Kinh Giàu Sang Không Bố Thí Chịu Quả Báo Nghèo Khổ

Thuở xưa, đức Phật trú tại tinh xá nước Xá-vệ, vì hàng trời người đế vương thuyết pháp. Lúc ấy, có một thôn Bà-la-môn gồm hơn năm trăm gia đình. Thôn ấy, có năm trăm thiếu niên học pháp thuật Bà-la-môn, tính tình kiêu mạn cống cao bất kính với các bậc trưởng lão.

Một hôm, năm trăm người này bàn luận với nhau:
- Ông Sa môn Cù Đàm tự xưng là Phật, đủ tam minh trí tuệ, không ai dám luận biện. Chúng ta thử mời ông luận nghị, cật vấn mọi điều xem sao?

Nói xong, họ bèn lo sắp xếp đầy đủ mọi chuyện, đi mời Phật về làng.

Đức Phật nhận lời cùng các đệ tử đến thôn Phạm Chí. Sau khi đã an tọa, các Phạm Chí bèn dâng nước rửa chân tay, rồi thiết trai thỉnh Phật và đệ tử thọ dụng. Thọ trai xong, họ lại mang nước đến cho Phật và đại chúng rửa tay, mọi việc rất chu đáo.

Lúc ấy, có hai vợ chồng Phạm Chí già đang đi xin giữa thôn, đức Phật biết ông Phạm Chí đó vốn giàu có vô số, từng làm quan lớn. Ngài bèn hỏi các Phạm Chí này:
- Các ngươi có biết ông Bà-la-môn lớn tuổi kia không?

Mọi người đều đáp:
- Có biết.

Phật lại hỏi:
- Ông ta trước đây là người như thế nào?

Đáp:
- Ông ấy vốn là quan lớn, tài sản nhiều vô số.

Hỏi:
- Vậy sao ngày nay ông ta phải đi ăn xin?

Đáp:
- Do ông ăn xài hoang phí, không có độ lượng, nên phải chịu nghèo.

Đức Phật bảo:
- Này các Bà-la-môn, trên đời có bốn việc mà người ta không biết làm theo. Nếu biết làm theo thì sẽ được phước không bị nghèo cùng như vậy. Bốn việc đó là gì?
1- Tuổi trẻ khỏe mạnh, cẩn thận chớ nên kiêu mạn.
2- Tuổi già siêng năng, không có tham dâm.
3- Có tiền bạc châu báu thường nghĩ bố thí.
4- Theo thầy học tập, biết nghe nhận lời chân chính.

Ông Bà-la-môn lớn tuổi không thực hành theo bốn việc trên. Đây gọi là không biết xét đến lẽ thành bại, nên một mai phải chịu cảnh tán gia bại sản. Ví như con chim hộc già đứng canh giữa ao trống, không kiếm chác được chút gì.

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:

Ngày đêm lười, kiêu mạn
Già chẳng bỏ được dâm
Có của không bố thí
Lời Phật chẳng để tâm.
Bốn món che ngăn này
Ai có họa tự gây
Than ôi khi già đến
Tiều tụy sẽ theo đây.
Tuổi trẻ được như ý
Đến già bị khinh khi
Đã không tu phạm hạnh
Của cải chẳng còn chi.
Già như chim hộc trắng
Canh giữ ao trống vắng
Giới hạnh mình đã không
Của cải bàn tay trắng.
Già khí lực suy kiệt
Nghĩ lại làm sao kịp
Già như lá mùa thu
Lại nhơ rách hạnh tu
Mạng sống qua mau chóng
Hối hận nào kịp đâu.

Đức Phật lại bảo các Phạm Chí:
- Trên đời, có bốn khoảng thời gian mà ta có thể hành đạo, được phước đắc độ, tránh khỏi các khổ. Đó là bốn thời điểm nào?
1- Lúc tuổi trẻ có sức khỏe, oai thế.
2- Lúc giàu sang có tài sản.
3- Lúc gặp được Tam Bảo phước điền.
4- Lúc quán xét được lẽ vô thường của vạn vật, sinh tâm nhàm chán.

Nếu vào bốn thời điểm trên, biết nỗ lực làm việc, tiến tu thì sẽ thành tựu mọi sở nguyện, chứng đắc đạo quả.


Bấy giờ, đức Thế Tôn lại nói kệ:

Ngày đêm mạng lần giảm
Nên tinh tấn kịp thời
Thế gian vô thường lắm
Đừng mê đọa tối tăm.
Hãy thắp sáng ý thức
Huấn luyện mình, cầu tuệ
Thanh tịnh, lìa trần cấu
Cầm đuốc soi đường mê.

Lúc Phật đang nói, liền phóng hào quang chiếu khắp đất trời, năm trăm Phạm Chí thiếu niên nhân đó tâm ý khai mở, lông tóc dựng đứng, cùng nhau đỉnh lễ dưới chân Phật, bạch rằng:
- Chúng con xin quy mạng với đức Thế Tôn, xin hãy nhận chúng con làm đệ tử.

Phật bảo:
- Lành thay! Hãy lại đây các Tỳ-kheo!

Các vị ấy liền trở thành Sa-môn, chứng đắc đạo quả A-la-hán. Kẻ lớn người nhỏ trong làng đều ân triêm pháp nhũ, thấy được đạo ai cũng hoan hỉ.

(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Ba, Phẩm Lão Mạo Thứ 21, Thí dụ 43, tr.194-199, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)

-
aa
+
656 lượt xem
11/11/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.