Khi lớn lên, ngài học tập mọi môn nghệ thuật ở Takkasilà. Khi ngài trở về nhà, vua cha vô cùng hoan hỷ về các thành tựu của ngài nên phong ngài làm phó vương. Sau đó khi vua cha băng hà, ngài lên ngự trị quốc độ. Rồi Ngài kết hôn với công chúa tuyệt sắc của vua Kosala và phong nàng ngôi chánh hậu.
Vào ngày đại hội giương chiếc Lọng trắng che lên ngài, quần thần trang hoàng kinh thành như thể một kinh thành thiên giới. Ngài dự đám rước quanh thành phố rồi ngự lên thượng lầu được trang hoàng lộng lẫy, sau đó bước đến đài cao an tọa trên ngai vàng có lọng trắng giương phía trên.
Khi ngồi đó, ngài nhìn xuống nhìn thần dân đang đứng chầu, một phía là triều thần, phía kia là các Bà-la-môn và gia chủ sáng rực trong vẻ đẹp muôn màu sắc, một phía khác nữa là quần chúng cầm tặng vật đủ loại trong tay, kế đến là đoàn nữ nhạc vũ công gồm cả mười sáu ngàn nàng chẳng khác đoàn tiên tụ tập đông đủ trên Thiên đình.
Nhìn mọi vẻ huy hoàng làm say mê lòng người như thế, ngài nhớ lại đời trước của mình và suy nghĩ: "Chiếc lọng trắng kết tràng hoa bằng vàng và chân trụ bằng vàng khối này, hàng ngàn con voi và cỗ xe này, và cả lãnh thổ rộng lớn của ta đầy ngọc vàng châu báu, tài sản, mễ cốc đủ loại, các nữ nhân như tiên nữ trên trời, mọi cảnh vinh quang này đều thuộc riêng về phần ta thôi, đó là do công đức cúng dường bốn vị Ðộc Giác Phật bốn phần cháo: Ta hưởng được tất cả mọi sự này nhờ đó".
Như vậy trong khi nhớ lại hồng ân của chư Ðộc Giác Phật, rõ ràng ngài đã tuyên dương công đức của ngài trong đời trước. Ý tưởng ấy làm toàn thân ngài tràn ngập hoan lạc. Niềm hoan lạc thấm tận tâm can khiến ngài ngâm vang hai vần kệ đầy cảm hứng ngay giữa quần thần:
Cúng dường chư Phật quý cao thay,
Người bảo đừng xem rẻ việc này,
Ðem tặng cháo dù không có muối
Cho ta phước báo lớn như vầy.
Ngựa, voi cùng với đám trâu bò,
Vàng, bạc, thóc ngô, cả nước nhà,
Ðám mỹ nữ hình dung yểu điệu,
Cúng dường đem quả đến tay ta.
Như vậy trong niềm hỷ lạc, Bồ-tát ngâm khúc hoan ca gồm hai vần kệ nhân ngày lễ giương chiếc Lọng trắng. Từ đó về sau, chúng được xem là khúc ca được quốc vương ái mộ và mọi người đều hát điệu ấy, từ các vũ nữ, vũ công, nhạc sĩ, cung nhân, thị vệ, cho đến dân chúng và ngay cả đám quần thần trong triều.
Sau một thời gian, chánh hậu mong muốn biết ý nghĩa bài hát, song bà không dám hỏi bậc Ðại Sĩ. Một hôm nhà vua đẹp ý vì một đức tính của bà, liền phán:
- Này ái hậu, ta muốn ban cho nàng một điều ước, hãy nhận đặc ân ấy.
- Tâu hoàng thượng, tốt lành thay thiếp xin nhận đặc ân ấy.
- Ái hậu muốn ta ban gì, voi ngựa hay thứ nào khác?
- Tâu hoàng thượng, nhờ ân sủng của hoàng thượng, thiếp không thiếu gì cả, thiếp không cần các thứ ấy. Song nếu hoàng thượng ban cho thiếp một đặc ân, xin hãy nói cho thiếp biết ý nghĩa khúc ca của ngài.
- Này ái hậu, nàng cần gì đặc ân ấy? Hãy nhận thứ khác đi.
- Tâu hoàng thượng, thiếp không cần một thứ nào khác cả. Ðó chính là đặc ân thiếp muốn nhận.
- Ðược rồi, này ái hậu, ta sẽ nói điều ấy, nhưng không phải đó là điều bí mật nói riêng với nàng, mà ta muốn gióng tiếng trống khắp kinh thành Ba-la-nại rộng mười hai dặm này, ta muốn dựng ngôi đình bằng ngọc ngay tại cung môn và đặt một chiếc ngai bằng ngọc tại đó, rồi ta sẽ ngồi đó giữa quần thần, Bà-la-môn, cùng mọi người khác gồm cả mười sáu ngàn nữ nhân, và kể chuyện ấy.
Bà tuân lệnh. Vua truyền làm mọi việc như trên, rồi ngự lên ngai giữa đại chúng như Sakka Thiên chủ giữa chư Thiên. Hoàng hậu phục sức đủ mọi thứ nữ trang ngọc vàng, đặt một kim đôn, ngồi bên cạnh ở một vị trí thích hợp, rồi đưa mắt nhìn vua, bà thưa:
- Tâu hoàng thượng, xin hãy giảng giải cho thiếp biết ý nghĩa khúc hoan ca mà ngài thường hát trong niềm hỷ lạc, như thể làm cho mặt trăng xuất hiện trên bầu trời.
Rồi bà ngâm vần kệ thứ ba:
Hoàng thượng đầy vinh hiển, chánh chân,
Khúc ca ngài hát đã bao lần,
Trong niềm hoan lạc đầy tâm trí,
Cho thiếp đặc ân biết ngọn nguồn.
Bậc Ðại Sĩ ngâm bốn vần kệ nêu rõ ý nghĩa khúc ca:
Chính tại thành này, kiếp trước đây,
Ở trong hoàn cảnh khác ngày nay,
Ta là tôi tớ cho người khác,
Làm mướn, song đức hạnh thẳng ngay.
Một hôm rời tỉnh để làm công,
Bốn Ðạo Sư kia, ta chợt trông
Dáng điệu ly tham và tĩnh lặng,
Thiện toàn trong Giới luật tu thân.
Tư tưởng ta quy ngưỡng Phật-đà,
Khi chư vị nghỉ dưới cây già,
Chấp tay đảnh lễ, ta đem đến
Thành kính cúng dường món cháo hoa.
Thiện nghiệp tạo nên phước đức dày,
Quả thành ta gặt được giờ đây:
Vinh hoa phú quý đời vương giả,
Quốc độ do ta cai trị này.
Khi hoàng hậu nghe bậc Ðại Sĩ giảng giải đầy đủ thành quả của thiện nghiệp ngài, bà hân hoan đáp:
- Tâu Ðại vương, nếu ngài nhận thấy rõ các thành quả của bố thí như vậy, từ nay về sau xin ngài nhận một phần cơm và đừng ăn cho đến khi nào chính ngài đã cúng dường thực phẩm lên các vị Sa-môn Bà-la-môn chân chánh.
Rồi hoàng hậu ngâm vần kệ tán thán Bồ-tát:
Hãy ăn, khi nhớ cúng dường rồi,
Chuyển bánh xe chân chánh khắp nơi:
Hoàng thượng tránh xa điều bất chánh,
Cầm quyền chân chánh nước non ngài.
Bậc Ðạo Sĩ ngâm vần kệ chấp nhận lời hoàng hậu:
Ta vẫn tạo riêng một lối đường,
Bước theo đạo lộ chánh chân luôn,
Nơi người hiền thiện thường đi đến,
Ðẹp mắt ta nhìn các Thánh nhân.
Sau khi nói xong, ngài nhìn dung sắc Hoàng hậu và bảo:
- Này mỹ hậu, ta đã kể đủ mọi thiện nghiệp ta làm đời trước, song giữa đám nữ nhân này không ai sánh kịp nàng về dung sắc và vẻ kiều diễm khả ái.
Rồi ngài ngâm vần kệ:
Ái hậu như tiên nữ cõi trời,
Trông nàng rực rỡ vượt bao người,
Vậy nhờ thiện nghiệp nào đưa đến
Phước báo dung quang quá tuyệt vời?
Sau đó hoàng hậu ngâm vần kệ nêu phước nghiệp đã tạo trong kiếp quá khứ:
Thiếp vốn nô tỳ một quý nương
Ở hoàng cung của Am-ba-vương,
Thiếp chuyên tâm thực hành khiêm tốn,
Ðức hạnh và tu tập thiện ngôn.
Rồi một ngày kia thiếp cúng dường
Phần cơm vào bát một Sa-môn,
Tâm tư thiếp ngập tràn từ ái,
Nghiệp ấy quả này, tâu Ðại vương!
Theo đây, hoàng hậu cũng biết chính xác và kể lại đời trước của mình.
Như vậy cả hai vị đã công bố các nghiệp quá khứ xong, từ ngày ấy hai vị truyền lệnh xây sáu bố thí đường tại bốn cổng thành, giữa kinh thành và tại cung môn, rồi để khích lệ toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ), hai vị thực hành đại bố thí, giữ các giáo đức và các ngày trai giới, nên lúc mạng chung được tái sinh cõi thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
- Thời ấy, hoàng hậu là mẫu thân Ràhula và vua chính là Ta.
(Trích soạn nguồn: Chuyện phần cháo cúng dường (Tiền thân Kummasàpinda) - Việt dịch: Nguyên Tâm Trần Phương Lan. Xem: Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tiểu Bộ Tập 7, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, tr. 149-160.)
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.