Như vậy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá-vệ), rừng Jeta (Kỳ-đà), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc), trong am thất cây Kareri (Hoa Lâm). Lúc bấy giờ, số đông các Tỷ-kheo đi khất thực về, sau khi dùng bữa xong, cùng ngồi và tụ họp lại Hoa Lâm viên đường, pháp thoại thuộc về tiền thân được khởi lên: "Đây là tiền thân, đây là tiền thân".
Thế Tôn, với thiên nhĩ thanh tịnh vượt quá loài người nghe được câu chuyện này giữa các Tỷ-kheo. Rồi Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Hoa Lâm viên đường. Khi đến xong, Ngài ngồi trên ghế đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn hỏi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, câu chuyện gì, các người đang ngồi bàn? Câu chuyện gì đã bị gián đoạn giữa các người?
Khi được nói vậy, những Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, chúng con đi khất thực về, sau khi dùng bữa xong, cùng ngồi và tụ họp tại Hoa Lâm viên đường, pháp thoại về tiền thân được khởi lên: "Đây là tiền thân, đây là tiền thân". Bạch Thế Tôn, đó là câu chuyện đang được bàn đến giữa chúng con thời Thế Tôn đến.
- Này các Tỷ-kheo, các người có muốn nghe pháp thoại thuộc về tiền thân không?
- Bạch Thế Tôn, thật là đúng thời; bạch Thiện Thệ, thật là đúng thời để Thế Tôn giảng pháp thoại thuộc về tiền thân. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
....Này các Tỷ-kheo, vậy hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, Thế Tôn giảng như sau:
- Này các Tỷ-kheo, cách đây chín mươi mốt kiếp về trước, Thế Tôn Vipassi bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ra đời ... Phụ Vương Thế Tôn Vipassi, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tên là Bandhuma (Bàn-đầu), mẫu hậu tên là Bandhumati (Bàn-đầu-bà-đề), kinh thành của Bandhuma tên là Bandhumati.
Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy, Bồ-tát Vipassi, sau khi từ giã cảnh giới Đâu-suất thiên, Chánh Niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai. Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi Bồ-tát Vipassi từ giã cảnh giới Đâu-suất thiên, Chánh Niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các vị hoàng tử và dân chúng. Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, không có nền tảng, tối tăm, u ám, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu ấy, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Pháp nhĩ là như vậy.
Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, bốn vị Thiên tử đứng canh gác bốn phương trời và nói: "Không cho một ai, người hay không phải loài người, được hãm hại vị Bồ-tát." Pháp nhĩ là như vậy.
Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát giữ giới một cách hồn nhiên, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống các thứ rượu men, rượu nấu. Pháp nhĩ là như vậy.
Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không khởi dục tâm đối với một nam nhân nào, và không vi phạm tiết hạnh với bất kỳ người đàn ông nào, dầu người này có tâm ái nhiễm đối với bà. Pháp nhĩ là như vậy.
Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát có được năm món dục lạc đầy đủ, tận hưởng, trọn hưởng năm món dục lạc ấy. Pháp nhĩ là như vậy.
Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không bị một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay.
Này các Tỷ-kheo, ví như viên ngọc lưu-ly, thanh tịnh, thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt, khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Rồi một sợi dây được xâu qua viên ngọc ấy, dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt. Nếu có người có mắt để viên ngọc trên bàn tay của mình, người ấy sẽ thấy rõ ràng: "Đây là viên ngọc lưu-ly, thanh tịnh, thuần nhất, có tám cạnh, khéo cắt khéo giũa, trong sáng, không tỳ vết, hoàn hảo trong mọi phương diện. Đây là sợi dây xâu qua, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng lợt". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ-tát không một bệnh tật gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong bào thai của mình vị Bồ-tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay. Pháp nhĩ là như vậy.
...Này các Tỷ-kheo, như vậy Như Lai khéo chứng đạt pháp giới này, Như Lai nhớ chư Phật quá khứ, những vị này đã nhập Niết-bàn, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh các vị này, cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn này, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy".
Thế Tôn thuyết pháp như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
------------
(Trích soạn nguồn: Kinh Đại Bổn (Mahàpadàna sutta) - Việt dịch: HT Thích Minh Châu. Xem: Kinh Tạng Nam Truyền, Trường Bộ Kinh 2, tr. 15-18.)
Bình luận (1)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Bui thi loan
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni