Kinh Lương Y

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Ba-la-nại, trong vườn Lộc Dã, nơi trụ xứ của các tiên nhân. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn pháp thành tựu gọi là bậc Đại Y Vương, xứng đáng ngôi vị vua, chức phận vua. Những gì là bốn? Thứ nhất là khéo biết bệnh; thứ hai là khéo biết nguyên nhân của bệnh; thứ ba là khéo biết cách đối trị bệnh; bốn là khéo biết trị bệnh để về sau bệnh không còn tái phát nữa.

“Thế nào gọi là lương y khéo biết bệnh? Nghĩa là lương y biết rành các thứ bệnh, đây gọi là lương y khéo biết bệnh.

“Thế nào là lương y khéo biết nguyên do của bệnh? Nghĩa là lương y biết rành bệnh này do gió khởi, do đàm ấm khởi, mũi đã khởi, khí lạnh khởi, do các sự việc hiện tại khởi, do thời tiết khởi; đó gọi là lương y khéo biết nguyên do của bệnh.

“Thế nào là lương y khéo biết cách đối trị bệnh? Nghĩa là lương y biết rành các thứ bệnh, nên thoa thuốc, cho mửa, cho xổ, nên nhỏ mũi, nên xông, nên cho ra mồ hôi. Có các cách đối trị như thế gọi là lương y khéo biết cách đối trị.

“Thế nào là lương y khéo biết trị bệnh rồi về sau bệnh không còn tái phát nữa? Nghĩa là lương y khéo trị tất cả bệnh, khiến rốt ráo dứt trừ, sau này vĩnh viễn không trở lại nữa. Đó gọi là lương y khéo biết trị bệnh không còn tái phát nữa.

“Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác là Bậc Đại Y Vương thành tựu bốn đức, chữa lành bệnh chúng sinh cũng như thế. Những gì là bốn đức? Đó là Như Lai biết đây là Khổ Thánh đế đã biết như thật; đây là Khổ tập Thánh đế đã biết như thật; đây là Khổ diệt Thánh đế đã biết như thật, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã biết như thật.

“Này các Tỳ-kheo! Các lương y thế gian đối trị với cội gốc sinh không biết như thật cách, đối trị cội gốc lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não không biết như thật. Còn Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác là vị Đại Y Vương, biết như thật cách đối trị với cội gốc sinh, lão, tử, ưu, bi, khổ, não. Vì thế nên Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác được gọi là Đại Y Vương.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(Trích Đại Tạng Kinh Việt Nam - kinh Tạp A Hàm Tập 2 - Kinh Số 389)

Dưới đây là lời chúc của Cô Phạm Thị Yến nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02:

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Kính thưa quý đạo hữu, công việc của các thầy thuốc là một công việc cao quý, công việc tạo ra rất nhiều phúc báu vì thực hiện được công đức bố thí vô uý, cứu bệnh khổ, ban an vui. Công đức bố thí vô uý thế gian hữu lậu này tuy không thể sánh được với công đức bố thí vô uý trong đạo giải thoát của chư Phật, nhưng so với các loại phước báu hữu lậu thì đây là loại công đức phước báu vượt trội.
Đức Phật dạy: Bố thí, chăm sóc cho người bệnh khiến cho người bệnh được an ổn và hoan hỷ. Công đức phước báo này, cũng như công đức phước báu cúng dường tới chư Phật.
Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Tâm Chiếu Hoàn Quán xin gửi lời chúc tới tất cả Phật tử trong Câu lạc bộ Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa đang là thầy thuốc nói riêng và toàn thể các thầy thuốc nói chung, thân luôn được khỏe, tâm luôn được vui, dùng y đức bố thí đến cho người bệnh để thành tựu được công đức bố thí vô uý; nhiều đời, nhiều kiếp được hưởng phúc lành và sớm thành Bậc Đại Y Vương, làm lợi ích cho muôn loài.
Cũng nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc, Tâm Chiếu Hoàn Quán cùng với tất cả Phật tử trong CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa xin gửi lời tán thán và tri ân tới tất cả các thầy thuốc đang xả thân vì sự sống của mọi người trên “mặt trận” chống virus Covid-19 nói riêng và trên “mặt trận” y học đem lại sức khỏe, sự sống cho mọi người nói chung.
Xin thành tâm tri ân và tán thán!
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

Bài viết nên xem: 

-
aa
+
1,109 lượt xem
27/02/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ