Bài kinh: Đức Thế Tôn Khen Ngợi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Thuyết Về Trí Nhất Thiết Nguyện Của Bồ Tát

Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật du hóa tại tinh xá nơi khu vườn Kỳ-đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị và một vạn vị Bồ Tát. Bấy giờ, Đức Phật ngồi trên tòa, nơi giảng đường Ca Lợi La, thuyết giảng kinh cho trăm ngàn vô số chúng ngồi giáp vòng chung quanh.

Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, cùng với năm trăm Bồ Tát và các vị trời Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương và quyến thuộc của họ… cùng nhau đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đi nhiễu ba vòng rồi ngồi qua một bên, vâng lời Phật dạy, cùng giảng bày nghĩa lý với Tu Bồ Đề.

...Văn Thù Sư Lợi giảng nói:

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Loài chim bay trong hư không còn sợ sệt gì không?

- Thưa không.

- Này Hiền giả Tu Bồ Đề! Bồ Tát tu ở cõi không, vắng lặng, nghe các pháp mà không sợ sệt, đối với tất cả các pháp cũng không sợ sệt, không có chỗ nghi ngờ vì đã hiểu rõ các pháp ấy. Thế nên, khi nghe thuyết pháp thì không hề sợ hãi, cũng không lo âu và khiếp sợ.

Thưa Hiền giả Tu Bồ Đề! Từ đâu đưa đến nỗi sợ hãi ấy?

- Vì tham chấp nơi thân kiến nên mới có sự sợ hãi ấy.

- Này Tôn giả Tu Bồ Đề! Bồ Tát vì biết rõ sự tham thân ấy, nên đối với tất cả pháp được nói ra đều không sợ, cũng không khiếp hãi.

Lại hỏi:
- Giả sử Bồ Tát hiểu rõ sự vắng lặng, không tham thân thì làm sao đắc đạo?

Văn Thù Sư Lợi đáp:
- Này Hiền giả Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thấy sự đắc đạo khi biết tham thân. Giả sử Bồ Tát thấy đắc đạo mà biết tham thân cho nên không đắc đạo.

Hiền giả Tu Bồ Đề lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi:
- Bồ Tát vì thực hành phương tiện khéo léo lớn nên Bồ Tát thấy tham thân mà không đắc đạo.

Văn Thù đáp:
- Tôn giả Tu Bồ Đề! Bồ Tát nhờ trí tuệ biến hóa khéo léo làm tính chất Thánh cho Bồ Tát, vì thế Bồ Tát biết tham thân thì không đắc đạo. Ví như dùng chiếc rìu bén lớn chặt cây to, từng đoạn, từng đoạn cây bị chặt ra nhưng vẫn ở yên vị trí và liền nhau như cũ, cuối cùng không bị ngã xuống đất. Bồ Tát cũng thế, có trí tuệ quyền xảo khéo léo là bản chất Thánh tuệ, vì thế Bồ Tát biết tham thân là không đắc đạo. Hoặc ví như khi trời mưa lớn, cây cối sinh ra rậm rạp, có cây con, rễ non, cành lá, hoa trái, làm lợi ích cho tất cả mọi loài. Bồ Tát cũng như thế, thực hành đại Từ bi, biết rõ tham thân nên hiện sinh ở nơi ba cõi, với đủ các loại hình tướng, tùy theo sắc thân, dáng dấp của chúng sinh mà làm lợi ích cho họ.

Này Hiền giả Tu Bồ Đề! Ví như có gió to thổi tới, trời đổ mưa lớn, rơi trên các cây cối ấy. Bồ Tát cũng vậy, dùng đại trí tuệ như phóng trận mưa lớn êm dịu, hiện ra ngay nơi cội cây giác ngộ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi:
- Lành thay! Lành thay! Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Đã khéo giảng nói về trí tuệ biến hóa của các Bồ Tát. Đó là tích chất của bậc Thánh mới được như thế, mới nói được pháp hạnh đại Từ, đại Bi. Này Văn Thù Sư Lợi! Hãy lắng nghe ta nói: Ví như có quốc gia đã mạnh lại rộng lớn, mây mù nổi lên bốn phía, phóng đá lửa lớn muốn đốt cháy đất nước ấy. Bao nhiêu cây cỏ có thể bị thiêu đốt, nhưng nếu trời lại mưa lớn, nước xối xuống như trục xe, sẽ làm cho cây cỏ lại được sinh trưởng.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát cũng như thế, sẽ dùng mưa trí tuệ khéo léo biến hóa, hiện ra các phương tiện, nhập vào tất cả kẻ phàm phu ngu muội, dạy dỗ các kẻ mê mờ thực hiện hạnh Hiền thánh. Làm người thừa hành giới luật nơi cõi sinh tử, chỉ bày nghĩa lý khiến cho họ an vui. Ví như có cây hương thơm, mùi thơm của rễ, cây con, cành, lá, hoa, trái, mỗi mỗi đều không giống nhau. Bồ Tát cũng vậy, dùng trí tuệ với bản tánh tự nhiên, tùy vào sự mong cầu của tất cả chúng sinh, tùy theo bản hạnh của họ mà vì họ thuyết pháp, khiến cho họ vui vẻ, tâm trí được mở bày, không bỏ bản chất đại Bi. Ví như viên ngọc ma-ni báu lớn tên Thích-ca-duy-la-ca. Khi Thiên đế Thích mang viên ngọc quý này, ánh sáng của nó bao trùm các thể nữ, nhà cửa, giảng đường, cung điện… tất cả đều thấy ánh sáng trong sạch ấy. Nhưng bản thân viên ngọc sáng to lớn ấy cũng không có sự nhớ nghĩ gì cả. Như vậy, quả trí tuệ sáng suốt, giải thoát, chói sáng của Bồ Tát cũng như ngọc báu minh nguyệt, hiện khắp các sự lợi ích nhưng chẳng bao giờ có sự nghĩ nhớ.

Đức Phật nói:
- Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có viên ngọc báu lớn, tên là Trí nhất thiết nguyện. Tùy theo sự mong muốn của mọi người, viên ngọc ấy đều làm cho đầy đủ và được nhiều lợi ích, nhưng viên ngọc ấy cũng không có sự nhớ nghĩ gì. Bồ Tát cũng như thế, trong sạch như ngọc báu, ban bố cho chúng sinh đầy đủ các điều mong muốn, mà bản thân Bồ Tát không hề có nhớ nghĩ.
Ví như trong hư không có lửa lớn nổi lên, lại có mưa lớn, nhưng cõi hư không ấy không nóng không lạnh. Bồ Tát cũng vậy, ở nơi ngọn lửa ba cõi như ở trong cảnh giới vô vi vắng lặng, không lạnh không nóng. Như trong hư không kia, sinh ra cây độc, rồi lại sinh ra cây thuốc. Cây độc ấy không làm hại hư không, còn cây thuốc ấy làm sạch bất kỳ chỗ nào. Bồ Tát cũng như thế, khéo dùng phương tiện biến hóa nhập vào cây độc, làm cho nó được thành tựu, bằng cách dùng lá, cành của cây thuốc, che chở các gốc, rễ, để các bụi dơ phiền não không vướng vào. Bồ Tát trừ sạch các căn, cũng không có chỗ sạch, nhập đủ hai việc mới không có nhiễm ô. Ví như đồ vật bị rỉ chảy, nhưng khi đắp lại một chỗ làm cho nó không bị rỉ chảy được chỗ đó, ngoài ra những chỗ khác không đắp đều bị rỉ chảy. Bồ Tát cũng như thế, đã luôn ở trong thiền định, đầy đủ thần thông lớn, thì không có những rỉ chảy khác. Có vị đã an trụ, nhưng vẫn hiện ra sự rỉ chảy khác, hiện ra mọi phương tiện phải tùy theo bản tánh của tất cả chúng sinh, từ đó mới thuyết pháp.
Ví như người có tài giữ ngựa giỏi, đã mạnh mà lại có thế lực, biết giữ gìn loài ngựa, không tham tiếc đến thân. Bồ Tát cũng vậy, lập hạnh đại Từ bi mạnh mẽ và có uy lực vượt hơn thế lực khác, để chuyên lo cứu giúp chúng sinh, không hề nghĩ đến thân mình.

(Trích soạn tại quyển Thượng, kinh Văn Thù Sư Lợi Hiện Bảo Tạng, Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi)

-
aa
+
4,055 lượt xem
10/05/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ