Thuở xưa, có một nước lớn ở vùng biên cảnh Ấn Độ. Vua nước ấy tên là Hòa Mặc. Nhân dân trong nước chưa từng được pháp hóa vi diệu của Tam Bảo, chỉ biết thờ ngoại đạo Phạm Chí, nghe theo lời dụ hoặc của họ mà thường làm những việc tà ác, sát sinh cúng tế quỷ thần.
Lúc ấy, mẹ vua lâm trọng bệnh nằm liệt trên giường. Vua đã cho mời rất nhiều danh y điều trị, cho đến cầu phù chú nơi các thầy đồng cốt, song trải qua nhiều tháng nhiều năm mà bệnh tình bà vẫn không thuyên giảm. Do đó, vua lại cho mời hai trăm vị Bà-la-môn trong nước vào cung cúng dường, rồi hỏi:
- Thái hậu bệnh nặng đã lâu, trẫm không biết vì nguyên nhân gì? Các vị là những bậc trí tuệ, thông hiểu tướng pháp và thiên văn địa lý, vậy có thấy gì bất ổn xin nói cho trẫm biết.
Các Bà-la-môn trả lời:
- Bệnh của Thái hậu là do tinh tú sai loạn, âm dương bất hòa mà thôi.
Vua hỏi:
- Làm cách nào để có thể giải trừ được?
Các Bà-la-môn thưa:
- Nên lập đàn cầu đảo với núi non, nhật nguyệt, tinh tú. Đàn lễ đặt ở nơi khoảng đất trống sạch sẽ ngoài thành, và phải giết một trăm súc vật đủ loại, hiến một đứa bé để cúng tế trời. Rồi đích thân vua phải tự mình dẫn Thái hậu đến chỗ đó quỳ lạy cầu xin cho Thái hậu khỏi bệnh sống lâu, thì sau đó bệnh sẽ lành.
Vua nghe nói bèn chuẩn bị đúng như lời dặn của các Bà la môn. Vua cho lùa đứa bé và trăm loài voi ngựa bò dê... từ cửa thành phía đông đi ra chỗ đàn lễ để giết tế trời. Dọc đường đi tiếng than khóc, kêu la thảm thiết vang động đất trời!
Đức Thế Tôn đại từ, cứu độ tất cả chúng sinh, thương cho vua Hòa Mặc ngu si quá đáng. Sao lại vì muốn cứu sống một người mà làm ác giết hại bao nhiêu chúng sinh? Cho nên, đức Phật và chúng đệ tử liền đi qua nước đó. Đức Phật gặp vua và các ông Bà-la-môn nơi cửa thành phía đông đang lùa bầy súc vật và đứa trẻ nước mắt đầm đìa, khóc than đi đến. Vua và mọi người từ xa trông thấy Phật uy nghi rực rỡ, hào quang tỏa sáng, như mặt trời mới mọc, như trăng sáng đêm rằm, tất cả tự nhiên đều khởi tâm kính mộ. Đứa bé và đàn súc vật cũng khởi tâm mong được cứu thoát.
Vua liền xuống xe đi đến trước Phật đỉnh lễ rồi quỳ thẳng chắp tay chào hỏi đức Thế Tôn. Phật mời vua ngồi, rồi hỏi:
- Ông định đi đâu?
Vua vòng tay đáp:
- Thái hậu của nước lâm trọng bệnh đã lâu, con cho mời lương y khắp nơi điều trị, cho đến mời đồng cốt chú thuật mà cũng không thuyên giảm. Nay con mang người và súc vật để cúng tế chư thiên, cầu đảo với tinh tú núi sông xin cho mẹ con được hết bệnh, sống lâu khỏe mạnh.
Đức Phật bảo:
- Xin đại vương khéo lắng nghe lời này: Muốn được lúa ăn phải lo cày cấy, muốn được giàu có phải hành bố thí, muốn được sống thọ phải hành từ bi, muốn được trí tuệ phải chuyên học hỏi. Bốn việc này, tùy mình gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Người giàu sang thì không tham bữa ăn của kẻ nghèo hèn. Chư thiên kia ở trong cung điện thất bảo, muốn ăn muốn mặc đều được tự nhiên như ý, lẽ đâu lại bỏ vị ngon ngọt cam lồ thượng vị mà dùng đồ máu thịt tanh hôi? Sự tế tự này là do tà tâm mê chấp, điên đảo cho tà giáo là chính đạo. Giết mạng sống để cầu sống, thật trái với đạo lý quá xa! Giết bao nhiêu sinh mạng để cứu một mạng thì làm sao có chuyện đó.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:
Dầu người sống trăm năm
Siêng phụng thờ quỷ thần
Cúng tế bằng voi ngựa
Chẳng bằng một việc từ.
Lúc đức Phật nói kệ, hào quang rực chiếu khắp đất trời, chúng sinh trong tam đồ bát nạn đều hoan hỉ, được an ổn lợi ích. Vua Hòa Mặc nghe được diệu pháp, tâm trí khai sáng, thấy đạo, lại thấy được hào quang của Phật nên vô cùng hoan hỉ. Thái hậu nghe pháp xong, tinh thần phấn chấn vui vẻ, bệnh tật liền dứt hết. Còn hai trăm vị Bà-la-môn thấy hào quang, lại nghe được kệ dạy nên vô cùng hổ thẹn, thấy được lỗi lầm, ăn năn chừa đổi, xin làm đệ tử Phật. Đức Thế Tôn hứa khả, cho họ xuất gia làm Sa-môn.
Vua và đại thần thỉnh Phật lưu lại nước đó một tháng để được cúng dường. Ông một lòng xin Phật chỉ dạy và đem Chính pháp ra để trị nước. Nhờ đó, nước nhà ngày càng hưng thịnh, muôn dân yên ổn thái bình.
(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Nhất, Phẩm Từ Nhân Thứ 8, Thí dụ 20, tr.92-95, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)
Bình luận (5)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Phạm Thị Thắng Pháp Danh là Thắng Phương Hòa
Hồ Sỹ Thạch PD Thạch Đạo Giác
Chúng con thành kính tri ân Tam Bảo
Nguyễn Thị Nhu
Con xin tri ân Tam Bảo, tri ân trên Sư Phụ cùng Đại Sư Tăng Ni và Cô Chủ nhiệm đã giáo hoá cho chúng con để chúng con có hạnh phúc an vui. Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu.
Ngô chiến
Lê Thị Tuyến