Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật du hóa tại tinh xá nơi khu vườn Kỳ-đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị và một vạn vị Bồ Tát. Bấy giờ, Đức Phật ngồi trên tòa, nơi giảng đường Ca Lợi La, thuyết giảng kinh cho trăm ngàn vô số chúng ngồi giáp vòng chung quanh.
Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, cùng với năm trăm Bồ Tát và các vị trời Thích, Phạm, Tứ Thiên vương và quyến thuộc của họ… cùng nhau đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đi nhiễu ba vòng rồi ngồi qua một bên, vâng lời Phật dạy, cùng giảng bày nghĩa lý với Tu Bồ Đề.
... Văn Thù Sư Lợi giảng nói:
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát ở tại nơi ái dục mà không vui trong ái dục. Cũng hiện sự giận dữ nhưng không tạo giận dữ có tác hại. Cũng hiện ra sự ngu si mà không mê lầm tăm tối. Hiện ra hung ác, cứng rắn mà không tạo phiền não. Hiện ra trong ba cõi mà không ở nơi ba cõi ấy, chỉ vì chúng sinh làm bậc thầy dẫn đường chân chánh. Ở trong rối loạn luôn biết thuận theo mà không hoảng hốt. Đối với người cao ngạo vẫn khiêm nhường cung kính. Vì tất cả mọi loài mà làm vơi đi gánh nặng của họ. Chỉ dạy, truyền trao cho tất cả chúng sinh, khiến ngôi Tam Bảo trường tồn. Thành tựu trí ba đạt hiện ra khắp nơi. Đây mới gọi là bậc có tài năng trong pháp Phật.
Tu Bồ Đề hỏi:
– Thưa Nhân giả Văn Thù Sư Lợi! Các pháp đều là như thế, nó cùng với cội nguồn chân như là một thì có tài năng hay chẳng có tài năng, làm sao biết được?
Văn Thù đáp:
– Thưa Hiền giả! Ví như người thợ gốm, dùng một loại đất bùn như nhau để làm các loại đồ vật và cùng chung một lò. Các thứ dùng để chứa sữa đông đặc, hoặc đựng dầu mè, hoặc đựng đường mật, hoặc chứa đồ không sạch… nhưng chất bùn đất ấy vẫn như nhau không khác gì cả.
Như thế, thưa Tôn giả Tu Bồ Đề! Các pháp là đồng đẳng, đều cùng một thể và cội nguồn chân như là một, nhưng vận hành theo duyên khởi thì có sai biệt. Như đồ đựng chất sữa đặc kia dụ cho Thanh văn, Duyên giác. Đồ đựng đường, mật chỉ cho các Bồ Tát. Đồ đựng bất tịnh giống như kẻ phàm phu thấp kém.
– Thưa Nhân giả Văn Thù Sư Lợi! Có thể đem đồ dùng có giá trị mà đựng đồ vô giá trị được không?
Đáp:
– Chúng có thể trở thành đồ vô giá trị.
Hỏi:
– Thưa Nhân giả, vì nguyên nhân gì?
Đáp:
– Thưa Tôn giả Tu Bồ Đề! Vì người ấy thọ tất cả pháp khí của dục trần và trụ ở trong đó. Nếu có thể đoạn các dục trần, thì điều đó chẳng phải là tài năng của pháp Phật. Này Tôn giả Tu Bồ Đề! Tài năng đó không có cao thấp.
– Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Tại sao tài năng đó không có cao thấp?
Đáp:
– Tính chất không có cao, không có thấp, vì pháp đã có chỗ trụ không cao thấp, cho nên đó là pháp khí bền chắc. Giả sử có hạnh cao thấp, thì biết đó là tài năng hủy hoại. Tu Bồ Đề! Ví như hư không chẳng phải là tài năng của tất cả vạn vật, cây thuốc, cây cỏ, lá hoa. Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát là tài năng của tất cả pháp Phật, cũng không có tài năng nào khác. Ví như cây sinh trên đất, tài năng của hư không có thể được hấp thụ, khiến cho cây ấy lớn lên. Như thế, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát phát tâm trong sạch bình đẳng, nhờ vào trí tuệ Ba-la-mật vô cùng mà được nuôi dưỡng lâu dài.
(Trích soạn tại quyển Thượng, kinh Văn Thù Sư Lợi Hiện Bảo Tạng, Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi)
Bình luận
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.