Thuở xưa, có một nước tên là Hiền Đề. Trong nước, có vị trưởng lão Tỳ-kheo thường đau yếu luôn, nằm liệt trên giường, gầy ốm nhơ bẩn. Thế mà, trong tinh xá không có một ai trông nom săn sóc cho ông. Đức Phật dẫn năm trăm vị Tỳ-kheo đến đó, sai các vị ấy chăm nom, nấu cháo cho trưởng lão Tỳ-kheo. Nhưng ai nghe mùi hôi thối của vị ấy đều nhờm tởm không dám đến gần.
Đức Phật sai Đế-thích lấy nước nóng, còn Phật tự tay tắm rửa cho vị Tỳ-kheo ấy. Lúc đó, đại địa rúng động rực rỡ hào quang ai thấy cũng kinh ngạc. Vua và thần dân, thiên long quỷ thần đông đảo vô số đồng đến chỗ Phật đỉnh lễ, bạch rằng:
- Bạch đức Thế Tôn, Ngài là bậc tôn quí trong đời, đầy đủ phước đức trí tuệ trong ba cõi không ai sánh bằng, sao lại hạ mình tắm rửa cho vị Tỳ-kheo già bệnh, thân thể hôi nhơ này?
Đức Phật bảo với vua và chúng hội:
- Như Lai sở dĩ xuất hiện ra đời chính vì những người khổ ách không ai giúp đỡ như thế. Nếu ai cúng dường những Sa-môn đạo sĩ bệnh tật và những người già cả cô độc bần cùng sẽ được phước vô lượng, sở nguyện như ý, như nước năm sông chảy vào biển cả, phước này cũng mênh mông như vậy. Người ấy công đức sẽ dần dần viên mãn rồi được đắc đạo.
Vua bạch với Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn, vị Tỳ-kheo này đời trước gây tạo tội nghiệp gì mà nay phải chịu bệnh khổ, nhiều năm thuốc men mà vẫn không thuyên giảm?
Đức Phật nói với vua:
- Thuở xưa, có một ông vua tên là Ác Hạnh, dùng chính sách nghiêm bạo để trị dân. Ông giao quyền cho một người võ sĩ tên Ngũ Bách lo việc đánh đập tra khảo tù nhân. Ngũ Bách dựa vào oai thế vua mà theo ý riêng tra khảo. Trước khi đánh đập Ngũ Bách đòi lo lót tiền bạc, nếu ai có sẽ được đánh nhẹ, nếu ai không có sẽ bị đánh đập tàn nhẫn. Nhân dân cả nước ai cũng sợ ông. Lúc ấy, có một vị hiền giả bị người vu khống mắc tội, lúc sắp chịu đánh đập tra khảo, người ấy nói với võ sĩ rằng:
- Tôi là đệ tử Phật vốn không có làm điều chi lầm lỗi, chỉ bị người vu oan, xin các ông hãy khoan thứ.
Ngũ Bách nghe nói là đệ tử Phật nên nhẹ tay đánh sớt qua thân. Về sau, Ngũ Bách chết, đọa vào địa ngục chịu đánh đập hành khổ, đến khi báo tận đọa vào súc sinh hơn năm trăm đời đều bị đánh đập hành hạ. Khi hết tội sinh vào loài người thường yếu đuối bệnh hoạn thống khổ.
Vua nước ấy nay chính là Điều Đạt, người võ sĩ Ngũ Bách nay chính là vị Tỳ-kheo bệnh tật này, còn vị hiền giả chính là thân ta. Ta đời trước được ông ấy nhẹ tay đánh không trúng thân, nên đời nay ta đáp lại tự tay tắm rửa cho ông. Người gây tạo thiện ác thì phước họa sẽ theo chân, dầu trải qua bao lần sinh tử vẫn không tránh được.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:
Đánh đập người lương thiện
Vu báng kẻ vô tội
Sẽ mắc mười tai họa
Đến chết cũng không thôi.
Một sống rất khổ sở
Hai thân thể tật nguyền
Ba bệnh tật triền miên
Bốn loạn ý hoảng hốt.
Năm bị người vu báng
Sáu mắc nạn quan nha
Bảy tài sản tan nát
Tám thân thích lìa xa.
Chín nhà cửa tài sản
Bị lửa cháy tiêu tan
Mười là sau khi chết
Phải đọa vào địa ngục.
Lúc đó, vị Tỳ-kheo bệnh nghe Phật kể lại túc mạng và nghe được bài kệ này, tự biết việc làm sai lầm thuở trước nên nhiếp niệm tự trách lấy mình, ngay trước Phật bệnh tật dứt sạch, thân an ý định liền chứng quả A-la-hán. Vua nước Hiền Đề hoan hỉ tin hiểu, xin thọ Ngũ giới làm Phật tử tịnh tín, suốt đời tu hành, đắc được quả Tu-đà-hoàn.
(Trích soạn từ: Kinh Pháp cú thí dụ, Quyển Thứ Hai, Phẩm Đao Trượng Thứ 20, Thí dụ 40, tr.180-183, Việt dịch: Thích Minh Quang, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012)
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.