Tôi nghe như vầy:
Một hôm, Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Phật bảo trưởng giả Thủ-ca Đao-đề-da-tử rằng: “Trưởng giả Thủ-ca! Ta sẽ vì ông nói pháp môn thiện ác nghiệp báo sai biệt. Ông phải lắng nghe! Khéo ghi nhớ kĩ!”.
Khi ấy, Thủ-ca liền bạch Phật rằng: “Kính vâng, Thế Tôn! Con ao ước muốn nghe!”.
Phật bảo Thủ-ca: “Tất cả chúng sinh có liên quan với nghiệp, nương tựa nơi nghiệp, theo nghiệp của mình mà lưu chuyển. Do nhân duyên này nên có chia ra thượng, trung, hạ; sai khác nhau chẳng đồng. Hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo mạng sống dài lâu; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo nhiều bệnh tật, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo ít bệnh tật; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo thân thể xấu xí, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo thân thể đẹp đẽ; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo uy thế nhỏ, hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo uy thế lớn; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo dòng họ thấp hèn, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo dòng họ cao quý; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh tiền của ít, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh tiền của nhiều; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo trí tà kiến (thấy biết sai lệch không đúng sự thật, không tin nhân quả), hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo trí chân chánh; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo địa ngục; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo súc sinh; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo ngạ quỷ; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo A-tu-la; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo loài người; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo Trời Dục giới; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo Trời Sắc giới; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo Trời Vô sắc giới; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo quyết định, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo không quyết định; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo sinh nơi biên địa (vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới v.v…), hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo sinh nơi trung quốc (thành phố lớn, thủ đô v.v…); hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo chịu đủ tuổi thọ ở địa ngục, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh chịu quả báo phân nửa tuổi thọ ở địa ngục, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo tạm vào địa ngục liền ra; hoặc có nghiệp làm mà chẳng tập (huân tập), hoặc có nghiệp tập mà không làm, hoặc có nghiệp cũng tập cũng làm, hoặc có nghiệp không làm không tập; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh ban đầu vui sau khổ, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh ban đầu khổ sau vui, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh ban đầu khổ sau khổ, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh ban đầu vui sau vui; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh nghèo cùng mà thích bố thí, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh giàu có mà keo tham (tham lam, bỏn xẻn), hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh giàu có mà hay bố thí, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh nghèo cùng mà keo tham; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được thân vui mà tâm không vui, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được tâm vui mà thân không vui, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được thân tâm đều vui, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh thân tâm đều không vui; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh tuổi thọ tuy hết mà nghiệp không hết, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh nghiệp tuy hết mà tuổi thọ không hết, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh nghiệp và tuổi thọ đều hết, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh nghiệp và tuổi thọ đều không hết mà hay đoạn trừ các phiền não; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh sinh nơi đường ác, hình dáng đẹp lạ, mày mắt đoan trang, màu da tươi sáng, được người thích nhìn; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh sinh nơi đường ác, hình dáng xấu xí, da dẻ thô nhám, người không thích nhìn; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh sinh nơi đường ác, thân miệng hôi thối, các căn khuyết tật (mắt, tai mũi, lưỡi v.v… không trọn vẹn); hoặc có chúng sinh thường làm mười nghiệp ác, bị quả báo xấu hiện ra cảnh bên ngoài; hoặc có chúng sinh thường làm mười nghiệp lành, được quả báo thù thắng hiện ra cảnh bên ngoài.
Lại nữa, Trưởng giả! Nếu có chúng sinh lễ chùa tháp thờ Phật, được mười thứ công đức; dâng cúng lọng báu, được mười thứ công đức; dâng cúng phướn lụa, được mười thứ công đức; dâng cúng chuông linh, được mười thứ công đức; dâng cúng y phục, được mười thứ công đức; dâng cúng chén bát, được mười thứ công đức; dâng cúng thức ăn nước uống, được mười thứ công đức; dâng cúng giày dép, được mười thứ công đức; dâng cúng hương hoa, được mười thứ công đức; dâng cúng đèn sáng, được mười thứ công đức; cung kính chắp tay, được mười thứ công đức. Đó gọi là lược nói pháp môn Các nghiệp sai biệt ở thế gian”.
Phật bảo Thủ-ca:
“Có mười thứ nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi: Một là tự làm việc sát sinh; hai là khuyên người khác sát sinh; ba là khen ngợi phương pháp giết hại; bốn là thấy giết hại sinh tâm vui theo; năm là đối với những người mình oán ghét, muốn khiến họ bị tiêu diệt; sáu là thấy người mình oán ghét bị tiêu diệt rồi, sinh tâm vui mừng; bảy là phá hoại bào thai của người (phá thai); tám là dạy người tự hủy hoại (thân mình); chín là xây dựng lò giết mổ, sát hại chúng sinh; mười là dạy người gây chiến tranh, giết hại lẫn nhau. Do mười nghiệp này mà bị quả báo mạng sống ngắn ngủi.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo mạng sống lâu dài: Một là tự mình không sát sinh; hai là khuyên người không sát sinh; ba là khen ngợi việc không sát sinh; bốn là thấy người khác không sát sinh, tâm sinh vui mừng; năm là thấy người bị giết, tìm cách cứu thoát; sáu là thấy người sợ chết, an ủi tâm họ; bảy là thấy người sợ hãi, bố thí sự không sợ hãi; tám là thấy người bị các thứ khổ, khởi tâm thương xót; chín là thấy người đang được cấp cứu, khởi tâm đại bi; mười là dùng các thức uống ăn bố thí cho chúng sinh. Do mười nghiệp này mà được quả báo mạng sống lâu dài.
Lại có mười nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo nhiều bệnh tật: Một là vui thích đánh đập tất cả chúng sinh; hai là khuyên người khiến đánh đập; ba là khen ngợi việc đánh đập; bốn là thấy người bị đánh đập, tâm sinh vui mừng; năm là não loạn cha mẹ, khiến họ sinh tâm lo buồn; sáu là não loạn Hiền Thánh; bảy là thấy kẻ thù bệnh khổ, tâm sinh hoan hỷ; tám là thấy kẻ thù hết bệnh, tâm sinh không vui; chín là với kẻ oán thù bị bệnh, cho thuốc điều trị khiến họ không hết; mười là ăn đêm không tiêu, lại ăn thêm nữa. Do mười nghiệp này mà bị quả báo nhiều bệnh tật.
Lại có mười nghiệp khiến chúng sinh được quả báo ít bệnh tật: Một là không thích đánh đập tất cả chúng sinh; hai là khuyên người khác không đánh đập; ba là khen ngợi việc không đánh đập; bốn là thấy người không đánh đập, tâm sinh hoan hỷ; năm là cúng dường cha mẹ và những người bệnh tật; sáu là thấy Hiền Thánh bệnh, bèn chăm sóc cúng dường; bảy là thấy người oán thù hết bệnh, tâm sinh hoan hỷ; tám là thấy người bệnh khổ, bố thí thuốc hay, cũng khuyên người khác giúp đỡ; chín là chúng sinh bệnh khổ, khởi tâm thương xót; mười là đối với các thức uống ăn, hay tự tiết chế. Do mười nghiệp này mà được quả báo ít bệnh tật.
Lại có mười nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo xấu xí: Một là thích khởi sân hận; hai là thích nuôi dưỡng lòng oán hận; ba là làm mê hoặc để lừa gạt người; bốn là làm não loạn chúng sinh; năm là tâm không yêu kính cha mẹ; sáu là không sinh cung kính đối với Hiền Thánh; bảy là chiếm đoạt ruộng vườn nuôi sống Hiền Thánh; tám là trộm lấy đèn sáng nơi chùa tháp thờ Phật; chín là hủy báng khinh chê khi thấy người xấu xí; mười là huân tập các việc làm ác. Do mười nghiệp này mà bị quả báo xấu xí.
Lại có mười nghiệp khiến chúng sinh được quả báo thân thể đoan trang: Một là không sân hận; hai là bố thí quần áo; ba là yêu kính cha mẹ; bốn là kính trọng Hiền Thánh; năm là tu sửa trang nghiêm tháp Phật; sáu là quét dọn điện thờ; bảy là quét dọn chỗ ở của chúng Tăng; tám là quét dọn tháp Phật; chín là khi thấy người xấu xí, không sinh tâm khinh chê mà lại khởi tâm quý kính; mười là khi thấy người dáng mạo đẹp đẽ, liền biết được nhân quá khứ. Do mười nghiệp này mà được quả báo thân thể đoan trang.
Lại có mười nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo uy thế nhỏ: Một là đối với các chúng sinh, khởi tâm tật đố; hai là khi thấy người khác được lợi, tâm sinh phiền não; ba là khi thấy người bất lợi, tâm mình hoan hỷ; bốn là với người được tiếng tốt, khởi tâm ganh ghét; năm là khi thấy người mất tiếng tốt, tâm rất vui vẻ; sáu là thối lui tâm Bồ-đề, phá huỷ hình tượng Phật; bảy là không có tâm quý kính hầu hạ cha mẹ mình và Hiền Thánh; tám là khuyên người tu tập nghiệp uy đức nhỏ; chín là gây trở ngại việc tu hành nghiệp uy đức lớn của người; mười là khi thấy người có uy đức nhỏ, sinh tâm khinh chê.
Do mười nghiệp này mà bị quả báo uy thế nhỏ.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo uy thế lớn: Một là đối với các chúng sinh, tâm không tật đố; hai là khi thấy người được lợi, tâm sinh hoan hỷ; ba là khi thấy người mất lợi, khởi tâm thương xót; bốn là đối với tiếng tốt của người, tâm sinh vui vẻ; năm là khi thấy người mất tiếng tốt, trợ giúp an ủi để giảm bớt lo buồn; sáu là phát tâm Bồ-đề, tạo hình tượng Phật, cúng thí lọng báu; bảy là cung kính hầu hạ cha mẹ mình và các bậc Hiền Thánh; tám là khuyên người xả bỏ nghiệp uy đức nhỏ; chín là khuyên người tu hành nghiệp uy đức lớn; mười là khi thấy người không có uy đức, không sinh khinh chê. Do mười nghiệp này mà được quả báo uy thế lớn.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo dòng họ thấp hèn: Một là không biết kính cha; hai là không biết kính mẹ; ba là không biết kính Sa-môn; bốn là không biết kính Bà-la-môn; năm là tâm không quý kính các bậc lớn tuổi; sáu là không hầu hạ cúng dường các bậc Sư trưởng (Thầy Tổ); bảy là khi thấy các bậc lớn tuổi, không đón tiếp mời ngồi; tám là không vâng theo lời dạy của cha mẹ; chín là không kính nhận lời dạy của Hiền Thánh; mười là khinh thường dòng họ thấp hèn. Do mười nghiệp này mà bị quả báo dòng họ thấp hèn.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo dòng họ cao thượng (quý tộc): Một là khéo biết kính cha; hai là khéo biết kính mẹ; ba là khéo biết kính Sa-môn; bốn là khéo biết kính Bà-la-môn; năm là kính giúp những người lớn tuổi; sáu là hầu hạ Sư trưởng; bảy là khi thấy những người lớn tuổi, bèn tiếp đón mời ngồi; tám là quý kính nghe theo lời dạy của cha mẹ; chín là cung kính tiếp nhận lời dạy của Hiền Thánh; mười là không khinh thường dòng họ thấp hèn. Do mười nghiệp này mà được quả báo dòng họ cao thượng.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo tài sản ít: Một là tự làm việc trộm cướp; hai là khuyên người trộm cướp; ba là khen ngợi việc trộm cướp; bốn là khi thấy người trộm cướp, sinh tâm hoan hỷ; năm là cắt giảm tài sản của cha mẹ; sáu là chiếm đoạt tài sản của Hiền Thánh; bảy là khi thấy người được lợi, tâm không hoan hỷ; tám là gây trở ngại, làm khó dễ người khác được lợi; chín là khi thấy người bố thí, không sinh tâm tùy hỷ; mười là khi thấy người đời bị thiên tai đói kém, tâm không thương xót mà lại sinh hoan hỷ. Do mười nghiệp này mà bị quả báo tài sản ít.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo tài sản nhiều: Một là tự xa lìa việc trộm cướp; hai là khuyên người không trộm cướp; ba là khen ngợi việc làm không trộm cướp; bốn là thấy người không trộm cướp, tâm sinh hoan hỷ; năm là cung cấp tài sản nuôi sống cha mẹ; sáu là cúng dường những vật cần thiết cho Hiền Thánh; bảy là khi thấy người được lợi, tâm sinh hoan hỷ; tám là khi thấy người cầu lợi, tìm cách trợ giúp; chín là khi thấy người thích bố thí, tâm sinh vui vẻ; mười là khi thấy người đời đói rét, tâm sinh thương xót. Do mười nghiệp này mà được quả báo tài sản nhiều.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo trí tà kiến: Một là không hay thưa hỏi Sa-môn (tu sĩ), Bà-la-môn trí tuệ; hai là giảng nói pháp ác; ba là không thể thọ trì tu tập chánh pháp; bốn là khen ngợi pháp luật tà đạo, dùng làm pháp luật chánh đạo; năm là bỏn sẻn pháp không nói cho người biết; sáu là gần gũi người trí tà kiến; bảy là xa lìa bậc trí chân chánh; tám là khen ngợi tà kiến; chín là xả bỏ chánh kiến; mười là thấy người si ác, khinh chê hủy báng. Do mười nghiệp này mà bị quả báo trí tà kiến.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo trí chân chánh: Một là khéo hay thưa hỏi Sa-môn, Bà-la-môn trí tuệ; hai là giảng nói pháp lành; ba là nghe kĩ nhớ mãi không quên chánh pháp; bốn là thấy người nói pháp luật chân chánh, khen ngợi: “Lành thay!”; năm là thích nói chánh pháp; sáu là gần gũi người trí chân chánh; bảy là bảo vệ chánh pháp; tám là siêng năng huân tập nghe nhiều; chín là lìa xa tà kiến; mười là thấy người si ác, không sinh tâm khinh chê. Do mười nghiệp này mà được quả báo trí chân chánh.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo địa ngục: Một là thân làm việc cực ác (Đề-bà-đạt-đa tạo tội ngũ nghịch: làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng, giết chết Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc đã chứng A-la-hán); hai là miệng nói lời cực ác; ba là ý nghĩ điều cực ác; bốn là khởi chấp đoạn kiến (chết rồi là hết, không tin có kiếp sau v.v…); năm là khởi chấp thường kiến (chúng sinh trước sau không thay đổi, không tin luật nhân quả v.v…); sáu là khởi kiến chấp không có nguyên nhân; bảy là khởi kiến chấp không có người làm; tám là khởi kiến chấp không (người học thiền không có căn bản dễ bị bệnh này); chín là khởi kiến chấp một bên; mười là không biết đền ân đáp nghĩa. Do mười nghiệp này mà bị quả báo địa ngục.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo ngạ quỷ: Một là thân làm nghiệp ác bậc trung; hai là miệng nói nghiệp ác bậc trung; ba là ý nghĩ nghiệp ác bậc trung; bốn là khởi nhiều tâm tham dục; năm là khởi tâm tham muốn cưỡng chiến tài sản của người; sáu là tật đố; bảy là tà kiến; tám là luyến tiếc tài sản liền mạng chung; chín là do đói mà chết; mười là khô khát mà chết. Do mười nghiệp này mà bị quả báo ngạ quỷ.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo súc sinh: Một là thân làm nghiệp ác nhẹ; hai là miệng nói nghiệp ác nhẹ; ba là ý nghĩ nghiệp ác nhẹ; bốn là từ phiền não tham khởi các nghiệp ác; năm là từ phiền não sân khởi các nghiệp ác; sáu là từ phiền não si khởi các nghiệp ác; bảy là mắng chửi chúng sinh; tám là gây não hại chúng sinh; chín là bố thí vật không thanh tịnh (dâm nữ, thuốc độc, vũ khí giết người, vật trộm cướp v.v…); mười là làm việc tà dâm. Do mười nghiệp này mà bị quả báo súc sinh.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo A–tu–la: Một là thân làm nghiệp ác nhỏ; hai là miệng nói nghiệp ác nhỏ; ba là ý nghĩ nghiệp ác nhỏ; bốn là kiêu mạn; năm là ngã mạn; sáu là tăng thượng mạn; bảy là đại ngã mạn; tám là tà mạn (không có thật đức mà cho là mình có đạo đức, khiến tâm kiêu mạn); chín là mạn mạn (mình không bằng người mà lại cho mình hơn người); mười là hồi hướng các căn lành, mong được sinh cõi A–tu–la. Do mười nghiệp này mà bị quả báo A–tu–la.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo làm người: Một là không sát sinh; hai là không trộm cướp; ba là không tà dâm; bốn là không vọng ngữ; năm là không nói thêu dệt; sáu là chẳng nói đòn xóc hai đầu; bảy là không mắng chửi; tám là không tham lam; chín là không sân hận; mười là không tà kiến. Đối với mười nghiệp lành, giữ gìn thiếu xót không được trọn vẹn. Do mười nghiệp này mà được quả báo làm người.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo Trời Dục giới, đó là do tu hành đầy đủ mười nghiệp lành tăng tiến.
Lại có mười nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo Trời Sắc giới, đó là do tu hành mười nghiệp lành hữu lậu (còn phiền não) cùng kết hợp với tu thiền định (chứng Tứ thiền).
Lại có bốn nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo Trời Vô sắc giới: Một là vượt qua tất cả tưởng về sắc, diệt có tưởng có đối tượng, nhập nơi định không sứ (chỗ rỗng không); hai là vượt qua tất cả định Không xứ, nhập định Thức xứ (chỗ chỉ còn ý thức); ba là vượt qua tất cả định Thức xứ, nhập định Vô sở hữu xứ (chỗ không có sở hữu); bốn là vượt qua định Vô sở hữu xứ, nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ (chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng). Do bốn nghiệp này mà được quả báo Trời Vô sắc giới.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo quyết định: Nếu người đối với Phật, Pháp, Tăng và những người trì giới thanh tịnh, dùng tâm tăng thượng (tâm thanh tịnh chí thành) mà bố thí (cúng dường), do nghiệp lành này mà phát nguyện hồi hướng về, liền được sinh vào cõi lành. Đó gọi là nghiệp quả báo quyết định.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo không quyết định: Nếu nghiệp không phải do tâm tăng thượng làm, lại không tu tập, cũng không phát nguyện hồi hướng thọ sinh, đó gọi là nghiệp quả báo không quyết định.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo ở vùng biên địa (vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa): Nếu người đối với chỗ Phật, Pháp, Tăng, người trì giới và đại chúng mà tạo nghiệp, tâm không tăng thượng, dùng căn lành này nguyện sinh vào vùng biên địa. Do nguyện này nên liền sinh vào vùng biên địa, thọ quả báo hoặc tốt hoặc xấu.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo sinh ở trung quốc (thủ đô, thành phố lớn): Nếu người đối với Phật, Pháp, Tăng, bên cạnh chỗ người Phạm hạnh trì giới thanh tịnh và đại chúng mà tạo nghiệp, khởi tâm tăng thượng, bố thí với tâm tha thiết chí thành. Do căn lành này mà quyết định phát nguyện cầu sinh trung quốc, lại được gặp Phật và nghe chánh Pháp, được quả báo thanh tịnh vô cùng tốt đẹp.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh chịu đầy đủ tuổi thọ trong địa ngục:
Nếu có chúng sinh tạo nghiệp địa ngục rồi, không hổ không thẹn, lại không chán lìa, lòng không sợ sệt, ngược lại còn sinh hoan hỷ, không sám hối mà lại tạo thêm nghiệp ác tăng thêm nhiều lớp, như Đề-bà-đạt-đa v.v… Do nghiệp này nên phải chịu đầy đủ tuổi thọ trong địa ngục.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh đọa vào địa ngục, đến phân nửa tuổi thọ rồi chết yểu, không chịu đầy đủ tuổi thọ trong địa ngục: Nếu có chúng sinh tạo nghiệp địa ngục, nghiệp tích luỹ thành rồi, sau lại sinh tâm sợ hại, hổ thẹn, chán lìa, sám hối trừ bỏ, không có tâm tạo thêm. Do nghiệp này nên phải đọa địa ngục; vì lúc sau hối hận nên chỉ chịu phân nửa số tuổi thọ nơi địa ngục rồi chết yểu, không phải chịu đầy đủ tuổi thọ trong địa ngục.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh đọa vào địa ngục, tạm vào liền ra: Nếu có chúng sinh tạo nghiệp địa ngục, làm rồi bèn sợ hãi, khởi lòng tin thanh tịnh, sinh lòng hổ thẹn, chán ghét trừ bỏ, chí thành sám hối, lại không tạo thêm nữa, như Vua A-xà-thế giết cha và tạo các tội … nên chỉ tạm vào địa ngục, rồi liền được giải thoát”.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Nếu người tạo trọng tội,
Làm xong rất ăn năn,
Sám hối không tái phạm,
Hay trừ nghiệp căn bản.
“Lại có nghiệp làm mà không huân tập: Nếu có chúng sinh thân, khẩu, ý tạo các nghiệp ác, tạo rồi sợ hãi, hổ thẹn mà xa lìa, rất tự hối hận ăn năn, lại không tái phạm nữa, đó gọi là làm mà không huân tập.
Lại có nghiệp huân tập mà không làm: Nếu có chúng sinh tự không tạo nghiệp, do tâm ác mà khuyên người làm ác, đó gọi là huân tập mà không làm.
Lại có nghiệp cũng làm cũng huân tập: Nếu có chúng sinh tạo các nghiệp ác rồi, tâm không hối hận sửa đổi mà lại gây tạo luôn luôn, cũng khuyên người khác làm, đó gọi là cũng làm cũng huân tập.
Lại có nghiệp không làm không huân tập: Nếu có chúng sinh tự không tạo nghiệp, cũng không dạy người nghiệp vô kí (không thiện không ác) v.v…, đó gọi là không làm không huân tập.
Lại có nghiệp ban đầu vui lúc sau khổ: Nếu có chúng sinh nhờ được người khuyên bảo mà hoan hỷ bố thí, vì tâm bố thí không kiên cố nên lúc sau lại hối tiếc. Do nhân duyên này nên sinh ở nhân gian, trước tuy giàu vui, sau lại nghèo khổ. Đó gọi là ban đầu vui lúc sau khổ.
Lại có nghiệp ban đầu khổ lúc sau vui: Nếu có chúng sinh nhờ được người khuyên bảo nên bố thí chút ít trong chốc lát, bố thí rồi hoan hỷ, tâm không hối tiếc. Do nhân duyên này nên sinh ở nhân gian, ban đầu nghèo khổ, sau lại giàu vui. Đó gọi là ban đầu khổ lúc sau vui.
Lại có nghiệp ban đầu khổ lúc sau khổ. Nếu có chúng sinh rời bỏ thiện tri thức, không có ai khuyên dạy, cho đến cũng không thể làm một chút việc bố thí. Do nhân duyên này nên sinh ở nhân gian, lúc đầu nghèo khổ, sau cũng nghèo khổ. Đó gọi là ban đầu khổ lúc sau khổ.
Lại có nghiệp ban đầu vui lúc sau vui: Nếu có chúng sinh gần gũi thiện tri thức, được khuyên dạy thực hành bố thí, liền sinh tâm hoan hỷ mà thực hành việc nghiệp bố thí kiên định (lâu dài). Do nhân duyên này nên sinh ở nhân gian, ban đầu giàu vui, sau cũng giàu vui.
Lại có nghiệp nghèo mà thích bố thí: Nếu có chúng sinh trước từng thực hành bố thí mà không được gặp phước điền (Phật, Pháp, Tăng), lưu chuyển trong sinh tử, sinh trong loài người. Do không gặp phước điền nên quả báo nhỏ nhoi, vừa được liền mất; do từng huân tập nghiệp bố thí nên tuy ở chỗ nghèo cùng mà hay ưa thích thực hành bố thí.
Lại có nghiệp giàu mà keo tham: Nếu có chúng sinh chưa từng bố thí mà được gặp thiện tri thức, nên tạm thời bố thí một lần lại gặp được phước điền tốt. Do phước điền tốt nên nay được tài sản đầy đủ, vì trước đó không huân tập nghiệp bố thí nên tuy giàu mà lại keo tham.
Lại có nghiệp giàu mà hay bố thí: Nếu có chúng sinh được gặp thiện tri thức, phần nhiều tu nghiệp bố thí lại gặp phước điền tốt. Do nhân duyên này nên giàu to, có nhiều tài sản mà hay thích làm việc bố thí (ông Cấp Cô Độc và bà Tỳ-xá-khư).
Lại có nghiệp nghèo mà keo tham: Nếu có chúng sinh rời bỏ thiện tri thức, không được ai khuyên dạy nên không thể làm việc bố thí. Do nhân duyên này nên sinh nơi nghèo cùng mà lại keo tham.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh được thân vui, mà tâm không vui: Như phàm phu có phước (tâm còn nhiều phiền não).
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh được tâm vui, mà thân không vui: Như La-hán không có phước.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh được thân tâm đều vui: Như La-hán có phước (Tôn giả Si-va-ly).
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh được thân tâm đều không vui: Như phàm phu không có phước.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh mạng sống hết mà nghiệp không hết: Nếu có chúng sinh từ địa ngục chết rồi lại sinh trở vào địa ngục; các loài súc sinh, ngạ quỷ, người, Trời, A–tu–la cũng lại như thế. Đó gọi là mạng sống hết mà nghiệp không hết.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh nghiệp hết mà mạng sống không hết: Nếu có chúng sinh thọ vui hết thì thọ khổ, khổ hết thì thọ vui. Đó gọi là nghiệp hết mà mạng sống không hết.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh nghiệp và mạng sống đều không hết: Nếu có chúng sinh từ địa ngục chết, sinh nơi súc sinh cho đến ngạ quỷ, cho đến người, Trời, A-tu-la… Đó gọi là nghiệp và mạng sống đều không hết.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh nghiệp và mạng sống đều hết:
Nếu có chúng sinh trừ hết các phiền não, nghĩa là những người chứng quả Tu–đà–hoàn, Tư–đà–hàm, A–na–hàm, A–la–hán v.v… Đó gọi là nghiệp và mạng sống đều hết.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh tuy sinh trong đường ác mà hình dáng rất đẹp, mày mắt đoan trang, da dẻ tươi sáng, được người thích nhìn: Nếu có chúng sinh do khởi nghiệp phiền não tham dục mà phá giới (người đã thọ giới giữ gìn thanh tịnh, sau do nhân duyên tâm tham năm dục khởi, làm chủ không được nên phá giới), vì nhân duyên này nên tuy sinh trong đường ác mà hình dáng rất đẹp, mày mắt đoan trang, da dẻ tươi sáng, được người thích nhìn.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh sinh nơi đường ác, hình dung xấu xí, da dẻ thô nhám, người không thích nhìn: Nếu có chúng sinh do khởi nghiệp phiền não sân mà phá giới, vì nhân duyên này nên sinh trong đường ác có hình dáng xấu xí, da dẻ thô nhám, người không thích nhìn.
Lại có nghiệp hay khiến chúng sinh sinh nơi đường ác, thân miệng hôi thối, các căn khuyết tật: Nếu có chúng sinh do khởi nghiệp phiền não si mà phá giới, vì nhân duyên này nên sinh nơi đường ác mà thân miệng hôi thối, các căn khuyết tật.
Lại có mười nghiệp bị quả báo xấu bên ngoài: Nếu có chúng sinh nơi mười nghiệp ác, phần nhiều thực hành nên chiêu cảm các vật bên ngoài đều không đầy đủ:
Một là do nghiệp sát sinh gây, nên khiến bị những quả báo bên ngoài như: đất có vị mặn, cây thuốc mọc yếu ớt.
Hai là do nghiệp trộm cướp gây, nên chiêu cảm ra bên ngoài như: xuất hiện sương muối, mưa đá, châu chấu, sâu độc (phá hại mùa màng) v.v… khiến xảy ra nạn đói rét mất mùa.
Ba là do nghiệp tà dâm gây, nên chiêu cảm quả báo xấu như: gió mưa thất thường, trong không khí xuất hiện nhiều bụi bặm gây ô nhiễm.
Bốn là do nghiệp nói dối gây, nên chiêu cảm các sinh vật bên ngoài thảy đều hôi thối.
Năm là nghiệp lưỡng thiệt gây (đòn xóc hai đầu), nên chiêu cảm bề mặt quả đất cao thấp không bằng, núi cao sườn dốc, hang hóc hiểm trở, lúa mạng, rau củ èo uột.
Sáu là do nghiệp ác khẩu gây, nên chiêu cảm quả báo bên ngoài có các vật xấu như: ngói đá, cát sỏi thô xấu v.v… không thể đến gần.
Bảy là do nghiệp nói thêu dệt gây, nên chiêu cảm quả báo bên ngoài khiến cho cỏ hoang mọc dày đặc, cành có nhiều gai.
Tám là do nghiệp tham gây, nên chiêu cảm quả báo bên ngoài khiến cho các hạt hoa màu nhỏ lép.
Chín là do nghiệp sân gây, nên chiêu cảm quả báo bên ngoài khiến cho quả hạt của các cây to có vị đắng chát.
Mười là do nghiệp tà kiến gây, nên chiêu cảm quả báo bên ngoài khiến cho hoa màu không có củ quả, khi thu hoạch thì bị héo úa. Do mười nghiệp này mà bị quả báo xấu bên ngoài.
Lại có mười nghiệp được quả báo thù thắng bên ngoài: Nếu có chúng sinh tu mười nghiệp lành, được quả báo trái ngược với các điều vừa nêu trên, sẽ biết được liền mười quả báo thù thắng bên ngoài.
Nếu có chúng sinh lễ bái chùa tháp thờ Phật, được mười loại công đức:
Một là được sắc đẹp giọng nói hay; hai là có nói ra điều gì đều được nhiều người tin theo; ba là ở giữa đại chúng không sợ sệt; bốn là Trời, người yêu giúp đỡ; năm là có đầy đủ uy thế; sáu là chúng sinh có uy thế đều đến gần gũi nương tựa; bảy là thường được gần gũi chư Phật, Bồ-tát; tám là đầy đủ phước báo lớn; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết-bàn. Đó gọi là lễ bái chùa tháp thờ Phật được mười loại công đức.
Nếu có chúng sinh dâng cúng lọng báu, được mười loại công đức: Một là người kia ở đời cũng giống như ô dù che chở chúng sinh; hai là thân tâm an ổn, lìa các nóng bức khổ não; ba là được tất cả người kính trọng, không dám khinh thường; bốn là có uy thế lớn; năm là thường được gần gũi chư Phật, Bồ-tát, làm quyến thuộc với người có uy đức lớn; sáu là thường làm Chuyển Luân Thánh Vương; bảy là thường làm người đứng đầu, tu tập các nghiệp lành; tám là đầy đủ phước báo lớn; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết-bàn. Đó gọi là dâng cúng lọng báu được mười loại công đức.
Nếu có chúng sinh dâng cúng phướn lụa, được mười loại công đức: Một là người kia ở đời (rực rỡ) giống như phướn, Quốc vương, Đại thần, bạn thân, tri thức cung kính cúng dường; hai là giàu sang có thế lực tự tại, đầy đủ tài sản lớn; ba là tiếng tốt đồn xa, lan truyền khắp nơi; bốn là dáng mạo đoan trang, tuổi thọ lâu dài; năm là sinh ra nơi đâu cũng kiên định làm việc bố thí; sáu là được rất nổi tiếng; bảy là có uy đức lớn; tám là sinh trong dòng họ quý tộc; chín là thân hoại mạng chung sinh lên cõi Trời; mười là mau chứng Niết-bàn. Đó gọi là dâng cúng phướn lụa được mười loại công đức.
Nếu có chúng sinh dâng cúng chuông linh, được mười loại công đức: Một là người kia được âm thanh Phạm thiên; hai là có danh tiếng lớn; ba là tự biết đời quá khứ; bốn là có nói ra điều gì mọi người đều kính tin; năm là thường có lọng báu để tự trang nghiêm; sáu là có vòng chuỗi ngọc đẹp để làm trang sức; bảy là tướng mạo đoan nghiêm, người nhìn hoan hỷ; tám là đầy đủ phước báo lớn; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng quả Niết-bàn. Đó gọi là dâng cúng chuông linh được mười loại công đức.
Nếu có chúng sinh dâng cúng y phục, được mười thứ công đức: Một là khuôn mặt người kia đoan nghiêm; hai là nước da mịn màng sáng láng; ba là bụi nhơ không dính được; bốn là sinh ra liền có đầy đủ y phục đặc biệt rất đẹp; năm là giường nệm quý tốt che chở thân thể; sáu là đầy đủ y phục hổ thẹn; bảy là người thấy đều yêu kính; tám là đầy đủ tài sản lớn; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết-bàn. Đó gọi là dâng cúng y phục được mười thứ công đức.
Nếu có chúng sinh dâng cúng chén bát, được mười thứ công đức: Một là người kia ở đời giống như vật báu; hai là được pháp lành thấm nhuần; ba là lìa tâm khát ái; bốn là nếu khát nhớ đến nước thì dòng suối vọt ra; năm là khi mạng chung không sinh trong loài ngạ quỷ; sáu là được châu báu cõi Trời; bảy là xa lìa chúng bạn ác; tám là đầy đủ phước báo lớn; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết-bàn. Đó gọi là dâng cúng chén bát được mười loại công đức.
Nếu có chúng sinh dâng cúng thức ăn nước uống, được mười thứ công đức: Một là người kia được sống lâu; hai là được sắc đẹp; ba là được sức mạnh; bốn là lòng an ổn, được vô ngại biện tài; năm là được không sợ sệt; sáu là không có tâm lười nhác, được đại chúng kính trọng; bảy là được nhiều người yêu thích; tám là đủ phước báo lớn; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết-bàn. Đó là dâng cúng thức ăn nước uống được mười loại công đức.
Nếu có chúng sinh dâng cúng giày dép được mười thứ công đức: Một là đầy đủ xe tốt đẹp; hai là bàn chân vững chắc; ba là bàn chân mềm mại; bốn là bước xa nhẹ khỏe; năm là thân không mệt mỏi; sáu là chỗ đi đến không bị gai nhọn, ngói gạch làm tổn thương chân; bảy là được sức thần thông; tám là đủ các vật nhu yếu phẩm; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết-Bàn. Đó gọi là dâng cúng giày dép được mười loại công đức.
Nếu có chúng sinh dâng cúng hương hoa, được mười thứ công đức: Một là người kia ở đời sạch đẹp như hoa; hai là thân không hôi thối; ba là hương phước, hương giới bay khắp mọi nơi; bốn là tùy chỗ sinh ra, căn mũi không bị hư hoại; năm là vượt trội người đời, được nhiều người quy ngưỡng; sáu là thân thường sạch thơm; bảy là yêu thích chánh Pháp, thọ trì (lãnh thọ ghi nhớ) đọc tụng; tám là đầy đủ phước báo lớn; chín là mạng chung sinh cõi trời; mười là mau chứng Niết-bàn. Đó gọi là dâng cúng hương hoa được mười loại công đức.
Nếu có chúng sinh dâng cúng đèn sáng, được mười thứ công đức: Một là người kia chiếu soi thế gian như đèn sáng; hai là tùy chỗ sinh ra, căn mắt không bị hư hoại; ba là được mắt Trời; bốn là nơi pháp thiện ác, được trí tuệ khéo phân biệt; năm là trừ diệt tối tăm; sáu là được trí tuệ sáng suốt; bảy là dù lưu chuyển trong thế gian, thường không ở chỗ hắc ám; tám là đầy đủ phước báo lớn; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết-bàn. Đó gọi là dâng cúng đèn sáng được mười loại công đức.
Nếu có chúng sinh cung kính chắp tay, được mười thứ công đức: Một là được phước báo thù thắng; hai là sinh trong dòng họ quý tộc; ba là được sắc đẹp đặc biệt; bốn là được giọng nói rất hay; năm là được lọng che thù thắng; sáu là được biện tài vô ngại; bảy là được lòng tin thù thắng; tám là được giới hạnh thù thắng; chín là được nghe nhiều thù thắng; mười là được trí tuệ thù thắng. Đó gọi là cung kính chắp tay được mười thứ công đức”.
Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp này xong, trưởng giả Thủ-ca ở chỗ Như Lai được lòng tin thanh tịnh. Bấy giờ, Thủ-ca đầu mặt lễ chạm chân Phật, nói lời như sau: “Nay con thỉnh Phật đi đến thành Xá-bà-đề (Xá-vệ) đến nhà trưởng giả Lực-đề là cha của con. Nguyện khiến cho cha của con và tất cả chúng sinh được nhiều đời an lạc”. Bấy giờ, Thế Tôn vì muốn lợi ích chúng sinh nên im lặng nhận lời.
Bấy giờ, Thủ-ca nghe Phật nói xong, tâm rất hoan hỷ, đảnh lễ rồi ra về.
(Nguồn: Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, Việt dịch: Thích Tuệ Thông, tr.9-46, Nxb.Hồng Đức, ấn hành PL.2561 - DL.2017)
Bình luận (1)
Ban quản trị
- Chủ quyền của đất nước;
- Các vấn đề về chính trị;
- Các phát ngôn cho mục đích hoặc có dấu hiệu chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ và gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo;
- Vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cho mục đích trên, chúng tôi tuyên bố có quyền xóa, gỡ bỏ hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp nào thuộc quyền của Ban Quản trị và Chủ sở hữu; và tố cáo với cơ quan chức năng hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Phạm Thị Uyên