Kinh Cách Hỏi Khi Chọn Pháp Môn Tu Của Bậc Bồ Tát

Tôi nghe như vầy:
Một thời Thế Tôn ở thành Xá Vệ (Savatthi), tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), vườn ông Cấp Cô Ðộc (Anathapindika).
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đến thành Xá Vệ để khất thực.

Có một số đông Tỷ-kheo đến chỗ tôn giả A Nan ở, thỉnh xin được gặp Đức Phật, mong Đức Phật thuyết pháp. Tôn giả A Nan hẹn các thầy Tỳ-kheo hãy đến tịnh thất của Bà-la-môn Ram-ma-ka, sau khi Đức Phật khất thực xong, Tôn giả A Nan sẽ bạch thỉnh Đức Phật về tịnh thất của Bà-la-môn Ram-ma-ka để thuyết Pháp cho các Tỳ-kheo và các Bà-la-môn.

…Rồi Thế Tôn, khất thực ở thành Xá Vệ xong, sau buổi ăn trên con đường đi khất thực trở về, Thế Tôn đi đến tịnh thất của Bà-la-môn Ram-ma-ka và các thầy Tỳ-kheo thỉnh Thế Tôn ngồi lên chỗ đã được soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi Giác Ngộ, khi chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, Ta đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.

Ta đến chỗ A-la-ra Ka-la-ma ở, khi đến xong liền thưa với A-la-ra Ka-la-ma: “Hiền giả Ka-la-ma, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này”. Này các Tỷ-kheo, được nghe nói vậy, A-la-ra Ka-la-ma nói với Ta: “Này Tôn giả, hãy sống (và an trú). Pháp này là như vậy, khiến kẻ có trí, không bao lâu như vị Bổn sư của mình (chỉ dạy), tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú”. Này các Tỷ-kheo, và không bao lâu Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng.

Và này các Tỷ-kheo, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng tọa), và Ta tự cho rằng Ta như kẻ khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.

Này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “A-la-ra Ka-la-ma tuyên bố pháp này không phải chỉ vì lòng tin: “Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, Ta mới an trú”. Chắc chắn A-la-ra Ka-la-ma biết pháp này, thấy pháp này rồi mới an trú”. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta đi đến chỗ A-la-ra Ka-la-ma ở, sau khi đến Ta nói với A-la-ra Ka-la-ma: “Hiền giả Ka-la-ma, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt, và tuyên bố pháp này?” Này các Tỷ-kheo, được nói vậy, A-la-ra Ka-la-ma tuyên bố về Vô sở hữu xứ.

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có A-la-ra Ka-la-ma có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có A-la-ra Ka-la-ma mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có A-la-ra Ka-la-ma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có A-la-ra Ka-la-ma mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có A-la-ra Ka-la-ma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà A-la-ra Ka-la-ma tuyên bố: “Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta an trú”.

Rồi này các Tỷ-kheo, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta đi đến chỗ A-la-ra Ka-la-ma ở, sau khi đến, Ta nói với A-la-ra Ka-la-ma: “Này Hiền giả Ka-la-ma, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?” - “Vâng, Hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy.” - "Này Hiền giả, tôi cũng tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy.” - "Thật lợi ích thay cho chúng tôi, thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt, và tuyên bố, chính pháp ấy Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; pháp mà tôi biết, chính pháp ấy Hiền giả biết; pháp mà Hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!”

Như vậy, này các Tỷ-kheo, A-la-ra Ka-la-ma là Ðạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ”. Như vậy này các Tỷ-kheo, Ta không tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đi đến chỗ Uất Đầu Lam Phất (Uddaka Ramaputta), khi đến xong Ta nói với Uất Đầu Lam Phất: “Hiền giả, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này". Ðược nói vậy, này các Tỷ-kheo, Uất Đầu Lam Phất nói với Ta: “Này Tôn giả, hãy sống (và an trú), pháp này là như vậy, khiến người có trí không bao lâu như vị Bổn sư của mình (chỉ dạy) tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú”. Này các Tỷ-kheo, Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng. Và này các Tỷ-kheo, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí, và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng Tọa), và Ta tự cho rằng Ta như người khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.

Này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Rama tuyên bố pháp này không phải vì lòng tin: “Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta mới an trú”. Chắc chắn Rama thấy pháp này, biết pháp này, rồi mới an trú”. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta đi đến chỗ Uất Đầu Lam Phất ở, sau khi đến Ta nói với Uất Đầu Lam Phất: “Hiền giả Rama, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này?” Này các Tỷ-kheo được nghe nói vậy, Uất Đầu Lam Phất tuyên bố về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có Rama mới có lòng tin. Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Rama mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Rama mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Rama mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Rama mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Rama tuyên bố: “Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, tự an trú”.

Rồi này các Tỷ-kheo, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta đi đến chỗ Uất Đầu Lam Phất ở, sau khi đến, Ta nói với Uất Đầu Lam Phất: “Này Hiền giả Rama, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?” - “Vâng Hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy.” - "Này Hiền giả, tôi cũng đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy.” - "Thật lợi ích thay cho chúng tôi! Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi, tự tri tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính pháp ấy Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; pháp mà tôi biết, chính pháp ấy Hiền giả biết; pháp mà Hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, Tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!”

Như vậy, này các Tỷ-kheo, Uất Đầu Lam Phất là Ðạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tôn kính pháp ấy và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.

Này các Tỷ-kheo, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước Ma Kiệt Đà (Magadha) và đến tại tụ lạc Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela). Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn”. Và này các Tỷ-kheo, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: “Thật là vừa đủ để tinh tấn”.

…rồi Đức Phật tuần tự thuyết về sự chứng đạt giác ngộ, thuyết về nhân duyên Phạm thiên Sa-ham-pa-ti thỉnh cầu thuyết giảng chính pháp và thuyết về sự Khai giảng chuyển bánh xe pháp cho nhóm năm Tỷ-kheo.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

(Trích soạn từ: Kinh Thánh Cầu, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt. Xem: Kinh Tạng Nam Truyền, Trung Bộ Kinh, tr.296-319)

-
aa
+
7,421 lượt xem
02/01/2022

Bình luận (4)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
  2. N
    N

    Ngô thị Hương

    13/01/2024
    Chúng con xin cảm niệm tri ân công đức của Chư Phật, tri ân Sư Phụ và đại Tăng chùa Ba Vàng cùng cô chủ nhiệm, tri ân các bậc thiện hữu tri thức
  3. Đ
    Đ

    Đinh thị huê

    13/01/2024
    Con xin tri ân Tam Bảo
  4. Đ
    Đ

    Đoàn Thị Lan

    12/01/2024
    Con xin thành kính tri ân Tam Bảo, tri ân công đức trên Sư Phụ cùng Đại Tăng Ni Chùa Ba Vàng và Cô CN đã dẫn dắt cho chúng con tu tập được nhiều lợi ích ạ.
  5. N
    N

    Nguyễn Thị Hải Yến

    24/12/2022
    Bài kinh thật thấm cho con bài học về sự giác ngộ.