Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Ương-già (Anga), tại thị trấn của dân chúng Ương-già tên là A-hòa-na (Àpana).
Tại đấy, Thế Tôn bảo Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta):
– Này Xá Lợi Phất, có vị Thánh đệ tử nào đi đến nhứt tâm và hoàn toàn tin tưởng ở Như Lai; vị ấy có thể có phân vân hay nghi ngờ đối với Như Lai, hay đối với lời giảng dạy của Như Lai?
– Vị Thánh đệ tử nào, bạch Thế Tôn, đi đến nhứt tâm và hoàn toàn tin tưởng ở Như Lai; vị ấy không có thể phân vân hay nghi ngờ đối với Như Lai, hay đối với lời giảng dạy của Như Lai. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin, được chờ đợi rằng: Vị ấy sẽ trú tinh cần, tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, để làm sanh khởi các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, tinh tấn, không có quăng bỏ gánh nặng đối với thiện pháp.
Sự tinh tấn của vị ấy, bạch Thế Tôn, là tấn căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin và tinh cần, tinh tấn, bạch Thế Tôn, được chờ đợi rằng: Vị ấy có niệm, thành tựu niệm tuệ tối thắng, ức niệm, tùy niệm những điều làm đã lâu, nói đã lâu ngày.
Sự niệm của vị ấy, bạch Thế Tôn, là niệm căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin, tinh cần, tinh tấn, với niệm được an trú, bạch Thế Tôn, được chờ đợi rằng: Sau khi từ bỏ pháp sở duyên, vị ấy sẽ được định, được nhứt tâm.
Định của vị ấy, bạch Thế Tôn, là định căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin, an trú chánh niệm, với tâm Thiền định, bạch Thế Tôn, được chờ đợi như sau: Vị ấy rõ biết rằng vô thỉ là luân hồi, khởi điểm đầu tiên không thể chỉ rõ. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị khát ái trói buộc, lưu chuyển luân hồi. Sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn, ổ nhóm u ám ấy, là tịch tịnh của vị này, là thù thắng của vị này, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn tận tham ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.
Trí tuệ của vị ấy, bạch Thế Tôn, là tuệ căn của vị ấy. Vị Thánh đệ tử có lòng tin ấy, tinh tấn, tinh cần như vậy; ức niệm, ức niệm như vậy; định tĩnh, định tĩnh như vậy; rõ biết, rõ biết như vậy; lòng thâm tín như sau sanh khởi: “Những pháp này mà trước kia ta từng được nghe, nay ta trú, tự thân chứng đạt những pháp ấy. Nay với trí tuệ, ta thể nhập chúng, ta thấy chúng rõ ràng”.
Lòng tin của vị ấy, bạch Thế Tôn, là tín căn của vị ấy.
– Lành thay, lành thay, này Xá Lợi Phất! Vị Thánh đệ tử nào, này Xá Lợi Phất, đi đến nhứt tâm và hoàn toàn tin tưởng ở Như Lai; vị ấy không có phân vân, không có nghi ngờ gì đối với Như Lai, hay đối với lời dạy của Như Lai. Vị Thánh đệ tử nào có lòng tin, này Xá Lợi Phất, được chờ đợi như sau: Vị ấy sẽ trú tinh cần, tinh tấn, để đoạn tận các pháp bất thiện, để làm sanh khởi các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì tinh tấn, không quăng bỏ gánh nặng đối với thiện pháp.
Sự tinh tấn của vị ấy, này Xá Lợi Phất, là tấn căn của vị ấy. Với vị Thánh đệ tử có lòng tin và tinh cần, tinh tấn, này Xá Lợi Phất… Vị Thánh đệ tử có lòng tin ấy, tinh cần, tinh tấn như vậy; rõ biết, rõ biết như vậy; lòng thâm tín như sau sanh khởi: “Những pháp này trước kia ta từng được nghe, nay ta trú, tự thân chứng đạt những pháp ấy. Nay với trí tuệ, ta thể nhập chúng, ta thấy chúng rõ ràng”.
Lòng tin của vị ấy, này Xá Lợi Phất tức là tín căn của vị ấy.
(Nguồn: Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tương Ưng Bộ - Tập 5, chương 4. Tương Ưng Căn, Phẩm Về Già, bài kinh Tín, Hay Ngôi Chợ, tr.350-353, Việt dịch: Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1993)
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.