Đề mục quán theo kinh Bát Đại Nhân Giác dành cho tu tập Bát quan trai giới tại nhà

Quý vị và các bạn tùy duyên tải và in tại đây: Đề mục quán theo kinh Bát Đại Nhân Giác dành cho tu tập Bát quan trai giới tại nhà

Quý đạo hữu khi tu Bát Quan Trai tại nhà thì mỗi buổi thiền tập sẽ thực hành lần lượt hoặc tùy duyên thực hành các đề mục sau:

Nội Dung Quán Của Điều Giác Ngộ Thứ Nhất:

Đề mục quán:

1. Quán sự vô thường của vạn vật qua sự vô thường của chúng hữu tình và vô tình.
Hữu tình: sinh – già – bệnh – chết.
Vô tình: sinh – trụ – dị – diệt; thành – trụ – hoại – không.

2. Quán sát sự vô thường của cõi nước, quả đất này (sóng thần, động đất, núi lửa phun trào,…).

3. Tư duy về sự cao quý của Phật Pháp: Chúng ta thực hành Phật Pháp thì chúng ta tránh được tai họa trong hiện kiếp. Chúng ta phát nguyện Bồ Đề thì chúng ta ra khỏi được lục đạo luân hồi, tránh được tất cả khổ của thế gian vô thường, cõi nước mong manh; giải thoát cho mình, giải thoát cho chúng sinh.

4. Khẳng định lời Phật dạy là đúng (Thế gian đầy trân bảo, chất đến tận trời cao, vẫn không bằng thấy đạo, giàu sang sánh được nào) ⇒ Tăng trưởng được tín, để thành tựu tín lực.

Đề mục quán:

1. Quán sát về sự vô thường của mình và quyến thuộc, từ đó tự tại trước sự ra đi của mình.

2. Quán sát của cải lúc có, lúc mất theo nghiệp lực để bằng lòng với hiện tại, không bị đau khổ khi mất tài sản và chúng ta phấn đấu đi lên bằng thiện nhân quả.

3. Quán sát dù tài sản có hư hoại, tính mạng có mất, thì chúng ta phải kiên định trong niềm tin vào Phật Pháp, nhân quả; kiên định thực hành Phật Pháp.

4. Quán chiếu mọi sự mọi vật có thể đổ vỡ theo quy luật vô thường của thế gian, muốn giữ cũng không giữ được; để dần đoạn trừ tham ái, ra khỏi luân hồi và đạt đến Niết Bàn hạnh phúc, an vui, tự tại trước mọi sóng gió của cuộc đời.

Đề mục quán:

1. Quán chiếu về 5 ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), không một ấm nào làm chủ (nếu chỉ có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức thì không tạo nên một con người. Nếu thọ làm chủ, những ấm còn lại biến mất thì không tạo thành con người, không tạo thành chúng sinh).

2. Tứ đại luôn luôn thay đổi; năm ấm cũng luôn luôn thay đổi, không cái nào làm chủ (trong thọ không có cái thọ nào làm chủ, trong tưởng không có cái tưởng nào làm chủ,…).

3.. Quán chiếu đến sự vô thường của 5 ấm, luôn luôn sinh, diệt, biến đối.

4. Khẳng định lời Phật dạy là đúng, từ đó phát sinh ra tín lực ⇒ sinh ra phước báu và năng lực tính tấn khiến chúng ta có trí tuệ.

Đề mục quán:

1. Quán chiếu tứ đại không phải là ta, mà tổng nghiệp mới chính là ta trong hiện tại, nhưng nếu thay đổi (tu tập, chuyển hóa tâm, chuyển hóa nghiệp lực) thì cái ta sẽ mất ⇒ Quán chiếu (Phật tử câu lạc bộ Cúc Vàng đã bạch xong 49 ngày phát nguyện tu Lục Hòa thì quán thêm: ta sẽ là Lục Hòa,) ta là Pháp, là 5 giới, 8 giới.

2. Giác ngộ mình và người rồi cũng bị sinh diệt và không có cái ta ⇒ Tư duy để không đắm chấp, không phiền não với sắc thân, cảm giác, cảm thọ, tâm và ý thức của người; từ đó phát sinh tinh tấn, hướng Pháp cho người khác, kiên nhẫn thực hành.

Đề mục quán:

1. Tư duy về những mong cầu của thân, của chính mình.

2. Tư duy về những mong cầu của thân, dẫn đến sự sai khiến đối với tâm làm các việc bất thiện, khiến kết thêm tham ái để đi vào luân hồi.

3. Khẳng định lời Đức Phật dạy là đúng “Tâm là nguồn việc ác, thân là rừng nghiệp tội”, thân là gốc khổ ⇒ Tăng trưởng được tín, để thành tựu tín lực.

4. Phát sinh tín tâm đối với Phật, Pháp – lời Phật dạy, Tăng – những bậc đang thực hành hạnh đầu đà để điều phục thân, tâm, hướng tới liễu thoát luân hồi sinh tử.

Đề mục quán:

1. Tư duy để quyết định tâm không theo thân, không chiều thân ở những mặt trong cuộc sống để chúng ta bớt phiền não.

2. Sống không chiều con cháu, giúp cho con cháu dần giác ngộ để điều phục được thân, tâm; chia sẻ việc thực hành của mình với người xung quanh để đưa Pháp vào cho mọi người.

3. Sinh tâm tinh tấn trong tu tập Bát Quan Trai Giới để điều phục thân, không để cho tâm theo thân.

4. Quán chiếu tổng thể của điều giác ngộ thứ nhất có giúp chúng ta bớt phiền não không ⇒ Khẳng định lời Đức Phật dạy là đúng ⇒ Tăng trưởng được tín, để thành tựu tín lực.

Nội Dung Quán Của Điều Giác Ngộ Thứ Hai:

Đề mục quán:

1. Quán chiếu hạnh phúc thế gian (sức khỏe, tiền tài, ái tình, danh vọng,…) đều chịu sự vô thường của nghiệp lực chi phối.

2. Quán chiếu: Do khởi tham muốn hạnh phúc thế gian nên đã và sẽ tiếp tục phải ở trong luân hồi chịu khổ.

3. Quán chiếu giảm trừ tâm tham cầu hạnh phúc trong luân hồi này.

4. Khẳng định lời Đức Phật dạy “tham muốn nhiều là khổ” là đúng, cần phải giác ngộ điều này.

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Tại gia cần giữ giới để giảm bớt các sự khổ trong kiếp hiện tại và các kiếp luân hồi sinh tử tiếp theo; đến khi xuất gia cần giữ giới để chấm dứt khổ trong luân hồi.

2. Quán chiếu những việc đã qua, từ đó sinh tâm hổ thẹn về sự chấp ngã, không lắng nghe, không sám hối, không sửa đổi.

3. Khởi lên sự tinh tấn lắng nghe, sám hối, không phóng dật với giới (tPhật tử câu lạc bộ Cúc Vàng đã bạch xong 49 ngày phát nguyện tu Lục Hòa thì quán thêmvà pháp lục hòa.)

Đề mục quán:

1. Quán chiếu khổ về sự tham ăn, khổ về sự tham sắc.

2. Tư duy để khẳng định tất cả sự tham muốn đều từ sự chấp thân.

Đề mục quán:

1. Tư duy để điều chỉnh về ăn, mặc,…
– Tại gia: Tư duy về tài sản tích lũy, tài sản được hưởng thụ vừa đủ trên nhân quả thiện của chính mình.
– Xuất gia: Sống đời phạm hạnh, 3 y, 1 bát, ăn mặc tiết độ phạm hạnh, tránh cực đoan.

2. Khẳng định “ít muốn biết đủ” theo nhân quả, sống đúng giới luật thì thân tâm được tự tại.

Nội Dung Quán Của Điều Giác Ngộ Thứ Ba:

Đề mục quán:

1. Quán chiếu về các việc đã qua của mình: Vì tham cầu tài sản, tham sắc mình, sắc người, tham danh (chấp danh), tham ăn, tham ngủ mà mình đã tạo các ác nghiệp gì?

2. Quán chiếu các quả báo đã phải trả ngay trong đời này.

3. Quán nhân quả về các quả báo sẽ phải trả từ các ác nghiệp của mình.

4. Khởi tâm sám hối và khẳng định lời Phật dạy: “Tâm nếu không biết đủ, chỉ lo việc tham cầu, sẽ tăng thêm tội ác” là đúng, cần phải giác ngộ điều này.

Đề mục quán:

1. Quán chiếu sợ hãi các quả báo, từ đó giác ngộ rằng không thể thọ hưởng bất cứ thứ gì từ tâm tham.

2. Quán chiếu thường biết ơn và tôn trọng mọi người xung quanh vì họ giúp cho mình thực hành bố thí, đoạn trừ tâm tham.

3. Quán chiếu khẳng định kẻ thù duy nhất của mình chính là tâm ý bất thiện của mình, ngoài ra không còn một kẻ thù nào khác.

4. Khẳng định lời Phật dạy: “Tâm nếu không biết đủ, chỉ lo việc tham cầu, sẽ tăng thêm tội ác” là đúng; từ đó, tinh tấn thực hành giới, thực hành Pháp để diệt trừ bất thiện trong tâm.

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Mình đã có tịnh tín đối với Đức Phật chưa?

2. Quán chiếu: Mình đã có tịnh tín đối với Pháp chưa? Có tin Pháp của Phật đưa đến giải thoát không? Mình đã thực hành Pháp khiến thoát dần được tâm bất thiện gì, sự khổ gì?

3. Quán chiếu: Mình đã thành tựu tịnh tín với Tăng như thế nào? Từ đó, sinh tâm cung kính đảnh lễ Tăng.

4. Tự quán sát: Trong buổi ngồi thiền này, mình đã tăng trưởng thêm tịnh tín đối với Phật – Pháp – Tăng chưa?

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Tâm mình bớt tham hơn so với trước chưa? Từ đó, cảm nhận hạnh phúc khi tâm bớt tham.

2. Quán chiếu: Tâm bố thí, cúng dường của mình đã rộng mở hơn so với trước chưa?

3. Phát nguyện học theo hạnh của Bồ Tát, luôn lấy tuệ quán nhân quả làm sự nghiệp.

4. Khẳng định lời Phật dạy trong điều giác ngộ thứ 3 là đúng và cần giác ngộ điều này.

Nội Dung Quán Của Điều Giác Ngộ Thứ Tư:

Đề mục quán:

1. Quán phiền não, ràng buộc thiêu đốt của cuộc sống tại gia, vợ chồng, con cái và tham tạo, giữ tài sản.

2. Quán chiếu: Mình có còn nhiều thèm khát, mong muốn cuộc sống phàm tục không?

3. Quán chiếu: Đối với việc phạm hạnh, khổ hạnh, phận sự, mình có bị phiền não, sợ hãi, thối lui không?

4. Quán chiếu: Tâm tham dục, bất thiện trong hiện tại sẽ dẫn mình đi về đâu trong 3 đường ác?

Đề mục quán:

1. Quán chiếu tâm lười biếng tu học phạm hạnh, phận sự của mình.

2. Khởi sinh sợ hãi tâm lười biếng tu học phạm hạnh, phận sự vì nó sẽ dẫn mình vào sâu vô minh, đau khổ.

3. Khởi sinh tâm tinh tấn tu học phạm hạnh, phận sự trong duyên của mình.

4. Nguyện mong được thân cận các bậc thiện hữu tri thức để được chỉ dạy, sách tấn, giúp mình loại trừ được tâm lười biếng, giữ vững được tâm tinh tấn tu tập phạm hạnh, phận sự.

Nội Dung Quán Của Điều Giác Ngộ Thứ Năm:

Đề mục quán:

1. Tư duy phân định thế nào là người trí, kẻ ngu theo lời Đức Phật dạy.

2. Kiểm xem tự mình đã biết tạm gác, thu xếp việc gia đình, làm ăn,… để nghe Pháp, làm phận sự, (Phật tử câu lạc bộ Cúc Vàng đã bạch xong 49 ngày phát nguyện tu Lục Hòa thì quán thêm: thực hành lục hòa chưa.)

3. Kiểm xem khi được người khác sách tấn thu xếp công việc để nghe Pháp, tụng kinh, làm phận sự, (Phật tử câu lạc bộ Cúc Vàng đã bạch xong 49 ngày phát nguyện tu Lục Hòa thì quán thêm: thực hành lục hòa,) tâm mình đã hoan hỷ chưa hay lại nghĩ là: bận lắm, ngại lắm, rắc rối lắm, để lúc khác tu, không tu đâu,…

4. Từ sự vô thường của ông Bà-la-môn trong bài kinh, tư duy xem ông ấy đi về đâu; từ đó, liên tưởng đến sự vô thường của mình trong nghiệp hiện tại qua sự tinh tấn hay lười biếng của bản thân.

Đề mục quán:

1. Tư duy lại bài kinh: Ông Bà-la-môn chết trong sự ngu ám, ngu si vì không biết lẽ vô thường.

2. Kiểm xem mình có hay quán về vô thường để tinh tấn tu hay chưa.

3. Kiểm xem tâm mình có ham thích việc tu tập chưa.

4. Nhận định mình là kẻ trí hay người ngu:
– Mình thích nghe Pháp, tu tập, phận sự, (Phật tử câu lạc bộ Cúc Vàng đã bạch xong 49 ngày phát nguyện tu Lục Hòa thì quán thêm: thực hành lục hòa,) tức mình thích mình là người trí.
– Mình lười biếng, không thích nghe Pháp, (Phật tử câu lạc bộ Cúc Vàng đã bạch xong 49 ngày phát nguyện tu Lục Hòa thì quán thêm: không thích thực hành lục hòa,) tức là mình thích mình trở thành kẻ ngu.

5. Phát khởi tâm tinh tấn để trở thành bậc có trí tuệ.

Đề mục quán:

1. Kiểm tra lại tính ham học, ham thành tựu của mình có hay chưa; nếu có thì nhiều hay ít.

2. Kiểm tra tính nhận thầy, kính thầy, thỉnh học của mình có hay chưa.

3. Kiểm xem khi học có chuyên nhất cầu tài không, hay là trước ham, sau chán.

4. Phát khởi sự hổ thẹn với tâm bất thiện cản trở thiện pháp của mình (lười tu học, không nghĩ đến giải thoát; không kính thầy, thỉnh Pháp; không chuyên nhất kiên trì để cầu tài, cầu thành công). Từ đó:
– Phát khởi tâm ham thích, ham học, ham thành tựu;
– Phát khởi tâm yêu kính thầy, thỉnh thầy dạy cho mình, cung phụng thầy để cầu tài.
– Phát khởi tâm kiên nhẫn, kiên trì để thành tựu cho mình.

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Đối với năm giới, thập thiện, mình có vui thích thực hành không? Mình còn không tinh tấn ở giới điều, thiện pháp nào: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đôi chiều, không nói lời hung ác, không tham lam, không sân giận, không si mê?

2. Quán chiếu:
– Đối với tứ vô lượng tâm bình đẳng (từ, bi, hỷ, xả), mình đã biết thực hành, chăm chỉ thực hành chưa?
– Đối với việc tu giới, tập thiền đã biết tu chưa? Nếu rồi, thì đã chăm chỉ hay còn giải đãi?

3. Phát tâm tinh tấn thực hành giới: bố thí, buông xả; tập quán chiếu, tư duy thiền quán, thiền định để học theo hạnh Bồ tát cầu Vô thượng Bồ đề, thành tựu biện tài, giáo hóa chúng sinh.

Nội Dung Quán Của Điều Giác Ngộ Thứ Sáu:

Đề mục quán:

1. Quán chiếu về sự nghèo vật chất của mình trong hiện tại.

2. Quán chiếu tâm ham muốn vật chất của mình trong hiện tại.

3. Quán chiếu: Tâm ham muốn đó đã tạo tác các nghiệp ác, hành vi bất thiện gì?

4. Quán nhân quả khổ, sự đọa lạc của hành vi ác đã tạo do tâm ham muốn vật chất.

Đề mục quán:

1. Quán nhân quả để dẹp trừ tham cầu bằng các hành vi ác.

2. Quán nhân quả để giải trừ tâm oán trách, hờn giận.

3. Quán nhân quả để dẹp trừ các duyên ác.

4. Quán nhân quả để ra khỏi hội chúng oán hận, ác nghiệp của kẻ nghèo khổ.

5. Phát khởi tâm tinh tấn bố thí; phát khởi tâm tự tại với hiện tại.

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Khi giúp người, mình có tâm cầu lợi, cầu danh không?

2. Quán chiếu: Khi giúp người, mình có tâm coi thường không?

3. Quán chiếu: Khi giúp người xong, mình có tâm, có hành động sai sử người như kẻ nô bộc không?

4. Quán chiếu: Khi người vô ơn với mình, mình có sân hận nhiều hay ít?

5. Quán chiếu: Khi có người vô ơn với mình, mình có tìm cách hủy hoại khiến người đó đau khổ không?

6. Quán chiếu: Khi người vô ơn và còn ác hại mình, mình có phát lời nguyền rủa, thề nguyền báo thù không?

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Trong đạo tràng, mình còn phân biệt và gây bè phái không?

2. Quán chiếu: Trong các mối quan hệ, mình còn nhiều tâm bè phái, ác hại người không?

3. Phát tâm sám hối với hạnh bố thí của Bồ tát và phát nguyện học theo hạnh bố thí của các Ngài.

Nội Dung Quán Của Điều Giác Ngộ Thứ Bảy:

Đề mục quán:

1. Phật tử câu lạc bộ Cúc Vàng đã bạch xong 49 ngày phát nguyện tu Lục Hòa thì quán: Phát nguyện tinh tấn thực hành lục hòa để gieo hạt giống bố thí bình đẳng của Bồ tát.

2. Tư duy về cạm bẫy của tiền tài đối với mình từ trước tới nay: Từng bẫy người và bị sa bẫy như thế nào?

3. Tư duy về cạm bẫy của tham sắc đối với mình từ trước tới nay: Từng bẫy người và bị sa bẫy như thế nào?

4. Tư duy về cạm bẫy của âm thanh đối với mình từ trước tới nay: Từng bẫy người và bị sa bẫy như thế nào?

5. Tư duy về cạm bẫy của hương đối với mình từ trước tới nay: Từng bẫy người và bị sa bẫy như thế nào?

6. Tư duy về cạm bẫy của vị đối với mình từ trước tới nay: Từng bẫy người và bị sa bẫy như thế nào?

Đề mục quán:

1. Nhận diện: Hiện tại bị khổ gì do dùng tiền tài bẫy người và bị sa bẫy của tài?

2. Nhận diện: Hiện tại bị khổ gì do dùng sắc bẫy người và bị sa bẫy của sắc?

3. Nhận diện: Hiện tại bị khổ gì do dùng âm thanh bẫy người và bị sa bẫy của âm thanh?

4. Nhận diện: Hiện tại bị khổ gì do dùng hương bẫy người và bị sa bẫy của hương?

5. Nhận diện: Hiện tại bị khổ gì do dùng vị bẫy người và bị sa bẫy của vị?

6. Tư duy về tai họa, sự nguy hiểm của cạm bẫy 5 dục; từ đó, không bẫy người nữa và tỉnh giác hơn trước cạm bẫy của 5 dục.

7. Tư duy về khổ quả luân hồi của 5 dục; từ đó, phát nguyện tinh tấn tu học để giảm trừ tham dục.

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Đối với con đường không có cạm bẫy: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không say sưa, nghiện ngập… mình đã đi trên con đường đó chưa và có đi được đến tận cùng trong cuộc đời này không?

2. Quán chiếu: Đối với con đường không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời ác khẩu, không nói thêu dệt,… mình đã đi trên con đường đó chưa và có đi được đến tận cùng trong cuộc đời này không?

3. Quán chiếu: Đối với con đường ý không tham, ý không hại, ý không từ bỏ con đường tu học Phật Pháp, mình đã đi trên con đường đó chưa và có đi được đến tận cùng trong cuộc đời này không?

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Đối với con đường đoạn trừ tai họa là 8 giới Bát quan trai một tháng một ngày, mình có quyết đi đến cùng của kiếp sống này không?

2. Quán chiếu: Đối với con đường đoạn trừ tai họa là Bát quan trai giới một ngày một đêm, không tham gia chuyện đời, mình đã thực hành tinh nghiêm chưa?
→ Từ đó, cần tư duy trong duyên hiện tại của mình để giữ tinh nghiêm.

3. Quán chiếu: Từ trước tới nay có vì mong muốn giải thoát khỏi luân hồi mà thọ trì Bát quan trai giới không? Nếu chưa được như vậy thì sám hối, phát nguyện thọ trì Bát quan trai giới để thoát luân hồi, cầu Vô thượng Bồ đề.

Nội Dung Quán Của Điều Giác Ngộ Thứ Tám:

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Sự biến hoại già đem đến sự khổ gì cho mình?

2. Quán chiếu: Mình đã bị bệnh khổ thế nào?

3. Quán chiếu: Nếu mình chết ngay bây giờ, mình còn lo lắng, khổ não về vấn đề gì?

4. Quán chiếu: Bao nhiêu kiếp nay, mình đã chịu sự khổ vì sinh từ; từ đó, phát tâm sợ hãi, không mong muốn ở trong luân hồi chịu các sự khổ đó.

5. Quán chiếu: Rộng đến cha mẹ, anh em, chúng sinh đều có các sự khổ giống mình, họ cũng mong muốn thoát ra nhưng không thể được.

6. Khởi tâm mong muốn mình được tinh tấn tu tập để thoát khỏi các sự khổ: Sinh – lão – bệnh – tử.

7. Khởi tâm tinh tấn chuyển tải Phật Pháp, giác ngộ chúng sinh để chúng sinh thoát khỏi khổ sinh tử.

Đề mục quán:

1. Quán khổ “yêu thương phải chia lìa”: Quán về các cảnh đã phải chia lìa và quán tưởng cảnh bây giờ đột ngột người thân chết, chia lìa thì mình khổ não thế nào?

2. Quán khổ “cầu không được”: Quán các khổ về bạn, chồng, con, tài sản,… không được như ý mình.

3. Quán khổ về những lo lắng, buồn phiền: Lo lắng, buồn phiền của mình là khổ; lo lắng, buồn phiền của bố mẹ là khổ;… rộng đến tất cả chúng sinh có lo lắng, buồn phiền là khổ. Nếu bây giờ mọi thứ về bố mẹ, vợ chồng, con cái,… tự nhiên bất bình thường khiến mình lo lắng, buồn phiền, đó là khổ.

4. Khẳng định cuộc đời này thật là khổ; từ thân thể, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ, cho đến tất cả mọi phương diện trong cuộc sống của mình và chúng sinh chẳng có gì là thật vui trong hiện tại; từ đó, phát nguyện tinh tấn tu tập để chuyển hóa khổ, ra khỏi luân hồi.

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Qua việc quyết định từ bỏ cuộc sống xa hoa vì cầu Vô thượng Bồ đề mà xả thân cứu đàn hổ, chúng ta thấy được tâm Bồ đề của các đức Bồ tát vô cùng cao quý.

2. Quán tưởng về tâm cầu Vô thượng Bồ đề của mình thông qua quán tưởng sự từ bỏ tài sản, hạnh phúc ngay hiện tại để cầu Vô thượng Bồ đề của chính mình.

3. Quán tưởng về việc quyết định cắt tay, chảy máu, chịu sự cắn xé đau đớn để thực hành bố thí thân thể cầu Vô thượng Bồ đề của Bồ tát.

4. Quán chiếu về sự tham chấp thân của mình để rõ biết tâm cầu Vô thượng Bồ đề của mình đã chân thật hay chưa.

5. Sám hối và nguyện mong mình được tinh tấn (Phật tử câu lạc bộ Cúc Vàng đã bạch xong 49 ngày phát nguyện tu Lục Hòa thì quán thêm: tinh tấn lục hòa) để có thể phát nguyện Bồ đề chân thật.

Đề mục quán:

1. Quán chiếu: Các Bồ tát có thể tu để nhập Niết Bàn, hưởng an lạc nhưng các Ngài lại phát nguyện cầu Vô thượng Bồ đề hành Bồ tát đạo, cứu khổ cho chúng sinh. Đó là việc thay chúng sinh chịu vô lượng khổ.

2. Quán chiếu: Các bậc Bồ tát kết duyên với chúng sinh bằng cách bố thí thân mạng cho chúng sinh. Đó là việc thay chúng sinh chịu khổ.

3. Quán chiếu: Các bậc Bồ tát vì hạnh phúc giải thoát cho chúng sinh nên làm thầy dạy đạo cho chúng sinh ra khỏi luân hồi. Đó là việc thay chúng sinh chịu khổ.

4. Quán chiếu: Để có được duyên dạy đạo cho mình, các vị Thầy tổ, các bậc thiện tri thức có thể nhiều kiếp đã phải bố thí thân mạng cho mình, có thể chịu nhiều sự ác hại của mình như Đức Phật bố thí cho hổ, Đức Phật chịu sự ác hại của Đề Bà Đạt Đa để độ cho Đề Bà Đạt Đa.

5. Quán chiếu: Các vị Thầy tổ, các bậc thiện tri thức vì mình mà chịu các khổ trong sinh tử để kết duyên với mình và chúng sinh, để cứu mình và cứu chúng sinh.

6. Quán chiếu: Tâm mình đã có ơn với Thầy tổ, các bậc thiện tri thức đúng với sự hy sinh của họ chưa? Mình đã hy sinh được những gì để đền đáp ơn đó?

7. Phát nguyện sẽ tinh tấn thực hành bổn phận của người đệ tử; thực hành lời dạy của Phật, của Thầy tổ, bậc thiện tri thức để cầu Vô thượng Bồ đề.

 

 

31,929 lượt xem
20/04/2022

Bình luận (8)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. B
    B

    BUI THI LOAN

    14/05/2023

    Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

  2. B
    B

    Bui thi loan

    21/04/2023

    Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

  3. Đào Thị Hạnh

    16/03/2023

    Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

  4. T
    T

    Thực hạnh

    16/03/2023

    Bài chia sẻ của Cô thật là hữu ích. Con xin thành kính tri ân Cô. Con cố gắng thực hành những lời chia sẻ thiền quán của Cô trong cuộc sống ạ

  5. N
    N

    Nguyễn thị Tuần

    01/03/2023

    Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Con xin thành kính tri ân Tam Bảo, tri ân Sư Phụ cùng Đại Tăng chùa Ba Vàng và sự sách tấn của Cô chủ nhiệm CLBCV ạ