Cách hướng tâm để có phước báo khi tu tập, sớt bát cúng dường trong tuần báo Tứ trọng ân

Tứ trọng ân là bốn ân đức cao tột Đức Phật đã dạy mà chúng ta nên thực hành để có lợi ích. Trong tuần lễ tu tập báo Tứ trọng ân - Ân quốc gia, xã tắc, các Phật tử trong CLB Cúc Vàng đã phát nguyện tu tập theo lời Đức Phật dạy trong bài kinh “Bảy pháp khiến đất nước không bị diệt vong” và thực hành theo pháp thứ 7 trong bài kinh là sớt bát cúng dường chư Tăng, hộ trì Tam Bảo. Để các Phật tử thực hành đúng Pháp và được tăng trưởng công đức phước báu khi tu tập, sớt bát cúng dường, Cô Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) đã có những lời chia sẻ, sách tấn.

Cách hướng tâm tu tập, tụng kinh, cúng dường sớt bát

Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo…”. Trong nhà Phật, việc chỉnh sửa tâm ý của mình rất quan trọng. Cùng một việc làm nhưng với tâm ý khác nhau thì kết quả sẽ khác nhau. Trong chương trình tu tập, hồi hướng phước báu cầu nguyện cho đất nước được thái hòa lần này, Cô chủ nhiệm đã hướng dẫn cho các Phật tử cách hướng tâm, chỉnh sửa ý niệm cho đúng để tăng trưởng được nhiều phước báu nhất:

co-chu-nhiem-trong-le-sot-bat
Cô chủ nhiệm Phạm Thị Yến trong buổi lễ sớt bát cúng dường đầu tiên của chương trình báo Tứ Trọng Ân
# Hướng tâm biết ơn - nhớ đến những người đã nằm xuống

Cô Phạm Thị Yến nhắc nhở khi tu tập theo chương trình, chúng ta cần hướng tâm tri ân, nghĩ tới vua, quan, tướng lĩnh, nhân dân,... đã bỏ mạng vì công cuộc giữ nước, dựng nước. Để bảo vệ chủ quyền của dân tộc, giữ gìn bờ cõi của nước nhà, biết bao con người đã anh dũng hy sinh thân mình “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” cho thế hệ chúng ta hôm nay được hưởng nền hòa bình. Cũng từ sự hy sinh của ông cha nên ngày hôm nay Phật tử được an ổn tu tập trong chính Pháp của Phật.

# Tâm nhàm chán, sợ hãi đối với việc đất nước bị bại vong

Nhìn lại lịch sử trong 75 năm qua, dù đất nước đã trải qua bao thăng trầm để có được nền độc lập, tự do dân tộc thì sự kiện hơn hai triệu đồng bào chết đói năm 1945 vẫn còn hằn in trong tâm thức của nhiều người. Vì sự cai trị và bóc lột của giặc ngoại xâm, mà nền kinh tế kiệt quệ, con người đói khổ; không những thế, chiến tranh còn khiến bao gia đình ly tán, mất mát đau thương mà không ai mong muốn điều đó. Được sống trong hòa bình, chúng ta mong cầu đất nước được thái hòa, không còn một cuộc chiến nào sẽ xảy ra trên đất nước, trên thế giới nữa. Đó cũng chính là cách hướng tâm thứ hai mà Cô Phạm Thị Yến hướng dẫn cho các Phật tử thực hành.

# Hướng tâm từ bi do giác ngộ lời Phật dạy

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Tâm từ bi là giác ngộ về duyên sinh của bảy pháp khiến đất nước không bị diệt vong”. Là người đệ tử Phật, để đất nước được hòa bình, hưng thịnh thì chính chúng ta cần tinh tấn thực hành đúng lời Phật dạy trong bài kinh “Bảy pháp khiến đất nước không bị diệt vong”. Đối với pháp thứ nhất, Phật tử cùng nhau tu pháp lục hòa kính, sách tấn nhau theo thiện pháp trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống: gia đình, xã hội, tu tập thiện tâm hoá giải nghiệp cũ. Trong pháp thứ hai, Phật tử mỗi người một nhân duyên đang tham gia các công tác xã hội, sách tấn nhau thực hành đúng bổn phận theo thiện pháp, thiện tâm. Với pháp thứ ba, chúng ta giữ trọn giới “không trộm cắp”, khuyên bảo người, dạy dỗ con cháu không trộm cắp. Trong pháp thứ tư, chúng ta giữ giới “không tà dâm”, khuyên bảo người, dạy dỗ con cháu không tà dâm. Ở pháp thứ năm, Phật tử thực hành hiếu hạnh, khuyên người hiếu hạnh, dạy dỗ con cháu hiếu hạnh; Phật tử tôn kính Sư trưởng, vâng lời Sư trưởng thực hành lời Phật dạy: bỏ ác làm lành, giữ giới, chăm chỉ học và thực hành lời Phật dạy. Đối với pháp thứ sáu, Phật tử chăm chỉ lao động lo cho gia đình đúng bổn phận theo lời Phật dạy trong bài kinh “Làm giàu”. Cuối cùng, ở pháp thứ bảy, Phật tử như pháp cúng dường tứ sự hộ trì Tam Bảo.

# Tâm hổ thẹn

Cô Phạm Thị Yến cũng chia sẻ: “Nếu mình không có tâm báo ơn, không thực hành việc báo ơn, mình hổ thẹn với cha ông đi trước. Nếu mình không thực hành báo ân, mình hổ thẹn với Phật vì không vâng lời Phật dạy, không trau dồi tâm trí. Hổ thẹn với gia đình vì mình biết đây là nhân lành lớn, lợi ích lớn cho mọi người trong thiện nhân quả, đây là nguồn sinh phúc mà mình lười biếng không thực hành”. Hôm nay, được sống trong nền hòa bình là nhờ công ơn của bao người đánh đổi xương máu để lấy lại nền độc lập. Trở thành một người giỏi giang là nhờ công ơn giáo dưỡng của cha mẹ, thầy cô. Có được chính kiến tu tập là nhờ vào sự giáo dưỡng nơi Thầy Tổ. Có được thành quả này là nhờ công ơn của biết bao người, nếu chúng ta không nhớ đến những ân đức ấy đã giúp ta có được ngày hôm nay thì thật sự đáng hổ thẹn.

# Phát khởi tâm tinh tấn thực hành lời Phật dạy

Cô Phạm Thị Yến giải thích: “Từ các tâm biết ơn, tâm nhàm chán sợ hãi chiến tranh, tâm giác ngộ, từ bi, tâm hổ thẹn đó, chúng ta phát khởi tâm tinh tấn thực hành bảy pháp để thành tựu được sự nguyện mong đất nước được thái hòa, đạo pháp được hưng thịnh”. Trong bài kinh “Bảy pháp khiến đất nước không bị diệt vong”, Đức Phật dạy rằng, nước Việt-kỳ tuy nhỏ bé, nhưng nếu nước Ma-kiệt-đà đem quân sang đánh thì cũng không thể thắng được; bởi nhân dân nước Việt-kỳ thực hành các pháp mà Phật đã dạy. Qua đó, chúng ta thấy lời Đức Phật dạy là chính xác, và chỉ khi thực hành đúng Pháp Phật dạy, chúng ta mới thấy được lợi ích. Do đó, mỗi người Phật tử cần tinh tấn thực hành những lời Phật dạy để đất nước, trú xứ của chúng ta được an ổn, tốt đẹp.

Cách hướng tâm đúng Pháp khi đặt bát cúng dường chư Tăng

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy có ba phần thuộc về người bố thí: “Ở đây, này các Tỳ-kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Đây là ba phần của người bố thí”. 
Trong kinh Đức Phật dạy khi cúng dường muốn được công đức phước báu rộng lớn, thù thắng cần thành tựu ba tâm: trước khi cúng dường, ý được vui lòng; trong khi bố thí thì được tịnh tín, và sau khi cúng dường thì cảm thấy hoan hỷ.

de-tu-phat-cung-duong-muon-thnh-tuu-thi-thanh-tuu-ba-tam-1
Người đệ tử Phật khi cúng dường muốn thành tựu được công đức phước báu rộng lớn cần thành tựu ba tâm như lời Đức Phật dạy
# Hướng tâm trước khi cúng dường

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Trước khi cúng dường chúng ta hướng tâm cho đất nước được hòa bình, hạnh phúc, ai cũng vui lòng về việc đất nước được hòa bình, Phật Pháp được thịnh hưng, nhân dân được an lạc”. Đó là những mong muốn rất thiết thực của người đệ tử Phật với tinh thần báo Tứ trọng ân trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

# Trong khi cúng dường, chúng ta thành kính cúng dường chư Tăng

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Các Phật tử đã được tu học, được chuyển hóa thân tâm, chuyển hóa nghiệp tại chùa cho nên trong khi cúng dường, các Phật tử hoàn toàn tịnh tín với Phật, Pháp, Tăng”. Người đệ tử Phật có lòng tịnh tín đối với Tam Bảo là do chúng ta có lòng tin đối với Đức Phật - bậc Giác ngộ cao quý; lòng tin đối với Pháp do thực hành rốt ráo đúng lời Đức Phật dạy, được kết quả bớt khổ, an vui; và lòng tin đối với Tăng là do chúng ta thấy chư Tăng nghiêm trì tu tập, trì giới phạm hạnh, thực hành đúng giới Pháp, không còn hoài nghi đối với sự thực hành Pháp của chư Tăng. Cho nên trong lúc sớt bát tâm được tịnh tín.

# Hướng tâm sau khi cúng dường, cảm thấy hoan hỷ

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Các Phật tử được chư Tăng hứa khả, thọ nhận vật phẩm cúng dường thì các Phật tử hoan hỷ với ý là cầu nguyện cho đất nước, tịnh tín với chư Tăng nên sau khi cúng dường, các Phật tử rất hoan hỷ”. Với lời chú nguyện của chư Tăng, chúng ta hoan hỷ và tin rằng lời mong cầu cho đất nước thái hòa, nhân dân an lạc, Phật Pháp được hưng thịnh sẽ được thành tựu.

chu-tang-chuc-nguyen
Chư Tăng chúc nguyện lời nguyện cầu đất nước, bình an, nhân dân an lạc, Phật Pháp hưng thịnh của các Phật tử được thành tựu

Qua lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến, mong rằng, quý Phật tử sẽ biết cách hướng tâm đúng Pháp khi tu tập, làm phước, sớt bát cúng dường chư Tăng như lời Đức Phật dạy để được tăng trưởng công đức và phước lành. Từ đó, hồi hướng phước lành này để báo đền ân quốc gia, báo đền Tứ trọng ân được thành tựu, viên mãn.

Các bài nên xem:

-
aa
+
2,903 lượt xem
04/06/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. Ban quản trị

    28/06/2024
    Ban Quản trị và Chủ sở hữu Website Phạm Thị Yến tuyên bố nghiêm cấm và miễn trừ trách nhiệm đối với mọi bình luận, hình ảnh liên quan đến:
    - Chủ quyền của đất nước;
    - Các vấn đề về chính trị;
    - Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
    - Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
    Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.