Phẩm “Trì" thứ mười ba
1. Lúc bấy giờ, ngài Dược Vương Đại Bồ Tát và ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ Tát Ma-ha-tát cùng chung với quyến thuộc hai muôn vị Bồ Tát đều ở trước Phật nói lời thệ rằng: “Cúi mong Đức Thế Tôn chớ lo, sau khi Phật diệt độ chúng con sẽ phụng trì đọc tụng nói Kinh điển này, đời ác sau, chúng sanh căn lành càng ít, nhiều kẻ tăng thượng mạn tham lợi dưỡng cúng dường, thêm lớn căn chẳng lành, xa lìa đạo giải thoát, dầu khó có thể giáo hóa, chúng con sẽ khởi sức nhẫn lớn đọc tụng Kinh này, thọ trì giải nói biên chép, dùng các món cúng dường cho đến chẳng tiếc thân mạng”.
2. Lúc đó, trong chúng có năm trăm vị A-la-hán đã đặng thọ ký đồng bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng con cũng tự thệ nguyện ở nơi cõi khác rộng nói Kinh này”.
Lại có bậc học và vô học tám nghìn người đã đặng thọ ký đồng từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về phía Phật nói lời thệ rằng : “Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ ở cõi khác rộng nói Kinh này. Vì sao? - Vì người trong nước Ta-bà nhiều điều tệ ác, ôm lòng tăng thượng mạn, công đức cạn mỏng, giận hờn, dua vạy tâm không chơn thật”.
3. Khi đó, dì của Phật là bà Đại Ái Đạo Tỳ-kheo-ni cùng chung với bậc “Học” và “Vô học” Tỳ-kheo-ni sáu nghìn người đồng từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt chẳng tạm rời.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Kiều Đàm Di: “Cớ chi có sắc buồn mà nhìn Như Lai, tâm ngươi toan cho rằng Ta chẳng nói đến tên ngươi, để thọ ký thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư?”
Kiều Đàm Di! Ta trước tổng nói tất cả Thanh-văn đều đã được thọ ký, nay ngươi muốn biết thọ ký đó, đời tương lai sau ngươi sẽ ở trong pháp hội của sáu muôn tám nghìn ức Đức Phật làm vị đại Pháp sư và sáu nghìn vị “Học” “Vô học” Tỳ-kheo-ni đều làm Pháp sư. Ngươi lần lần đủ đạo hạnh Bồ Tát như thế sẽ đặng thành Phật hiệu là Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.
Kiều Đàm Di! Đức Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Phật đó và sáu nghìn Bồ Tát tuần tự thọ ký đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ, mẹ của La Hầu La là bà Gia Thâu Đà La Tỳ-kheo-ni nghĩ rằng: “Thế Tôn ở nơi trong hội thọ ký riêng chẳng nói đến tên tôi”.
Phật bảo bà Gia Thâu Đà La: “Ngươi ở đời sau trong pháp hội của trăm nghìn muôn ức Đức Phật, tu hạnh Bồ Tát, làm vị đại Pháp sư, lần lần đầy đủ Phật đạo, ở trong cõi Thiện Quốc sẽ đặng thành Phật, hiệu là Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Phật sống lâu vô lượng vô số kiếp”.
Lúc đó, bà Đại Ái Đạo Tỳ-kheo-ni và bà Gia Thâu Đà La Tỳ-kheo-ni cùng cả quyến thuộc đều rất vui mừng đặng việc chưa từng có, liền ở trước Phật mà nói kệ rằng:
Đấng Thế Tôn Đạo Sư
Làm an ổn trời, người
Chúng con nghe thọ ký
Lòng an vui đầy đủ.
Các vị Tỳ-kheo-ni nói kệ đó rồi, bạch Phật rằng: “Chúng con cũng có thể ở cõi nước phương khác rộng tuyên nói Kinh này”.
4. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhìn tám mươi muôn ức na-do-tha vị đại Bồ Tát, các vị Bồ Tát đó đều là bậc Bất thối chuyển, chuyển Pháp luân bất thối, đặng các pháp Tổng trì, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật một lòng chắp tay mà nghĩ rằng: “Nếu Đức Thế Tôn dạy bảo chúng ta nói Kinh này, thời chúng ta sẽ như lời Phật dạy, rộng tuyên nói pháp này”.
Các vị đó lại nghĩ: “Nay Đức Phật yên lặng chẳng thấy dạy bảo, chúng ta phải làm thế nào?”.
Lúc đó, các vị Bồ Tát kính thuận ý của Phật, và muốn tự thỏa mãn bổn nguyện, bèn ở trước Phật nói lớn tiếng mà phát lời thệ rằng: “Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con đi giáp vòng qua lại khắp mười phương thế giới hay khiến chúng sanh biên chép Kinh này, thọ trì, đọc tụng, giải nói nghĩa đó, nghĩ nhớ chơn chánh, đúng như pháp mà tu hành, như thế đều là sức oai thần của Phật. Cúi mong Đức Thế Tôn ở phương khác xa giữ gìn cho”.
Tức thời các vị Bồ Tát đều đồng tiếng mà nói kệ rằng:
5.- Cúi mong Phật chớ lo
Sau khi Phật diệt độ
Trong đời ác ghê sợ
Chúng con sẽ rộng nói.
Có những người vô trí
Lời ác mắng rủa thảy
Và dao gậy đánh đập
Chúng con đều phải nhẫn.
Tỳ-kheo trong đời ác
Trí tà lòng dua vạy
Chưa được nói đã được
Lòng ngã mạn dẫy đầy,
Hoặc người mặc áo nạp
Lặng lẽ ở chỗ vắng
Tự nói tu chơn đạo
Khinh rẻ trong nhân gian
Vì ham ưa danh lợi
Nói pháp cho bạch y
Được người đời cung kính
Như lục thông La-hán
Người đó ôm lòng ác
Thường nghĩ việc thế tục
Giả danh “A luyện nhã”
Ưa nói lỗi chúng con
Mà nói như thế này
Các bọn Tỳ-kheo này
Vì lòng tham lợi dưỡng
Nói luận nghĩa ngoại đạo
Tự làm kinh điển đó
Dối lầm người trong đời
Vì muốn cầu danh tiếng
Mà giải nói Kinh đó
Thường ở trong đại chúng
Vì muốn phá chúng con
Đến Quốc vương, quan lớn
Bà-la-môn, Cư sĩ
Và chúng Tỳ-kheo khác
Chê bai nói xấu con
Đó là người tà kiến
Nói luận nghĩa ngoại đạo
Chúng con vì kính Phật
Đều nhẫn các ác đó.
Bị người đó khinh rằng
Các người đều là Phật
Lời khinh mạn dường ấy
Đều sẽ nhẫn thọ đó.
Trong đời ác kiếp trược
Nhiều các sự sợ sệt
Quỷ dữ nhập thân kia
Mắng rủa hủy nhục con
Chúng con kính tin Phật
Sẽ mặc giáp nhẫn nhục
Vì để nói Kinh này
Nên nhẫn các việc khó,
Con chẳng mến thân mạng
Chỉ tiếc đạo Vô thượng.
Chúng con ở đời sau
Hộ trì lời Phật dặn
Thế Tôn tự nên biết
Tỳ-kheo ác đời trược
Chẳng biết Phật phương tiện
Tùy cơ nghi nói pháp
Châu mày nói lời ác
Luôn luôn bị xua đuổi
Xa rời nơi chùa tháp
Các điều ác như thế
Nhớ lời Phật dặn bảo
Đều sẽ nhẫn việc đó.
Các thành ấp xóm làng
Kia có người cầu pháp
Con đều đến chỗ đó
Nói pháp của Phật dặn.
Con là sứ của Phật
Ở trong chúng không sợ
Con sẽ khéo nói pháp
Xin Phật an lòng ở
Con ở trước Thế Tôn
Mười phương Phật đến nhóm
Phát lời thệ như thế
Phật tự rõ lòng con.
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
QUYỂN THỨ TƯ
Ôm châu đi làm thuê mướn, đặng chút ít cho là đủ. Nơi cao nguyên đào giếng, chí cầu suối sâu. Tháp báu vọt lên giáo hóa tròn khắp. Nhơn cùng quả đồng nói, pháp mầu ý khẩn cầu.
Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần)
Năm trăm đệ tử thọ ký chứng quả Phật. Tháp Phật Đa Bửu vọt ra trước, ngài Nhạo Thuyết hỏi căn nguyên. Vì pháp cầu thầy hiền, nghe diễn Kinh Diệu Liên.
Nam mô Quá Khứ Đa Bửu Phật. (3 lần)
-- HẾT QUYỂN THỨ TƯ--
>>> Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển thứ năm - Phẩm “An lạc hạnh" thứ mười bốn
SỰ TÍCH TỤNG ĐỀ KINH
MÌNH VÀ NGƯỜI ĐỀU THOÁT KHỔ
Quận Phùng Dực, có ông Lý Sơn Long làm chức Tả Giám môn Hiệu úy, trong niên hiệu Võ Đức bệnh chết, mà trên ngực khoảng bằng bàn tay không lạnh, người nhà chưa nỡ tẩn liệm. Đến ngày thứ bảy sống lại thuật rằng: “Đương lúc chết có người bắt dẫn đến một dinh quan rất hùng tráng rộng lớn. Trong sân có bọn tù vài nghìn người, hoặc mang gông, hoặc xiềng xích đều đứng xây mặt về hướng Bắc, chật cả sân.
Quân hầu dắt Sơn Long đến dưới dinh. Có một vị Thiên Quan ngồi giường cao kẻ hầu hạ nghi vệ như hàng vua chúa. Sơn Long hỏi quân hầu: “Quan nào đó?” - Quân hầu đáp: “Vua đấy”. Sơn Long đến dưới thềm - Vua hỏi: “Người thuở bình sanh làm phước nghiệp gì?” Sơn Long thưa: “Mỗi lần người trong làng thiết lập trai đàn giảng Kinh tôi thường thí của vật đồng với người”. - Vua lại hỏi: “Còn tự thân người làm phước nghiệp gì?” – Sơn Long thưa: “Tôi tụng thuộc Kinh Pháp Hoa hai quyển”. Vua nói: “Rất hay! Được lên thềm”. Ông Sơn Long đã lên trên nhà thấy phía Đông Bắc có một tòa cao giống như tòa diễn giảng. Vua chỉ tòa nói với Sơn Long rằng: “Nên lên tòa này tụng Kinh”. Sơn Long vâng lệnh đến bên tòa. Vua liền đứng dậy nói: “Thỉnh ngài Pháp sư lên tòa”. Sơn Long lên tòa xong. Vua liền xây về phía tòa mà ngồi. Sơn Long khai Kinh tụng rằng: “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Tự phẩm đệ nhứt”. Vua nói “Thỉnh Pháp sư thôi”. Sơn Long liền thôi, xuống tòa lại đứng dưới thềm. Đoái xem trong sân, bọn tù nhơn vừa rồi không còn một người. Vua bảo Sơn Long rằng: “Phước đức tụng Kinh của ông chẳng những là tự lợi, nhẫn đến làm cho bọn tù trong sân nhơn nghe đề Kinh Pháp Hoa mà đều đặng thoát khổ, há chẳng hay lắm thay! Nay tha ngươi trở về”.
Sơn Long lạy từ. Đi đặng vài mươi bước, vua kêu trở lại rồi bảo quân hầu: “Nên dắt người này đi xem các ngục”.
Quân hầu liền dắt Sơn Long đi qua phía Đông hơn trăm bước, thấy một thành bằng sắt rất rộng lớn, trên có mái trùm kín. Quanh thành có nhiều lỗ nhỏ, thấy các nam nữ từ dưới đất bay vào trong lỗ liền chẳng trở ra. Sơn Long lấy làm lạ hỏi quân hầu – Đáp: “Đây là đại địa ngục, trong đó nhiều lớp phân cách theo tội riêng khác. Các người đó đều theo nghiệp dữ của mình đã tạo. Vào ngục chịu khổ” – Sơn Long nghe nói xong buồn sợ xưng “Nam mô Phật”, xin quân hầu dắt ra. Đến cửa viện thấy một vạc lớn lửa mạnh nước sôi, bên vạc có hai người ngồi ngủ. Sơn Long hỏi đó. Hai người đáp: “Tôi bị tội báo vào vạc nước sôi này. Nhờ hiền giả xưng Nam mô Phật cho nên các người tội trong ngục đều đặng một ngày nghỉ mệt, nên chúng tôi ngủ”. Sơn Long lại xưng “Nam mô Phật”.
Quân hầu đưa Sơn Long về nhà, thấy hàng thân thuộc đang khóc, sắm sửa những đồ tẫn liệm. Sơn Long vào đến bên thây thời liền sống lại.
Chuyện trên đây là chính ông Lý Sơn Long nói với chủ chùa Tổng Trì. Chủ chùa thuật lại với tôi,
(Rút trong bộ “Minh-báo-ký”)
“Nhiệm mầu thay Kinh Pháp Hoa! Người tụng trì được công đức, ngoài Phật ra không ai có thể nghĩ lường được. Đọa địa ngục, vì tội nghiệp nặng lên tòa vừa khai tụng đề Kinh mà cả mấy ngàn tù nhơn dưới sân đều thoát khổ. Thoát khổ là bởi tội nghiệp tiêu. Tội nghiệp nặng mà tức khắc tiêu tan, nếu không phải công đức rộng lớn quyết không thể đặng. Nghe đề Kinh Pháp Hoa mà công đức còn lớn dường ấy, huống là người trì tụng đề Kinh, huống là người trì tụng một phẩm, một quyển đến toàn bộ, nhẫn đến người giải nói, biên chép, ấn tống. Ông Sơn Long được thoát ngục, được vua trọng, được quân hầu kính, phải chăng là do oai lực của Kinh Pháp Hoa. Ta đối với Kinh Pháp Hoa, thật nên chí thành đảnh đới, thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, ấn tống, nếu ta có chí tự thoát khổ và thoát khổ cho người.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Đời Diêu Tần Ngài Tam Tạng Pháp sư CƯU MA LA THẬP vưng chiếu dịch
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.