Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển Thứ Sáu - Phẩm “Như Lai Thần Lực" Thứ Hai Mươi Mốt

Phẩm “Như Lai thần lực" thứ hai mươi mốt

1. Lúc bấy giờ, các vị đại Bồ Tát như số vi trần trong nghìn thế giới từ dưới đất vọt lên đó, đều ở trước Đức Phật một lòng chắp tay, chiêm ngưỡng dung nhan của Phật mà bạch cùng Phật rằng: “Thế Tôn! Sau khi Phật diệt độ, ở nơi cõi nước của Đức Thế Tôn phân thân diệt độ, chúng con sẽ rộng nói Kinh này. Vì sao? Chúng con cũng tự muốn đặng pháp lớn thanh tịnh này để thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép mà cúng dường đó”.
2. Lúc đó, Thế Tôn ở trước ngài Văn Thù Sư Lợi v.v… vô lượng trăm nghìn muôn ức vị đại Bồ Tát cựu trụ ở nơi cõi Ta-bà và các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-ba-di, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhơn, Phi nhơn v.v…, trước tất cả chúng, hiện sức Thần thông lớn: bày tướng lưỡi rộng dài lên đến trời Phạm Thế, tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc, thảy đều khắp soi cả cõi nước trong mười phương. Các Đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới cây báu cũng lại như thế; bầy tướng lưỡi rộng dài phóng vô lượng tia sáng.
3. Lúc Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và các Đức Phật dưới cây báu hiện sức thần thông mãn trăm nghìn năm vậy sau mới hườn nhiếp tướng lưỡi, đồng thời tằng hắng cùng chung khảy móng tay, hai tiếng vang đó khắp đến cõi nước của các Đức Phật trong mười phương, đất đều sáu điệu vang động, chúng sanh trong đó: Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhơn cùng Phi nhơn v.v… nhờ sức thần của Phật đều thấy trong cõi Ta-bà này vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức các Đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới những cây báu và thấy Đức Thích Ca Mâu Ni Phật cùng Đức Đa Bửu Như Lai, ngồi trên tòa sư tử trong tháp báu.
Lại thấy vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vị đại Bồ Tát và hàng tứ chúng cung kính vây quanh Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, đã thấy thế rồi đều rất vui mừng đặng chưa từng có.
Tức thời hàng chư Thiên ở giữa hư không lớn tiếng xướng rằng: “Khỏi đây vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vô số thế giới có nước tên Ta-bà trong đó có Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni hiện nay vì các đại Bồ Tát nói Kinh Đại thừa tên “Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”, các ông phải thâm tâm tùy hỷ, cũng nên lễ bái cúng dường Đức Thích Ca Mâu Ni Phật”.
Các chúng sanh đó nghe tiếng nói giữa hư không rồi, chắp tay xoay về cõi Ta-bà nói thế này: “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật”. Dùng các món hoa, hương, chuỗi ngọc, phan, lọng và các đồ trang nghiêm nơi thân, những vật tốt bằng trân báu, đều đồng vói rải vào cõi Ta-bà.
Các vật rải đó từ mười phương đến thí như mây nhóm, biến thành màn báu trùm khắp trên Đức Phật ở trong đây. Bấy giờ, mười phương cõi nước thông đạt không ngại như một cõi Phật.
4. Khi đó, Phật bảo đại chúng bậc Thượng hạnh Bồ Tát thảy: “Thần lực của các Đức Phật vô lượng vô biên bất khả tư nghì như thế; nếu Ta dùng thần lực đó trong vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vô sô kiếp, vì để chúc lụy mà nói công đức của Kinh này vẫn chẳng hết được.
Tóm nói đó, tất cả pháp của Như Lai có, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả tạng bí yếu của Như Lai, tất cả việc rất sâu của Như Lai đều tuyên bài rõ nói trong Kinh này, cho nên các ông sau khi Như Lai diệt độ, phải một lòng thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép đúng như lời nói mà tu hành.
Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành, hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng phường, hoặc nhà bạch y(7), hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.
Vì sao? Phải biết chỗ đó, chính là đạo tràng, các Đức Phật ở đây mà đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp luân, các Đức Phật ở đây mà nhập Niết-bàn”.
Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

5.- Các Phật, Đấng cứu thế
Trụ trong thần thông lớn
Vì vui đẹp chúng sanh
Hiện vô lượng thần lực:
Tướng lưỡi đến Phạm Thiên
Thân phóng vô số quang
Vì người cầu Phật đạo
Hiện việc ít có này
Tiếng tằng hắng của Phật
Cùng tiếng khảy móng tay
Khắp vang mười phương cõi
Đất đều sáu món động.
Sau khi Phật diệt độ
Người trì được Kinh này
Các Phật đều vui mừng
Hiện vô lượng thần lực.
Vì chúc lụy Kinh này
Khen ngợi người thọ trì
Ở trong vô lượng kiếp
Vẫn còn chẳng hết được.
Công đức của người đó
Vô biên vô cùng tận
Như mười phương hư không
Chẳng thể đặng ngằn mé.
Người trì được Kinh này
Thời là đã thấy Ta
Cũng thấy Phật Đa Bửu
Và các Phật phân thân.
Lại thấy Ta ngày nay
Giáo hóa các Bồ Tát.
Người trì được Kinh này
Khiến Ta và phân thân
Phật Đa Bửu diệt độ
Tất cả đều vui mừng.
Mười phương Phật hiện tại
Cùng quá khứ, vị lai
Cũng thấy, cũng cúng dường
Cũng khiến đặng vui mừng.
Các Phật ngồi đạo tràng
Pháp bí yếu đã đặng.
Người trì được Kinh này
Chẳng lâu cũng sẽ đặng.
Người trì được Kinh này
Nơi nghĩa của các pháp
Danh tự và lời lẽ
Ưa nói không cùng tận
Như gió trong hư không
Tất cả không chướng ngại.
Sau khi Như Lai diệt
Biết Kinh của Phật nói
Nhơn duyên và thứ đệ
Theo nghĩa nói như thật.
Như ánh sáng nhựt nguyệt
Hay trừ các tối tăm
Người đó đi trong đời
Hay dứt tối chúng sanh
Dạy vô lượng Bồ Tát
Rốt ráo trụ Nhứt thừa.
Cho nên người có trí
Nghe công đức lợi này
Sau khi Ta diệt độ
Nên thọ trì Kinh này
Người đó ở Phật đạo
Quyết định không có nghi.

-- HẾT PHẨM HAI MƯƠI MỐT--

>>> Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển thứ sáu - Phẩm “Chúc lụy" thứ hai mươi hai

THÍCH NGHĨA
(7) Bạch y: Người thế tục ưa mặc y phục sắc trắng nên gọi là “bạch y”.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Đời Diêu Tần Ngài Tam Tạng Pháp sư CƯU MA LA THẬP vưng chiếu dịch

-
aa
+
662 lượt xem
25/07/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ