Phẩm “Tùy hỷ công đức” thứ mười tám
1. Lúc bấy giờ, Ngài Di Lặc đại Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu có Thiện nam tử, Thiện nữ nhơn nào nghe Kinh Pháp Hoa này mà tuỳ hỷ đó, đặng bao nhiêu phước đức? Liền nói kệ rằng:
Sau khi Phật diệt độ
Có người nghe Kinh này
Nếu hay tùy hỷ đó(1)
Lại đặng bao nhiêu phước?
2. Khi đó, Phật bảo ngài Di Lặc đại Bồ Tát rằng: A Dật Đa! Sau khi Như Lai diệt độ nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-ba-tắc, Ưu-bà-di và người trí khác, hoặc lớn, hoặc nhỏ nghe Kinh này mà tùy hỷ rồi, từ trong pháp hội ra đến chỗ khác, hoặc tại Tăng phường, hoặc chỗ vắng vẻ, hoặc thành ấp, đường sá, xóm làng, ruộng rẫy, đem pháp đúng như chỗ đã nghe mà vì cha mẹ tôn thân, Thiện hữu tri thức tuỳ sức diễn nói. Các người đó nghe rồi tùy hỷ lại đi chuyển dạy người khác, người khác nghe rồi cũng tuỳ hỷ chuyển dạy, xoay vần như thế đến người thứ năm mươi.
3. A Dật Đa! Công đức tùy hỷ của Thiện nam tử, Thiện nữ nhơn thứ năm mươi đó, Ta nay nói, ông phải lắng nghe.
Nếu bốn trăm muôn ức vô số thế giới có sáu đường chúng sanh trong bốn loài sanh(2): noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hoá sanh, hoặc có hình, không hình, có tưởng, không tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, tất cả trong số chúng sanh như thế, có người cầu phước tuỳ theo đồ ưa thích của chúng muốn đều cung cấp cho đó. Mỗi mỗi chúng sanh cho các trân bảo tốt: vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách đầy cả Diêm-phù-đề và voi, ngựa, xe cộ, bảy báu làm thành những cung điện lầu gác v.v...
Vị đại thí chủ đó bố thí như thế đủ tám mươi năm rồi mà nghĩ rằng : “Ta đã ban cho chúng sanh những đồ ưa thích tuỳ theo ý muốn, nhưng chúng sanh này đều đã già suy, tuổi quá tám mươi, tóc bạc mặt nhăn gần chết chẳng lâu, ta phải dùng Phật pháp mà dạy bảo dìu dắt chúng. Liền nhóm chúng sanh đó tuyên bày pháp giáo hóa, chỉ dạy lợi ích vui mừng. Đồng thời đặng đạo Tu-đà-hoàn, đạo Tư-đà-hàm, đạo A-na-hàm, đạo A-la-hán, dứt hết cả hữu lậu, với những thiền định sâu đều đặng tự tại, đủ tám món giải thoát”.
Ý ông nghĩ sao? Công đức của vị đại thí chủ đó đặng, có nhiều chăng?"
Ngài Di Lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Công đức của người đó rất nhiều vô lượng vô biên. Nếu vị thí chủ đó chỉ thí tất cả đồ ưa thích cho chúng sanh, công đức đã vô lượng rồi, huống là làm cho đều đặng quả A-la-hán”.
Phật bảo ngài Di Lặc: “Ta nay rành rẽ nói cùng ông, người đó đem tất cả đồ vui thích thí cho sáu đường chúng sanh trong bốn trăm ức vô số thế giới, lại khiến đặng quả A-la-hán, công đức của người đó đặng chẳng bằng công đức của người thứ năm mươi kia nghe một bài kệ Kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ, trăm phần, nghìn phần, trăm nghìn muôn ức phần chẳng bằng một phần, nhẫn đến tính, đếm, thí dụ không thể biết được.
A Dật Đa! Người thứ năm mươi như thế, xoay vần nghe Kinh Pháp Hoa, công đức tuỳ hỷ còn vô lượng vô biên A-tăng-kỳ, huống là người tối sơ ở trong hội nghe Kinh mà tùy hỷ, phước đó lại hơn vô lượng vô biên A-tăng-kỳ không có thể sánh đặng.
4. Lại A Dật Da! Nếu có người vì Kinh này mà qua đến Tăng phường, hoặc ngồi, hoặc đứng, trong chốc lát nghe nhận, nhờ công đức đó chuyển thân sanh ra đặng voi, ngựa, xe cộ, kiệu, cáng bằng trân bảo tốt đẹp bậc thượng và đặng ở thiên cung.
Nếu có người ngồi trong chỗ giảng pháp, sau lại có người đến bèn khuyên mời ngồi nghe, hoặc chia chỗ cho ngồi, công đức của người đó chuyển thân đặng chỗ ngồi của Đế Thích hoặc chỗ ngồi của Phạm Vương, hoặc chỗ ngồi của Chuyển Luân Thánh vương.
5. A Dật Đa! Nếu lại có người nói với người khác rằng: “Có Kinh tên Pháp Hoa nên cùng nhau qua nghe”. Liền nhận lời bảo nhẫn đến nghe trong giây lát, công đức của người đó, chuyển thân đặng với Đà-la-ni Bồ Tát, sanh chung một chỗ, căn tánh lanh lợi, có trí huệ, trăm nghìn muôn đời, trọn chẳng ngọng câm, hơi miệng chẳng hôi, lưỡi thường không bịnh, miệng cũng không bịnh, răng chẳng đen dơ, chẳng vàng, chẳng thưa, cũng chẳng thiếu rụng, chẳng so le, chẳng sếu gãy, môi chẳng trớt, cũng chẳng rút túm, chẳng thô rít, chẳng ghẻ mụt, cũng chẳng sứt hư, cũng chẳng cong vẹo, cũng dày chẳng lớn, cũng chẳng đen nám, không có các tướng đáng chê.
Mũi chẳng xệp giẹp, cũng chẳng cong gãy, sắc mặt chẳng đen, chẳng hẹp dài cũng chẳng hóm gãy, không có tất cả tướng chẳng đáng ưa, môi lưỡi răng nướu thảy đều nghiêm tốt, mũi lớn cao thẳng, diện mạo tròn đầy, mày cao mà dài, trán rộng bằng thẳng, tướng người đầy đủ, đời đời sanh ra thấy Phật, nghe pháp tin nhận lời dạy bảo.
A Dật Đa! Ngươi hãy xem khuyên nơi một người khiến qua nghe pháp mà công đức như thế, huống là một lòng nghe, nói, đọc, tụng, lại ở trong đại chúng vì người phân biệt, đúng như lời dạy mà tu hành.
Khi đó, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
6.- Nếu người trong pháp hội
Đặng nghe Kinh điển này
Nhẫn đến một bài kệ
Tùy hỷ vì người nói
Xoay vần dạy như thế
Đến người thứ năm mươi
Người rốt sau đặng phước
Nay sẽ phân biệt đó.
Như có đại thí chủ
Cung cấp vô lượng chúng
Đầy đủ tám mươi năm
Tùy ý chúng ưa muốn
Thấy chúng: tướng già suy
Tóc bạc và mặt nhăn
Răng thưa, thân khô gầy
Nghĩ kia sắp phải chết
Ta nay phải nên dạy
Cho chúng đặng đạo quả
Liền vì phương tiện nói
Pháp Niết-bàn chơn thật
Đời đều chẳng bền chắc
Như bọt bóng ánh nắng
Các ngươi đều nên phải
Mau sanh lòng nhàm lìa.
Các người nghe pháp đó
Đều đặng A-la-hán
Đầy đủ sáu Thần thông
Ba minh, tám Giải thoát.
Người năm mươi rốt sau
Nghe một kệ tùy hỷ
Người này phước hơn kia
Không thể thí dụ đặng.
Xoay vần nghe như thế
Phước đó còn vô lượng
Huống là trong Pháp hội
Người tuỳ hỷ ban đầu.
Nếu có khuyên một người
Dắt đến nghe Pháp Hoa
Rằng: Kinh này rất mầu
Nghìn muôn kiếp khó gặp
Liền nhận lời qua nghe
Nhẫn đến nghe giây lát
Phước báu của người đó
Nay nên phân biệt nói.
Đời đời miệng không bịnh
Răng chẳng thưa, vàng, đen,
Môi chẳng dày, teo, thiếu
Không có tướng đáng chê,
Lưỡi chẳng khô đen ngắn
Mũi cao lớn mà ngay
Trán rộng và bằng thẳng
Mặt, mắt đều đoan nghiêm
Được người thấy ưa mến
Hơi miệng không hôi nhơ
Mùi thơm bông Ưu-bát
Thường từ trong miệng ra.
Nếu cố đến Tăng phường
Muốn nghe Kinh Pháp Hoa
Giây lát nghe vui mừng
Nay sẽ nói phước đó:
Sau sanh trong Trời, Người
Đặng voi, ngựa, xe tốt
Kiệu, cáng, bằng trân báu,
Cùng ở cung điện Trời.
Nếu trong chỗ giảng pháp
Khuyên người ngồi nghe Kinh
Nhơn vì phước đó đặng
Tòa Thích, Phạm, Chuyển Luân.
Huống là một lòng nghe
Giải nói nghĩa thú Kinh
Đúng như pháp mà tu
Phước đó chẳng lường đặng.
-- HẾT PHẨM MƯỜI TÁM --
>>> Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển thứ sáu - Phẩm “Pháp sư công đức" thứ mười chín
THÍCH NGHĨA
(1) Tuỳ hỷ: Vui theo, vui mừng ưng thuận tán thành.
(2) Tứ sanh: là bốn loài sanh: 1) Loài từ trứng sanh ra như chim v.v... 2) Loài từ bào thai sanh ra như người v.v... 3) Loài từ ẩm ướt sanh ra như trùng, đom đóm v.v... 4) Loài từ biến hóa sanh ra như trời, địa ngục v.v...
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Đời Diêu Tần Ngài Tam Tạng Pháp sư CƯU MA LA THẬP vưng chiếu dịch
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.