Ý nghĩa 10 danh hiệu Phật

1. Như Lai
- Như Lai (S.Tathàgata), bậc nương vào Chân như (Như) mà đến (Lai) và thành Chánh giác. Theo kinh Kim Cang, Như Lai có nghĩa là “Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ”, không từ đâu đến và cũng chẳng về đâu, hàm ý từ bản thể Chân như (hiện ra) và có mặt cùng khắp mọi nơi. Khi nói về mình, Phật Thích Ca xưng là Như Lai.
- Trong hồng danh này, từ “Như” có nghĩa là bất động, bất biến, không thay đổi, từ “Lai” có nghĩa là đến. Như Lai có nghĩa là tuy Đức Phật đến với cuộc đời nhưng Ngài không hề rời tự tính bất động, luôn an trụ trong tâm bất động,  Ngài đến với cuộc đời rất nhiều lần, tái sinh liên tục, nhưng đời nào kiếp nào Ngài cũng an trụ trong tự tính bất động của Ngài, để thực hiện vô vàn thiện hạnh lợi ích chúng sinh.

2. Ứng Cúng
- Ứng Cúng (S.Arhat), bậc xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của trời và người. Ứng Cúng còn là một đức hiệu của các bậc thánh A-la-hán.
- “Ứng” có nghĩa là tương ứng hay ứng hợp, “Cúng” có nghĩa là cúng dàng.
Ứng Cúng có nghĩa là bậc xứng đáng được thọ nhận cúng dàng.
Đức Phật có A Tăng Tỳ kiếp tu hành các thiện hạnh, nên sự viên mãn từ bi, trí tuệ và phẩm hạnh của Ngài cũng giống như ruộng phước điền phì nhiêu màu mỡ, hạt giống công đức cúng dàng sẽ dễ nảy mầm, đơm hoa kết trái, ứng theo những mong nguyện tâm thành của chúng sinh khi dâng phẩm vật mà được tùy nguyện viên mãn.

3. Chánh Biến Tri
- Chánh Biến Tri (S.Samyak-sambuddha), bậc có khả năng hiểu biết (Tri) đúng đắn (Chánh) và cùng khắp (Biến) tất cả các pháp.
- “Tri” là cái thấy biết, là trí tuệ.
“Chánh biến” tức là cái biết chân chính.
Ngài đã giác ngộ được chân lý, tất cả quy luật trên thế gian, ví dụ quy luật về vô thường, quy luật nghiệp… Những quy luật này dù đã có từ muôn thủa nhưng không ai nhận ra cho đến khi đức Phật khai thị thuyết giảng.

4. Minh Hạnh Túc
Minh Hạnh Túc (S.Vidyà-carana-sampanna), bậc trí tuệ và phước đức vẹn toàn. Minh là trí tuệ (Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh). Hạnh là phước đức, tức các hạnh nghiệp đều toàn thiện, viên mãn. Túc nghĩa là đầy đủ, vẹn toàn.

5. Thiện Thệ
- Thiện Thệ (S.Sugata), bậc “khéo léo vượt qua mọi chướng ngại và ra đi một cách tốt đẹp”, nghĩa là sau khi chứng đạo dùng Nhất thiết trí hóa độ chúng sanh, thực hành Bát thánh đạo rồi an trú Niết-bàn.
- “Thiện” là khéo, “Thệ” là đi trong ba cõi, nên Thiện Thệ là một bậc khéo đi trong ba cõi. Chúng sinh theo nghiệp lực, bị đẩy vào cõi nào là bị trói buộc trong cõi đó. Đức Phật tuy thị hiện đản sinh trong cuộc đời khổ não ác trược nhưng Ngài không hề bị trói buộc mà hoàn toàn tự tại đi lại trong ba cõi.
Thiện Thệ, tức là một bậc đi trong ba cõi nhưng không bị ràng buộc.

6. Thế Gian Giải
- Thế Gian Giải (S.Loka-vid), bậc thấu hiểu và rõ biết (Giải) tất cả từ quá khứ, hiện tại cho đến vị lai (Thế) ở trong mười phương thế giới (Gian).
- Thế Gian Giải có nghĩa là bậc hiểu biết trọn vẹn về các cõi thế gian - ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Cõi Dục giới bao gồm địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, người, A tu la và trời Dục giới. Cõi Sắc giới là cõi trời dành cho những vị tu tập tứ thiền (sơ, nhị, tam, tứ thiền). Cõi Vô sắc giới là cõi trời dành cho những vị tu tập tứ không (không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ).
Đức Phật hiểu biết trọn vẹn, ngọn ngành của nhân quả vào ra các cõi, thấu suốt ba cõi cho nên gọi Ngài bậc Thế Gian Giải.
Vì đã thấu suốt ngọn ngành, nhân quả của mỗi cõi và mỗi chúng sinh nên Đức Phật được tôn xưng là bậc “Thế Gian Giải”.

7. Vô Thượng Sĩ
- Vô Thượng Sĩ (S.Anuttara), bậc tối tôn tối thượng, không ai có thể hơn được.
- “Vô Thượng” có nghĩa là không có gì hơn. “Sĩ” tức là với nội đức tu tập từ bên trong, tích góp thiện hạnh từ nhiều đời, nên tự nơi Đức Phật tỏa ra được từ trường thanh cao, an bình, thoát tục, thoát khỏi tám mối bận tâm thế gian (đó là: mong được lợi lộc, lo sợ thua thiệt, mong được lạc thú, lo sợ khổ đau, mong được lừng danh, lo bị ghét bỏ, mong được ngợi khen, lo bị quở phạt).

8. Điều Ngự Trượng Phu
Điều Ngự Trượng Phu (S. Purusa-damya-sàrathi), bậc có khả năng dùng các phương tiện thiện xảo để điều phục, nhiếp hóa, dẫn dắt (Điều Ngự) người tu hành (Trượng Phu) khiến họ thành tựu giải thoát, chứng đắc Niết-bàn.

9. Thiên Nhân Sư
Thiên Nhơn Sư (S.Sàstà deva-manusyànàm), bậc thầy của trời và người.

10. Phật Thế Tôn 
- Phật - Thế Tôn (S.Buddha-Bhagavat), bậc giác ngộ, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn và được thế gian đều tôn kính.
- Sự giác ngộ của Phật gồm ba cấp độ: tự giác, giác tha, giác hành viên mãn.
“Tự giác” có nghĩa là tự mình giác ngộ
“Giác tha” có nghĩa là đem sự giác ngộ của mình đi chia sẻ với mọi người, là phần hành để viên mãn tự giác.
“Giác mãn” phẩm chất của “Như”, thực hành với lý thuyết, phần sự và phần lý tương ưng không lệch.
Thế Tôn tức là thế gian tôn xưng, cung kính Ngài là một bậc tôn quý trên thế gian bởi các năng lực tự giác, giác tha, giác hành viên mãn.

Mười đức hiệu này, trong các kinh luận cũng có trường hợp gộp chung Thế Gian Giải và Vô Thượng Sĩ thành một hiệu, hoặc gộp Vô Thượng Sĩ và Điều Ngự Trượng Phu thành một hiệu...

Ý nghĩa 10 danh hiệu Phật
-
aa
+
19,377 lượt xem
26/06/2023

Bình luận (8)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. N
    N

    Nguyễn thị bình

    17/01/2024
    Con xin thành kính tri ân Tam Bảo, tri ân công đức trên Sư Phụ cùng đại Tăng Ni và cô chủ nhiệm đã chỉ dạy cho chúng con hiểu nghĩa của từ 10 danh hiệu của Đức Phật ạ
  2. T
    T

    Thị Hoàn Dương

    25/08/2023

    Con xin thành kính tri ân Tam Bảo, tri ân công đức trên Sư Phụ cùng đại Tăng Ni và cô chủ nhiệm đã chỉ dạy cho chúng con hiểu nghĩa của từ 10 danh hiệu của Đức Phật ạ

  3. N
    N

    Nguyễn Thị khánh

    25/08/2023

    Con xin thành kính tri ân Tam Bảo, tri ân trên Sư Phụ cùng đại Tăng, tri ân Cô chủ nhiệm đã giảng giải cho chúng con được học Phật pháp được hiểu để 10 danh hiệu của Đức Phật cao quý của bậc đại giác. Chúng con thành kính đảnh lễ tri ân ạ.

  4. d
    d
    10/07/2023

    10 danh hiệu cao quý của Bậc Đại Giác. Chúng con xin đảnh lễ tri ân 

  5. N
    N

    Nguyễn Thị Thu

    10/07/2023

    Con xin tri ân Tam Bảo, tri ân các bậc thiện hữu tri thức đã giúp cho con tu tập công đức này